Confirmation bias: Niềm tin về “niềm tin” của bạn có chính xác? | Vietcetera
Billboard banner
22 Thg 06, 2021
Cuộc SốngTâm Lý Học

Confirmation bias: Niềm tin về “niềm tin” của bạn có chính xác?

Thiên kiến xác nhận (confirmation bias) giải thích vì sao chúng ta vô thức đi tìm thông tin củng cố cho niềm tin sẵn có.
Confirmation bias: Niềm tin về “niềm tin” của bạn có chính xác?

Minh Phương @phuonglivesbeautifully_ cho Vietcetera

Hồi nhỏ bạn đã từng khăng khăng ông già Noel có thật vì được nhận quà mỗi Giáng Sinh? Hay cho rằng người hướng nội thì không có khả năng lãnh đạo so với người hướng ngoại?

Đây là những niềm tin được điều phối bởi thiên kiến xác nhận, nó khiến bạn vô thức đi tìm thông tin để chứng minh cho chúng. Các bằng chứng này tuy giúp củng cố lập luận của bạn nhưng lại tạo ra nhiều điểm mù khiến bạn khó nhận ra rằng chúng không hoàn toàn chính xác như bạn nghĩ, và bạn đang thiên vị niềm tin của mình.

Confirmation bias - Thiên kiến xác nhận là gì?

Thiên kiến xác nhận (confirmation bias) là xu hướng tìm kiếm thông tin để củng cố suy nghĩ, niềm tin của bản thân. Điều này diễn ra khi bạn chỉ tập trung bổ trợ niềm tin của mình mà bỏ qua các thông tin khác có nội dung trái chiều. (Nguồn: britannica.com)

Chẳng hạn khi bạn tin người hướng ngoại năng động hoạt bát hơn, bạn sẽ có xu hướng chọn làm việc với người hướng ngoại, điều này tiếp tục củng cố cho niềm tin của bạn từ trước. Nhưng nghiên cứu đã cho thấy dù hướng nội hay hướng ngoại, họ có điểm mạnh, điểm yếu riêng, và đều đóng góp các giá trị khác nhau trong công việc.

Khái niệm thiên kiến được phát triển lần đầu từ thí nghiệm của nhà tâm lý Peter Watson, khi những người tham gia phải tìm ra quy tắc sắp xếp các con số trùng với nghiên cứu viên. Kết quả cho thấy họ chọn đáp án giống với giả định đã có trước và từ chối những phương án còn lại, thậm chí còn rất tự tin với sự lựa chọn đó dù chúng không chính xác.

thiecircn kiến xaacutec nhận
Nhớ về những lần nhận quà giáng sinh củng cố niềm tin ông già noel là có thật

Trong suốt quá trình nghiên cứu, các nhà tâm lý tìm ra 3 loại thiên kiến xác nhận phổ biến (theo trang simplypsychology.org):

  • Thiên kiến tìm kiếm thông tin: Xu hướng tìm thông tin một chiều để củng cố cho niềm tin sẵn có, hoặc đưa ra những câu hỏi mang tính một chiều khi nghiên cứu. Chẳng hạn bạn tin rằng người thuận tay trái thông minh hơn, khi tìm thông tin này trên Google, bạn thường sẽ đặt câu hỏi như "Người thuận tay trái có thông minh hơn không?"
  • Thiên kiến phân tích: Diễn ra khi ta phân tích những dữ liệu đang có theo cách củng cố cho niềm tin có sẵn. Điều này khiến chúng ta đánh giá cao bằng chứng xác nhận hơn là bằng chứng nghi ngờ quan điểm của mình.
  • Trí nhớ thiên kiến: Chúng ta chọn lọc ký ức phù hợp với niềm tin sẵn có. Chẳng hạn bạn tin ông già Noel có thật vì nhớ rõ ràng năm nào cũng được nhận quà Giáng Sinh.

Vì sao ta thường vấp phải thiên kiến xác nhận?

Chúng ta có thể vô thức vấp phải thiên kiến xác nhận bởi ba lý do sau:

1. Quá trình xử lý thông tin

Giới hạn đón nhận thông tin của não bộ khiến ta khó tiếp thu được nhiều thông tin cùng một lúc, buộc ta phải chọn lọc nội dung để tiếp thu (Tham khảo). Quá trình này mang tên chú ý có chọn lọc (attention models), và thiên kiến xác nhận như một "bộ lọc" giúp ta chỉ tập trung vào vấn đề đang có và lượt bớt những điều ít liên quan hơn.

2. Bảo vệ lòng tự tôn

Lòng tự tôn là giá trị hình ảnh mà mỗi người tự đề ra. Chúng ta muốn bảo vệ hình ảnh đó bằng cách cam kết với niềm tin của mình. Kết quả là ta có xu hướng tìm kiếm thông tin để ủng hộ cho niềm tin đó.

Nhà tâm lý Robert Cialdini từng giải thích điều này trong 6 quy tắc thuyết phục, một trong số đó là “cam kết và tương đồng”. Khi đã cam kết với niềm tin nhất định, ta buộc phải giữ niềm tin đó vì không muốn trở thành kẻ ba hoa trong mắt người khác.

3. Giảm thiểu bất hòa nhận thức

Bất hòa nhận thức là trạng thái mâu thuẫn giữa suy nghĩ và hành động của con người. Sự bất hòa tạo ra trạng thái bức bối, buộc ta phải giảm mâu thuẫn bằng cách thay đổi suy nghĩ hoặc hành vi sao cho tương đồng.

Thiên kiến xác nhận thường được được sử dụng để giảm bất hòa trong suy nghĩ. Chẳng hạn lúc bạn không muốn học bài dù biết kiểm tra sắp đến. Thiên kiến xác nhận sẽ củng cố thêm thông tin để giảm tầm quan trọng của bài thi như nó không chiếm số điểm cao, bạn đã học từ hôm trước,...

Cách vượt qua thiên kiến xác nhận

Chúng ta luôn mong mình có được cái nhìn đa chiều để tránh niềm tin mù quáng và tăng độ chính xác trong việc tiếp nhận thông tin. Vậy làm thế nào để có góc nhìn đa chiều hơn về niềm tin của mình?

Kiểm tra niềm tin bằng cách thử nghiệm chúng trong thực tế

1. Thay đổi suy nghĩ nội tâm

Để tránh buồng vang thông tin (echo chamber) trên mạng xã hội cuốn bạn vào luồng thông tin một chiều, hãy đặt thêm nhiều câu hỏi thách thức niềm tin, hoặc áp dụng các cách dịch chuyển suy nghĩ sau đây:

  • Đọc thêm các bài viết, nghiên cứu đối lập.
  • Xem lại cách thức nghiên cứu: làm sao để tìm được những thông tin đa chiều hơn? Bạn đã từng mắc phải thiên kiến nào trong quá trình nghiên cứu?
  • Kiểm tra độ tin cậy của thông tin: những bằng chứng củng cố, đối lập có đáng tin cậy? Chúng có đến từ nguồn nào?

2. Cho phép bản thân được sai

Đôi khi lòng tự tôn hay nỗi ám ảnh với sự hoàn hảo không cho phép bạn được mắc lỗi trong niềm tin của mình. Cầu toàn quá mức đôi khi khiến bạn sợ hãi khi phải mắc sai lầm, mà chúng ta lại không thể không phạm lỗi để học hỏi thêm và có một tâm trí cởi mở hơn.

Bạn có thể thực hành điều này qua bài viết Làm thế nào để thoát khỏi ám ảnh về sự hoàn hảo.

3. Kiểm tra niềm tin của bạn

Cách dễ nhất để giảm thiên kiến là kiểm tra niềm tin ngay trong cuộc sống của bạn. Những bằng chứng gần gũi trước mắt sẽ giúp bạn dễ xác nhận hơn là thông tin bạn đọc được.

Ví dụ, để kiếm chứng cho sự hiện diện của ông già Noel, hãy thử thức xuyên một đêm Giáng Sinh. Hay nếu bạn tin rằng nước ép cần tây có lợi cho sức khỏe, hãy thử uống và xem sự chuyển biến của cơ thể.