Đi càng xa càng tốt | Vietcetera
Billboard banner
05 Thg 05, 2021
Cuộc SốngChất Lượng Sống

Đi càng xa càng tốt

Kiến thức không không thể nào bằng trải nghiệm. Trải nghiệm mới là thứ giúp chúng ta học nhanh và nhiều nhất.

Đi càng xa càng tốt

Nguồn: Unsplash

Internet đã khiến cho chúng ta cảm thấy thế giới này ngày càng nhỏ bé hơn.

Ngồi ở trong một ngôi nhà nhỏ ở miền núi phía Bắc, ven biển miền Trung, cao nguyên Ban Mê, hay cạnh con rạch ở đồng bằng Sông Cửu Long, một bạn trẻ vẫn có thể làm việc, trao đổi với đồng nghiệp, đối tác từ khắp các châu lục.

Muốn biết cuộc sống, phong cảnh ở một nào đó, chỉ cần vài cú nhấp chuột là có thể có được những hình ảnh, videos. Nhưng kiến thức không không thể nào bằng trải nghiệm, và trải nghiệm mới là thứ giúp chúng ta học nhanh và nhiều nhất.

Dám đi xa - càng xa càng tốt

Nhiều bạn trẻ chắc cũng có cảm giác như mình. Năm đầu tiên mình đến Sài Gòn để học đại học, mình thấy sao thành phố rộng quá, lớn quá, có nhiều cái mới mẻ quá. Ở thành phố một thời gian rồi mà vẫn thấy những điều mới mẻ, học hỏi thêm hằng ngày. Rồi thấy quen dần sau vài năm, các điều mới mẻ ít dần đi, lại thấy thành phố trở nên nhỏ hơn vì quen thuộc.

Nhưng khi ra nước ngoài lần đầu tiên, đến những nước phát triển hơn Việt Nam, cảm giác ngạc nhiên có khi choáng ngợp lại đến một lần nữa. Khi trải nghiệm thực tế, nó khác xa với hình ảnh, videos mà mình đã biết, hay còn khác cả so với lời kể của một ai đó.

Đi càng xa thì mới thấy sự khác biệt càng nhiều, về văn hóa, lịch sử, khí hậu, đến các vấn đề kinh tế - xã hội. Tùy mục đích của mỗi chuyến đi mà cần chuẩn bị cho mình những thứ cần thiết để có thể hấp thụ, tiêu hóa và tạo giá trị mới từ chuyến đi.

"Đi" là một phần của giáo dục

Nhiều trường Đại học ở nước ngoài hiện nay rất chú trọng đến chương trình trao đổi sinh viên quốc tế. Các bạn sinh viên cũng rất háo hức khi được học ở một môi trường mới, cách thiệt xa nơi mình vẫn đang sống và học tập. Những giá trị mang lại rất lớn là sự giao lưu, hiểu biết để đồng cảm và chấp nhận những sự khác biệt nhất định trong văn hóa, tìm cách làm việc với nhau hiệu quả nhất khi tồn tại sự khác biệt.

Nhưng để đạt được như vậy thì các bạn sinh viên phải chủ động và biết cách. Chẳng hạn trong chương trình trao đổi quốc tế, sống với một gia đình người bản xứ sẽ mang lại lợi ích nhiều hơn là ở trong kí túc xá của trường. Tích cực tham gia các hoạt động dành cho sinh viên quốc tế, đi du lịch để khám phá cuộc sống ở nơi đó, đi làm thêm để tích lũy kinh nghiệm là những điều rất nên làm.

Đi một ngày đàng, học một sàng ý tưởng

Nhiều bạn trẻ đi du lịch xa, nhất là đến những đất nước hay châu lục mới, không chỉ để khám phá, trải nghiệm văn hóa, ẩm thực mà còn là tìm kiếm một ý tưởng kinh doanh, những mối quan hệ mới. Có không ít trường hợp, sau một chuyến du lịch xa đã nảy sinh ý tưởng kinh doanh, từ một sản phẩm, món ăn thức uống lạ nào đó, hay thậm chí là một mô hình kinh doanh chưa từng thấy bao giờ ở nơi mình sống.

Chính vì vậy đối với các bạn trẻ khi đi du lịch xa, sự trải nghiệm là rất quan trọng, đừng bao giờ đi theo kiểu cưỡi ngựa xem hoa, đi theo kế hoạch có tổ chức (đi theo tours). Thay vào đó, hãy tự mình tìm hiểu hành trình cho mình. Đừng quá chú trọng đến những địa điểm du lịch quá nổi tiếng, thay vào đó dành thời gian đến những nơi mà cuộc sống ở đó được phản ánh thực tế hơn. Đó là một quán ăn nhỏ đậm tính địa phương trong một con hẻm, hay những khu phố của người lao động bình dân.    

"Đi" không chỉ là địa lý

Sự dịch chuyển, hay gọi là “đổi gió” còn có thể hiểu trong việc chọn ngành nghề, chọn tổ chức mà mình làm việc, hay chọn nơi mình làm. Thế giới xung quanh đang thay đổi rất nhanh, và công việc trọn đời ngày càng bị thách thức. Nhớ lại hồi khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, người viết biết nhiều người bị sa thải từ ngành tài chính, phải chuyển sang công việc khác, có người duy trì nhưng cũng có người thay đổi nhiều lần sau đó.

Thông thường, trong môi trường làm việc chuyên nghiệp, chỉ thường sau 6 đến 12 tháng thì có thể quen được hết các quy trình tác nghiệp. Làm việc cho một tổ chức trong một thời gian dài, nếu không có sự thay đổi bộ phận thì sự thụ động ngày càng tăng, dễ rơi vào tình trạng không còn nhiều động lực làm việc.

Chính vì vậy sự thay đổi công việc, chỗ làm cũng là cách để phát triển bản thân, khám phá những khả năng tiềm ẩn.

Sự thay đổi môi trường làm việc còn có thể tính đến không gian địa lý. Không khó để thấy sự khác biệt ở những bạn trẻ làm cho các tập đoàn đa quốc gia, luân chuyển nhiều nơi trong quá trình công tác.

Những bạn này không chỉ giỏi về chuyên môn, mà hiểu biết về văn hóa, cách nhìn nhận đánh giá vấn đề cũng thường toàn diện và thấu đáo hơn. Chính vì vậy, nếu được, thì môi trường các công ty đa quốc gia, đi công tác ở nhiều nơi, là nơi giúp các bạn trẻ phát triển tốt nhất.

Không phải mọi chuyến đi đều suôn sẻ

Sự thay đổi nào đó cũng luôn ẩn chứa những rủi ro.

Thay đổi công việc, thay đổi chỗ làm có khi không được như ý muốn. Nhưng còn trong giới hạn như sẽ phân tích ở phần sau, thì những thất bại cũng là nhiều tích cực hơn tiêu cực. Thất bại cũng là kết quả của một lần thử và sai, để từ đó rút ra kinh nghiệm và không lặp lại sai lầm đó nữa.

Chẳng hạn như chọn nhầm một tổ chức vì nhầm người lãnh đạo thì sẽ biết những profile nào cần tránh hay cẩn thận trong tương lai. Chọn nơi học tập hay làm việc không phù hợp thì có thể thay đổi sau đó. Ví dụ như nhiều bạn không thích nghi được với khí hậu bắc Âu hay Canada, khi chưa trải nghiệm thực tế thì chưa hình dung được như thế nào.

Giới hạn của những chuyến đi

Tuổi trẻ thường không mất gì nhiều ngoài thời gian. Nhưng thời gian lại là một giới hạn quan trọng cho sự phát triển của tuổi trẻ.

Có những việc, bạn không thể hay rất khó làm sau một độ tuổi nhất định nào đó. Và theo quan sát cá nhân của mình, cái mốc quan trọng đó là tuổi 30.

Bạn có thể thay đổi ngành nghề một vài lần trước tuổi 30, vì mỗi lần cần thời gian chuẩn bị cũng mất 3-4 năm. Nhưng sau tuổi 30 thì là một thách thức rất lớn.

Ở góc nhìn của bên tuyển dụng, họ sẽ thích những người có cùng mức độ chuyên môn nhưng ở lứa tuổi trẻ hơn, để dễ đào tạo thêm hay tuổi càng trẻ càng dễ chấp nhận thử thách, áp lực công việc. Lấy ví dụ như người ngoài tuổi 30, thường có gia đình rồi thì khó làm thêm ngoài giờ, chạy deadline liên tục.

Đôi khi bỏ việc không phải câu trả lời

Một câu hỏi khác là làm cái mình thích hay là ráng mà thích cái mình làm khi còn trẻ. Và điều này hoàn toàn phụ thuộc vào điều kiện tài chính của bạn.

Nếu bạn không bị áp lực tài chính, thì làm điều mình thích luôn là mong ước của nhiều người. Nhưng phần lớn trong chúng ta không có được may mắn như vậy.

Cho nên phải có một mức thu nhập để đảm bảo an toàn trước. Chẳng hạn công việc hiện tại không đem lại cho bạn sự thỏa mãn tuyệt đối nhưng ít ra nó đảm bảo cho bạn một nguồn thu nhập. Do đó không nên bỏ ngang mà mạo hiểm vào một hành trình mới.

Thay vào đó, vừa giữ công việc hiện tại, vừa phát triển kế hoạch ở thời gian làm thêm, ban đêm hay cuối tuần ngoài giờ làm việc chính. Ở một số nước có chế độ bảo hiểm thất nghiệp rất tốt, lên đến 2 năm như Pháp thì đây cũng là một lợi thế.

Thoát khỏi cái bình thường

Sự thành công của nhiều bạn trẻ, nhiều người chỉ thấy kết quả cuối cùng, bề ngoài mà ít biết được rằng đó cũng phải trải qua nhiều lần dấn thân, dám chấp nhận và vượt qua thất bại. Điểm chung của những bạn này là dám thoát khỏi cái bình thường, cái đều đặn mà mình đang có. Nhưng các bạn này cũng biết chuẩn bị cho mình những thứ thiết yếu như sức khỏe, tấm đệm tài chính, và sự quyết tâm.

Tuổi trẻ nào mà dám dấn thân, dám đi xa, biết những giới hạn và chuẩn bị cần thiết thì xác suất thành công sẽ rất cao. Mục tiêu nếu không đạt 10/10, hoặc thậm chí hơn, thì trong trường hợp xấu nhất, cũng không thể nào là con số không tròn trĩnh, như những người an phận và ngại thay đổi.