Đi chơi xa, “trách nhiệm” quá liệu có tốt? | Vietcetera
Billboard banner

Đi chơi xa, “trách nhiệm” quá liệu có tốt?

Trách nhiệm trong một chuyến đi xa là cần thiết. Nhưng trách nhiệm quá thì lại dễ gây phiền toái cho chính bạn và đồng đội.
Đi chơi xa, “trách nhiệm” quá liệu có tốt?

Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Đi chơi xa là một dịp vui, và sẽ càng vui hơn nếu mỗi người trong nhóm đều có trách nhiệm với việc mình cần làm. Dù vậy, “cái gì quá cũng đều không tốt”. Người có tính trách nhiệm quá cao (over-responsible) thậm chí mang lại nhiều phiền toái hơn cho cả họ và những người đồng hành trong suốt chuyến đi.

Theo bác sĩ tâm lý Lalita Suglani, đây là một dấu hiệu điển hình của people-pleaser (tuýp người luôn cố gắng làm người khác hài lòng). Họ kìm nén nhu cầu của bản thân để ưu tiên người khác, nhằm giảm thiểu khả năng xung đột hoặc bị từ chối. Bạn có thể là một người “lo xa quá mức” nếu mang những đặc tính sau trong một chuyến đi xa:

Cảm thấy khó khăn trong việc nói “không”

Bạn được mọi người đánh giá là “dễ tính” đến ngạc nhiên. Bạn đồng ý với mọi đề xuất, mọi lời đề nghị từ những người đồng hành, dù trong thâm tâm không hề thích thú với điều đó.

Bạn thường làm vậy vì sợ mất lòng người khác, vì FOMO hoặc ngại không muốn cả tập thể phải động não tìm giải pháp cho mình. Do đó bạn ngậm ngùi đồng ý với mọi người dù biết lựa chọn đó không phù hợp, thậm chí trong nhiều trường hợp gây hại cho chính bạn.

Chẳng hạn cả đoàn muốn ra đảo, trong khi bạn lại là người chơi hệ say sóng. Vì ngại không muốn cả đoàn phải chọn hoạt động khác để bạn có thể tham gia, bạn đồng ý đi ra đảo cùng họ. Hệ quả là bạn “mặt xanh mặt vàng” suốt chuyến tàu ra đảo.

07jul2023intext1jpg
Vì nhiều lý do khác nhau, bạn ngại nói “không” dù bản thân không hề thích thú.

Đảm nhiệm mọi công tác chuẩn bị cho chuyến đi

Dù không phải tour guide chuyên nghiệp, song bạn lại muốn làm “mama tổng quản” cho cả chuyến đi. Bạn “thầu” gần như mọi nhiệm vụ từ lên kế hoạch, đặt vé, đặt phòng đến mua sắm các đồ đạc cần thiết. Bạn lặng lẽ làm mà không nhờ ai giúp đỡ vì… ngại.

Cũng có thể bạn “ôm việc” vì lo âu, không yên tâm giao việc cho người khác. Điều này hoàn toàn dễ hiểu, bởi khi chia việc ra làm mà không có sự thống nhất về tiêu chuẩn hay không nắm được đầy đủ thông tin, sẽ rất dễ xảy ra sai sót. Dù vậy khi phải ôm đồm quá nhiều việc, não bộ có thể bị quá tải thông tin, từ đó ra những quyết định sai lầm.

Luôn tự mình tìm cách giải quyết khi gặp khó khăn

Đặc điểm này nghe qua thì có vẻ là lợi thế, cho thấy sự độc lập trong tư duy và giải quyết vấn đề (đặc biệt nếu đó là lỗi do bạn gây ra). Do đó, bạn tìm cách tự giải quyết vì không muốn bị người khác đánh giá, hoặc ngại họ mất thời gian giải quyết cùng mình.

Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, bạn mất nhiều thời gian hơn để tự tìm ra cách, trong khi bạn hoàn toàn có thể “đi đường tắt” khi nhờ người khác giúp. Hoặc tệ hơn là trong khi mày mò cách xử lý, bạn vô tình gây ra một lỗi khác. Điều này có thể gây không ít phiền toái cho những người đồng hành.

Ngại thể hiện hết mình vì sợ “dìm” người khác

Đây là biểu hiện thường thấy khi đi du lịch nhóm đông người, chẳng hạn teambuilding - nơi nhân viên và sếp tương tác ở hoàn cảnh ngoài công sở. Vì tâm lý sợ sếp và đồng đội bị “lép vế”, bạn ngần ngại thể hiện hết mình trong các hoạt động tập thể, cũng như không dám phát biểu/đưa ý kiến dù được yêu cầu.

Bạn cần lưu ý rằng, mục đích của teambuilding là giúp mọi người xả hơi sau thời gian dài làm việc vất vả, cũng như xích lại gần nhau hơn. Vì vậy, bạn không cần lo ngại mình sẽ “dìm” người khác. Thậm chí nếu biết cách tận dụng, teambuilding còn là dịp để bạn chứng minh cho sếp và đồng đội những năng lực đặc biệt mà bạn không có cơ hội thể hiện ở văn phòng.

Tiếp nhận cảm xúc của người khác dù chưa sẵn sàng

Bạn cảm thấy mình có trách nhiệm với những yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của họ, bao gồm cả cảm xúc của người khác. Bạn sẵn sàng làm “bao cát” để người khác “xả” cảm xúc lên, dù chính bản thân bạn cũng cảm thấy rất tệ và chưa sẵn sàng tiếp nhận chúng.

Trong nhiều trường hợp, bạn thậm chí còn cảm thấy tội lỗi dù sự cố không phải do mình gây ra. Điều này đặc biệt đúng nếu bạn là người lên kế hoạch hoặc đặt tour cho chuyến đi.

Chẳng hạn trời mưa vào đúng ngày bạn đặt tour đi đảo cho cả đoàn, khiến tàu không thể khởi hành. Điều này khiến đồng đội thất vọng và thở dài, còn bạn tự trách mình đặt tour trúng ngày thời tiết xấu, trong khi trời mưa là điều bạn không thể dự đoán được khi đặt.

Làm sao để “xả” bớt trách nhiệm khi đi chơi xa?

Cởi mở và thẳng thắn về nhu cầu của mình trong chuyến đi

Đây là việc cần làm khi lên kế hoạch cho chuyến đi. Bạn nên nói rõ với đồng đội về mong muốn đi đến những đâu, tham gia hoạt động gì, có vấn đề gì đặc biệt về sức khỏe hay không.

Nếu đặt mình vào vị trí của đồng đội, bạn sẽ nhận ra chính họ cũng ái ngại nếu biết bạn phải gồng mình để chiều theo ý số đông. Vì vậy, cởi mở và thẳng thắn là chìa khóa giúp bạn và mọi người tìm ra những hoạt động phù hợp nhất cho cả team.

Phân chia công việc sao cho “đồng bộ” với nhau

Nếu là kiểu người thường xuyên đảm nhiệm mọi đầu việc, bạn nên cân nhắc chia sẻ chúng cùng những người đồng hành. Cách này vừa để giảm áp lực ghi nhớ thông tin cho bạn, vừa giúp mọi người cùng nắm được lịch trình và những việc cần làm cho chuyến đi.

07jul2023intext2jpg
“Teamwork makes the dreamwork”, miễn là các bạn biết cách hạn chế sai sót trong giao tiếp lẫn nhau.

Một điều bạn có thể lo lắng là sai sót trong giao tiếp lẫn nhau, dẫn đến những lỗi như đặt vé nhầm ngày, đặt nhầm tour… Để hạn chế những biến cố này, các bạn nên lập một folder chung, trong đó có to-do list những đầu việc cần làm, ghi rõ ngày giờ, yêu cầu cụ thể… cùng các file liên quan khác, để mọi người đều nắm được.

Riêng với những nhiệm vụ cần sự chính xác cao như như xin visa, các bạn có thể quy về một người phụ trách để tránh rơi rớt thông tin, hoặc outsource bên ngoài để tiết kiệm thời gian và năng lượng não bộ.

Bố trí những “khoảng lặng” trong chuyến đi

Bạn có thể đề xuất dành ra một buổi sáng/chiều lịch trình tự do để mọi người sinh hoạt theo ý thích, hoặc chọn khách sạn gần quán cafe/có khu làm việc riêng.

Đây là những khoảnh khắc bạn có thể tạm thời “xả vai”, dành thời gian xem xét lại diễn biến chuyến đi và chỉnh sửa lịch trình tiếp theo nếu cần thiết. Trong quá trình này, bạn cũng sẽ nhận ra những điểm mình làm chưa tốt, từ đó chia sẻ với đồng đội để cùng tìm giải pháp.