Tình bạn: Liều thuốc cho căn bệnh cô đơn trong xã hội "kết nối" | Vietcetera
Billboard banner
15 Thg 07, 2020
Cuộc SốngThương

Tình bạn: Liều thuốc cho căn bệnh cô đơn trong xã hội "kết nối"

Giữa cuộc sống hối hả, bạn có từng dừng lại nghĩ về những mối quan hệ bạn bè từng có trong đời, và rồi sửng sốt nhận ra đã bao lâu mình chưa gặp họ.

Tình bạn: Liều thuốc cho căn bệnh cô đơn trong xã hội "kết nối"

Chúng ta là một thế hệ cô đơn.

Giữa guồng quay cuộc sống hối hả, có bao giờ bạn dành ra một khoảng lặng để nghĩ về những mối quan hệ bạn bè từng có trong đời, và rồi sửng sốt nhận ra đã bao lâu rồi mình chưa gặp họ. Hay khi đang lướt Facebook, bạn chợt bắt gặp hình ảnh người bạn cũ thời trung học nay đã thay đổi đến mức bạn không nhận ra được nữa? 

Từ nhỏ đến lớn, ta quen biết rất nhiều bạn bè, cũng mất đi nhiều người. Đôi khi chẳng phải do xích mích hay mâu thuẫn, mà đơn giản là do khoảng cách, thời gian, các mối bận tâm khác cuốn chúng ta đi. Nếu bạn từng một lần băn khoăn “Làm sao để giữ liên lạc với bạn bè của mình đây?” thì bài viết này là dành cho bạn. 

Dịch bệnh cô đơn

Cô đơn là một căn bệnh thường gặp ở giới trẻ, đặc biệt là các bạn trẻ thành thị. Tuy không có con số thống kê chính xác, nhưng trong một cuộc thăm dò của báo Thanh niên, rất nhiều bạn trẻ cho biết rằng, họ cô đơn ngay cả ở nơi đông người.

Thật kỳ lạ là rất nhiều người trong số chúng ta cảm thấy cô đơn trong thời đại của sự kết nối nguồn hình unsplash cô đơn
Thật kỳ lạ là rất nhiều người trong số chúng ta cảm thấy "cô đơn" trong thời đại của sự "kết nối" | Nguồn hình: Unsplash

Cảm giác cô đơn có thể thúc đẩy gấp 2 lần việc tìm đến chất kích thích và gây nghiện để giải tỏa. Một khảo sát của Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) cho thấy mức độ sử dụng các loại chất kích thích, đặc biệt các loại ma túy trong giới trẻ từ 15 - 24 tuổi ngày càng phổ biến, với các mục đích chủ yếu là để thoát khỏi nỗi buồn chán, cô đơn, giảm căng thẳng, tìm niềm vui,... 

Nghiên cứu cho thấy, những người thiếu kết nối xã hội phải đối diện với nguy cơ sức khỏe suy giảm, nhiễm trùng ở cấp tế bào cao hơn, dễ bị ảnh hưởng bởi chứng lo âu và trầm cảm, khả năng hồi phục kém hơn sau bệnh tật,... thậm chí cả nguy cơ tự tử cũng gia tăng.

Mặt khác, tương tác xã hội lành mạnh giúp tăng 50% cơ hội kéo dài tuổi thọ, hỗ trợ hệ miễn dịch, giảm nguy cơ mắc các chứng bệnh tâm lý. Gắn kết xã hội còn củng cố lòng tự trọng, khả năng đồng cảm, cải thiện sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của con người.

Aristotle từng nói, “Man is, by nature, a social animal” (tạm dịch: con người là sinh vật cộng đồng). Tập tính cộng đồng này có ở hầu như tất cả các loài vật, ngay cả ở vi khuẩn, và hiển nhiên con người cũng không ngoại lệ. 

Tuy nhiên giữ liên lạc là chuyện không dễ

Liên lạc của chúng ta với những người bạn cũ thưa dần qua thời gian. Đây là một điều hết sức tự nhiên, khi cuộc sống của mỗi người dần rẽ theo những hướng khác nhau trong quá trình trưởng thành. Đôi lúc bạn muốn trò chuyện với họ, nhưng chẳng biết bắt đầu từ đâu do không còn mối bận tâm chung.

Tuy nhiên, không có nghĩa là bạn không thể làm gì để giữ những mối quan hệ của mình:

1. Sắp xếp lại sự ưu tiên

Bắt ép bản thân phải ôm đồm quá nhiều mối quan hệ cũ là một nhiệm vụ quá sức. Sự thật là con người chỉ có khả năng giữ một số lượng mối quan hệ giới hạn. Chỉ một số ít mối quan hệ cũ đủ khiến bạn “áy náy” vì đã quên mất việc liên lạc với họ.

Thỉnh thoảng, bạn có thể lướt qua danh sách bạn bè trên Facebook để xem liệu ai trong số đó đã từng quan trọng với mình, mà bạn đã vô tình để cho mối quan hệ ấy “ngủ quên”.

2. Ghi nhớ những điều quan trọng về họ

Tình bạn Liều thuốc cho căn bệnh cô đơn trong xã hội kết nối1

Dùng sổ tay hoặc những ứng dụng để ghi nhớ những thông tin quan trọng về bạn bè. Việc này sẽ khiến họ cảm thấy mình "đặc biệt" đối với bạn | Nguồn hình: Unsplash

Ai cũng có những người bạn cả năm mới gặp một lần, đã chuyển đi xa, hoặc vòng bạn bè của bạn quá rộng,... khiến việc nhớ hết là điều khó khăn. Lúc này, bạn có thể dùng sổ tay hoặc ứng dụng điện thoại để ghi lại tên, cách liên lạc, sở thích, hoặc lần cuối bạn nói chuyện với họ,... 

Bạn có thể đặt lịch nhắc nhở ngày sinh nhật của bạn bè thân thiết trên điện thoại, Google Calendar, hoặc những ứng dụng như Reminder. Họ sẽ rất ngạc nhiên và cảm động nếu bạn chủ động chúc mừng sinh nhật dù đã lâu không liên lạc.

Nếu bạn còn nhớ về những sở thích đặc biệt của họ (thú cưng, phim ảnh, món ăn, người nổi tiếng,...) thì đừng ngại tag bạn mình khi bắt gặp những bài post liên quan trên Facebook. Cách này sẽ giúp bạn giữ liên lạc với họ một cách tự nhiên mà không cần phải trò chuyện hằng ngày.

3. Tận dụng những tính năng trên mạng xã hội 

Theo dõi Facebook, Instagram của bạn bè bạn, đồng thời cập nhật tài khoản của mình cũng là một cách để cho cả 2 bên biết về cuộc sống hiện tại của nhau. Từ đó, bạn (hoặc họ) sẽ có đề tài gợi chuyện tốt nếu như muốn liên lạc lại.

Facebook memories cũng là một tính năng hữu dụng để kết nối với bạn cũ. Thỉnh thoảng, Facebook sẽ gợi lại những tấm ảnh kỷ niệm (mà bạn còn chẳng nhớ nổi là mình đã từng chụp nó). Nếu bạn được Facebook nhắc nhở khoảnh khắc nào với bạn bè cũ, đừng quên chia sẻ về trang cá nhân hoặc gửi nó cho họ.

Ngoài ra, bạn còn có Facebook/Instagram story, một cách hết sức đơn giản và nhẹ nhàng là tương tác (thích, tim, haha,...) khi người bạn quan tâm chia sẻ trải nghiệm thú vị của họ.

4. Đừng để mọi thứ dừng ở nút like

Tình bạn Liều thuốc cho căn bệnh cô đơn trong xã hội kết nối2

Cần nhiều hơn những lượt like để thật sự gắn kết con người với nhau | Nguồn hình: Unsplash

Các công cụ và mạng xã hội là một sự trợ giúp tuyệt vời. Nhưng để giữ mối quan hệ sâu sắc ở mức độ nhất định, bạn cần nhiều cố gắng hơn. Đừng chỉ lướt qua bài đăng hay story của họ hay chỉ like “tượng trưng”. Bạn có thể chủ động nhắn tin riêng, hoặc tiếp tục cuộc trò chuyện sau khi đã phản hồi story của họ. 

Thể hiện rằng bạn rất hứng thú với những trải nghiệm và cuộc sống của họ, tương tác khi họ nói,... Đó có thể là chìa khóa để mở ra một buổi gặp gỡ và giúp cả hai mở lòng với nhau hơn.

5. Đừng chỉ "Hôm nào rảnh đi cà phê”

Bởi vì hôm nào đó rất có thể là... không bao giờ. Hãy cố gắng hẹn thời gian, địa điểm càng cụ thể càng tốt. Nếu bạn không biết liệu họ có thật sự muốn gặp mình, bạn có thể cho họ biết bạn rảnh lúc nào, họ sẽ chủ động sắp xếp thời gian nếu muốn.

Kết

Những điều trên chỉ là những “mẹo” hỗ trợ. Để có thể duy trì mối quan hệ phụ thuộc vào việc chúng ta có thể tìm ra điểm tương đồng với nhau hay không. Mẹo vặt hay công cụ không thể hỗ trợ những mối quan hệ gượng ép hay thiếu sự chân thành. Liều thuốc cho căn bệnh cô đơn không nằm ở số lượng, mà là ở chất lượng các mối quan hệ mà bạn có.