Ngày 14/04, một nick Facebook tên T.D đăng tải album ảnh được design rất gọn ghẽ, kể lại câu chuyện mình đã từng bị bắt nạt thời cấp Hai. Bài viết đã nhận được gần 9.000 likes và rất nhiều lượt chia sẻ. Trong phần bình luận là vô vàn lời tâm sự mang tính đồng cảm.
Trung bình, cứ 3 em học sinh trong độ tuổi 13-15 thì có hơn 1 em từng bị bắt nạt (số liệu của Unicef năm 2018). Câu chuyện của T.D, hay rộng ra là câu chuyện bị “bạo lực học đường” chẳng phải là chuyện lạ. Không thiếu người đã lâm vào hoàn cảnh của T.D, nhưng ngoài hành động như cách T.D đã làm, có những lựa chọn gì khi bạn là nạn nhân của bắt nạt học đường?
Lựa chọn #1: Im lặng và né tránh
Một khảo sát cho biết rằng 64% học sinh từng bị bắt nạt tại trường chưa bao giờ hé lộ với ai chuyện này. Dù việc bắt nạt có dẫn đến bạo lực thể xác, vẫn có đến 40% người không báo cáo lên thầy cô hoặc phụ huynh để giải quyết.
Trong câu chuyện của Giang Ơi vào tháng 8 năm 2020, khi kể lại câu chuyện bị bắt nạt của mình thời đi học, Giang cũng đã chọn im lặng. Cách giải thoát của cô, có lẽ cũng giống lý do của 64% học sinh chọn im lặng kia, là mong chờ cuộc thi chuyển cấp để ra khỏi môi trường cũ.
Một số nguyên nhân khiến người bị bắt nạt chọn cách thỏa hiệp với việc này thường là do nỗi sợ bị trả thù, sợ hãi mình sẽ làm mọi việc thêm tồi tệ, hay niềm tin rằng chỉ cần mình không làm gì, mọi chuyện sẽ chấm dứt.
Nếu cách làm của bạn là im lặng, bạn vẫn có thể thực hành cách xoa dịu bản thân, theo lời khuyên của T.D, như:
- Tập thể dục
- Đi các event tâm lý miễn phí
- Làm tình nguyện viên cho các tổ chức
- Gặp chuyên viên tâm lý
Lựa chọn #2: Tâm sự với người lớn và tìm cách hòa giải
Công ước về Quyền trẻ em đã nêu rõ nghĩa vụ của các chính phủ trong việc đảm bảo quyền của trẻ em được học tập trong một môi trường an toàn và bảo đảm. Được học tập trong trạng thái không lo sợ là quyền mà bất kỳ học sinh nào cũng đáng được hưởng, và nhiệm vụ của nhà trường là tìm mọi cách để đảm bảo điều đó.
Theo Điều 12 Bộ luật Hình sự 1999: “Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”. Việc nhục mạ người khác cũng có thể đối diện với án phạt cảnh cáo hoặc cải tạo không giam giữ từ 2-3 năm.
Ngoài việc liên lạc với gia đình, giáo viên, bạn hoàn toàn có thể thông báo cho những cơ quan có thẩm quyền. Tổng đài 111 là đường dây nóng tư vấn, hỗ trợ tình trạng bạo lực với học sinh.
Lựa chọn #3: Đưa kẻ bắt nạt ra ánh sáng
Đầu năm 2021, đã có làn sóng tố cáo người nổi tiếng từng bắt nạt người khác trong trường học tại Hàn Quốc. Những ngôi sao bị tố cáo trong danh sách gồm có: Soojin (G)I-dle, diễn viên Ji Soo... Nhiều người nổi tiếng phải đối mặt với việc sự nghiệp bị đóng băng mãi mãi.
Có những loại bạo lực dù không để lại vết thương, nhưng vẫn khiến nạn nhân bị ám ảnh về bản thân mình suốt thời gian dài. Nhiều người khi đã lớn và vượt qua được nỗi sợ hãi mới dám đứng lên nói tiếng nói của mình. T.D là một ví dụ. Bạn có thể làm giống T.D, chờ cho bản thân ổn song song với việc bình tĩnh thu thập bằng chứng và tung nó ra vào thời điểm thủ phạm không thể ngờ đến.
Mọi sự lựa chọn đều có kết quả thích hợp với nó. Trong bài viết mới đây nhất của mình, T.D tâm sự: “Trốn tránh để quá khứ ngủ yên hay dũng cảm quay lại đối diện đều có những được và mất của riêng nó, bạn hãy lựa chọn phù hợp với mình nhất. Chưa đủ dũng cảm thì tiếp tục chuẩn bị tâm lý cho đến khi đủ, cảm thấy nên để yên thì hãy để yên. Cuộc sống vẫn có những thứ tệ hại ập đến thôi, nhưng hạnh phúc và khổ đau luôn đi cùng nhau."