Làm thế nào để thoát khỏi ám ảnh về sự hoàn hảo? | Vietcetera
Billboard banner
13 Thg 08, 2020
Cuộc SốngChất Lượng Sống

Làm thế nào để thoát khỏi ám ảnh về sự hoàn hảo?

Dưới vỏ bọc của sự cầu toàn là nỗi bất an khiến chính bạn và người xung quanh khổ sở. Cùng Vietcetera thoát khỏi sự hoàn hảo và những áp lực từ chúng

Làm thế nào để thoát khỏi ám ảnh về sự hoàn hảo?

Trang Phạm @tranglearntoart cho Vietcetera

Chúng ta có đang trở nên cầu toàn hơn trước? Người trẻ ngày nay đang có một áp lực vô hình phải trở nên hoàn hảo trong mọi khía cạnh: học tập, sự nghiệp, vẻ bề ngoài hay thậm chí là tìm kiếm nửa kia hoàn hảo.

Những người bị ảnh hưởng bởi áp lực này này thường vô tình tạo ra các tiêu chuẩn hà khắc cho bản thân và mọi người xung quanh. Họ dễ gặp căng thẳng và thất vọng khi không đáp ứng được kỳ vọng của mình. Dù vậy, nhiều người vẫn rất tự hào gắn cho mình nhãn “người cầu toàn”. 

Vì sao cầu toàn không hẳn đã tốt

Hiển nhiên, sự cầu toàn tích cực giúp chúng ta đạt được những thành công nhất định trong cuộc sống. Nhưng chủ nghĩa hoàn hảo không hẳn là đã hoàn hảo như mọi người vẫn nghĩ. 

Đầu tiên, cầu toàn có thể dẫn đến sự trì hoãn. Dưới vỏ bọc của sự cầu toàn là nỗi sợ thất bại. Mỗi khi đối diện với thử thách mới, người chuộng sự hoàn hảo sẽ nhìn thấy những gì có thể khiến họ thất bại đầu tiên. Họ sợ rằng mình sẽ không hoàn thành nhiệm vụ một cách hoàn mỹ nên họ thà chọn không làm.

Những suy nghĩ này dễ dàng kìm chân khiến họ không hoàn thành nhiều thứ. Chúng có thể gây ra những kết quả không đáng có như chậm tiến độ công việc hay căng thẳng với đồng nghiệp. 

Quá cầu toàn luôn quẩn quanh với những tiểu tiết sẽ sớm rút cạn năng lượng của bạn
Quá cầu toàn, luôn quẩn quanh với những tiểu tiết sẽ sớm rút cạn năng lượng của bạn.

Tính cách cầu toàn còn khiến ta đặt ra những tiêu chuẩn khắt khe với bản thân hơn. Tiêu chuẩn cao không có gì sai, nhưng tới mức cực đoan sẽ khiến bạn bực tức, tự dằn vặt và có thể dẫn đến bệnh trầm cảm cùng những chấn thương tâm lý khác.

Thực chất, người cầu toàn còn là một kiểu người thích làm hài lòng mọi người (people-pleaser). Ẩn sâu sau tính cách này là nỗi sợ bản thân bị từ chối. Do đó, họ thường khá để tâm đến cả những kỳ vọng mà người khác dành cho mình, chú ý đến từng tiểu tiết để mọi việc hoàn hảo nhất.

Vô tình, họ luôn phải đặt 100% sức lực và tâm trí vào mọi chuyện lớn nhỏ để không ai phê bình hay thất vọng. Việc đó dễ dàng khiến họ cảm thấy kiệt sức, cáu bẳn và không hài lòng với cuộc sống.

Làm thế nào khi sự cầu toàn đang khiến bạn chật vật?

1. Vạch ra kỳ vọng thực tế và không quá so đo với người khác

Mỗi người đều có một lộ trình khác nhau, bạn không cần so sánh quá trình của mình với kết quả của người khác. Thay vào đó, hãy đặt những tiêu chuẩn hợp lý với thực tế của mình. Những kỳ vọng thực tế sẽ giúp bạn tránh được sự thất vọng khi không đạt được mục tiêu. 

Ngoài ra, bạn có thể chia dự định lớn thành các mục tiêu nhỏ từng ngày, từng tuần. Việc này không chỉ giúp bạn theo dõi được tiến độ công việc hiện tại, đánh giá năng lực thực tế mà còn giúp định hướng rõ ràng.

2. Thành tựu không phải là thước đo duy nhất và đúng nhất về bạn

Đặt ra kỳ vọng hợp lý và hiểu rằng thành tựu không là tất cả
Đặt ra kỳ vọng hợp lý và hiểu rằng thành tựu không là tất cả

Thành công cũng quan trọng nhưng nó không phải là tất cả để định nghĩa con người bạn. “Mọi người sẽ không nhớ rõ những thành tựu của bạn nhưng họ sẽ ấn tượng với cảm nhận khi ở bên bạn” (Maya Angelou). Giá trị con người không đơn thuần nằm ở việc họ hoàn mỹ đến đâu, đạt được bao nhiêu giải thưởng hay giàu có đến mức nào. Nó nằm ở việc bạn là ai, tính cách và giá trị mà bạn theo đuổi.

Quá trình cũng quan trọng không kém kết quả. Người cầu toàn thường đong đếm thành công qua thành tựu, nhưng tập trung quá mức vào kết quả hoàn hảo có thể khiến bạn bỏ lỡ những khoảnh khắc đáng nhớ xuyên suốt cả quá trình. Thực chất, những điều mới mẻ bạn học được trên chặng đường sẽ đồng hành cùng bạn lâu hơn rất nhiều so với kết quả. 

3. Bản thân bạn cũng cần được trân trọng

Cuộc sống của bạn chỉ có một, đừng phí hoài chúng để sống cuộc đời làm hài lòng người khác. Mọi người bận tâm tới những nỗ lực của chính họ hơn là sự cố gắng của bạn. Vì thế đôi khi bạn sẽ tủi thân vì công sức của mình không được ghi nhận. 

Điều bạn cần làm là nhận thức được giá trị độc lập của mình, thay vì tìm kiếm điều đó thông qua người khác. Biết ơn những gì đang có, ghi lại những bước tiến nhỏ của bản thân, trân trọng khiếm khuyết của mình là chìa khóa mở ra cánh cửa hạnh phúc. 

4. Học cách thưởng thức sự không hoàn hảo

Thất bại không phải là điểm yếu và không ai là hoàn mỹ cả, bao gồm những người bạn cho là “sinh ra ở vạch đích” hay “có cuộc đời màu hồng”. Vẻ đẹp của sự không hoàn hảo nằm ở việc luôn có chỗ để bạn cố gắng hơn. Và nghệ thuật của cuộc sống chính là cách ta hiểu và yêu những điểm không hoàn hảo của mình. Chính những điều ấy mới làm nên phiên bản độc nhất của bạn.