Giáo dục giới tính: Tuổi nào cần biết gì? | Vietcetera
Billboard banner
15 Thg 03, 2022
Cuộc SốngChất Lượng Sống

Giáo dục giới tính: Tuổi nào cần biết gì?

Nói với trẻ về giới tính, tình dục khi ở tuổi thiếu niên là trễ. Chờ đến tuổi vị thành niên là quá trễ.
Giáo dục giới tính: Tuổi nào cần biết gì?

Nguồn: Ron Lach/Pexels

Có một câu hỏi mà tôi đã từng thắc mắc rất nhiều.

“Tại sao người lớn cũng từng là trẻ con nhưng họ có vẻ như chẳng hiểu gì về trẻ con tụi mình cả?”

Họ đồng cảm hay thậm chí ngưỡng mộ với những bộ phim về tình yêu thanh mai trúc mã, nhưng e ngại khi ta chơi cùng bạn khác giới. Họ biết trẻ con vẫn hay có những tò mò “rất người lớn”, nhưng trẻ con trong mắt họ vẫn trăm phần trăm là trẻ con.

Và phải đến khi có những câu chuyện như bé Bi, với những lời thảng thốt rằng con nít mà sao đã tò mò đến những thứ thế này, chúng ta dường như mới nhận ra người lớn nhiều khi chẳng có lý gì cả.

Họ biết thế giới này vận hành trước hết là dựa trên quy luật duy trì nòi giống, nhưng họ cấm đoán hay tỏ ra khó chịu khi ta tìm hiểu về quan hệ tình dục. Họ không dạy chúng ta nhưng muốn chúng ta tự hiểu.

Tôi cũng phải chọn tự hiểu sau một lần xem thời sự cùng gia đình vào khoảng 8 tuổi và hỏi “mại dâm” có nghĩa là gì… nhưng nhận được câu trả lời “Rồi con sẽ tự hiểu”. May mắn thay, lúc này tôi đã kịp hiểu. Và tôi cũng nhận ra mình có thể bắt đầu trở lại làm trẻ con, huy động tất cả các neuron tò mò để tìm hiểu về cách mình sẽ giáo dục giới tính cho các con, các em hay các cháu của mình. Qua đó nuôi một hy vọng rằng tương lai sẽ bớt đi những hashtag như #freeguccibi.

(Cách giai đoạn giáo dục giới tính trong bài được tham khảo từ caringforkids.cps.ca và teachingsexualhealth.ca.)

Tuổi 1 - 2: Gọi tên tất cả các bộ phận của cơ thể, bao gồm bộ phận sinh dục

Các cha mẹ có thể thông qua những hoạt động hằng ngày như tắm hoặc thay quần áo cho con để giới thiệu các bộ phận trên cơ thể. Đồng thời, qua đây cũng quan sát và điều chỉnh những thói quen sờ hay va chạm mạnh làm tổn thương vùng kín của các em nếu có.

Tại sao phải bắt đầu giáo dục giới tính sớm thế?

Từ đầu những năm 1900, các nhà khoa học đã bắt đầu tìm thấy những biểu hiện tự nhiên về tình dục (sexuality) ở trẻ sơ sinh. Chẳng hạn như trẻ hay ngậm ngón tay, ngón chân. Bé trai có thể cương cứng dương vật khi bú sữa, khi được thay tã hay tắm. Bé gái cũng có thể tiết dịch bôi trơn âm đạo, hoặc cương cứng âm vật, nhưng khó thấy hơn.

Tất cả đều là bản năng, vì trẻ ở giai đoạn này vẫn chưa hình thành nhận thức rõ ràng. Nhưng các em vẫn nhận biết được những cảm giác thú vị liên quan đến tiếp xúc cơ thể với cha mẹ. Khi trẻ bắt đầu có khả năng vận động cơ thể theo chủ định và khám phá cơ thể của chính mình, các em cũng sẽ tự nhiên chạm vào bộ phận sinh dục.

Đến khi trẻ 2 tuổi, chúng bắt đầu ý thức về giới tính. Các em biết con trai và con gái là khác nhau. Cơ thể của mình khác với bố hoặc mẹ.

Tuy các biểu hiện này không nói gì về ý thức tình dục ở trẻ sơ sinh, chúng vẫn cho thấy một điều rằng tình dục là một phần không thể tách rời khỏi con người. Nó bắt đầu từ khi ta sinh ra và kết thúc bằng cái chết. Thứ thay đổi khi con người trưởng thành là khả năng lý trí kiểm soát phần bản năng.

Đó có chăng là lý do mà con người bằng một cách nào đó vẫn lưu lại những ký ức đầu tiên về tình dục dù chúng xảy ra từ khi họ còn rất nhỏ. Chẳng hạn như nhân vật Tengu trong cuốn tiểu thuyết 1Q84 của Haruki Murakami. Anh vẫn nhớ mãi những mảnh ký ức về người mẹ ngoại tình khi anh chỉ mới ẵm ngửa.

Tuổi 2 - 5: Hiểu đơn giản về việc “Em bé từ đâu đến?”

Tôi từng tủi thân đến bỏ ăn vì cảm thấy không được yêu thương sau vài lần bố mẹ trả lời rằng họ nhặt được tôi ở ngoài bãi rác, hay dưới chân cầu. Bây giờ nhớ lại, tôi lại hơi ngạc nhiên vì các cha mẹ thật sáng tạo quá. Chỉ với câu hỏi “Con sinh ra từ đâu?” họ lại có vô số câu trả lời. Câu trả lời đúng (tất nhiên không phải là từ nách) xem ra có vẻ hơi chán. Nhưng suy cho cùng, giáo dục không để cho vui.

Nếu muốn việc “dạy và học” có chút niềm vui, các cha mẹ có thể hỏi ngược lại con để con suy nghĩ và tự trả lời.

Sau đó cha mẹ có thể giải thích rằng: để em bé sinh ra cần có (tinh trùng của) một người đàn ông và (trứng) của một người phụ nữ. Em bé phát triển trong tử cung của phụ nữ. Ngắn gọn như vậy là vừa đủ.

Nếu con lại hỏi, “Làm thế nào mà trẻ con lại chui vào được tử cung?”, bạn có thể giải thích rằng điều này xảy ra khi nam và nữ quan hệ tình dục. Đó là khi đàn ông đưa dương vật của mình vào bên trong âm đạo của phụ nữ. Cũng nên giải thích rằng quan hệ tình dục là điều mà người trưởng thành làm khi cả hai đều muốn, và điều đó không dành cho trẻ em.

Ngoài ra, các em cũng cần biết rằng cơ thể em là của riêng em. Chỉ có một vài người thân được phép đụng chạm vào em. Đồng thời, cũng có những kiểu đụng chạm đúng đắn và không.

Tại sao phải nói những điều này ở giai đoạn này?

Trẻ mẫu giáo là lứa tuổi dễ dạy nhất. Chúng giống như những miếng bọt biển rỗng, sẵn sàng tiếp thu mọi thông tin. Nếu người lớn không có lời giải thích cởi mở, hợp lý, chúng sẽ sử dụng trí tưởng tượng vô hạn của mình để hình thành nên lý lẽ của riêng mình, kể cả theo hướng lệch lạc.

Từ tuổi này, các em cũng bắt đầu tiếp xúc với thế giới bên ngoài nhiều hơn. Đồng nghĩa với việc các mối đe dọa về xâm hại tình dục sẽ hiện hữu nhiều hơn. Dù các thống kê thường chỉ tiết lộ độ tuổi của các nạn nhân bị xâm hại tình dục là từ 16 trở xuống, nhưng trong vài năm gần đây có xu hướng chi tiết hơn rằng độ tuổi của nạn nhân đang càng ngày càng nhỏ!

Việc lặp đi lặp lại các thông tin rằng cơ thể là riêng tư và hiểu biết cơ bản về tình dục sẽ giúp phần nào ngăn chặn những trường hợp xấu nhất.

Tuổi 5 - 8: Hiểu cơ bản về xu hướng tính dục, rằng có người đồng tính, lưỡng tính,...

Ở tuổi này, trẻ em cần có hiểu biết cơ bản rằng thế giới rất đa dạng - có người dị tính, đồng tính hoặc song tính. Việc ai đó là nam hay nữ, họ thích nam hay nữ (bản dạng giới và xu hướng tính dục) không được xác định bởi bộ phận sinh dục của họ.

Tại sao phải nói về điều này ở giai đoạn này?

Bản dạng giới thường hình thành rõ nhất trong độ tuổi từ 5 đến 7. Nghiên cứu về người chuyển giới của tổ chức Cedars-Sinai thực hiện vào năm 2020 cũng cho thấy kết quả: 73% phụ nữ chuyển giới và 78% nam giới chuyển giới đã trải qua cơn "bức bối giới" (gender dysphoria) lần đầu tiên trước năm 7 tuổi. Ở đây bức bối giới là cảm giác căng thẳng, khó chịu khi bản dạng giới của họ không tương thích với giới tính sinh học hay vai trò giới được định hình bởi gia đình, xã hội.

Nỗi phiền muộn này có thể dẫn đến các vấn đề tâm lý nghiêm trọng khác nếu người đó tiếp tục sống trong giới tính mà họ đã được chỉ định thay vì bản dạng giới bên trong của mình.

Do đó, việc người lớn nói về thế giới đa dạng có thể giúp trẻ giải toả cơn bức bối (nếu chúng có), hoặc ít nhất là qua đó giúp các em có cái nhìn trọn vẹn hơn.

Tuổi 8 - 12: Học cách đánh giá thông tin

Trong độ tuổi từ 9 đến 12, trẻ em thường lo lắng liệu chúng có “bình thường” hay không - đặc biệt là về kích thước dương vật và kích thước ngực nếu các em đã bắt đầu có dấu hiệu dậy thì. Nên việc được giải thích về “hành trình dậy thì” là cần thiết cho cả trẻ em trai và trẻ em gái. Đảm bảo để các em hiểu rằng giống như những cái cây, mỗi người có tốc độ dậy thì khác nhau.

Ngoài việc củng cố tất cả những điều đã học từ bé, đến lứa tuổi này, các em cũng nên bắt đầu được dạy cụ thể hơn về ý nghĩa của việc quan hệ tình dục trong một mối quan hệ và các biện pháp tránh thai an toàn.

Ngoài ra, người lớn cũng có thể bắt đầu cung cấp kiến thức về an toàn internet, bao gồm cả chat sex và tống tình. Nên biết những rủi ro khi chia sẻ ảnh khỏa thân, ảnh nhạy cảm của mình hoặc của bạn bè. Biết đánh giá cách miêu tả và truyền tải về tình dục, giới tính trên truyền thông, báo chí. Chúng đúng hay sai, tích cực hay tiêu cực chỗ nào.

Tuổi 12 - 18: Hiểu về sức khỏe sinh sản

Tiến sĩ Ngô Xuân Điệp - Trưởng khoa Tâm lý Đại học Sư phạm TPHCM nhận định rằng, ở độ tuổi này các cha mẹ cần phải cởi mở hết cỡ với trẻ về các vấn đề giới tính, tình dục. Hãy nói với con trẻ hết về chuyện yêu đương, bao cao su, phòng tránh thai, phòng tránh bệnh lây lan qua đường tình dục, thậm chí là tư thế quan hệ, hay như thế nào là mối quan hệ lành mạnh và không lành mạnh.

Đacircy lagrave giai đoạn magrave caacutec kiến thức giới tiacutenh cũng coacute lagravem khoacute chiacutenh caacutec phụ huynh Nguồn cottonbroUnsplash
Đây là giai đoạn mà các kiến thức giới tính cũng có làm khó chính các phụ huynh. | Nguồn: cottonbro/Unsplash

Điều gì thường bị bỏ qua trong giáo dục giới tính?

Dùng thuật ngữ chính xác khi nói với trẻ nhỏ về các bộ phận sinh dục

Khi viết đến dòng này, chính tôi cũng phải tự cười chính mình khi vội đi tìm lý do tại sao người ta gọi “bướm” là bướm, còn “chim” là chim. Dù không có một câu trả lời nào thỏa đáng, nhưng phải thú thật rằng các bậc cha mẹ từ lâu đã biết dùng đến những từ ngữ rất gần gũi, và có thể nói là đôi chút dễ thương để nhắc đến các chủ đề ngại nói.

Tôi cảm ơn cha mẹ đã cho mình một tuổi thơ khá trong sáng. Nhưng sau này tôi cũng nhận ra chính tư duy được “lập trình” từ lâu, rằng cứ những thứ liên quan đến vùng dưới là không được nói thẳng, tôi dần nghĩ rằng chúng là vấn đề nhạy cảm. Vì ngại nói đến những từ như âm hộ, âm đạo, dương vật, mà tôi cũng ngại chia sẻ với mẹ mình, thậm chí với cả bạn bè, về những vấn đề liên quan đến tình dục sau này.

Người ta nói “dục tốc bất đạt”, làm việc gì quá đột ngột mà không có sự trang bị kiến thức và kỹ năng nhất định thì hư sự. Theo Tiến sĩ Điệp, việc giáo dục giới tính cũng vậy. Nếu ngay từ khi trẻ còn nhỏ mà không có những cuộc trò chuyện dù chỉ ngắn gọn thôi nhưng chất lượng và vẽ đúng đường, thì đến khi trẻ lớn, các phụ huynh có thể sẽ phải nhường đặc quyền tâm sự với con của mình cho các nhà tâm lý, hay bác sĩ.

Nói mình “không biết” thay vì không trả lời

Một lời nói “Bố/mẹ cũng không biết” có thể không mang giá trị thông tin, nhưng nó có giá trị tinh thần. Những đứa con không cần một người chuyên gia. Chúng cần biết rằng chúng có một người nào đó luôn ở bên và có thể hỏi bất cứ điều gì chúng cần.

Pepper Schwartz, giáo sư xã hội học tại ĐH Washington và tác giả của cuốn “Ten Talks Parents Must Have With Their Children About Sex and Character” cũng nhận định: “Hãy trở thành một bậc cha mẹ [tạo được cảm giác thoải mái để con] ‘có thể hỏi’ (askable)”.

Để nối dài câu “không biết”, các cha mẹ có thể nói với con rằng mình rất vui khi con hỏi. Rằng mình sẽ tìm kiếm thông tin và trả lời sau đó, hoặc có thể đề xuất tìm kiếm thông tin cùng nhau. Và quan trọng là phải thực sự làm như thế.

Giáo dục giới tính: Đừng chờ và đừng ép

Quan điểm về giáo dục giới tính cho trẻ đã thay đổi nhiều trong những năm gần đây, nhưng câu hỏi nên giáo dục từ bao giờ dường như vẫn còn rất tranh cãi. Nguyên nhân phần nhiều là vì các cha mẹ không muốn con mất đi tuổi thơ trong sáng. Thế nhưng, thế giới tròn hay méo không do cha mẹ tạo ra, mà nó tròn hay méo như nó vốn là.

Vậy nên vấn đề không là "Có nên vẽ đường cho hươu chạy? Có nên giáo dục giới tính từ sớm?", mà là "Nên vẽ đường thế nào cho hươu chạy? Chạy làm sao để ứng phó được với những bất trắc xảy ra trên đường?". Việc này sẽ cần người lớn xây dựng các cuộc trò chuyện nhỏ và thường xuyên với các em. Đồng thời không ép, vì mỗi đứa trẻ có tốc độ phát triển khác nhau. Các thang đo, phân loại thời kỳ giáo dục (như trong bài viết) là đề xuất dựa trên kết quả đa số trong nghiên cứu.

Để tìm hiểu kỹ hơn về giáo dục giới tính cho từng độ tuổi, bạn đọc có thể tham khảo thêm các sách:

  • Bố mẹ ơi, con từ đâu đến?
  • Giáo dục giới tính: Bố mẹ ơi đừng chờ!
  • Beyond Birds and Bees - Bonnie J. Rough
  • For Goodness Sex - Al Vernacchio