Habituation và lý do chúng ta "cả thèm chóng chán" trong mối quan hệ yêu đương | Vietcetera
Billboard banner
01 Thg 06, 2022
Cuộc SốngThương

Habituation và lý do chúng ta "cả thèm chóng chán" trong mối quan hệ yêu đương

Habituation khiến cảm xúc những ngày yêu đầu một đi không trở lại
Habituation và lý do chúng ta "cả thèm chóng chán" trong mối quan hệ yêu đương

Nguồn: Anh Thư @immortal_wurst cho Vietcetera

Bạn có còn nhớ cảm xúc của những ngày yêu đầu tiên? Ta đã từng rất say mê, hào hứng và nồng nhiệt. Cảm giác hân hoan thật giống với việc được ai đó tặng cho món đồ chơi mới khi còn bé. Chúng ta nâng niu và giữ gìn như thể đó là điều linh thiêng và quý giá. Cảm xúc phấn khích và lâng lâng ấy mạnh mẽ đến nỗi tưởng chừng có thể kéo dài mãi mãi.

Nhưng chẳng chóng thì chầy, sự nồng nhiệt cứ phai nhạt dần, thậm chí quay ngoắt sang hướng ngược lại. Món đồ chơi bị vứt xó trong góc nhà chỉ sau vài tuần. Mối quan hệ trở nên quen thuộc và bớt lãng mạn. Người mà ta từng yêu thương thậm chí nằm trong mớ ký ức tồi tệ ta muốn xóa bỏ.

Điều gì đứng sau cuộc đảo chính trớ trêu của cảm xúc này?

1. Một bộ não “cả thèm chóng chán”

Bộ não chúng ta phản ứng mãnh liệt với những trải nghiệm mới lạ, nhưng sẽ sớm cảm thấy nhàm chán nếu điều đó lặp lại đủ nhiều. Cơ chế thần kinh này có thuật ngữ khoa học là habituation (sự thích ứng), mô tả sự suy giảm phản ứng trước các kích thích lặp đi lặp lại.

Sự thích ứng diễn ra liên tục trong cuộc sống. Bài nhạc ta ngân nga không chán một thời trở thành nỗi ám ảnh khi được đặt làm chuông báo thức. Bộ quần áo ta sống chết “săn sale” bằng được trở nên nhàm chán và đơn điệu sau vài lần mặc. Thời gian trôi qua, và ta nhận ra mình chẳng yêu, hay ghét điều gì mạnh mẽ như lúc ban đầu.

Habituation tác động mạnh mẽ đến cách ta duy trì một mối quan hệ. Giai đoạn đầu của cuộc yêu, trải nghiệm mới lạ liên tục kích thích bộ não của chúng ta. Được làm quen và hẹn hò với một người lạ khiến chúng ta hào hứng và phấn khích. Đây chính là yếu tố tạo nên giai đoạn lãng mạn (romantic phase) của một mối quan hệ.

30may2022habituationintext2jpg
Được làm quen và hẹn hò với một người lạ khiến chúng ta hào hứng và phấn khích.

Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng giai đoạn nồng nhiệt này chỉ kéo dài trong khoảng 6 tháng đến 2 năm. Habituation đóng vai trò mấu chốt cho sự phai nhạt này. Sau một thời gian tiếp xúc đủ lâu, chúng ta sẽ cảm thấy quen dần với nửa kia. Những thói quen, cử chỉ và lời nói dần trở thành điều bình thường. Cảm xúc lãng mạn của “thuở ban đầu” vì thế cũng phai nhạt dần.

2. Lý trí cất tiếng, cảm xúc thay đổi

Không chỉ là quy luật tất yếu của sinh học, chính chúng ta cũng chủ động suy xét và thay đổi thái độ về đối phương. Trong giai đoạn đầu của mối quan hệ, việc chìm đắm trong cảm xúc phấn khích khiến chúng ta rơi vào điểm mù. Bộ não bị kích thích liên tục bởi những trải nghiệm mới lạ, và ta không có lấy cho mình một khoảng lặng để cân nhắc kỹ lưỡng.

Trong cơn thăng hoa của cảm xúc, cùng sự vắng bóng của lý trí trí, ta có xu hướng phớt lờ các vấn đề tiêu cực của đối phương. Nửa kia trong hình dung của chúng ta trở nên thật lý tưởng và hoàn hảo.

Khi có thêm nhiều thời gian và trải nghiệm cùng nhau, chúng ta có cho mình những góc nhìn khác. “Lăng kính màu hồng” được gỡ xuống, và ta bắt đầu chú ý đến những vấn đề mà bản thân trước đó không nhận ra. Hình dung của chúng ta về nửa kia trở nên đa chiều và toàn diện hơn.

Đến đây, hình tượng lý tưởng ban đầu sẽ bị thay thế, nhường chỗ cho một phiên bản kém hoàn hảo hơn. Cảm xúc và thái độ dành cho họ hiển nhiên cũng thay đổi. Ta bắt đầu chú ý đến vấn đề của đối phương, đồng thời cảm thấy những khoảng lặng đơn điệu của mối quan hệ. Đến lúc này, cảm xúc của chúng ta trở nên thực tế và bớt lãng mạn hơn.

3. Để không cảm thấy tiêu cực trước sự thay đổi

Trên thực tế, habituation không tiêu cực, mà là cơ chế sinh học quan trọng giúp con người và các loài động vật sinh tồn trong thế giới luôn ngập tràn các kích thích. Sự thích ứng đảm bảo rằng chúng ta sẽ không liên tục cảm thấy ngạc nhiên, phấn khích, hay bị đe dọa với mọi thứ trong cuộc sống.

30may2022habituationintext1jpg
Tận hưởng thời gian và không gian riêng là một trong những phương pháp dishabituation trong các mối quan hệ

Dù vậy, sự thích ứng cũng có thể khiến chúng ta cảm thấy mọi thứ đang trở nên nhàm chán và đơn điệu. Vì thế, hãy cân nhắc các cách sau để giải tỏa những cảm xúc tiêu cực này.

Chấp nhận rằng cảm xúc ban đầu sẽ phai nhạt

Thay vì cảm thấy tội lỗi, hoặc tìm cách phản kháng, hãy nhắc nhở bản thân rằng cảm xúc phai nhạt dần là điều hoàn toàn bình thường. Nếu cứ mãi đê mê ai đó như lần hẹn hò đầu tiên, chúng ta sẽ không thể cân nhắc và suy xét nghiêm túc về mối quan hệ ta có.

Một mối quan hệ lâu dài đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn chỉ là cảm giác thỏa mãn ở giai đoạn đầu. Bộ não chúng ta cần bình tâm lại để đưa ra những quyết định tỉnh táo và đúng đắn. Việc mối quan hệ trở nên đơn điệu hơn có thể là dấu hiệu cho thấy chúng ta đã bước vào những giai đoạn tiếp theo.

Áp dụng kỹ thuật dishabituation

Trong tâm lý học, kỹ thuật dishabituation mô tả hành động tạm ngưng hoặc thay đổi thói quen thông thường nhằm chống lại cảm giác nhàm chán. Sau một thời gian tạm ngưng nhất định, trải nghiệm với thói quen sẽ trở nên mới mẻ và thu hút hơn hơn.

Chẳng hạn, việc nói chuyện thân mật với nhau liên tục có thể khiến việc này trở nên thật nhàm chán và đơn điệu. Nhưng nếu các cặp đôi tạm ngưng một vài ngày, dành cho nhau những khoảng thời gian và không gian riêng, cuộc trò chuyện tiếp theo sẽ trở nên thú vị và mới lạ hơn rất nhiều.

Tìm kiếm những trải nghiệm mới

Chính sự đơn điệu tưởng chừng tiêu cực này sẽ là động lực thúc đẩy chúng ta thay đổi một cách tích cực. Các cặp đôi có thể tìm kiếm lại cảm giác phấn khích bằng cách tạo ra những trải nghiệm mới cùng với nhau.

Chúng ta có thể thay đổi địa điểm hẹn hò, ăn thử những món mới, hay thậm chí đi du lịch xa cùng nhau. Tất cả những điều này khiến cho mối quan hệ trở nên mới mẻ và sống động hơn. Mỗi người có thể vừa giải tỏa cảm giác nhàm chán, vừa khám phá thêm những điều mới của nửa kia.