Nên làm gì khi vừa có một ngày tồi tệ? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
04 Thg 08, 2020
Chất Lượng Sống

Nên làm gì khi vừa có một ngày tồi tệ?

Dành cho những ai cần vực dậy tinh thần sau một ngày không gì như ý.

Nên làm gì khi vừa có một ngày tồi tệ?

Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

Ai cũng có những vấn đề nhỏ nhặt hàng ngày. Thường thì chúng ta chỉ tặc lưỡi "Xui vậy" rồi thôi, nhưng trước làn sóng mới của đại dịch COVID-19 những ngày qua, với những lo lắng đủ bề vốn đã đổ dồn, chúng ta đang phải gồng gánh nhiều hơn ngưỡng mà ta có thể điều tiết. Đến nỗi mà đôi khi, bạn không còn biết gọi tên cảm xúc thế nào nữa.

Ngày hôm nay của bạn thế nào? Trước tiên hãy để mình gửi bạn một cái ôm nhé. Bất kể thế nào, chúng mình hãy cùng ngồi lại thực hành một vài bài tập đơn giản sau để cứu vớt tinh thần sau một ngày "xấu trời".

1. Hít thở

Việc hít thở nghe thì đơn giản nhưng lại có mối quan hệ mật thiết với tâm trạng của bạn. Khi bạn đang căng thẳng hoặc lo âu, não bộ lầm tưởng rằng bạn đang ở trong tình thế nguy cấp, thế là nó lập tức đưa bạn vào trạng thái chiến hoặc chạy (fight-or-flight). Lúc này, lồng ngực sẽ siết lại, hơi thở ngắn và gấp gáp để đưa nhiều oxy vào các cơ hơn.

Việc hít thở nghe thì đơn giản nhưng lại có mối quan hệ mật thiết với tâm trạng của bạn
Việc hít thở nghe thì đơn giản nhưng lại có mối quan hệ mật thiết với tâm trạng của bạn.

Để lập lại trạng thái bình tĩnh, hãy tập trung điều tiết hơi thở, đưa một lượng oxy vừa phải vào phổi. Một phương pháp thở hiệu quả là sử dụng cơ hoành (Diaphragmatic Breathing). Cách này sẽ hạ tốc độ hít thở của bạn, giảm bớt nhu cầu oxy của cơ thể, giúp việc hít thở nhẹ nhàng và tốn ít năng lượng hơn. Bạn có thể tập đơn độc kỹ thuật thở hoặc kết hợp với các kỹ thuật điều chỉnh cảm xúc khác để đem lại hiệu quả tốt hơn.

2. Tập nhìn nhận cảm xúc

Trước tiên, bạn nên hiểu rằng cảm xúc là cách não bộ phát tín hiệu cảnh báo cho chúng ta. Ví dụ, việc lo lắng là một hình thức mô phỏng tương lai để giúp ta chuẩn bị ứng phó, hay buồn bã là một cơ chế phòng vệ và giải thoát. Vì thế, bước tiếp theo nên là đối mặt và tìm cách giải quyết các tín hiệu, dù là tiêu cực hay tích cực, chứ không nên trốn tránh chúng.

Tập đón nhận cả cảm xúc tiêu cực lẫn tích cực của bản thân mà không phán xét như vậy bạn mới có thể hoàn thiện mình
Tập đón nhận cả cảm xúc tiêu cực lẫn tích cực của bản thân mà không phán xét, như vậy bạn mới có thể hoàn thiện mình.

Bạn có thể làm dịu cảm xúc của mình bắt đầu bằng việc cảm nhận nó, nhưng chỉ trong một thời gian vừa đủ. Nếu quá lâu, bạn sẽ bị mắc kẹt trong mớ cảm xúc ấy và bất hoạt luôn chức năng ban đầu của nó: cảnh báo. Sau đó, hãy truy tìm nguồn gốc để tìm ra phương án giải quyết phù hợp.

Sau cùng, đừng quá khắt nghiệt với bản thân. Chỉ khi chấp nhận cả mặt tốt và chưa tốt, bạn mới có thể tự hoàn thiện mình. Để làm được điều này, rèn luyện lòng tự trắc ẩn chính là bước đầu tiên.

3. Xin lỗi

Không phải lúc nào bạn cũng có thể tìm được một nơi yên tĩnh để giải quyết những vấn đề cảm xúc. Đôi lúc, chúng vượt lên quá ngưỡng chịu đựng, thoát khỏi vòng kiềm tỏa và bùng nổ lên những người xung quanh. Nếu có một người vô tội nào bị tổn thương bởi vụ nổ ấy, họ xứng đáng với một lời xin lỗi.

Một lời xin lỗi thực lòng kèm với lời giải thích khác với biện minh. Giải thích nghĩa là làm rõ một vấn đề, nêu ra cặn kẽ tại sao mình làm như thế. Còn biện minh là cố hợp lý hóa hành động gây tổn hại của bạn, biến sai thành đúng. Đôi khi hai việc này nhập nhằng với nhau, những lúc như vậy hãy tự nhủ rằng bạn đang xin lỗi chứ không phải đang tìm cách né tránh hậu quả.

Bạn có thể cho họ biết bạn đã rút ra được điều gì và sẽ làm gì để không lặp lại nữa. Nếu biết cách nhận lỗi thẳng thắn và thể hiện được mong muốn sửa chữa, bạn sẽ nhận lại được sự thông cảm và thấu hiểu, giúp mối quan hệ giữa hai bên thêm lành mạnh và bền vững hơn.

3. Tìm cách thư giãn và vận động phù hợp

Sau tất cả thì điều bạn cần là một khoảng lặng để nghỉ ngơi, nạp lại năng lượng và sắp xếp lại những cảm xúc, suy nghĩ trong đầu.

Nên làm gì khi vừa có một ngày tồi tệ2


Tùy vào điều kiện và hoàn cảnh xung quanh mà bạn chọn cách thư giãn thích hợp cho mình.

Nếu đang ở nơi công cộng, đang lúc bận rộn,... bạn có thể tranh thủ vươn vai, xoay người, hoặc uống một cốc nước. Còn khi lý tưởng hơn – bạn có được một không gian yên tĩnh và riêng tư – thì ngoài những hoạt động thông thường như xem phim, nghe nhạc hay đọc sách, bạn có thể thử một vài biện pháp thư giãn 'tự cô lập' khác như đi ngủ, chơi với thú cưng, thả lỏng với cây cối, hay tập vài bài vận động nhẹ nhàng.

4. Kết nối với mọi người

Con người là một sinh vật cộng đồng. Đôi lúc bạn cần không gian riêng để tránh quá tải, nhưng nếu tách biệt quá lâu khỏi mọi người cũng sẽ gây ảnh hưởng tinh thần rất lớn. Dù hướng nội hay hướng ngoại, bạn đều cần cân bằng hai yếu tố này để có một đời sống tinh thần khỏe mạnh.

Dù hướng nội hay hướng ngoại bạn đều cần cân bằng hai yếu tố kết nối và tách biệt cộng đồng để có đời sống tinh thần khoẻ mạnh
Dù hướng nội hay hướng ngoại, bạn đều cần cân bằng hai yếu tố kết nối và tách biệt cộng đồng để có đời sống tinh thần khoẻ mạnh.

Trong giai đoạn tránh tiếp xúc vật lý quá gần, các phương thức gắn kết bị giới hạn hơn, nhưng bạn vẫn có thể tận dụng những nền tảng kết nối khác. Gọi video cho bố mẹ nếu sống xa nhà, tổ chức Netflix Party với bạn bè, hoặc chỉ đơn giản là gật đầu chào người hàng xóm khi tình cờ chạm mặt cũng cải thiện tâm trạng của bạn theo cách không ngờ tới.

Cần nhấn mạnh rằng những kết nối này nên là những kết nối chất lượng. Bạn không cần quá nhiều mối quan hệ nhưng cần những người đáng tin, dễ chịu, mà bạn có thể thoải mái vui chơi, thả lỏng, được là chính mình khi ở cùng họ.

5. Học cách trân trọng

Đôi khi chúng ta quá tập trung vào những điều tồi tệ xung quanh mình mà không chú ý rằng vẫn có nhiều điều tốt đẹp đã và đang tồn tại. Theo Sonja Lyubomirsky - Giáo sư, Tiến sĩ kiêm Phó Chủ tịch ngành Tâm lý học tại Đại học California, việc bày tỏ lòng biết ơn đối với những người, những điều trong cuộc sống có thể giúp ta cảm thấy hòa nhập và giàu năng lượng hơn. Nó còn tách bạn ra khỏi vòng luẩn quẩn trong tâm trí, cho bạn một cái nhìn khách quan và thấu suốt hơn.

Việc biết ơn có thể bắt đầu từ những điều rất nhỏ – chẳng hạn như nhận được món ăn còn nóng hổi từ anh shipper giữa cái nóng ban trưa, cho đến những điều lớn lao như những y tá bác sĩ đang làm việc cật lực để kiểm soát dịch bệnh này. Sự biết ơn nên đến từ chính bạn chứ không phải do người khác áp đặt cho, cũng đừng áp đặt người khác nên làm gì hay cảm thấy thế nào, điều đó có thể gây ra tác dụng ngược.

Chỉ với 5 bí quyết đơn giản như trên là bạn đã có thể cải thiện tâm trạng, từ đó làm bước đệm để xoay chuyển tình hình sau một ngày không như ý rồi.