Gen Z là những ai để được gọi là “thế hệ nhạy cảm”? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Gen Z là những ai để được gọi là “thế hệ nhạy cảm”?

Gen Z vẫn luôn là một nhãn dán quá lớn, những định kiến xoay quanh nó có thể khiến xã hội thiếu thấu cảm hơn với rất nhiều trường hợp cần lấy sự thấu cảm này.
Gen Z là những ai để được gọi là “thế hệ nhạy cảm”?

Nguồn: Justin

Hôm nay, do có một số trang tin đăng lại, tôi tìm đọc một thread trên Reddit với tựa: “Có phải tôi không đủ lớn để cảm thấy dễ chịu với emoji ‘like’?” (Am I not adult enough to be comfortable with the "thumbs up" emoji reaction?).

Tôi cười khúc khích với câu hỏi này, vì dù nút like biến mất trong thói quen đãi bôi của chúng tôi khi nhắn tin qua lại với nhau và với sếp đã lâu rồi trên Slack, Teams, Messenger và vô vàn phần mềm nhắn tin khác, tôi không cảm thấy nó khó chịu.

Có thể đối với một số bạn bè đồng trang lứa, emoji này đáng ghét vì người gửi không biểu lộ cảm xúc gì cụ thể qua nó, hoặc cố gắng truyền đạt một thông điệp tiêu cực gián tiếp (còn gọi là passive-aggressive).

Giả dụ nếu người yêu thả biểu tượng này vào một tin nhắn nào đó của bạn thì bạn gặp rắc rối chắc rồi. Nhưng với những đồng nghiệp nhỉnh tuổi hơn một chút, hàm ý của họ chỉ là “ok” hoặc “tôi sẽ làm theo chỉ thị này.”

Tôi đọc tiếp một số tít bài của The Daily Mail và The New York Post, thấy câu chuyện trở nên nực cười hơn khi các bạn thuộc nhóm Gen Z được phỏng vấn đã chọn ra một danh sách 10 emoji nên bị tẩy chay (cancel) vì chúng đã lỗi thời, hoặc mang thông điệp xấu, bao gồm: 👍, ❤️, 👌, ✅, 💩, 😭, 🙈, 👏, 💋, 😬.

Dễ tìm thấy bình luận của cộng đồng mạng có ý chê cười hoặc phê phán thế hệ Z: “Các bạn này cảm thấy bị xúc phạm bởi mọi thứ!”, “Tại sao khó chiều thế?”, “Đúng là một thế hệ nhạy cảm!”

Tôi không muốn bênh vực ai trước những bình luận kiểu này, bản thân tôi cũng không muốn nhận mình là Gen Z dù theo đúng định nghĩa, tôi thuộc về nhóm này. Nhưng tôi cảm thấy hơi lo ngại khi “nhạy cảm” hay được dùng trước mọi hành động của ai được coi là Gen Z, dù hành động đó hợp lý hay không.

Tôi có một người bạn thân từ cấp 3 mới quyết định nghỉ việc ở một công ty mà nếu tôi được phép gọi tên ở đây, nhiều người sẽ tự hỏi tại sao bạn tự huỷ hoại một con đường sự nghiệp tốt đến vậy. Và cũng chỉ nhìn nhận ở cái vẻ bề ngoài ấy, sếp của bạn sau khi nhận đơn xin rút lui, đã quát tháo trước khi đồng ý cho bạn nghỉ việc.

Những lời kiểu như “bọn trẻ 9x 2000 bây giờ nghĩ rằng mình có nhiều giá trị hơn là giá trị thực tế của chúng nó” hay “nhạy cảm nhất thời nhưng không biết lo cho tương lai, động tí là xin nghỉ việc” khiến tôi giật mình.

Tôi giật mình vì cụm “bọn trẻ 9x 2000,” hay theo ngôn ngữ phổ thông là Gen Z dễ dàng được gán vào một tình huống phức tạp hơn rất nhiều so với bề mặt. Và chữ “nhạy cảm” bỗng nhiên có thể gạt phăng đi mọi lý do dù hợp lý và quy củ đến nhường nào.

Nếu sẵn sàng nhìn nhận mọi thứ cụ thể, thì một nhân viên chăm chỉ và cầu tiến, nhưng chịu đối xử bất công kéo dài chỉ vì là nữ giới, dám lên tiếng về chuyện đó và kết cục là bị nhìn nhận về một cách xấu xí, có lẽ sẽ rất khác so với hình ảnh Gen Z thông thường mà thế hệ trước thấy.

Bạn ấy không nhảy múa trước camera selfie để đăng TikTok 24/7, không bình luận “dảk, bủh, lmao” vào bài viết của ai, và không hề nhạy cảm, làm quá lên trong câu chuyện vừa rồi.

Nếu bạn thích TikTok hay tiếng lóng trên internet, không sao cả, nhưng tôi chắc chắn rằng việc bạn đưa ra một quyết định phức tạp hơn là đặc thù thế hệ. Vì Gen Z vẫn luôn là một nhãn dán quá lớn, và những định kiến xoay quanh nó có thể khiến xã hội thiếu thấu cảm hơn với rất nhiều trường hợp cần lấy sự thấu cảm này.

Không phải ai sinh từ 1997 đến 2012 cũng cảm thấy quen thuộc với những emoji trên internet để cảm thấy chúng đáng ghét, và ngay cả khi tất cả đều tiếp xúc với mạng xã hội từ khi sinh ra, khi không phải văn hoá mạng ở mọi nơi đều giống nhau. Càng zoom-in, mọi thứ càng phức tạp.

Vì vậy, quyết định bỏ việc của bạn tôi xuất phát từ những đặc thù quan hệ và cảm xúc phức tạp hơn chỉ là “dảk, bủh, lmao.” Và, việc tẩy chay một vài emoji chỉ vì chúng lỗi thời thật vớ vẩn, nhưng trong trường hợp cụ thể, nếu ai đó dùng một trong số những biểu tượng ấy, hay kể cả những gì Gen Z hơn như 👉👈🥺 để gợi ý một ý đồ xấu, bạn có quyền ghét bỏ chúng.