Dù không phải là một “Swifties” (tên gọi cộng đồng fan của Taylor Swift) cuồng nhiệt, nhưng Taylor Swift luôn là một phần tuổi thơ của mình từ những năm cấp 2 với những bài Love Story và You Belong With Me.
Vì thế nên khi biết The Eras Tour sẽ tổ chức ở Singapore và đây cũng là điểm dừng chân duy nhất của tour diễn tại Đông Nam Á, mình đã quyết tâm phải săn được vé để được gặp thần tượng. Và vận may đã mỉm cười với mình.
Đây là lần đầu mình tự túc một chuyến du lịch kết hợp xem concert ở nước ngoài. Vậy nên có nhiều điều làm mình bỡ ngỡ và lúng túng nơi đất khách, dù đã “cày" thật nhiều video TikTok và YouTube các tips du lịch Singapore ở nhà.
Dưới đây là những điều mà mình học được từ chuyến đi “đu" thần tượng này.
1. Tiếng Anh “chuẩn" không phải lúc nào cũng được chuộng
Mình khá tự tin về vốn liếng tiếng Anh của bản thân cho đến khi cần phải giao tiếp với người bản địa. Mình ngớ người ra vì rõ ràng họ đang nói tiếng Anh, nhưng ‘nó lạ lắm’. Bấy giờ mình mới nhớ ra sự tồn tại của thứ tiếng Anh “đặc sản" tại đây: Singlish.
Singlish là thứ tiếng Anh được pha từ nhiều ngôn ngữ khác nhau. Ngữ pháp của Singlish cũng không tuân theo nguyên tắc tiếng Anh chuẩn mực và ngữ điệu cũng rất đặc trưng.
Singlish được sử dụng phổ biến trong giao tiếp thông thường. Vì vậy, việc bạn nói giọng Anh-Mỹ, Anh-Anh hay chuẩn ngữ pháp không còn quan trọng, vì nhiều khi “chuẩn” quá lại thành… không chuẩn. Mất một khoảng thời gian mình mới có thể quen được với cách nói chuyện này (dù nhiều khi vẫn bị “lạc nhịp").
2. Lên kế hoạch để không “đi 2 về 1"
Từ khi đặt vé đến khi đi concert là nửa năm, nên mình tận dụng thời gian này để chuẩn bị tinh thần cho túi tiền.
Vì đi cùng bạn, nên chúng mình lập ra một bảng phân chia chi tiêu rõ ràng để cả hai có thể theo dõi. Ở mỗi đầu mục, mình cũng ghi chú kỹ càng ai là người ứng tiền trước, đã hoàn lại tiền chưa.
Ngoài ra, tụi mình lập một quỹ chung và giao cho một người giữ. Tất cả hoá đơn của mỗi khoản chi đều chụp lại và ghi chú vào bảng ngay lập tức để tránh bị quên và sót mất sau này.
Nhờ lập bảng và có sự thống nhất với nhau, tụi mình nắm được tổng ngân sách cần có để lên kế hoạch dành dụm tốt hơn, tình bạn cũng không bị chia đôi vì chuyện tiền nong.
3. Học lại quy tắc tham gia giao thông
Khác với Việt Nam, phương tiện giao thông công cộng chính ở Singapore không chỉ có xe buýt mà còn tàu điện ngầm MRT. Bạn có thể đi đến bất cứ đâu, rất nhanh chóng và thuận tiện nhờ vào hai phương tiện này cùng sự trợ giúp của Google Map.
Do đã quen với giao diện app xe buýt ở Việt Nam, ban đầu mình có lúng túng với giao diện chỉ dẫn của Google Map tại đây. Nhưng sau 2-3 lần đi, mình dần được “khai sáng" nên việc di chuyển đã mượt mà hơn rất nhiều.
MRT dù là một khái niệm còn xa lạ với nhiều người Việt nhưng rất dễ đi. Tại mỗi trạm dừng và trên tàu đều có bản đồ chỉ dẫn cụ thể. Bạn chỉ cần tìm kiếm trước trên Google Map để xác định trạm tàu cần đi, lên đúng tàu và theo dõi thông báo trên tàu để không bị lỡ mất trạm dừng.
Một điểm nữa cần lưu ý, đó là bạn có thể mang theo đồ ăn nhưng tuyệt đối không được ăn uống trên xe/tàu.
Ngoài xe buýt và MRT, thì đôi chân cũng là “phương tiện" bạn phải dùng nhiều nhất tại đây. Để minh hoạ trực quan thì 11.683, 20.543, và 10.823 lần lượt là số bước chân trong 3 ngày mình đã đi ở Singapore. Còn ở Việt Nam, con số này chỉ dao động từ 1.000 đến 3.000 bước.
Ngày đầu đặt chân tới Singapore cũng là ngày đi concert, nên mình diện một đôi giày đẹp nhưng không mấy êm chân, và rất nhanh đôi chân mình phải trả giá.
May mắn là mình đã chuẩn bị sẵn một đôi dép lê. Vì vậy những ngày sau, mình và đôi dép lê như bóng với hình, ngay cả vào trung tâm thương mại mình vẫn chọn đôi dép lê dù hơi “lệch tông" với bộ đồ đang mặc.
Bài học rút ra là, một đôi giày thể thao êm chân hoặc một đôi dép lê luôn là “chân ái".
4. Trải nghiệm “nỗi buồn hậu đêm nhạc"
Post-concert depression (Tạm dịch: Nỗi buồn hậu đêm nhạc) từng là một khái niệm “nghe cho biết" với mình cho đến khi thực sự sống trong nó.
Sau khi đã về đến Việt Nam, ngồi trong văn phòng nhưng tâm trí mình vẫn còn đang lơ lửng trong tiếng nhạc, trong ánh đèn lấp lánh ngập tràn sân vận động, giữa 62.000 người cùng hò reo và hoà thanh chung một giai điệu bất kể khác biệt về quốc tịch, ngôn ngữ.
Nỗi hụt hẫng, luyến tiếc càng lớn hơn mỗi khi mình ôn lại video trong máy, lướt tới chục clip TikTok của những người đi cùng concert. Mình biết phải tìm cách thoát khỏi post-concert depression để tránh ảnh hưởng tới công việc và cuộc sống.
Cách mình làm đó là… chạy KPI. Mình đặt cho bản thân một deadline trong ngày, thông báo với sếp và đồng nghiệp rằng mình sẽ hoàn thành, và vùi đầu làm.
Nghĩ tích cực thì, “nỗi buồn" này chứng tỏ mình thật sự đã rất tận hưởng và “lời" thêm một kỷ niệm đầy dấu ấn trong đời. Vốn là một người hay lo xa và sợ những điều ngoài kế hoạch, trải nghiệm này đã giúp mình có thêm động lực để bước ra vùng an toàn và trông chờ cho những chuyến đi tiếp theo.