Chỉ trích khi yêu. Nhận diện thói quen và nguy cơ tiềm ẩn | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
09 Thg 07, 2020
Thương

Chỉ trích khi yêu. Nhận diện thói quen và nguy cơ tiềm ẩn

Chỉ trích khác phàn nàn đơn thuần ra sao? Làm sao để không rơi vào cạm bẫy chỉ trích trong một mối quan hệ?

Chỉ trích khi yêu. Nhận diện thói quen và nguy cơ tiềm ẩn

Chỉ trích khi yêu. Nhận diện thói quen và nguy cơ tiềm ẩn

Khi giai đoạn trăng mật đi qua, hiển nhiên những giây phút không vừa mắt với tật xấu của nửa kia sẽ xuất hiện nhiều hơn. Những lời phàn nàn bắt đầu trở thành một phần tất yếu trong mối quan hệ.

Nếu không cẩn trọng trong lời nói, những lời phản ánh rất dễ phạm vào lối mòn chỉ trích. Qua thời gian, chỉ trích sẽ trở thành thói quen nguy hiểm ăn mòn giá trị cốt lõi của mối quan hệ.

Vậy chỉ trích khác phàn nàn đơn thuần ra sao, hậu quả thế nào? Cách giúp bản thân tránh rơi vào cạm bẫy này? Với mong muốn giúp hai bạn có thể hoàn thiện nhau hơn qua giao tiếp, bài viết sau sẽ làm sáng tỏ những câu hỏi trên.

1. Phân biệt giữa chỉ trích và phàn nàn đơn thuần

Nhận diện được hành vi chỉ trích chính là bước đầu trong việc chữa trị căn bệnh này
Nhận diện được hành vi chỉ trích chính là bước đầu trong việc "chữa trị" căn bệnh này.

Theo nhà trị liệu hôn nhân Zach Brittle, chỉ trích là “lời kết tội rằng bản chất của người kia là nguyên nhân gây ra rắc rối”. Ví dụ:

“Nguyên chậu bát cả ngày chưa rửa, sao anh vô trách nhiệm quá vậy?” là một lời chỉ trích.

“Bát đĩa trong chậu đầy rồi, một lát ăn xong thì không còn chỗ để bát đĩa bẩn nữa. Anh tranh thủ rửa giúp em trong lúc em nấu cơm được không?” là một lời phàn nàn đơn thuần.

Ngôn ngữ là điểm khác biệt mấu chốt giữa hai trường hợp kể trên. Dấu hiệu điển hình của ngôn ngữ phê phán bao gồm:

- Các cụm từ tuyệt đối như “lúc nào anh/em cũng…”, “anh/em không bao giờ…”,...

- Từ ngữ mang tính công kích cá nhân. Ví dụ:“anh/em chẳng làm gì ra hồn”, “anh/em có làm được đâu mà nói”,...

- Giọng điệu thù ghét, bao gồm: cao giọng, lớn tiếng, đay nghiến,...

Nếu bạn thấy lời phàn nàn của mình xuất hiện một hay nhiều các yếu tố trên, khả năng cao là bạn đang phê phán chứ không hề góp ý.

Nhà trị liệu tâm lý nam giới Kurt Smith cho rằng: “Ngôn ngữ phê phán giết chết giá trị thông điệp bạn muốn truyền tải, khiến lời bình luận trở nên vô nghĩa. Góp ý lành mạnh là bàn luận về hành vi, không phải về tính cách của người đó. Chúng ta hoàn toàn có thể trình bày mong muốn của mình mà không cần chỉ trích cá nhân đối phương.”

Tại sao con người lại chỉ trích nhau?

Theo chuyên gia Kyle Benson, con người sử dụng chỉ trích như một hình thức bảo vệ cái tôi cá nhân. Đổ lỗi luôn dễ hơn nhiều việc thổ lộ cảm xúc và điều mình thực sự cần.

Benson từng viết, chọn cách cáo buộc đối phương dễ hơn nhiều so với việc hạ bớt cái tôi và nói: “Mong muốn của anh/em chưa được đáp ứng, anh/em có thể giúp được không?”

2. Hậu quả của sự chỉ trích đến chất lượng mối quan hệ

Khiến lòng tự trọng của đối phương bị sứt mẻ

Lời lẽ chê bai rất sắc nhọn. Nó làm người nghe mất tự tin và nghi ngờ khả năng của mình. Kurt Smith cũng nói: “Mức ảnh hưởng càng nặng nề hơn khi người chỉ trích là người họ đã trao tình cảm và niềm tin. Họ tin rằng lời nói của những người ấy chính xác và chân thực hơn người ngoài.” 

Trong một gia đình hay mắng đứa con vô dụng, đứa trẻ sẽ tin rằng mình thực sự không thể làm được gì và ngừng cố gắng khi gặp khó khăn. Nửa kia của bạn cũng sẽ hành xử tương tự, nếu bạn liên tục chỉ trích mà không thừa nhận nỗ lực của họ.  

Việc liên tục chỉ trích sẽ dần khiến đối phương tin rằng đó là sự thật Họ sẽ ngừng cố gắng và hành xử như cách mà họ bị chỉ trích
Việc liên tục chỉ trích sẽ dần khiến đối phương tin rằng đó là sự thật. Họ sẽ ngừng cố gắng và hành xử như cách mà họ bị chỉ trích.

Niềm tin giữa hai người bị xói mòn

Nhà tâm lý học Steven Stosny đề cập: “Chỉ trích thường xuyên được ví như sự phản bội. Nó vi phạm những cam kết ngầm trong quá trình hình thành sự gắn bó”. Những cam kết đó bao gồm: “luôn quan tâm chăm sóc cảm xúc của đối phương” và “không chủ đích làm tổn thương nhau”.

Khi thấy những giá trị này trong thực tế trái ngược với những lời hứa ban đầu, niềm tin cho nhau sẽ bị sứt mẻ đáng kể.

Sự thân mật cũng sẽ bị phá hủy

Khi cảm giác khó chịu, mệt mỏi gia tăng vì chỉ trích lẫn nhau, mối quan hệ cũng trở nên nặng nề hơn. Sự ấm áp ban đầu biến mất, chỉ còn lại thù ghét và oán giận. Hai bạn không còn muốn gần gũi nhau như trước và dần cảm thấy xa cách trong tình cảm.

Chỉ trích hạ thấp người nghe và thể hiện sự “trên cơ” của người nói

“Hạ thấp giá trị đối phương là bản chất của chỉ trích. Hành động này còn ngụ ý người nói luôn là người trên cơ,” theo nhà tâm lý học Steven Stosny.

Chê bai không hề giúp nửa kia thay đổi

Thay vì động viên, chỉ trích kích động tính hơn thua. Khi nửa kia thấy mình bị công kích, họ “xù lông nhím” và không thể tập trung vào vấn đề chính cần phải xử lý.

Thậm chí nếu kéo dài thường xuyên, chỉ trích là một kiểu bạo hành cảm xúc

Không phải ai chỉ trích cũng mang ý xấu. Ví dụ như anh A nói chị B lười biếng vì không lau nhà mà nằm coi phim. Anh A hoàn toàn không cố ý hạ thấp chị B, có thể anh chỉ chưa biết cách nhắc chị B sao cho tinh tế thôi.

Nhưng nếu anh A thường xuyên khó chịu với tất cả hành động của chị B, kể cả vấn đề cá nhân (ăn mặc, công việc, ham muốn tình dục, gia đình, tài chính, thể hiện cảm xúc,…) thì đây là dấu hiệu của bạo hành cảm xúc.

3. Vậy phàn nàn như thế nào cho hiệu quả

Tập trung vào điều bạn muốn, thay vì điều bạn không muốn

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.” Càng thân thiết thì càng nên cư xử lịch sự.

Bạn đối xử với người bạn kính trọng hay ngưỡng mộ thế nào, hãy áp dụng với nửa còn lại thế ấy. Người bạn yêu là người đồng hành chứ không phải kẻ thù, nên hãy tử tế và tôn trọng họ.

Ví dụ khi hóa đơn trễ hạn thanh toán, bạn khoan kết tội họ vô trách nhiệm. Thay vào đó bạn có thể nói: “Anh/em ơi tháng này mình trễ hạn thanh toán hóa đơn nè. Mình cùng xem lại ngân quỹ tháng này được không? Nếu anh/em có đang bận thì khi nào mình trao đổi được nhỉ?”

Mở đầu “nhẹ nhàng”

Học cách mở đầu cuộc thảo luận một cách thiện chí đề cao mục tiêu là giải quyết vấn đề thay vì chỉ chăm chăm công kích đối phương
Học cách mở đầu cuộc thảo luận một cách thiện chí, đề cao mục tiêu là giải quyết vấn đề thay vì chỉ chăm chăm công kích đối phương

Nhà nghiên cứu, bác sĩ lâm sàng John Gottman đã đưa ra một cú pháp có thể áp dụng mỗi khi bắt đầu cuộc thảo luận như sau:

“Em cảm thấy [cảm xúc] về [vấn đề] và em cần [nhu cầu]”.

Ví dụ:“Anh đến đón em muộn làm em thấy lo lắm.”

Trong đó, phần cảm xúc là yếu tố tối quan trọng. Chấp nhận mở lòng với đối phương chính là cách thể hiện sự chân thành hiệu quả nhất. Khi nửa kia cảm nhận được điều này, họ sẽ có thiện chí hợp tác hơn.

Thử áp dụng cú pháp “lần tới”

Thay vì nói: “Sao anh không bao giờ đúng hẹn”, bạn thử chuyển thành “Lần tới anh đón em đúng hẹn nhé. Như vậy mình sẽ có nhiều thời gian đi chơi hơn.”

Thực chất, lời phàn nàn chính là mong muốn ngụy trang bằng vỏ bọc tiêu cực. Vậy tại sao bạn không đảo ngược lời phàn nàn lại thành một mong muốn tích cực hơn?

4. Lời khuyên cho mỗi bên

Nếu bạn là người chỉ trích

Hầu hết những người có thói quen chỉ trích cũng là những người khắt khe với bản thân. Có thể bạn không nhận ra ngay do sự chỉ trích đã trở thành phản xạ trong vô thức.

Rất khó để từ bỏ thói quen chỉ trích vì nó cho bạn giải tỏa cảm xúc, dù chỉ trong phút chốc. Nhưng nếu bạn ý thức được hậu quả, đây sẽ là động lực giúp bạn thay đổi.

Lần tới, khi thấy mình sắp bốc hỏa, hãy viết ra. Nó cho bạn thời gian suy nghĩ nhiều hơn nói.

Lúc chỉ có một mình, thu âm những câu đó vào điện thoại rồi nghe lại. Đây là cách giúp bạn đặt mình vào vị thế của người nghe. Kết quả có thể làm bạn bất ngờ đấy.

Nếu bạn là người bị chỉ trích

Hẳn bạn rất buồn với những lời không hay của đối phương phải không?

Bạn không phải kìm nén sự tổn thương quá lâu, vì bạn có quyền được thể hiện nỗi buồn. Nhưng đừng xuôi theo sự giận dữ của đối phương.

Thay vào đó, hãy thông cảm cho khả năng tự điều chỉnh chưa tốt của bên kia. Trước khi bị cuốn vào vòng xoáy của sự ức chế, hít thở một cái thật sâu. Khi bình tâm lại, bạn có thể lờ mờ nhận ra điều bên kia đang cần là gì.

Nhanh gọn hơn nữa, hỏi thẳng đối phương điều họ thực sự muốn được giải quyết. Bạn hỏi càng sớm thì càng hạn chế nguy cơ đổ vỡ.

Bài viết được chuyển ngữ từ bài gốc của tác giả Kelsey Borresen tại Huffpost