Giãn cách xã hội cũng không dễ dàng gì với người hướng nội | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu

Giãn cách xã hội cũng không dễ dàng gì với người hướng nội

Thật ra người hướng nội không thích giãn cách xã hội lắm đâu.

Giãn cách xã hội cũng không dễ dàng gì với người hướng nội

Joshua Rawson Harris/Unsplash

“Giãn cách ở nhà suốt thế này thì đúng là thời của mấy người hướng nội như tụi mình rồi!” – Bạn tôi bông đùa trước khi toàn dân Việt Nam thực hiện đợt cách ly xã hội đầu tiên hồi tháng 4/2020.

“Hiển nhiên!” – Tôi quả quyết trong tâm thế sẽ được nằm nhà coi Netflix cả ngày mà không bị ai bảo “đi ra ngoài nhiều hơn đi”.

Chỉ khi phải trải qua gần 3 tuần liền ở rịt trong nhà, tôi mới nhận ra mình đã lầm. Đúng là người hướng nội lấy lại năng lượng trong quá trình tĩnh lặng một mình, nhưng không ngờ lối sống “đó giờ luôn trong nhà có sao đâu” vẫn bị việc giãn cách xã hội đảo lộn.

Đây là những lý do khiến giai đoạn này của người hướng nội cũng gian nan không kém người hướng ngoại.

1. Tương tác giữa người với người là cần thiết, dù bạn hướng ngoại hay hướng nội

Sở dĩ con người hiện đại (Homo Sapiens) là giống người duy nhất còn tồn tại đến nay là do có sự liên kết xã hội rất tốt. Chúng ta là sinh vật xã hội, và việc giao tiếp với nhau là nhu cầu sinh tồn. Càng có sự giao tiếp tốt, con người càng hạnh phúc hơn.

Theo giáo sư Matthias Mehl việc tương tác với nhau có ảnh hưởng quan trọng đến sức khỏe và sự hạnh phúc của con người Nguồn Unsplash
Theo giáo sư Matthias Mehl, việc tương tác với nhau có ảnh hưởng quan trọng đến sức khỏe và sự hạnh phúc của con người. | Nguồn: Unsplash

Cũng như người hướng ngoại đôi khi cũng trân trọng những khoảng lặng, người hướng nội không hề muốn ở một mình mọi lúc. Bình thường họ chọn cách sống “đơn độc”, nhưng vẫn có thể gặp gỡ người khác bất kỳ lúc nào. Điều này khác với khi họ không còn lựa chọn nào khác vì cần phải giãn cách xã hội.

Giáo sư Matthias Mehl tại khoa Tâm lý học thuộc Đại học Arizona nhận định thuật ngữ chính xác phải là giãn cách vật lý (physical distancing) chứ không phải là giãn cách xã hội (social distancing). Trong thời kỳ dịch bệnh đầy khó khăn, việc củng cố kết nối giữa người với người lại càng quan trọng hơn bao giờ hết, nếu không muốn phải đối mặt với sự cô đơn.

2. Lo âu nhiều hơn

Người hướng nội là những cá nhân có mức độ nhạy cảm cao. Khi có vô vàn tác động tiêu cực từ bên ngoài, đặc biệt là trong những ngày giãn cách, sự lo âu trong tâm trí người hướng nội càng dễ chạm mốc đỉnh điểm.

Cảm giác bồn chồn khi nghe tin tức về dịch bệnh dần phức tạp hơn. Sự căng thẳng khi công việc và kế hoạch bỗng dưng phải thay đổi phút chót. Sự thấp thỏm về an nguy của gia đình, bạn bè, cộng đồng xung quanh. Tất cả những điều ấy kéo người hướng nội vào vòng xoáy lo âu dữ dội hơn.

Những lo lắng bất ổn giữa tình hình dịch bệnh kéo người hướng nội vào vòng xoáy lo âu hơn bao giờ hết Nguồn Unsplash
Những lo lắng, bất ổn giữa tình hình dịch bệnh kéo người hướng nội vào vòng xoáy lo âu hơn bao giờ hết. | Nguồn: Unsplash

Mặc dù đã cố gắng tìm biện pháp để giải tỏa, nhưng tâm lý lo âu mà người hướng nội phải đối mặt trong mùa dịch thật sự là một thử thách đầy cam go cho chính họ.

3. Chia sẻ không gian và thời gian riêng tư với người sống cùng nhiều hơn

Tôi không có mối quan hệ tốt cho lắm với bố và mẹ. Tôi vẫn yêu quý bố mẹ, nhưng vì họ là kiểu “phụ huynh trực thăng” nên tôi luôn thấy gò bó và không tìm được tiếng nói chung. Việc ra ngoài thường xuyên vừa là một cách giải toả tâm trạng, vừa là cách hạn chế giao tiếp và tránh bất đồng. Giờ đây, khi cả bố mẹ và tôi gặp nhau cả ngày, mọi chuyện càng khó khăn hơn.

Nếu bạn đang sống chung với người khác và cả hai có lịch sinh hoạt hoặc tính cách quá khác biệt, có thể bạn cũng sẽ cảm thấy điều bất tiện tương tự. Giờ đây bạn không còn lý do để ra khỏi nhà thường xuyên như trước, cộng với những bất an trong lòng, chuyện bất đồng quan điểm sẽ dần “như cơm bữa”.

4. Bắt buộc giao tiếp, dù là online

Khi mọi sự giao tiếp bị thu hẹp lại trên nền tảng online, những tưởng người hướng nội sẽ được hưởng lợi phần nào vì đây là “địa bàn" của họ. Chẳng hạn chuyện nhắn tin làm người hướng nội cảm thấy mình có ưu thế giao tiếp vượt trội hơn so với nói bằng lời. Hay việc họp mặt online cũng giúp họ tránh bớt những đoạn hội thoại vô thưởng vô phạt lúc chờ thang máy hơn.

Những tưởng người hướng nội sẽ có ưu thế hơn khi giao tiếp trực tuyến Nguồn Shutterstock
Những tưởng người hướng nội sẽ có ưu thế hơn khi giao tiếp trực tuyến. | Nguồn: Shutterstock

Thế nhưng chuyện giao tiếp online vẫn tồn tại nhiều rắc rối nhất định cho người hướng nội.

Việc tập trung khi giao tiếp qua các buổi video call là một vấn đề gian nan. Môi trường học online thiếu đi áp lực ngang hàng (peer pressure) để đốc thúc học sinh. Các buổi họp trên Zoom rất dễ gây xao nhãng vì có quá nhiều người nói cùng một lúc và ta không thể quan sát ngôn ngữ cơ thể của nhau. Đồng thời khi nhìn màn hình lâu, mắt và cơ thể cũng nhanh mệt.

Kể cả là trò chuyện đơn thuần với bạn bè cũng có những vấn đề riêng. Khi trò chuyện lâu, chủ đề cũng rất dễ bị lạc trôi đâu đó. Các phòng chat như một sân khấu mà bất kì ai cũng được đứng dưới ánh đèn riêng. Sẽ không còn những vị trí góc tường hay cuối phòng cho phép người hướng nội yên tĩnh quan sát nữa.

Những lời hẹn online trở nên khó từ chối hơn. Bạn không thể lấy lý do “có hẹn" hay “có việc bận", vì ai mà chẳng đang ở nhà như nhau. Lý do duy nhất để bạn từ chối chỉ có thể là nói thẳng mình không muốn.

Kết

Làn sóng lây nhiễm COVID-19 tại Việt Nam vẫn đang trong tình trạng báo động. Một số biện pháp hạn chế tiếp xúc quá gần vẫn được khuyến khích trong cộng đồng. Dù có là người hướng ngoại hay hướng nội, đây cũng sẽ là khoảng thời gian đầy khó khăn cho tất cả mọi người. Có chăng thì người hướng nội chỉ thích ứng nhanh hơn một lúc thôi.

Thay vì chủ quan, điều cần thiết nhất là mỗi người tìm ra giải pháp phù hợp với nhu cầu của mình để cùng nhau vượt qua giai đoạn chống dịch này.