FIFA kiếm tỷ đô từ mỗi mùa World Cup như thế nào? | Vietcetera
Billboard banner

FIFA kiếm tỷ đô từ mỗi mùa World Cup như thế nào?

Với một chiến lược kinh doanh khôn ngoan và không thể thua lỗ, FIFA vẫn đang tạo ra những con số thu nhập đầy ấn tượng.
FIFA kiếm tỷ đô từ mỗi mùa World Cup như thế nào?

Nguồn: AP News

Trong suốt lịch sử hơn 100 năm phát triển kể từ giải bóng đá đầu tiên diễn ra tại Anh, cho đến nay bóng đá đã được chơi ở hơn 200 quốc gia. Không có một môn thể thao nào đạt được thành tích như vậy.

Năm 1904, FIFA ra đời với nhiệm vụ phát triển và cải thiện nền bóng đá cho tất cả mọi người trên khắp hành tinh, đồng thời đặt ra cơ chế giám sát, tổ chức và quảng bá cho các giải đấu chung trên thế giới.

Mặc dù là tổ chức phi lợi nhuận, với hầu hết doanh thu được đầu tư vào việc phát triển bóng đá thế giới, FIFA cũng là một doanh nghiệp thành công với những kế hoạch kinh doanh bài bản và hiệu quả.

Mỗi mùa World Cup, khi trái bóng bắt đầu lăn trên các sân cỏ cũng là lúc FIFA công bố những khoản tiền lãi khiến người ta phải ngỡ ngàng. Vậy Liên đoàn Bóng đá Thế giới đã kiếm hàng tỷ đô từ nền kinh tế World Cup và bên lề như thế nào?

1. Tiền bản quyền truyền hình

Bản quyền truyền hình chính là hạng mục doanh thu lớn bậc nhất của FIFA trong mỗi kỳ World Cup. Báo cáo doanh thu từ World Cup 2018 cho thấy, trong số 6,4 tỷ USD thu được có đến 4,6 tỷ USD đến từ bản quyền truyền hình. Còn tại World Cup 2014 tại Brazil, doanh thu từ bản quyền phát sóng chiếm tới 2,428 tỷ USD.

FIFA đã bán quyền phát sóng các trận bóng đá và các sự kiện liên quan cho các đài truyền hình và tổ chức. Mỗi mùa World Cup, việc cạnh tranh để giành quyền phát sóng diễn ra rất khốc liệt.

Trong cuộc chiến đấu thầu giữa ESPN và Twenty-First Century Fox, FOX đã đánh bại ESPN của Disney và trả hơn 400 triệu USD cho FIFA để có bản quyền truyền hình cho đến hết World Cup 2022. Facebook, Twitter và Snap cũng đã phải trả hàng triệu USD cho FOX để có được quyền tóm tắt trận đấu.

alt
Nguồn: Goal.com

Mùa World Cup năm nay tại Qatar, các doanh nghiệp ở khắp nơi trên thế giới cũng phải chi một số tiền gấp 2-4 lần những năm trước đó để sở hữu bản quyền. Ở Ý, đài truyền hình quốc gia nước này đã sở hữu bản quyền phát sóng World Cup 2022 với mức giá 100 triệu Euro.

Anh và Trung Quốc lần lượt phải chi số tiền 160 triệu bảng và 156 triệu USD để sở hữu bản quyền cả hai mùa World Cup 2018 và 2022. Mức giá bản quyền phát sóng cho mỗi khu vực trên thế giới đều có sự chênh lệch và khác nhau, tuy nhiên, con số được đưa ra không bao giờ dưới 5 triệu USD.

World Cup 2022, Đài truyền hình Việt Nam đã phải bỏ ra 15 triệu USD để mang được về gói bản quyền. Con số này đã tăng 30% (khoảng 4 triệu USD) so với 4 năm trước đó.

2. Chi phí hợp tác quảng cáo, tiếp thị

Có một điều không thể phủ nhận, đó là sức hấp dẫn và sự phổ biến đến đại chúng của mỗi kỳ World Cup do FIFA tổ chức. Chính vì điều này, các thương hiệu toàn cầu không ngần ngại móc ví một số tiền rất lớn để trả cho Liên đoàn Bóng đá Thế giới, với mục đích có quyền quảng cáo tại các sự kiện do FIFA tổ chức.

World Cup 2014, FIFA có 6 đối tác truyền thông, nhà tài trợ lớn là Adidas, Coca-Cola, Hyundai, Emirates, Sony và Visa. Mùa giải năm đó, FIFA đã nhận được 1,6 tỷ USD từ các công ty trên.

Còn ở World Cup 2018, các thỏa thuận về quyền tiếp thị đã mang về cho Liên đoàn này 1,66 tỷ USD. Thậm chí vào năm 2021, thời điểm không có giải đấu đáng chú ý, FIFA cũng đã thu về 131 triệu USD từ nguồn này.

World Cup 2022 tại Qatar dự kiến sẽ có hơn một nửa dân số trái đất (khoảng 5 tỷ người) theo dõi các trận đấu và sự kiện. Đây là con số khán giả rất lớn để các nhãn hàng quảng bá, bán hàng. Các thương hiệu lớn như Coca-Cola, Budweiser, Visa, Pepsi, Hyundai cũng đã góp mặt trong những chiến dịch quảng cáo từ FIFA.

alt
Nguồn: FIFA

Ngoài ra, World Cup được tổ chức vào mùa đông cũng trùng với đợt cao điểm mua sắm tiêu dùng cuối năm. Dự báo cho thấy các công ty bao gồm Ford, T-Mobile, Coca-Cola và Samsung có thể chi 2 tỷ USD cho các chương trình khuyến mãi liên quan tới giải đấu năm nay.

Nếu các đội ở các thị trường hàng đầu tiến xa hơn mong đợi, các thương hiệu có nhiều khả năng sẽ muốn chi nhiều hơn cho quảng cáo.

3. Doanh thu bán vé từ giải đấu

Theo tiết lộ của kênh truyền thông hàng đầu Qatar, World Cup năm nay, FIFA tiếp tục là bên phân phối vé, chứ không phải nước chủ nhà Qatar. Chính vì thế, lợi nhuận mà Liên đoàn Bóng đá Thế giới chuẩn bị gom về vẫn rất lớn.

Trước đó, số vé bán ra trong kỳ World Cup 2010 đã giúp FIFA có thêm 527 triệu USD vào tài khoản. Sau đó, nhu cầu vé năm 2014 là hơn 11 triệu chiếc, gấp 3 số được bán ra, mang về cho tổ chức này số tiền lên đến 476 triệu USD. Số tiền trên thuộc sở hữu 100% của một công ty con của FIFA.

Tại World Cup 2022, dự kiến 3 triệu vé sẽ được bán ra, với mức giá dao động từ 100 - 1,100 USD, nhưng con số thực chắc chắn phải hơn thế. Đây chắc chắn sẽ là sự kiện bội thu của Liên đoàn Bóng đá Thế giới.

4. Phí cấp phép sử dụng tên thương hiệu

Xây dựng thương hiệu và cấp phép sử dụng thương hiệu, kiếm về những khoản tiền không nhỏ là cách FIFA đang làm để kiếm thêm không chỉ từ mùa World Cup.

Nổi tiếng nhất là trò chơi bóng đá FIFA của Electronic Arts, được cho là đã tạo ra doanh thu 20 tỷ USD cho EA trong 20 năm hợp tác với FIFA. Nhà sản xuất trò chơi trả cho FIFA khoảng 150 triệu USD một năm để có quyền sử dụng tên FIFA.

alt
Nguồn: Al Jazeera

Một năm trước kỳ World Cup tại Qatar, FIFA đã kiếm được 180 triệu USD từ việc cấp phép thương hiệu của mình cho hàng hóa, dịch vụ bán lẻ và trò chơi. Sau World Cup 2022, chắc chắn chi phí để trả cho việc sử dụng cái tên FIFA chắc chắn sẽ còn được tăng thêm nhiều hơn nữa.

5. Kết

Theo báo cáo được công bố trước thềm World Cup 2022, FIFA đã kiếm được khoản doanh thu chưa từng có lên tới 7,5 tỷ USD sau 4 năm thực hiện các thỏa thuận thương mại gắn liền với World Cup 2022 tại Qatar. Số tiền này cao hơn 1 tỷ USD so với những gì tổ chức này thu được từ kỳ World Cup trước đó diễn ra tại Nga vào năm 2018.

Và theo Guardian, doanh thu của FIFA có thể đạt tới 10 tỷ USD trong 4 năm tới nhờ chiến lược tài chính mới cho bóng đá nữ và kỳ World Cup 2026 mở rộng ở Mỹ, Canada và Mexico.

Bên cạnh những cáo buộc quản lý yếu kém với nhiều sai sót trong quá trình đấu thầu World Cup, hay việc chủ tịch và các giám đốc điều hành tổ chức này bị bắt vì tham nhũng thì không thể phủ nhận, FIFA rất giỏi trong việc kiếm tiền và đầu tư để mang về những khoản tiền khổng lồ.

Bóng đá từ lâu vẫn được coi là môn thể thao vua, có lẽ không chỉ vì những cuộc thư hùng đầy hấp dẫn trên sân cỏ, mà còn vì những dòng tiền và lợi nhuận khổng lồ bên ngoài đường pitch.