Dự trữ mùa dịch: Tâm lý trong những thời điểm bất thường | Vietcetera
Billboard banner
17 Thg 07, 2021
Cuộc SốngTâm Lý Học

Dự trữ mùa dịch: Tâm lý trong những thời điểm bất thường

Dự trữ trong mùa dịch (stock pilling) có giống tích trữ (hoarding)? Điều này phản ánh điều gì trong xã hội?
Dự trữ mùa dịch: Tâm lý trong những thời điểm bất thường

Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

Trước diễn biến ngày càng phức tạp của COVID-19, bạn hẳn cũng đã thấy việc đi siêu thị ở thời điểm này nhọc nhằn hơn rất nhiều, khi những ngày vừa qua mọi người đổ xô càn quét các siêu thị để kịp dự trữ đồ cho mùa giãn cách. Mua sắm nhu yếu phẩm - việc tưởng chừng như rất đơn giản vào ngày thường - nay lại khiến nhà nhà đau đầu. 

Mặc dù bạn vẫn có thể đặt hàng từ các cửa hàng tiện lợi hay siêu thị, nhưng điều đó cũng không thể ngăn tâm lý dự trữ càng nhiều càng tốt. Thậm chí, mọi người còn truyền nhau câu chuyện “Hàng xóm mua trữ 200 kg gạo, 30 con gà”. 

Dự trữ: Tâm lý "bình thường" trước những thời điểm "bất thường"

Theo The Conversation, hành vi mua sắm trong thời điểm diễn biến phức tạp của đại dịch (như khẩu trang, nước rửa tay, nhu yếu phẩm) được gọi là stock pilling (dự trữ). Đây là một hành vi tương đối bình thường mà nhiều người thực hiện để chuẩn bị cho sự thiếu hụt đã dự đoán trước.

Mục tiêu của dự trữ là tạo ra một khoản dư trong trường hợp có nhu cầu phát sinh trong tương lai. Chẳng hạn như trước đây những người sống ở vùng có khí hậu lạnh sẽ dự trữ củi trước khi mùa đông đến. 

Chúng ta dự trữ đề phòng trường hợp cần đến trong tương lai.

Điều này thường dễ bị nhầm lẫn với rối loạn tích trữ (hoarding disorder). Theo định nghĩa, rối loạn tích trữ là khi một người mua quá nhiều vật phẩm và cất giữ nó một cách hỗn loạn, gây ra sự lộn xộn khi số lượng món đồ vượt quá tầm kiểm soát. Khác với người tích trữ, người dự trữ vẫn có khả năng loại bỏ những món đồ khi không cần dùng đến chúng nữa. 

Dự trữ như một cơ chế đối phó với nguy cơ nguồn cung bị cạn

Tuy nhiên, dự trữ cũng có thể trở nên quá khích. Đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng, nó còn là tác nhân khiến cung-cầu mất cân bằng. Điều này thường xảy ra ở giai đoạn đầu khi mọi thứ đang dần thay đổi. Chẳng hạn, câu chuyện hết giấy vệ sinh ở thời kỳ đầu dịch bệnh diễn ra ở Úc và Mỹ, hay khan hiếm các mặt hàng thiết yếu ở các siêu thị từ khi có lệnh giãn cách toàn thành phố. 

Trớ trêu thay, phương tiện truyền thông càng tập trung nhiều hơn vào việc dự trữ thì mọi người lại càng dự trữ nhiều hơn. Những bài đăng cảnh mọi người xếp hàng dài chờ đợi trước siêu thị, hay hình ảnh trơ trọi của các quầy hàng càng kích hoạt tâm lý “sợ hết” của mọi người.

dự trữ
Chúng ta dự trữ bởi sự lo âu vào tương lai không chắc chắn. 

Linden (giáo sư tâm lý xã hội tại Đại học Cambridge) cho biết “Khi căng thẳng, lý trí của con người bị cản trở, vì vậy bạn sẽ nhìn vào những gì người khác đang làm. Nếu những người khác đang dự trữ, nó sẽ dẫn bạn đến hành vi tương tự ở bạn.”

Bên cạnh đó, việc chuẩn bị bằng cách dự trữ là một dạng của cơ chế đối phó (coping mechanism), nhằm tạm thời xoa dịu nỗi lo về tương lai, bởi con người là sinh vật có nhu cầu lớn trong việc cảm thấy được an toàn. Việc này cũng tương tự như gửi tiết kiệm hay mua bảo hiểm để chuẩn bị cho việc nghỉ hưu vậy.

Nghịch lý của hành vi dự trữ

The Conversation nhận định rằng, mọi người vẫn sẽ mua nhiều hơn miễn là còn lo lắng, nhưng đồng thời khó chịu và phê phán khi thấy người khác trữ hơn mức mà họ cho là đủ. Cũng giống như việc bạn ôm cả thùng mì trong tay nhưng lại cáu bẳn khi gian hàng hết hành lá.

Điều này bắt nguồn từ mối quan ngại về “Bi kịch của mảnh đất công” (tragedy of the commons) - khi tài nguyên chung không giới hạn người tiếp cận (như hàng hóa ở siêu thị) nhưng con người lại có xu hướng lấy nhiều hơn cho bản thân, dẫn đến việc tài nguyên bị kiệt quệ. 

Cả dự trữ và phê phán việc này đều là những hành vi thích nghi (adaptive behaviors) được phát triển để duy trì sự cân bằng giữa cung-cầu về lâu dài. Điều này nhằm đảm bảo tính hợp tác và sự công bằng trong xã hội, khi bên cạnh lợi ích cá nhân còn là lợi ích chung của cộng đồng. 

Để bạn bình tâm hơn giữa mùa dịch

Việc lo âu trước tình hình đầy biến động của COVID-19 là điều không thể tránh khỏi. Để tiếp sức cho bạn giữa mùa dịch, Vietcetera xin gợi ý cho bạn đọc những nội dung sau:

Bí quyết ổn định tâm lý giữa đại dịch

Sức khỏe tâm lý của bạn có bị ảnh hưởng vì đại dịch? Bạn có đang lo âu, trầm uất hoặc hoảng sợ thái quá? Hãy để Vietcetera giúp gợi ý cho bạn những bí quyết để bình ổn tâm lý trong mùa dịch nhé. 

10 Loại thực phẩm thích hợp để "trữ" cho mùa dịch

Tuy không nên mua quá đà gây ảnh hưởng đến cung-cầu, nhưng việc có trong nhà những nhu yếu phẩm cần thiết sẽ giúp bạn an tâm hơn. Bài viết sẽ giới thiệu cho bạn các loại thực phẩm phù hợp để trữ dựa trên tiêu chí: tiết kiệm, dễ dàng chế biến, có giá trị dinh dưỡng và có thể tích trữ trong thời gian dài. 

Trữ tiền trong khủng hoảng không "lành" như bạn nghĩ

Một góc nhìn khác cho bạn trong việc trữ tiền trong thời điểm khủng hoảng như COVID-19. Bạn nên làm gì với số tiền mình có trong mùa dịch?