Tóm Lại Là: Ngày đầu cách ly toàn quốc qua lời nhạc Trịnh | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu
01 Thg 04, 2020
Âm NhạcTóm Lại Là

Tóm Lại Là: Ngày đầu cách ly toàn quốc qua lời nhạc Trịnh

Tóm lại là, Trịnh Công Sơn và những lời hát của ông mong bạn ở nhà trong giai đoạn cách ly xã hội toàn quốc.
Tóm Lại Là: Ngày đầu cách ly toàn quốc qua lời nhạc Trịnh

Tóm Lại Là: Ngày đầu cách ly toàn quốc qua lời nhạc Trịnh

1. Hôm nay là ngày gì?

Hôm nay (01/04) là kỷ niệm 19 năm ngày mất của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, và cũng là ngày Việt Nam bước vào giai đoạn cách ly toàn xã hội nhằm đẩy lùi dịch COVID-19.

2. Những hoạt động tưởng nhớ Trịnh Công Sơn?

Năm 2019, Google Doodle vinh danh Trịnh Công Sơn trên trang chủ nhân dịp sinh nhật cố nhạc sĩ, chỉ khoảng 1 tháng trước ngày giỗ.

Căn nhà nơi Trịnh Công Sơn từng sống ở đường Phạm Ngọc Thạch, Sài Gòn, cũng mở cửa đón khách tham quan vào ngày giỗ. Song song với đó, Tuần lễ Trịnh Công Sơn chào đón đại danh ca người Nhật Tokiko Kato, người tình một thuở của cố nhạc sĩ.

Năm nay, dưới tác động của dịch COVID-19, gia đình cố nhạc sĩ đã kêu gọi mọi người ở nhà. Những người yêu nhạc Trịnh có thể tham gia triển lãm thực tế ảo “Lời thiên thu gọi”, được tổ chức bởi họa sĩ Lê Sa Long và ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, em gái cố nhạc sĩ.

Toacutem Lại Lagrave Ngagravey đầu caacutech ly toagraven quốc qua lời nhạc Trịnh0

3. Tại sao nhạc Trịnh sống mãi theo thời gian?

Trịnh Công Sơn sáng tác cho nhân loại trên một khung chủ đề bao la: từ tình yêu, quê hương, thân phận con người tới triết lý sống, và cả nhạc thiếu nhi.

Nhạc của ông ôm vào lòng những người nông dân, người lao động, cùng những trí thức. Ông thấu hiểu và chạm đến những người ông chưa bao giờ gặp.

Hát về kiếp người ở “cõi tạm”, nhạc Trịnh không gò bó vào một phong cách, không phân biệt tầng lớp, tuổi tác. Một số người còn cho rằng Trịnh Công Sơn là một nhà tiên tri vì lời ca của ông như đọc trước được tương lai.

4. Trịnh Công Sơn đã ‘tiên tri’ giai đoạn cách ly xã hội như nào?

Vietcetera sưu tập 9 lời nhạc Trịnh mô tả chính xác giai đoạn cách ly toàn xã hội.

1.

Mỗi ngày tôi chọn ngồi thật yên

Nhìn rõ quê hương, ngồi nghĩ lại mình

Tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống

Vì đất nước cần một trái tim!

– Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui

2.

Ôi miền giáo đường

Ngày chủ nhật buồn

Còn ai còn ai.

– Tuổi đá buồn

3.

Em còn nhớ hay em đã quên ?

Nhớ Sài gòn những chiều gặp gỡ

Nhớ món ăn quen nhớ ly chè thơm

Nhớ bạn bè chào nhau quen tiếng

Phố em qua gạch ngói quen tên.

– Em còn nhớ hay em đã quên

4.

Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi

Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt.

– Một cõi đi về

5.

Xin cho tôi xin vạn lần rồi

Một góc này chỉ biết rong chơi

Xin cho tôi yên phận này thôi

Để bao giờ trời đất yên vui

Xin cho tôi xin lại cuộc đời.

– Xin cho tôi

6.

Đường phố cần một giờ yên lành

Đường yên bình và nằm nghe ngóng

Nghe trong đêm những cây cành báo tin

Đường giới nghiêm.

– Có những con đường

7.

Ngày tháng nào đã ra đi khi ta còn ngồi lại

Cuộc tình nào đã ra khơi ta còn mãi nơi đây.

– Tình xa

8.

Hãy cứ vui như mọi ngày

Dù chiều nay không ai qua đây

Hỏi thăm tôi một lời

Vẫn yên chờ đêm tới

Lòng ta trăm con hạc gầy vút bay.

– Hãy cứ vui như mọi ngày

9.

Một ngày bỗng thấy yêu thương mọi người.

Một ngày bỗng nhớ đôi môi rồ dại

Mọi người đã tới vây quanh cuộc đời

Từng giờ tiếc nuối chia tay ngậm ngùi.

– Vẫn nhớ cuộc đời

5. Kho tàng Trịnh Công Sơn gồm bao nhiêu bài hát?

Kho tàng nhạc Trịnh gồm hơn 600 bài hát. Trong đó, hơn 200 bài được Bộ Văn hóa cấp giấy phép, nên được thu âm, biểu diễn, phát rộng rãi. 400 Ca khúc còn lại chưa được cấp phép nhưng ở ngoài kia người dân vẫn tự hát cho nhau nghe.

6. Mộ phần của Trịnh Công Sơn đang ở đâu?

Mộ phần của cố nhạc sĩ đang nằm ở Chùa Quảng Bình – Gò Dưa. Đây là nơi mà gần hai thập kỷ qua, người yêu nhạc Trịnh thường viếng thăm để tưởng nhớ ông. Gia đình họ Trịnh đang có kế hoạch di dời mộ phần của Trịnh Công Sơn về quê hương của ông, thành phố Huế.

7. Ai là những người trẻ hát tiếp nhạc Trịnh?

Thế hệ trẻ Việt Nam đang tiếp tục hát nhạc Trịnh, trong đó những khuôn mặt tiêu biểu là:

  • Hoàng Trang, cô gái sinh năm 1997 vừa tốt nghiệp đại học ngành tiếng Ý, chưa từng được đào tạo bài bản về âm nhạc, nổi lên từ clip “Ta hát gì đêm nay” trên YouTube;
  • Hà Lê, rapper trẻ thực hiện dự án “Trịnh Contemporary”, cover nhạc Trịnh cùng các yếu tố đương đại;
  • Đồng Lan, ca sĩ đầu tiên hát nhạc Trịnh bằng tiếng Pháp, người đã dành 4 năm chuyển ngữ các tác phẩm này;
  • An Trần, đại sứ Học bổng Trịnh Công Sơn, cũng là con gái của nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn;
  • Trọng Nhân, thần đồng trống kiêm quán quân Vietnam’s Got Talent,cũng từng nhận Học bổng Trịnh Công Sơn.