Khi tấm bằng đại học chưa phải là tất cả | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Khi tấm bằng đại học chưa phải là tất cả

Các thành viên sẽ chứng minh cho bạn điều đó.
Khi tấm bằng đại học chưa phải là tất cả

Nguồn: Pexels

Trong hai ngày 7 và 8/7 vừa qua, cả đất nước đổ dồn sự chú ý đến kỳ thi THPT Quốc gia - sự kiện được xem là quan trọng nhất đối với mỗi học sinh. Suốt 12 năm phổ thông, chúng ta đều được dạy rằng, kết quả kỳ thi này sẽ định đoạt phần đời còn lại của chúng ta.

Tuy nhiên thực tế cuộc đời cho thấy, đỗ đại học chưa phải là tất cả. Có rất nhiều người chọn cho mình những hướng đi riêng biệt mà không liên quan đến môi trường đại học.

Gap year để biết mình đang thực sự tìm kiếm điều gì

Zack Lê

Sau 12 năm mỏi mòn trên ghế trung học phổ thông, việc ngay lập tức chọn một ngành nghề và theo đuổi nó tại môi trường đại học thật sự không phải là một lựa chọn mình cần ở thời điểm đó. Đối với mình, việc mới sống trên đời 18 năm, trong môi trường an toàn của gia đình và trường học chưa thật sự đủ giúp mình định hình thế giới, cũng như mong muốn của bản thân.

Vì vậy, mình quyết định gap year 1 năm để cọ xát ở môi trường bên ngoài, biết được mình đang thực sự tìm kiếm những gì. Mình may mắn có gia đình hậu thuẫn, nên phương châm của mình không quá chú trọng vào tiền bạc mà là tích lũy trải nghiệm. Một công việc có thể giúp mình kiếm tiền, nhưng mình không thể học được gì hay sáng tạo điều gì mới cũng sẽ không phù hợp để mình theo đuổi lâu dài. Và công việc Editor đã mang lại cho mình điều đó.

08jul2022zacklejpg
“Ủa rồi học xong lớp 12 thì làm gì?” | Nguồn: Zack Lê

Mình không gặp quá nhiều khó khăn khi tìm việc, bởi trong ngành Sáng tạo bằng cấp gần như sẽ là thứ cuối cùng nhà tuyển dụng sẽ xem. Thay vào đó, mình chủ động xây dựng portfolio từ năm lớp 10 và không ngừng phấn đấu trong từng dự án nhỏ mình tham gia.

Lời nhắn nhủ đến các bạn học sinh: Đừng cảm thấy áp lực phải trả lời câu hỏi "Tôi Là Ai?" ngay từ thời điểm này. Chúng ta chỉ mới đang sống trong một thế giới cực kì khép kín, chưa hề bước chân ra khỏi cuộc sống nhà trường và cuộc sống có ba mẹ che chở. Làm thế nào mà ta có thể biết được "Tôi là Ai" khi mà ta còn chưa biết thế giới là gì?

“Bật công tắc” thay đổi sau những đêm trực ở bệnh viện

Lê Hùng Luận - Social Media Manager

Quyết định đổi nghề của mình có lẽ gây sốc với nhiều người. Bởi trước khi trở thành social media manager tại Vietcetera, mình đã có 6 năm học ngành Y và thực tập trong chiếc áo blouse trắng.

Có lẽ quyết định không theo ngành Y đã nhen nhóm trong mình từ những đêm trực gác ở bệnh viện. Khi đó mình cũng bắt đầu tìm hiểu về các nội dung trên mạng xã hội. Mình nhận ra rằng bác sĩ có thể cứu giúp cho bệnh nhân đã có bệnh sẵn, nhưng người thường lại chưa có ai hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe và phòng tránh bệnh hiệu quả. Chính sức mạnh lan tỏa của truyền thông đã lấp đầy lỗ hổng này.

08jul2022lhljpg
Bức ảnh được chụp trong một buổi mình đi trực. Quyết định không theo ngành Y đã nhen nhóm chính từ những buổi trực này. | Nguồn: Lê Hùng Luận

Vậy là mình cầm tấm bằng Y khoa đi xin việc trong ngành Truyền thông - một điều phi lý trong mắt bất cứ ai nhìn vào. Nhưng do đã có chút kinh nghiệm và kỹ năng phù hợp, cộng thêm việc tham khảo cách viết CV hợp lý, mình trình bày được đúng những gì nhà tuyển dụng cần trên CV của mình. Vietcetera cũng là nơi đầu tiên, và duy nhất mình xin việc tính đến thời điểm hiện tại.

Lời nhắn nhủ đến các bạn học sinh: Nếu kế hoạch A không thể thực hiện, thì bảng chữ cái Latin vẫn còn 25 chữ cái nữa. Vì vậy, hãy chuẩn bị thêm các kế hoạch B, C, D…thật kỹ càng nếu bạn muốn chuyển hướng sự nghiệp.

Trước đây khi mọi người hỏi tại sao lại nhảy ngành, mình thường hay trả lời “tại vì thấy không phù hợp.” Nhưng khi vào làm việc và va chạm các tình thế khó, giờ mình có thể trả lời “tại vì mình nhảy được.”

Rẽ hướng sau 4 năm học Dược vì niềm đam mê với Sáng tạo

Minh Nguyễn - Designer

Khác với đa số các bạn, mình được tuyển thẳng vào đại học vì có giải quốc gia môn Hóa. Vì ngành Dược khi đó khá “hot”, nên mình đã theo học ngành này theo định hướng của gia đình.

Nhưng học đến năm thứ 4 thì mình quyết định bỏ ngang. Vốn đã hứng thú với ngành Sáng tạo từ những năm cấp 3, nên càng học Dược mình càng cảm thấy nó xa rời với những gì mình muốn theo đuổi. Vậy là vừa đi học, mình vừa tự tìm các khóa học thiết kế, vừa đi làm thêm - khoảng thời gian này thật sự khá căng thẳng. May mắn là bố mẹ mình cũng ủng hộ, bởi mình đã có sự chuẩn bị kỹ càng cho quyết định đổi nghề.

Đổi lại những năm tháng vất vả, mình có một portfolio dày dặn hơn 5 năm kinh nghiệm để ứng tuyển công việc hiện tại.

08jul2022imge8328jpg
Từ khi còn học ở trường, mình đã tham gia làm workshop về thiết kế cho các bạn trong câu lạc bộ. | Nguồn: Minh Nguyễn

Lời nhắn nhủ đến các bạn học sinh: Đậu đại học chỉ là một bước rất nhỏ, bước đầu tiên trong hành trình “vào đời” của các bạn. Vì vậy nếu thấy ngành học không phù hợp, đừng phí thời gian lao tâm khổ tứ học đến hết mà nên suy nghĩ về việc thay đổi. Việc có một tấm bằng đại học không quan trọng bằng việc xác định hướng đi mà bạn muốn theo đuổi lâu dài.

Học ngoại ngữ nhưng quyết định theo nghiệp viết lách

My Nguyễn - Creative Shop Lead

17 năm trước, khi đăng ký thi Đại học, vì yêu thích đất nước và văn hóa Ý nên mình chọn khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Ý.

Tuy nhiên khi vào học mình mới nhận ra, chuyên môn mình được đào tạo là trở thành phiên dịch viên, hướng dẫn viên du lịch hoặc giảng viên tiếng Ý. Cả ba nghề nghiệp đó mình đều không thích, cũng không phù hợp. Vì vậy, thay vì đợi đến lúc ra trường mới bắt đầu tìm việc, mình đi làm từ năm thứ nhất để tự tích lũy cho bản thân, để không “tay không bắt giặc” khi phải cạnh tranh với các bạn khác được đào tạo đúng chuyên ngành suốt 4 năm.

Vốn thích viết lách nên mình tìm những công việc có thể kết hợp giữa sở thích và những gì được học. Mình cộng tác viết về thể thao Ý, dịch bài từ tiếng Ý ra tiếng Việt. Mình cũng từng đảm nhiệm nhiều vị trí về PR, Marketing và đến giờ là Creative Shop Lead ở Vietcetera - tất cả đều liên quan đến viết lách.

Hiện tại dù làm công việc về sản xuất nội dung, nhưng mình không hề nuối tiếc thời gian theo học ngoại ngữ. Việc có thêm một ngoại ngữ, hiểu thêm một nền văn hóa giúp mình tìm tư liệu nhanh chóng, hiệu quả hơn, cũng mở mang hơn về tư duy và tầm nhìn để có thêm nhiều cơ hội cho hiện tại. Tấm bằng đại học mất 4 năm mới có vẫn giúp mình rất nhiều nếu biết vận dụng đúng cách, chứ không bị bỏ xó chỉ vì mình làm trái ngành.

08jul20221833412515627326451218267njpg
Dù làm trái ngành, nhưng mình không hề nuối tiếc khoảng thời gian học đại học và cơ hội được du học Ý. | Nguồn: My Nguyễn

Lời nhắn nhủ đến các bạn học sinh: Ở tuổi 18, rất khó để biết được các bạn là ai và muốn làm gì với cuộc đời. Việc bạn cho là đúng vào năm 18 tuổi, có khi lại không đúng nữa vào năm 22 tuổi khi tốt nghiệp, và vẫn sẽ thay đổi sau một vài năm đi làm. Đừng ngại vừa đi vừa thử nghiệm, còn trẻ mà. Miễn là trên mỗi chặng đường, bạn tích cực học hỏi và tích lũy cho bản thân, kiểu gì cũng có lúc dùng đến.