Echo chamber là gì? Bạn có phải nạn nhân của vòng lặp thông tin? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Echo chamber là gì? Bạn có phải nạn nhân của vòng lặp thông tin?

Mạng xã hội chỉ cho thấy điều bạn đã tin và khiến bạn rơi vào echo chamber (buồng vang thông tin). Điều này diễn ra thế nào?
Echo chamber là gì? Bạn có phải nạn nhân của vòng lặp thông tin?

Buồng vang thông tin (Echo chamber)

Những niềm tin như Trái Đất phẳng hoặc các thuyết âm mưu vẫn lan tràn trên mạng xã hội, mặc kệ mọi thông tin khoa học chính thống chứng minh điều ngược lại. Điều này có từng khiến bạn tự hỏi lý do? Chẳng nhẽ nhiều người thiếu lẽ thường (common sense) đến thế?

Có thể những người này đang rơi vào những buồng vang thông tin (echo chamber). Đặc biệt khi trải nghiệm mạng đang bị kiểm soát và chính não trạng chúng ta cũng có những yếu điểm, nhiều người đã hoàn toàn bỏ qua phía bên kia của cuộc tranh luận.

Echo chamber là gì?

Buồng vang thông tin (echo chamber) là một thuật ngữ ẩn dụ cho một môi trường nơi người bên trong chỉ tiếp nhận những thông tin, quan điểm giúp phản ánh và củng cố quan điểm sẵn có của họ.

Buồng vang thông tin có thể tạo nên tin giả và bóp méo góc nhìn của một cá nhân, khiến người đó khó tôn trọng quan điểm đối lập và mở rộng tầm nhìn.

Đây là khái niệm nổi tiếng nhờ TED Talk của Eli Pariser năm 2011, nói về hiện tượng các website và mạng xã hội sử dụng lịch sử duyệt tìm của người dùng để tạo ra thuật toán đề xuất thông tin liên quan ngược lại cho người dùng.

Buồng vang thocircng tin
Cách buồng vang thông tin hoạt động

Buồng vang thông tin khi kết hợp với tin giả lại càng trở thành một kịch bản cho thảm hoạ. Trước thềm Brexit (Anh ly khai khỏi Liên minh Châu Âu), tin giả rộ lên rằng nước Anh đã mất 350 triệu bảng mỗi tuần cho EU thay vì cho các công dân Anh. Mặc các kênh tin chính thống ra sức làm rõ, thông tin này vẫn lan rộng, góp phần vào kết quả Brexit về sau.

Internet đang đẩy chúng ta vào “buồng vang" bằng cách nào?

1. Tìm kiếm được cá nhân hóa (Personalized search)

Là kết quả tìm kiếm web được điều chỉnh để khớp với mối quan tâm của từng người dùng. Điều này được thực hiện theo 2 cách: thay đổi từ khóa của người dùng và xếp hạng kết quả tìm kiếm. Từ năm 2005 khi áp dụng tính năng này, Google có thể đã cá nhân hoá việc tìm kiếm bằng cách sử dụng các thông tin như địa điểm, ngôn ngữ và lịch sử web.

Tigravem kiếm từ khoaacute
Gợi ý từ khóa: Đánh dòng “Tar” trên thanh Google Search, bạn sẽ tìm được những gợi ý khác nhau, dựa trên lịch sử sử dụng.

Trong buổi TED Talk, Eli Pariser đã thực hiện một thử nghiệm tìm từ khóa “BP” trên Google. Kết quả là một người hiển thị về cổ phiếu của tập đoàn dầu khí British Petroleum, trong khi người còn lại nhận kết quả về vụ tràn dầu Deepwater Horizon tại vịnh Mexico. Kết quả tìm kiếm hoàn toàn khác biệt, ảnh hưởng đến cách tiếp cận thông tin của từng người dùng.

2. Quảng cáo nhắm đối tượng (Targeted advertising)

Bạn đã bao giờ có trải nghiệm “gai người” khi mới chỉ than phiền về da khô trong tin nhắn riêng thì sau đó thấy vô vàn quảng cáo về sản phẩm cấp ẩm trên Facebook hoặc Instagram? Cảm giác như bị theo dõi vậy.

Theo nghiên cứu của Wall Street Journal trên 50 trang web từ CNN tới Yahoo và MSN, mỗi trang cài trung bình 64 cookies thu dữ liệu. Pariser ví dụ: “Trên Dictionary.com có 223 cookies theo dõi trên máy tính bạn. Sau khi tìm từ khóa “trầm cảm” trên đó, những trang web khác sẽ quảng cáo ngay cho bạn thuốc điều trị trầm cảm.”

3. Thuật toán đề xuất trên mạng xã hội (Recommended algorithms)

Khi vừa ‘thích’ một video của một người nổi tiếng, người đó sẽ bắt đầu xuất hiện trong mục “Khám phá" (Explore) trên Instagram hoặc trang chủ YouTube của bạn. Hoặc tìm một tin tức, và bạn sẽ được đề xuất thêm nội dung, thậm chí quan điểm phân cực, quá đà (hardcore) về tin tức đó.

Đề xuất thêm các nội dung bạn vốn đã quan tâm là cách để các trang mạng xã hội níu giữ bạn trên nền tảng của họ. Tuy nhiên, khi lượng lớn người dùng sử dụng mạng xã hội làm nguồn tin tức chính, các thuật toán đề xuất này tạo nên các vòng lặp thông tin.

Vograveng lặp thocircng tin
Vòng lặp của echo chamber trên mạng xã hội. | Nguồn: Nghiên cứu “Tin giả trên mạng xã hội: Thuật toán hay Người dùng”, Đại học Heinrich-Heine-Universität Düsseldorf, Đức.

Đầu ra của thuật toán (các nội dung được đề xuất) cũng là một phần của đầu vào (nội dung người dùng tiêu thụ) và ngược lại. Như vậy, người dùng chỉ tìm được những gì họ đã sẵn biết.

Điểm yếu trong tâm lý của người dùng

Bản thân tâm lý con người cũng có những “điểm yếu” – mảnh đất màu mỡ cho Internet và mạng xã hội hình thành nên các buồng vang thông tin. Và chúng là:

1. Thiên kiến xác nhận

Thiên kiến xác nhận (confirmation bias) giải thích rằng chúng ta luôn tìm kiếm và ghi nhớ những thông tin phù hợp với điều mình kỳ vọng, thay vì tiếp nhận một cách khách quan.

Đây là một xu hướng tự nhiên của con người. Kể cả khi bạn có tư tưởng cởi mở và luôn quan sát kĩ trước khi đưa ra kết luận, bạn vẫn có khả năng bị ảnh hưởng bởi thiên kiến xác nhận.

Thiecircn kiến xaacutec nhận
Cách thiên kiến xác nhận hình thành.

2. Thiếu tư duy phản biện

Phó giáo sư C. Thi Nguyen tại Đại học Utah Valley, vấn đề của những người rơi vào buồng vang thông tin không chỉ gói gọn trong trải nghiệm mạng xã hội của họ. Mà bởi vì ngay từ đầu, họ đã mất lòng tin vào các thể chế khoa học.

Nghiên cứu của Đại học Pennsylvania cho biết, những người trong các buồng vang thông tin bị phụ thuộc vào nguồn tin sẵn có, đồng thời trở nên mẫn cảm với các nguồn tin bên ngoài.

Họ không tin vào nguồn tin nào ngoài cộng đồng có chung niềm tin với mình, từ đó vô tình mất đi tư duy phản biện. Dù tiếp cận quan điểm khác biệt, họ cũng không lắng nghe và tôn trọng.

Làm thế nào để thoát khỏi buồng vang thông tin?

Hơn 60% người dùng hoàn toàn không biết cách Facebook tuyển lọc thông tin. Họ tin rằng mọi tin tức từ bạn bè và những trang họ theo dõi sẽ hiện trên newsfeed của họ.

Hiểu cách mạng xã hội và Internet đang định hướng nguồn tin của bạn sẽ là bước đầu để có được tư duy khách quan và phản biện.

Thoaacutet khỏi vograveng lặp thocircng tin
Tìm hiểu cách mạng xã hội và Internet đề xuất thông tin là bước đầu giúp bạn thoát khỏi vòng lặp này.

Trang Wired đưa ra các tips hữu dụng như sau:

  • Chia sẻ nút like đều cho mọi thứ: Nền tảng không biết bạn đặc biệt thích gì nên cũng không thể đề xuất nội dung cụ thể.
  • Thay đổi feeds của bạn theo thời gian đăng, thay vì hiển thị được cá nhân hóa. Cả Facebook và Twitter đều có chế độ xem những bài đăng gần đây nhất, tuy cài đặt này hơi khó tìm và thường xuyên chuyển về lại chế độ cá nhân hóa.
  • Đọc tin từ nhiều phía và luôn kiểm tra tính xác thực. Nếu bạn có thói quen đọc tin từ mạng xã hội, hãy chuẩn bị một danh sách các nguồn tin đáng tin cậy và chủ động hình thành thói quen tìm-đọc - phân tích tin tức.
  • Tiếp nhận tin tức một cách khách quan và cởi mở. Hãy nhớ, bạn luôn đón nhận thông tin với định kiến có sẵn. Tập đặt mình vào những góc nhìn khác sẽ giúp bạn tránh bị cuốn vào lối mòn tư duy.