Giám sát trẻ trên mạng, đâu là giới hạn? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Giám sát trẻ trên mạng, đâu là giới hạn?

Chị Hồng Nhung, vợ của danh hài Xuân Bắc đã chia sẻ bài đăng nhắc nhở các phụ huynh về việc quản lý mạng xã hội của con cái.
Giám sát trẻ trên mạng, đâu là giới hạn?

Nguồn: Hong cho Vietcetera

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Có nên kiểm tra điện thoại cá nhân của trẻ em hay không là câu hỏi đang được bàn luận sôi nổi trong những ngày vừa qua. Vào hôm 13/03, chị Hồng Nhung, vợ của danh hài Xuân Bắc đã chia sẻ bài đăng nhắc nhở các phụ huynh về việc quản lý mạng xã hội của con cái. Chị đã đề cập đến việc chị phát hiện các hình ảnh không phù hợp với lứa tuổi của con mình trong các group chat của em.

2. Phản ứng của những người xung quanh ra sao?

Trong vụ việc trên, dư luận cũng chia ra thành nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều bậc phụ huynh cũng đồng tình cho rằng cần phải giám sát hành vi của con trên mạng khi mà trẻ em chưa thể tự xây dựng cho mình một lưới lọc thông tin.

Tuy nhiên, đa phần dư luận đều không đồng tình về hành vi đưa thông tin của con lên mạng vì nó dễ khiến trẻ gặp nhiều vấn đề sau này. Nhất là khi đây lại là gia đình của người nổi tiếng.

Trước giờ, hành vi chia sẻ quá đà nội dung liên quan tới con cái vẫn luôn gây nhiều tranh cãi. Một số quốc gia như Pháp còn cấm luôn cả hành động này. Theo dòng sự kiện, một số bạn trẻ còn lập ra hashtag #freeGucciBi, nhằm phản đối hành động của mẹ em bé trong câu chuyện.

alt

Bên cạnh đó thì nhiều người cũng làm meme, đem vấn đề này ra đùa vui. Tuy nhiên dù chỉ mang tính chất giải trí là chính, nhưng sau tất cả, người bị ảnh hưởng nặng nề nhất vẫn là em bé trong câu chuyện.

3. Khi nào trẻ sẵn sàng cho Internet và mạng xã hội?

Đa phần các mạng xã hội luôn giới hạn lứa tuổi sử dụng là 13. Độ tuổi này ban đầu được đặt ra nhằm giới hạn các công ty lớn thu thập thông tin cá nhân của trẻ em, nhưng điều này là không đủ để ngăn chặn trẻ sử dụng mạng xã hội trước tuổi.

Trẻ em đang dần trở thành một phần của “công dân số" trong khi các nền tảng và bộ luật dành cho lứa tuổi này lại chưa được quan tâm nhiều. Sự khác biệt của các công dân số trẻ tuổi này nằm ở mức độ nhận thức rủi ro và nguy hiểm trong môi trường mạng còn thấp. Rất nhiều đứa trẻ sử dụng Internet hay mạng xã hội mỗi ngày nhưng không thực sự hiểu bản chất của chúng là gì, hay hệ quả của mỗi hành động trên mạng.

Bên cạnh đó, phần não trước của trẻ chưa được phát triển toàn diện để có thể quản lý được sự phân tâm cũng như chống lại các cám dỗ của môi trường số (theo Psychology Today).

Trẻ em cũng rất nhạy cảm với sự tán dương và từ chối mà chúng nhận được. Việc đăng hình ảnh trên mạng và nhận được lời khen khiến trẻ dễ cảm thấy hạnh phúc và ngược lại, sự từ chối, chê bai hoặc bắt nạt cũng ảnh hưởng nặng nề tới tâm lý của trẻ.

Với sự trẻ hóa của lứa tuổi trẻ em sử dụng Internet thì có lẽ câu hỏi cần đặt ra bây giờ nên là “Chúng ta có thể làm gì để tạo ra không gian an toàn cho trẻ em?”.

4. Không gian mạng có được thiết kế cho trẻ em?

Từ lóng iPad kid thường được dùng để chỉ những đứa trẻ chọn màn hình điện tử thay vì đồ chơi. Đây cũng là thế hệ những đứa bé được bố mẹ giao cho chiếc iPad để giải trí và đã học cách sử dụng công nghệ từ bé. Tuy nhiên, Internet vốn là thứ được tạo ra cho người lớn và dành cho người lớn. Sự trẻ hóa của lứa tuổi sử dụng Internet đã gây ra những ảnh hưởng không đáng có cho thế hệ này.

Chính vì vậy mà trong những năm gần đây, nhiều công ty công nghệ bắt đầu hướng tới xây dựng nền tảng chỉ dành cho trẻ. Nổi bật trong số đó có Youtube Kids. Meta cũng đã từng có dự định xây dựng mạng xã hội chỉ dành cho trẻ em, nhưng dự án này đã tạm dừng lại do vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.

alt
Thay vì tiếp tục xây dựng Instargam cho trẻ em, Meta chọn xây dựng công cụ giúp cha mẹ quản lý con cái trên mạng | Nguồn: Getty Images

Nhiều công ty công nghệ thừa nhận rằng họ đã bỏ sót đối tượng trẻ em. Khi nhắc về điểm chung trong việc phát triển nền tảng cho trẻ, đa phần các công ty đều nói về quyền riêng tư. Dựa trên điều này, Meta cũng đã từng có dự định sử dụng AI như một lưới lọc, bảo vệ trẻ em khỏi việc giao tiếp với những người lạ mặt hơn tuổi, hay đơn giản là những tin nhắn bắt nạt online trên mạng Instagram phiên bản trẻ em của mình.

Bên cạnh đó, đã có nhiều báo cáo chỉ ra việc mạng xã hội, nhãn hàng đã lợi dụng trẻ em để trục lợi, đặt những quảng cáo ngầm hướng tới trẻ. Lúc này, các công ty đã quá tập trung vào việc tối ưu hóa tương tác trên mạng xã hội mà quên mất tác động tâm lý lâu dài ảnh hưởng tới trẻ. Ngoài ra, không dễ để thuyết phục trẻ em sử dụng ứng dụng dành cho mình khi mà những ứng dụng “của người lớn" lại luôn hấp dẫn hơn hết.

5. Đâu là giới hạn trong việc kiểm tra điện thoại con cái?

Đại dịch đã khiến khoảng thời gian trẻ sử dụng thiết bị điện tử tăng lên. Việc cấm hoặc giới hạn thời gian sử dụng thiết bị điện tử trở nên khó hơn. Vậy nên, nhiều phụ huynh đã chọn cách giám sát trẻ em trên mạng, nhưng đâu là cách phù hợp để quản lý?

Ở những thế hệ trước đây, chuyện lục lọi điện thoại con cái có thể xem như tương đồng với hành vi đọc trộm nhật ký. Đây là cách giáo dục có phần độc đoán và thiếu tôn trọng tới quyền riêng tư của trẻ em.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng giám sát trẻ em qua mạng giúp giảm thiểu các hành vi không phù hợp, bắt nạt trực tuyến hay nghiện Internet. Tuy nhiên, việc theo dõi chặt chẽ những đứa trẻ có thể đem lại hậu quả khôn lường khi vô tình dạy chúng cách trốn khỏi sự kiểm soát của cha mẹ. Trong thời đại mạng xã hội, có những đứa trẻ thậm chí còn giỏi về công nghệ hơn bố mẹ mình. Nếu không cẩn thận, cha mẹ dễ vô tình đẩy con cái ra xa.

Tương tự như cách những đứa trẻ học cách lớn lên và đi tìm bản sắc của mình nhờ vào Internet, bố mẹ cũng phải học cách để hiểu và nuôi dạy con cái trong thời đại kỹ thuật số. Mặc cho lớn lên trong thời đại số, trẻ em vẫn luôn tin tưởng con người hơn là Internet cái gì cũng biết, và cha mẹ luôn là nơi chúng tìm tới đầu tiên.

Theo The Alantic, thay vì sợ phải vẽ đường cho hươu chạy, những cuộc nói chuyện thẳng thắng luôn cần thiết để các em hiểu lý do của mỗi hành động của mình làm trên mạng như: Tại sao con lại thích đăng ảnh, sao con thích làm meme,... Khi đã cắt nghĩa được chữ "tại sao" sau mỗi hành động sẽ khiến các em học cách tự đưa ra lựa chọn phù hợp cho mình.

Tiến sĩ Dave Anderson chia sẻ trên Time rằng, khi cha mẹ nhận thấy dấu hiệu đáng báo động ở trẻ em, hãy dừng lại một chút ngẫm nghĩ và cố gắng hiểu bức tranh toàn cảnh của sự việc. Internet là thứ sẽ luôn tồn tại và cái trẻ em cần là học cách sống với nó một cách an toàn và lành mạnh.