Post-concert depression - Vui một tối, buồn cả mấy ngày | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
31 Thg 07, 2023
Tâm Lý Học

Post-concert depression - Vui một tối, buồn cả mấy ngày

Thân thể ở chỗ làm, nhưng tâm trí vẫn "lơ lửng" ở sân vận động Mỹ Đình.
Post-concert depression - Vui một tối, buồn cả mấy ngày

Biển hồng trong concert “Born Pink” của Black Pink tại Hà Nội. | Nguồn: K Crush

Những ngày vừa qua, truyền thông dường như hướng về tour diễn Born Pink của Black Pink tại Hà Nội. Các fan của nhóm nói riêng và Kpop nói chung đã trải qua tháng 7 với nhiều cung bậc cảm xúc, để rồi cùng hòa mình vào 2 đêm nhạc trọn vẹn.

Giờ đây khi concert kết thúc, không ít fan cảm thấy u sầu, lạc lõng, thân thể ở chỗ làm nhưng tâm trí vẫn “lơ lửng” ở sân vận động Mỹ Đình. Họ dường như vẫn đang lâng lâng cảm xúc trong đêm diễn, hoặc buồn bã vì cảm giác mong chờ, hào hứng và phấn khích của cả tháng vừa qua đã kết thúc.

Trong tâm lý học có một thuật ngữ riêng để gọi hiện tượng này là post-concert depression (tạm dịch: Nỗi buồn hậu đêm nhạc). Vậy điều gì khiến tâm trạng của chúng ta lao dốc sau những khoảnh khắc thăng hoa cùng thần tượng?

Post-concert depression là gì?

Theo Medical News Today, post-concert depression (PCD) là cảm giác u sầu xuất hiện sau khi tham dự đêm nhạc của ca sĩ bạn thích. Bạn có thể thấy rất nhớ họ (dù họ không quen biết bạn), và không biết làm gì khi phải trở lại nhịp sống bình thường.

Post-concert depression hiện chưa được ghi nhận là một chứng rối loạn tâm thần, bởi nó thường chỉ thoáng qua rồi tự kết thúc. Nhưng ở một số người, nó có thể kéo dài và dẫn đến trầm cảm nghiêm trọng. Trang Alternative Press còn miêu tả hiện tượng này qua 9 giai đoạn:

1. Hạnh phúc (euphoria): Cảm giác vui vẻ còn sót lại sau khi bạn hát theo, vẫy lightstick, “quẩy” hết mình cùng thần tượng và các fan khác.

2. Hồi tưởng (reflection): Ôn lại kỉ niệm về concert bằng cách trò chuyện với bạn đi cùng, xem lại ảnh/video hoặc chia sẻ trên mạng xã hội.

3. Nhận ra (realization): Nhận thấy bạn khó mà có lại trải nghiệm này lần 2, và số ảnh hay video của bạn đều không thể thực sự “bắt” lại được khoảnh khắc tuyệt vời trong concert.

4. Thực tế (reality): Cảm giác buồn chán khi phải trở lại nhịp sống hàng ngày; cảm thấy đây không phải là sống, mà đi concert mới khiến bạn được “sống” thực sự.

5. Lạc lõng (feeling outcasted): Bạn chia sẻ trải nghiệm này với người khác (không phải fan), song cảm thấy thất vọng và lạc lõng khi họ tỏ ra thờ ơ với câu chuyện của bạn.

6. Hóng tin (stalking): Vì mọi người thờ ơ, bạn cố gắng làm mình hào hứng trở lại bằng cách “hóng” ảnh và video từ fan khác, hoặc từ những tour diễn tiếp theo của nghệ sĩ.

7. Khó kiểm soát (lack of impulse control): Vì quá mong muốn có lại cảm giác đó, bạn nghĩ đến việc “chốt đơn” cho những đêm diễn khác của thần tượng. Đây là lý do một số fan tham gia nhiều đêm diễn khác nhau của cùng một tour diễn, dù flow chương trình của các buổi này không chênh lệch quá nhiều.

8. Chấp nhận (acceptance): Nếu tiếp tục mua vé ở bước trên, bạn dễ bước vào một vòng luẩn quẩn. Nếu không, bạn sẽ nhận ra hoàn cảnh nằm ngoài tầm kiểm soát (và ví tiền) của mình, và học cách ra quyết định đúng đắn.

9. Tiếp tục sống (living): Các triệu chứng dần biến mất. Bạn có thể hồi tưởng kỉ niệm từ concert một cách nhẹ nhàng (thay vì đau buồn và tiếc nuối), và tiếp tục cuộc sống của mình.

Đặc điểm của post-concert depression

Buồn và trống rỗng là những cảm xúc phổ biến nhất mà mọi người hầu như đều trải qua sau thời khắc “high” cùng thần tượng. Trong một vài ngày sau đó, họ có thể cảm thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng, kém tập trung và trì hoãn trong công việc/học tập hoặc gặp khó khăn khi ra các quyết định.

Một số người có thể có biểu hiện nặng hơn như ăn uống thất thường, mất ngủ và không nói chuyện với ai. Họ không muốn làm gì khác ngoài dành cả ngày xem lại hình ảnh và video quay ở buổi diễn, và chỉ mong được quay lại thời điểm ấy. Họ cảm thấy cuộc sống nhạt nhẽo, vô vị và chỉ thấy vui khi được dự concert thêm lần nữa.

22aug2022cr3jpg
Một số người có thể dành cả ngày xem lại ảnh hoặc video ở đêm nhạc mà không muốn làm gì khác. | Nguồn: Unsplash

Những triệu chứng này thường kết thúc sau một tới vài ngày, nhưng cũng có thể kéo dài vài tháng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày.

Nguyên nhân của post-concert depression

Theo chuyên gia tâm lý Debra Rose Wilson, post-concert depression có thể được lý giải bằng thuyết điểm đặt (set-point theory). Cụ thể, cảm giác “high” chỉ tăng lên tạm thời trong giai đoạn trước và trong concert. Do đó, cảm giác u sầu hậu concert thực ra là một cơ chế cân bằng tự nhiên để đưa cảm xúc con người trở về mức ban đầu.

Một nghiên cứu năm 2021 của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (NAS) cũng cho thấy, âm nhạc tác động mạnh lên hệ thống phần thưởng (reward pathway) của não. Vì vậy khi đi “đu” concert, lượng dopamine và endorphin được sản sinh lớn hơn nhiều so với mức bình thường. Và khi concert kết thúc, những hormone này sụt giảm thì bạn cũng sẽ thấy “down” theo.

Bên cạnh đó, trạng thái thoát ly thực tại (escapism) cũng trở thành cơ sở để não đặt trải nghiệm concert và cuộc sống đời thường lên bàn cân. Khi đi “đu” idol, bạn có thể tạm quên đi những vấn đề đang tồn đọng trong cuộc sống. Nhưng khi concert kết thúc, bạn phải vật lộn để vừa vượt qua nỗi buồn hậu concert, vừa xử lý những vấn đề tồn đọng trên.

Ngoài ra, concert là trải nghiệm được chia sẻ giữa nhiều người cùng có mặt trong khán đài. Vì vậy, nhiều khi sự hụt hẫng, trống vắng xảy ra đơn thuần do bạn nhớ cảm giác được kết nối với thần tượng, được “phiêu” trong âm nhạc cùng hàng nghìn fan khác.

31jul2023img6739jpg
Nhiều khi cảm giác trống rỗng xảy ra thuần túy vì bạn nhớ trải nghiệm được kết nối với thần tượng và các fan khác trong concert. | Nguồn: WLJ

Làm sao để vượt qua post-concert depression?

Dù có chữ “depression” trong tên, post-concert depression không được coi là chứng trầm cảm lâm sàng (clinical depression) như các dạng trầm cảm khác. Bởi nó chỉ là trạng thái tạm thời, thường sẽ tự kết thúc khi bạn đi qua đủ 9 giai đoạn được nhắc đến phía trên.

Tuy nhiên khi chưa hoàn toàn vượt qua được, bạn sẽ gặp nhiều khó khăn khi “vận hành” cuộc sống. Bạn dễ mất tập trung và trì hoãn, ảnh hưởng đến tiến độ công việc. Bên cạnh đó, những xáo trộn khác trong sinh hoạt cũng dễ ảnh hưởng đến tâm trạng và chất lượng cuộc sống của bạn. Để nhanh chóng về “phong độ” cũ, bạn có thể tham khảo các cách sau:

  • Sắp xếp 1-2 ngày nghỉ để có đủ thời gian “ăn mày quá khứ”, bình ổn lại tâm trạng trước khi trở lại guồng quay cũ.
  • Tập thể dục để giúp tăng endorphin, từ đó cảm thấy phấn khích trở lại.
  • Ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý, tránh sử dụng rượu bia, chất kích thích hoặc đồ ăn nhanh. Đây là những nguồn dopamine “ăn liền” giúp bạn high trong thời gian ngắn, nhưng sau đó còn u sầu nhiều hơn.
  • Chia sẻ về trải nghiệm trong concert với các fan khác. Cách này giúp các bạn hồi tưởng lại concert một cách nhẹ nhàng, cũng như kết nối với nhau nhiều hơn.
  • Lên kế hoạch “đu” concert tiếp theo. Khi có một niềm vui lớn khác để trông chờ, tâm trạng bạn sẽ cải thiện trông thấy. Tuy nhiên cần cân nhắc kỹ mọi điều kiện để không sa đà vào việc đi concert, dẫn đến các rắc rối khác trong cuộc sống.

Cần lưu ý nếu những triệu chứng trên kéo dài từ 2 tuần trở lên, bạn nên cân nhắc gặp chuyên gia tâm lý để nhanh chóng tìm ra giải pháp. Bởi nếu để kéo dài, tình trạng này có thể chuyển biến thành trầm cảm mãn tính (chronic depression), cũng như khiến bạn rơi vào một vòng luẩn quẩn không lối thoát về việc đi đu concert chỉ để cảm thấy tốt hơn.