Để tình bạn không rạn nứt sau tranh cãi | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
07 Thg 08, 2020
Thương

Để tình bạn không rạn nứt sau tranh cãi

Nếu cãi nhau là điều không thể tránh khỏi, sao không học cách tranh luận mà vẫn giữ được mối quan hệ với bạn bè?

Để tình bạn không rạn nứt sau tranh cãi

Thanh Trúc cho Vietcetera

Ở cao trào trong các bộ phim, chúng ta thường thấy cảnh các nhân vật chính – có thể là bạn bè, người yêu hay đồng nghiệp - giận dữ hét vào mặt nhau, tuôn trào hết cảm xúc trong lòng và khiến người xem cảm thấy thật sảng khoái. Nhưng ở ngoài đời, mấy khi chúng ta có những cuộc tranh cãi như thế?

Bạn có thể cảm thấy một thoáng khó chịu về hành động của bạn mình, xuất phát từ vài câu đùa quá trớn hay nhiều lần trễ hẹn. Nhưng rồi chúng ta quyết định làm gì? Không gì cả. Bởi chúng ta tin rằng bất đồng ý kiến sẽ khiến mối quan hệ rạn nứt. Thế là ta lại quyết định cho qua. 

Nhưng liệu ta có hoàn toàn không để bụng? Thật ra chúng vẫn ở đó, tích tụ và chờ đến một ngày bùng phát. Khi ấy, dù có hối hận chúng ta cũng không thể rút lại những gì đã nói. 

Sự bất đồng sẽ không vì bạn im lặng mà cứ thế biến mất. Nếu tranh luận là không thể tránh khỏi, vậy tại sao không học cách để tranh luận mà vẫn giữ được mối quan hệ với bạn bè?

Lắng nghe

Nhắc đến “học cách lắng nghe” hẳn nhiều người sẽ nghĩ “Biết rồi khổ lắm nói mãi”. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của Richard Hunsaker, khi lắng nghe người khác, chúng ta thường dành đến 75% thời gian ở trong trạng thái mất tập trung, lơ đãng, hay quên.

Bạn có bao giờ quan sát trạng thái của mình khi lắng nghe người đối diện? Liệu bạn đang thực sự để tâm đến lời nói và cảm xúc của họ, hay chỉ đang chờ họ nói xong để tiếp lời? Liệu bạn có “đóng khuôn” suy nghĩ của họ trước cả khi họ kịp nói hết câu? 

Lắng nghe là khi bạn thật sự hiện diện ở đó, không trôi nổi trong những suy nghĩ về quá khứ “Hồi xưa cậu ấy không có khó chịu như vậy”, tương lai “Cứ thêm vài lần thế này thì chắc mình phải ‘unfriend’ thôi”, hay hàng tá giả định về vị trí của bản thân trong lòng người bạn kia. “Tôi ở đây vì tôi muốn hiểu bạn đang cảm thấy thế nào”– đấy mới là thông điệp của việc lắng nghe mà chúng ta ai cũng muốn được nhận. 

Học cách chấp nhận

Chúng ta đều biết không ai là hoàn hảo và nên học cách chấp nhận những khiếm khuyết của nhau. Tuy nhiên tại sao chúng ta lại dễ mâu thuẫn với những người thân thiết đến thế? Các nhà tâm lý học cho biết nguyên nhân là vì chúng ta đều đem theo những kỳ vọng vào trong các mối quan hệ của mình.

Chấp nhận bạn mình như chính con người của họ
Chấp nhận bạn mình như chính con người của họ

Chúng ta đã kết bạn với nhau như thế nào? Vì chung sở thích, cùng môi trường học tập, làm việc hay đơn giản là nói chuyện hợp nhau? Nhưng càng trở nên thân thiết, chúng ta không còn đơn thuần nhìn đối phương như một cá nhân với những khía cạnh khác nhau như ban đầu nữa, mà dần đưa người đó vào một vai trò nhất định. 

Khi gọi ai đó là “bạn thân”, ta kỳ vọng họ sẽ có những ứng xử theo cách mà ta cho rằng phù hợp. Những kỳ vọng này dựa trên tính cách, môi trường sống và các mối quan hệ trước đó của mỗi người. Tuy nhiên, khi kỳ vọng của hai người không gặp nhau, đây có thể trở thành nguồn cơn cho những mâu thuẫn.

Chẳng hạn A tin rằng bạn thân là phải ủng hộ bất cứ quyết định nào của nhau, còn B lại thấy bạn thân thì cần thẳng thắn phê bình, góp ý. Thế là khi A than thở về “drama” ở chỗ làm và mong chờ sự đồng tình, thì B lại chỉ ra phần lỗi của A trong những câu chuyện. Cuối cùng A cảm thấy bị chính bạn mình lên án, còn B cho rằng bạn mình quá nhạy cảm. Trong câu chuyện, vốn chẳng có người đúng người sai, chỉ đơn giản là họ chưa hiểu được kỳ vọng của người kia mà thôi.

Chấp nhận một người là học cách hiểu những điểm khác biệt như thế, và không cố ép nhau phải thay đổi. A vẫn không thích nhận góp ý khi đang buồn bực, nhưng nếu hiểu rằng bạn không hề có ý xấu, A sẽ bớt phiền lòng và có thể nói rằng “Mình hiểu cậu muốn cho mình lời khuyên, nhưng hôm nay mình chỉ cần được tâm sự”. Ngược lại, khi biết A luôn mong được bạn bè ủng hộ, B có thể lựa chọn cách góp ý uyển chuyển hơn. 

Vậy chúng ta có cần chấp nhận mọi khía cạnh ở bạn bè của mình dù nó khiến ta cảm thấy không thoải mái hay không? 

Nhà tâm lý học Rick Hanson – làm việc tại Đại học California – chia sẻ: “Chấp nhận người khác không có nghĩa là luôn đồng ý với họ mà gạt đi những quyền lợi chính đáng của bản thân, hay xem nhẹ sức ảnh hưởng của họ lên mình”. Chúng ta vẫn có thể làm những điều mà mình tin là đúng đắn, nhưng bên cạnh đó, đôi khi chỉ cần chấp nhận con người thật của nhau cũng có thể khiến mọi thứ tốt đẹp hơn. 

Chú ý lời nói và ngôn ngữ cơ thể

Trong những cuộc tranh luận, chúng ta rất dễ rơi vào cái bẫy ngôn từ. Để khiến lời nói của mình có sức nặng hơn, đôi khi một lời nhận xét có thể biến thành chỉ trích

“Sao cậu lúc nào cũng đi muộn thế, cậu không biết nghĩ đến người khác à?” – là lời chỉ trích.

“Như thế này thì bọn mình ít thời gian đi chơi hơn rồi, lần sau cậu đến sớm hơn nhé!” – là lời góp ý đơn thuần.

Khi nói về những vấn đề dễ tranh cãi, nên dùng “chúng ta” thay vì “tôi”/”cậu” để tránh tạo cảm giác tấn công đối phương. Bên cạnh đó, bạn cũng không nên dùng những cụm từ tuyệt đối như “lúc nào cũng”, “chẳng bao giờ” hoặc kết luận về bản chất của người kia một cách tiêu cực. Những câu nói gây tổn thương có thể khiến giúp ta xả được bực tức ngay lúc đó, nhưng thường không giải quyết được vấn đề mà còn khiến mối quan hệ rạn nứt.

Tránh tấn công bạn mình bằng lời nói hay ngôn ngữ cực đoan khi tranh cãi
Tránh tấn công bạn mình bằng lời nói hay ngôn ngữ cực đoan khi tranh cãi

Ngoài lời nói, ngôn ngữ cơ thể cũng gửi đi thông điệp của chúng ta. Lời nói ôn hòa nhưng đi kèm những cử chỉ như bĩu môi, nhăn mặt, đảo mắt,… cũng có thể khiến cuộc đối thoại trở nên căng thẳng. 

Nghiên cứu của giáo sư Mehrabian tại Đại học California chỉ ra rằng: ngôn ngữ cơ thể, tông giọng và ngôn từ lần lượt đóng góp 55%, 38% và 7% trong giao tiếp.

Bạn có thể thực hành việc quan sát ngôn ngữ cơ thể của bản thân. Bất cứ lúc nào có thể, hãy dừng lại và để ý tư thế, biểu cảm của bạn, đặc biệt là khi có chuyện gì đó khiến bạn căng thẳng. Khi đã quen với việc quan sát chính mình, bạn sẽ dần kiểm soát được ngôn ngữ cơ thể ngay cả trong những tình huống không mấy dễ chịu.

Làm dịu tình huống và cùng giải quyết vấn đề

Trong một cuộc tranh luận, luôn có những khoảnh khắc mà không khí dần trở nên căng thẳng. Ngay khi nhận thấy điều này, chúng ta cần chủ động làm dịu lại tình huống ấy. Một số cụm từ hiệu quả mà các nhà tâm lý học khuyên dùng có thể là:

“Hay là tụi mình thử…”

“Mình biết là rất khó khi (cậu) phải…”

“Mình hiểu ý cậu, có phải cậu muốn nói…”

“Cậu cảm thấy thế nào?”

Những lần tranh luận có thể là cơ hội để bạn bè hiểu nhau sâu sắc hơn. Chúng ta biết được đâu là chủ đề nhạy cảm dễ khơi lên cảm xúc tiêu cực của nhau, những khó khăn hay tâm sự mà có thể bình thường người kia luôn giấu kín. Khi tiếp cận với cuộc tranh luận bằng tâm thế cởi mở và lắng nghe, đôi khi ta sẽ có một góc nhìn mới và cùng phân tích để giải quyết vấn đề. 

Nhớ về những điểm tốt của họ

Và đừng quên rằng không phải tự nhiên mà cả hai ở bên nhau suốt khoảng thời gian qua
Và đừng quên rằng không phải tự nhiên mà cả hai ở bên nhau suốt khoảng thời gian qua

Cuối cùng, để những tranh luận không ảnh hưởng đến mối quan hệ, hãy luôn nhớ về điểm tốt của đối phương. Vì sao hai người làm bạn suốt thời gian qua? Cả hai đã cùng trải qua những gì? Người kia đã đem đến những giá trị nào cho bạn? Chúng ta thường coi sự hiện diện của bạn bè là nghiễm nhiên mà quên đi việc ghi nhận nỗ lực của họ.

Có một người bạn mà khi bên họ, bạn được thoải mái bộc lộ bản thân là điều vô cùng may mắn. Không phải ai cũng có một người bạn để chia sẻ cả những điểm chung lẫn điểm đối lập. Một người như thế thì luôn xứng đáng để bạn học cách nhẫn nại khi đối diện với những mâu thuẫn không thể tránh.