Đề bài luận chính nộp đại học của tôi là, “Mỗi người có một câu chuyện ý nghĩa đến nỗi bộ hồ sơ của họ sẽ mãi không hoàn thiện nếu không có câu chuyện đấy. Mời bạn kể câu chuyện của mình.”
Bản nháp đầu tiên, tôi kể về mục giáo dục giới tính của Hoa Học Trò mình đã đọc năm lớp 5. Mục báo này khác những câu đùa của đám bạn mới lớn vụng về ghẹo nhau để khám phá vùng kiến thức cấm. Nó cũng không như những kiến thức sinh học thường bị né tránh trong sách giáo khoa, mà mở ra cho tôi một vùng trời tri thức mới nằm ngoài chương trình. Ham muốn được học hỏi của tôi dâng lên mạnh mẽ.
Viết xong, tôi mang lên trường nhờ giáo viên thân nhất với tôi đọc và nhận xét. Thầy chỉ bảo, “Chưa đủ sâu. Viết thêm đi.”
Có lẽ hai thầy trò đã nói chuyện đủ nhiều nên thầy hiểu tôi và nhìn thấu rằng tôi kể hoa kể lá để né tránh phần rễ rối rắm. Tôi nghĩ về nhận xét của thầy rồi quyết định nhắm mắt giật phăng cây lên. Rễ bị đem ra phơi bày trong nắng gió mà chông chênh.
Tôi kể chuyện đứa bé ngày xưa tìm thấy bình yên trong biển kiến thức không giới hạn. Nhưng lạ thay, từ cấp 1, nó luôn nghĩ mình chỉ nên chăm chăm vào Toán. Ai đó mà nó chẳng còn nhớ nữa đã từng nói nó, “Cố gắng nhé vì bỏ Toán sang môn khác nghĩa là con không đủ giỏi để theo Toán.”
Tôi kể về quyển vở nháp chỉ có 2 trang nháp Toán. Khi có người vào phòng kiểm tra xem tôi có học không, tôi giở đúng 2 trang ấy. Khi chỉ còn mình tôi trong căn phòng, tôi lật sang trang khác để viết và vẽ vời.
“Chưa đủ sâu, viết thêm đi.”
Tôi gồng mình mà giàn giụa viết về cảm giác nổi loạn sảng khoái mỗi lần tôi thành công giả vờ chăm học, nhưng đi cùng đó là cảm giác tủi nhục vì mình không như những gì mình thể hiện.
“Chưa đủ sâu, thêm nữa đi.”
Tôi thú nhận rằng phần sex-ed của Hoa Học Trò có nhiều ý nghĩa với tôi đến vậy vì đọc những giọng thông tin nhẹ nhàng đầy thấu hiểu, tôi được thẳng thắn đối diện với những điều mình chưa biết về bản thân và xung quanh. Tôi kể về cách những trang báo đã định nghĩa cho tôi thế nào là học, thế nào là kiến thức, và thế nào là cách dạy để mang kiến thức lại gần mỗi người.
Tôi móc ruột gan, móc hết những tâm tư tận đáy tôi chôn vùi đã lâu. Tôi viết đến nỗi tôi chẳng dám đọc lại, chỉ biết nhắm mắt gửi thầy.
Lần này, thầy bảo: “Cũng sâu đấy, nhưng người ta chẳng quan tâm em ra sao cả. Người ta quan tâm em sẽ là ai, sẽ mang lại giá trị gì cho đời và qua đó là danh tiếng thế nào cho trường.”
Thế là tôi mò lên mạng đọc xem người khác đã thể hiện “mình sẽ là ai,” đã theo đuổi hành trình đại học của họ như thế nào.
Ngoài kia, có những mảnh đời ý nghĩa hơn tôi nhiều. Họ có thể là một bà mẹ đơn thân, vừa tự tay nuôi con vừa phải đi làm nhiều công việc để kiếm sống. Thế nhưng trong gian nan ấy, họ vẫn luôn cố gắng học thêm mỗi tối. Họ ấp ủ hi vọng được học đại học về chính sách công để sau này hỗ trợ những người đồng cảnh ngộ.
Họ cũng có thể là một học sinh first-gen, trong gia đình chưa có ai tốt nghiệp đại học. Gia đình không có điều kiện nên từ đầu, lựa chọn hiển nhiên nhất cho họ là không học lên cao và đi làm phụ giúp gia đình. Thế nhưng, họ vẫn chọn vùng vẫy để tìm lấy cơ hội được học cho mình và phá lệ “không có bằng đại học” của gia đình.
Tôi thấy sự vùng vẫy, sự quyết liệt để đối mặt với những nghịch cảnh, và những đặc quyền họ không có... thật sự ý nghĩa.
Trong khi đó, “bất hạnh” của tôi là tôi vật lộn tìm cách thoát khỏi sự gò bó của việc học dù tôi được cho ăn học. Tự dưng, tôi thấy “câu chuyện ý nghĩa” tôi viết chẳng là gì.
Hoang mang không biết viết tiếp câu chuyện cho bài luận thế nào, tôi cố gắng xâu chuỗi mọi thứ mình còn nhớ. Tôi thêm vào những câu như “Một ngày nào đó tôi sẽ góp phần thay đổi thế giới” để chứng minh rằng câu chuyện của tôi ý nghĩa, rằng bằng một cách nào đó, tôi sẽ có ích cho đời.
Nhưng càng cố, tôi lại càng thấy những trải nghiệm và câu từ của mình cứ như những lời biện minh chống chế, thật vô nghĩa và gượng gạo. Tôi viết rất nhiều nhưng ghét bỏ từng câu chữ được ghi ra. Tôi chẳng là ai cả. Chật vật của tôi thật xàm xí. Và câu chuyện của tôi cũng chẳng ý nghĩa.
Sau nhiều tuần và những đêm khuya thức thao láo, một ngày, tôi đóng sầm laptop lại và không dám nghĩ hay viết gì thêm nữa.
Tôi tìm thứ để làm. Tôi quăng mình vào những cơ hội xung quanh mà tôi hứng thú để tìm kiếm câu trả lời cho “tôi sẽ là ai.” Tôi tìm đến nhóm thi đố đáp, nơi tôi và bạn chia chung những buổi chiều ngồi hỏi nhau đủ mọi lĩnh vực và kể chuyện lịch sử nước mình.
Tôi vào làm cho Passerelles numériques Vietnam (PNV) - một NGO dạy Công nghệ Thông tin miễn phí cho học sinh yếu thế. Ở đây, các bạn học ít vì tò mò hay đam mê mà vì mong muốn có nghề tin học để có công việc tốt, để chu cấp cho gia đình sống thoải mái. Nhờ các bạn, những đứa em trong gia đình được biết và theo đuổi cái gọi là tò mò và đam mê.
Dần dần, nhờ những trải nghiệm ý nghĩa bên bạn bè và những mảnh đời tưởng chừng xa lạ khác, tôi tiếp nối được câu chuyện dang dở.
Bản viết lần này vẫn bắt đầu với câu chuyện Hoa Học Trò và mong muốn được thẳng thắn tìm hiểu về mọi thứ xung quanh của tôi. Thế nhưng, chẳng nặng nề “tôi”, “những gì tôi phải trải qua” hay “cảm xúc của tôi” nữa, tôi tìm thấy ý nghĩa trong những khoảnh khắc mà thời gian như ngừng lại khi tôi được mở mang cùng những người bạn chung mối quan tâm, trong những câu chuyện của những người bạn học ở PNV để tìm công việc ổn định, thoát nghèo bền vững và nâng đỡ gia đình.
Trả lời cho câu hỏi “tôi sẽ là ai” của thầy, tôi viết: “Tôi thấy mong muốn theo đuổi tri thức và giáo dục của mọi người, dù vì động lực gì, cũng thật ý nghĩa. Và tôi muốn là người đi cùng họ.”
Viết xong, tôi thấy mình không cần phải nhờ thầy đọc qua nữa.
Lúc lặng lẽ nhấn “Nộp” tôi nghĩ đến cảnh sau này, tôi có thể đổi ý và thấy việc học-dạy không còn ý nghĩa nữa. Câu chuyện tôi nộp ấy cũng chẳng phải bức tranh hoàn thiện về tôi để tôi trưng ra cho người ta - có lẽ vài câu chuyện cũng chưa thể.
Và dù tôi đã phải vật vã để hoàn thành bài luận ấy, người ta có thể không ngần ngại mà thấy nó chưa đủ ý nghĩa rồi từ chối, để nó trôi khỏi kí ức và cuối cùng, chỉ có mình tôi nhớ về những gì mình viết. Nghĩ đến đó, tôi khẽ mỉm cười, trong lòng vừa thấy man mác, vừa thấy khôi hài thú vị, vừa thấy bình yên.
(Chia sẻ của bạn Hân Nguyễn)