Guilt trip - Khi cảm giác tội lỗi được sử dụng như một công cụ | Vietcetera
Billboard banner
21 Thg 02, 2022
Tâm Lý HọcBóc Term

Guilt trip - Khi cảm giác tội lỗi được sử dụng như một công cụ

Đã bao giờ ai đó khiến bạn cảm thấy tội lỗi về những gì mình đã làm (hoặc chưa làm) để buộc bạn thực hiện những gì họ muốn?
Guilt trip - Khi cảm giác tội lỗi được sử dụng như một công cụ

Nguồn: Unsplash

1. Guilt trip là gì?

Guilt trip là một hình thức thao túng cảm xúc và hành vi của một người bằng cách lợi dụng mặc cảm tội lỗi hoặc quy trách nhiệm về phía họ.

Nếu một người từng khiến bạn cảm thấy tồi tệ về điều gì đó bạn đã làm (hoặc chưa làm) và rồi sử dụng cảm giác tồi tệ đó để khiến bạn làm điều họ muốn, thì đó chính là biểu hiện của guilt trip.

2. Nguồn gốc của guilt trip?

Guilt trip lần đầu được đề cập trong cuốn sách “In sheep’s clothing: understanding and dealing with manipulative people” của George K. Simon, xuất bản vào năm 1996.

Theo Simon, guilt trip là một thủ đoạn thao túng tâm lý mà trong đó thủ phạm khiến nạn nhân nghĩ rằng họ đã không đủ nỗ lực, thiếu quan tâm, quá ích kỷ hoặc quá dễ dãi. Điều này thường khiến nạn nhân cảm thấy tồi tệ, luôn trong tình trạng nghi ngờ bản thân, lo lắng và từ đó trở nên phục tùng hơn.

alt
Guilt trip lần đầu được đề cập trong cuốn sách của tác giả George Simon.

3. Vì sao guilt trip phổ biến?

Guilt trip có thể xuất hiện trong mọi mối quan hệ: gia đình, bạn bè, đồng nghiệp hay người yêu. Mối quan hệ càng gần gũi, guilt trip càng dễ xảy ra bởi vì bạn có sự quan tâm nhất định đối với cảm xúc của người kia.

Theo Verywell Mind, mục đích của guilt trip có thể bao gồm:

  • Thao túng: khiến đối phương làm những gì mà bình thường họ không muốn làm.
  • Né tranh mâu thuẫn: khi người thực hiện hành vi guilt trip vẫn có được những gì họ muốn mà không phải trực tiếp tham gia vào xung đột.
  • Giáo dục đạo đức: khiến đối phương thực hiện một hành vi mà cá nhân đó cảm thấy là “đúng đắn”.
  • Khơi gợi lòng cảm thông: có được sự cảm thông của đối phương bằng cách nhập vai người bị hại để khiến đối phương cảm thấy tội lỗi.

Trong sự kiện N.H.A, người vừa lọt vào danh sách Forbes Under 30 Việt Nam đứng trước cáo buộc quấy rối, đã có nhiều tình tiết liên quan đến guilt trip được đề cập.

Theo lời kể của nạn nhân K.N, người trực tiếp đăng tải bài viết tố cáo, cô đã bị thủ phạm đe dọa kiện ngược lại vì tội vu khống.

Thậm chí, cô giáo dạy Văn ở ngôi trường cũ mà nạn nhân và thủ phạm cùng theo học còn khuyên nạn nhân gỡ bài tố cáo. Những lý lẽ mà cô giáo đưa ra bao gồm: nạn nhân sẽ là người gặp bất lợi, dù gì H.A cũng đã xin lỗi, bố H.A nhập viện và mẹ khóc, ảnh hưởng đến danh tiếng của trường,...

Dù là nạn nhân nhưng cảm xúc và vấn đề của K.N đều không được ghi nhận. Thay vào đó, cô bị đẩy vào vị thế người có lỗi, phải chịu trách nhiệm trong việc lo lắng cho kẻ đã từng quấy rối mình và gây hưởng đến ngôi trường mình từng theo học.

4. Cách dùng từ guilt trip?

Tiếng Anh:

A: If you really don't want to go to that party, what's going to happen if you say no?

B: They said that the party would be less fun without me.

A: You don’t have to suffer from a guilt trip because of that. Just stay at home if you’re not feeling ok.

Tiếng Việt:

A: Không muốn đi tiệc thì từ chối thôi, nói không thì mày mất gì?

B: Mọi người kêu không có tao thì mất vui.

A: Có gì đâu mà thấy tội lỗi. Nếu không khỏe thì cứ ở nhà thôi.