Đi làm phải vui hay phải biết chấp nhận? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

Đi làm phải vui hay phải biết chấp nhận?

Hay là lại "đi sớm về hôm nhưng mà đồng lương vẫn không khi đủ."
Đi làm phải vui hay phải biết chấp nhận?

Nguồn: Cơ hội cho ai?

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Đi làm thì phải vui hay đi làm thì phải biết chấp nhận, đó là câu hỏi tranh biện giữa hai thí sinh trong chương trình Cơ hội cho ai? - show truyền hình thực tế về việc làm và tuyển dụng. Sau mỗi chương trình, sẽ có một thí sinh được thương lượng về công việc và lương với các Sếp và đưa ra quyết định đầu quân cho một trong năm Sếp của chương trình.

Hai thí sinh cùng các Sếp đã trao đổi, chia sẻ nhiều ý kiến xung quanh chủ đề thảo luận này. Từ đó, khán giả có thể nhìn thấy các quan điểm khác nhau về thị trường lao động, về việc làm và việc đi làm, cũng như về ý nghĩa của việc lao động trong cuộc sống.

2. Quan điểm của hai thí sinh với câu hỏi này là gì?

Là người đưa ra quan điểm trước, thí sinh Nam Sang - nhân viên thiết kế đồ họa ở độ tuổi 30 - nói rằng không phải ai cũng may mắn tìm được công việc tốt với người sếp tốt. Trong hoàn cảnh ấy, biết chấp nhận có thể là cách tư duy đúng.

Theo sự diễn giải của anh, sự chấp nhận ở đây bao gồm việc chấp nhận những rủi ro và buồn vui trong công việc, và chấp nhận những yêu cầu công việc của cấp trên.

Ở chiều ngược lại, thí sinh Hà My - lập trình viên sinh năm 1999 - xác định rằng “đã đi làm thì phải vui.” Cô trình bày rằng “vui” không phải là cảm xúc cá nhân, mà là việc tạo ra được giá trị cho bản thân và doanh nghiệp.

03oct2022genz11664676840297946504749006401024crop16646768454629271102391jpg
Hai thí sinh Hà My và Nam Sang chuẩn bị cho phần trình bày của mình. | Nguồn: Cơ hội cho ai?

Với Hà My, việc lan tỏa giá trị tốt đẹp và năng lượng tích cực là một cách để làm việc hiệu quả hơn, thay vì chấp nhận và dồn nén những cảm xúc tiêu cực.

Đồng tình với quan điểm lan tỏa sự tích cực là Sếp Nguyễn Trung Dũng - người đứng đầu doanh nghiệp DH Foods. Từ kinh nghiệm của bản thân, việc đi làm không thấy vui có thể đưa tới kết quả không như mong muốn. Do đó, ta cần tiếp cận công việc với năng lượng tích cực và dùng năng lượng ấy để giải quyết khó khăn.

3. Tại sao thế hệ trẻ có góc nhìn khác về việc đi làm?

Trong khi Nam Sang đưa ra một luận điểm quen thuộc trên thị trường lao động Việt Nam, thì ý kiến của Hà My mang dấu ấn của những người trẻ với cách suy nghĩ mới về công việc và cuộc sống.

Với các thế hệ trước, khó khăn hiện diện thường trực trong cuộc sống do bối cảnh kinh tế và xã hội Việt Nam khi ấy. Các sự kiện như chiến tranh hay nền kinh tế bao cấp đặt họ vào vị thế bị động và phải chấp nhận. Công việc khi ấy không phải là một sự lựa chọn, mà là một cái đích buộc phải tới để có thể vượt qua khó khăn và cải thiện cuộc sống.

Thế hệ trẻ, đặc biệt là một bộ phận Gen Z, sinh ra và lớn lên trong một đời sống no đủ hơn, nơi “ăn no, mặc ấm” và “ăn chắc, mặc bền” được thay bằng “ăn ngon, mặc đẹp.” Thứ họ có là sự lựa chọn - một điều khá xa xỉ với các thế hệ sống lâu trong tình thế phải chấp nhận khó khăn.

03oct2022photo115590504566641198952659jpg
Thế giới của các bạn trẻ nhiều tiện nghi hơn đời sống trước kia. | Nguồn: Kênh 14

Vì thế, việc đi làm đối với Gen Z không còn là một nghĩa vụ hay một lối thoát khỏi sự khó khăn, mà là một lựa chọn liên quan tới lối sống và định hướng nghề nghiệp. Các bạn trẻ sẽ ưu tiên những môi trường thân thiện, và thoải mái hơn là ép bản thân chấp nhận một không gian làm việc gò bó và nhiều ràng buộc, quy định.

4. Thị trường lao động chuộng người “vui” hay người “biết chấp nhận?”

Trong chương trình truyền hình thực tế, sau khi phần tranh luận kết thúc, 4 trên 5 Sếp đã chọn Nam Sang là người tiến vào vòng tiếp theo. Kết quả này cho thấy rằng, ở một chừng mực nào đó, các chủ lao động tại Việt Nam vẫn chuộng những người lao động với những đức tính của thế hệ cũ: cần cù, chịu khó, cam chịu, biết chấp nhận.

Mối quan hệ giữa sếp và nhân viên thường được coi là mối quan hệ chủ-tớ. Đây có lẽ cùng là góc nhìn của các Sếp trong chương trình, của thí sinh Nam Sang, và của đại đa số thị trường lao động tại Việt Nam. Mối quan hệ này mang lại cảm giác thứ bậc, trong đó người chủ lao động được quyền đòi hỏi sự đầu tư và tận hiến nơi người lao động. Do đó, họ chuộng những người biết chấp nhận và tuân thủ yêu cầu.

Điều này không có nghĩa là thế hệ trẻ không cần cù hay chịu khó, nhưng đây không phải là những ưu tiên khi làm việc của một bộ phận các bạn trẻ. Dựa vào phát biểu của Hà My, ta thấy rằng bên cạnh quan hệ chủ-tớ, giới trẻ còn nghĩ về cấp trên như những người đồng nghiệp. Do đó, họ có thể cùng nhau “vui” khi làm việc và trao đổi công việc một cách thẳng thắn.

5. Còn sự khác biệt nào trong quan điểm sống giữa các thế hệ?

Bên cạnh việc đi làm, thế hệ trẻ có nhiều sự khác biệt về lối sống và quan điểm sống với các thế hệ đi trước. Điển hình là quan niệm coi trọng trải nghiệm của thế hệ trẻ, thông qua những phát ngôn dạng “tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại” hay là “hãy sống như chưa từng được sống.”

Ở chiều ngược lại, thế hệ ông bà, cha mẹ chúng ta đề cao sự ổn định và sự bền bỉ. Đó là lí do tại sao nhiều người vẫn thích con cháu mình làm việc tại các cơ quan nhà nước bởi chúng đáp ứng cả hai yếu tố này. Lối suy nghĩ này cũng giải thích cho những quan tâm của nhiều người: mua nhà, tậu xe, dựng vợ gả chồng,...

Những khác biệt này góp phần định hình sự tương tác giữa thế hệ trẻ với các thế hệ trước trong thị trường lao động. Ngày càng nhiều công ty đang để ý tới những khác biệt đó, và thiết kế các mô hình làm việc phù hợp cho Gen Z - “thế lực” tương lai của thị trường lao động. Trong tương lai, khi Gen Z trở thành lực lượng lao động chủ yếu, có lẽ chúng ta sẽ thấy nhiều hơn những quan niệm như “đi làm phải vui.”