Hẹn hò sao chẳng bao giờ dễ dàng? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

Hẹn hò sao chẳng bao giờ dễ dàng?

Theo Mark Manson những trải nghiệm thời ấu thơ đóng một vai trò then chốt trong cách mà chúng ta trao và nhận tình yêu.

Hẹn hò sao chẳng bao giờ dễ dàng?

Nguồn: gigi/Unsplash

Được chuyển ngữ từ bài viết "It’s Complicated: Why Relationships and Dating Can Be So Hard" đăng trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.


Khi nghĩ đến việc hẹn hò, mặc dù cảm thấy khó khăn nhưng những vấn đề mọi người gặp phải nghe lại rất vụn vặt. 

Ví dụ, dù dành cả đời để đi đứng và trò chuyện, nhưng chúng ta lại thấy vô cùng phức tạp mỗi khi đến gần ai đó hấp dẫn và mở miệng nói “xin chào”.

Mọi người đều biết sử dụng điện thoại từ bé, nhưng nếu thấy những ai đang vật vã chỉ để gọi điện cho người kia, có khi bạn lại nghĩ họ đang bị trấn nước. 

Hầu hết chúng ta đã từng hôn ai đó. Chúng ta từng thấy cảnh hôn của cơ số người qua hàng trăm bộ phim lẫn đời thực. Thế nhưng dù đã dành hàng giờ nhìn đắm đuối vào mắt của “đối tượng”, ta vẫn luôn tự nhủ rằng mình sẽ chẳng bao giờ bắt được “thời điểm vàng” để hôn họ.

Sao thế nhỉ? Nghe đơn giản nhưng tại sao lại khó đến thế?

Chúng ta xây dựng doanh nghiệp, viết tiểu thuyết, lên non xuống biển, giải quyết những tệ nạn xã hội gai góc nhất trên thế giới, giúp đỡ bạn bè và cả người lạ vượt qua tình cảnh khó khăn. Thế mà khi đối mặt với người mình thích, tim ta đập loạn xạ còn tâm trí thì quay cuồng, để rồi sau đó thì ta “đứng máy”.

Những lời khuyên thường so sánh việc cải thiện đời sống hẹn hò với các kỹ năng thực tiễn như chơi piano hoặc học ngoại ngữ. Hiển nhiên, một số nguyên tắc có sự trùng lặp, nhưng thật khó để tưởng tượng ai đó lại run lẩy bẩy vì lo lắng trước phím đàn. Và tôi cũng chưa bao giờ gặp ai phiền muộn cả tuần sau khi chia động từ sai. Những việc này, chúng chẳng giống nhau.

Hẹn hò và những kỹ năng khác chẳng hề giống nhau. | Nguồn: Unsplash

Nói chung, nếu ai đó luyện tập piano hằng ngày trong suốt hai năm, họ rồi cũng thành thạo nó. Thế nhưng nhiều người lại gặp thất bại tình cảm hết lần này đến lần khác trong suốt một đời.

Vì sao thế?

Điều gì về hẹn hò lại khiến những sinh hoạt cơ bản bỗng trở nên bất khả thi, rằng dù lặp lại nó bao nhiêu lần thì gần như chẳng có gì thay đổi, rằng vì sao cơ chế phòng vệ tâm lý cứ chạy loạn xạ, ngăn ta theo đuổi những gì mình mong muốn?

Vì sao lại là hẹn hò mà không phải là… trượt tuyết? Hoặc là sự nghiệp? Tại sao một người có thể chinh phục các nấc thang thăng tiến, trở thành CEO tài ba, có quyền kiểm soát và nhận được sự tôn trọng cùng ngưỡng mộ của hàng trăm bộ óc sáng láng, lại trở nên lúng túng trong buổi ăn tối hẹn hò đơn giản? 

Những tấm bản đồ cảm xúc 

Khi còn nhỏ, không phải nhu cầu nào của ta cũng được đáp ứng 100%. Điều này đúng với tôi, với bạn, với tất cả mọi người. Mức độ nhu cầu không được đáp ứng của chúng ta rất khác nhau cũng như bản chất của nó. Nhưng đó là sự thật đáng buồn trong quá trình lớn lên: tất cả chúng ta đều mang gánh nặng tinh thần. Một số mang rất nhiều. 

Dù bố mẹ không âu yếm ta đủ nhiều, không cho ta ăn đủ no, một người bố vắng mặt thường xuyên, một người mẹ bỏ rơi con cái hoặc việc chúng ta bị buộc phải liên tục chuyển trường khi còn nhỏ và chẳng có lấy một người bạn. Tất cả những trải nghiệm này đều để lại những vết hằn tạo nên một chuỗi những sang chấn vi mô góp phần định hình nên con người ta. 

Bản chất và chiều sâu của những tổn thương này sẽ in sâu vào vô thức, từ đó trở thành bản đồ dẫn lối cách chúng ta trải nghiệm tình yêu, sự thân mật và tình dục trong suốt cuộc đời.

Nếu mẹ quá bảo vệ và bố chẳng bao giờ có mặt, điều đó sẽ hình thành một phần trong bản đồ tình yêu của mỗi người. Nếu chúng ta bị thao túng hoặc dày vò bởi anh chị em và đám bạn đồng lứa, nó sẽ in sâu vào chúng ta. Nếu mẹ nghiện rượu và bố cặp kè với những người phụ nữ khác, ký ức đó cũng sẽ ở lại.

Những trải nghiệm từ quá khứ sẽ góp phần tạo nên tấm bản đồ cảm xúc của ta.

Tương tự nếu người yêu đầu tiên qua đời trong vụ tai nạn xe hơi hoặc bố đánh ta bầm dập khi bắt gặp ta thủ dâm. Những dấu mốc này không chỉ ảnh hưởng, mà còn định hình toàn bộ các mối quan hệ tình cảm lẫn tình dục khi ta trưởng thành.

Chúng ta đều đã gặp hàng trăm, có khi là hàng nghìn người trong đời. Trong số hàng nghìn người đó, hàng trăm người dễ dàng đáp ứng các tiêu chí thể chất để trở thành nửa kia. Tuy nhiên, trong số hàng trăm người đó, chúng ta chỉ có tình cảm với rất ít người. Bởi vì chỉ có vài người đếm trên đầu ngón tay mới “chạm” đến ta, tới mức ta đánh mất cả lý trí và thao thức cả đêm để nghĩ về họ.

Đó thường không phải là kiểu người chúng ta từng kỳ vọng mình sẽ “đổ”. Người thì đáp ứng đủ các "thủ tục". Người thì lại có khiếu hài hước lẫn kỹ năng giường chiếu điêu luyện. Nhưng đôi khi chỉ có một người khiến chúng ta không thể ngừng nghĩ về. Một người mà chúng ta vẫn quay lại với họ hết lần này đến lần khác dù không chủ tâm. 

Các nhà tâm lý học tin rằng tình yêu nảy nở khi sự vô thức của chúng ta tiếp xúc với một người phù hợp với nguyên mẫu tình yêu mà ta nhận được từ bố mẹ trong quá trình lớn lên. Nói cách khác, đó là người có hành vi trùng khớp với bản đồ cảm xúc của ta. Cái vô thức của chúng ta luôn tìm cách quay trở lại với sự nuôi dưỡng vô điều kiện được nhận khi còn nhỏ, và tái xử lý cũng như chữa lành những tổn thương bản thân đã phải chịu đựng.

Nói tóm lại, chúng ta vô thức tìm kiếm những đối tác mà ta tin rằng sẽ bù đắp được nhu cầu tình cảm chưa được đáp ứng, nhằm lấp đầy khoảng trống tình yêu và dưỡng dục mà chúng ta từng thiếu hụt. Đây là lý do tại sao ở mức độ cảm xúc, những người ta yêu gần như luôn giống với cha mẹ của ta.

 Chúng ta luôn tìm cách quay trở lại với sự nuôi dưỡng vô điều kiện được nhận khi còn nhỏ. | Nguồn: Pexels

Do đó, những người đang say đắm hay nói với nhau rằng, "anh/em hoàn thiện tôi", hoặc gọi nhau là "một nửa tốt hơn". Đó cũng là lý do tại sao các cặp đôi đang trong giai đoạn mới yêu thường cư xử như những đứa trẻ khi ở bên nhau. Trí óc vô thức của họ không thể phân biệt được đâu là tình yêu mà họ nhận được từ nửa kia và tình yêu từ cha mẹ mà họ từng nhận thuở ấu thơ.

Đây cũng là lý do tại sao việc hẹn hò lẫn yêu đương thật đau đớn và khó khăn đối với nhiều người, đặc biệt nếu chúng ta lớn lên trong gia đình căng thẳng.

Không giống như chơi piano hoặc học ngoại ngữ, đời sống hẹn hò và tình dục của chúng ta có gắn bó chặt chẽ với nhu cầu tình cảm. Khi thân mật hoặc quan hệ, trải nghiệm này sẽ cọ xát vào những tổn thương trước đó khiến chúng ta lo lắng, bất ổn, căng thẳng và đau đớn.

Vì thế, khi ai đó từ chối bạn, điều đó không chỉ đơn thuần là từ chối - thay vào đó trong vô thức bạn đang hồi tưởng lại mỗi khi mẹ gạt bỏ nhu cầu tình cảm của mình.

Bạn cảm thấy sợ hãi vô lý vào lúc phải cởi đồ trước mặt người tình mới. Cảm giác lo lắng không chỉ xuất phát tại thời điểm đó, mà đến từ việc bạn từng bị trừng phạt mỗi lần có những suy nghĩ hoặc cảm xúc về tình dục khi lớn lên.

Không tin tôi? Thử nghĩ xem. Bạn cảm thấy thế nào khi ai đó vắng mặt trong buổi họp định kỳ. Có thể bạn sẽ cảm thấy khó chịu hoặc bị thiếu tôn trọng đôi chút. Nhưng khả năng cao bạn sẽ vượt qua nhanh chóng và khi về nhà xem TV, bạn thậm chí còn chẳng nhớ về nó.

Bây giờ, hãy tưởng tượng một người bạn bị thu hút vắng mặt trong buổi hẹn hò. Bạn cảm thấy thế nào? Như hầu hết mọi người, bạn sẽ cảm thấy rất tồi tệ. Nó giống như bản thân vừa mới bị lợi dụng và dắt mũi vậy.

Tại sao? Bởi vì bị “leo cây” đào lại nỗi sợ hãi bị bỏ rơi trong vô thức của bạn, rằng không một ai yêu bạn cả và bạn sẽ cô đơn mãi mãi. 

Có thể bạn cảm thấy phát hoảng và để lại những dòng tin nhắn giận dữ cho họ. Có thể bạn tiếp tục gọi cho họ sau vài tuần hoặc vài tháng, hết lần này đến lần khác và cảm thấy mỗi lúc càng tệ hơn. Hoặc có thể bạn sẽ chỉ cảm thấy u sầu và kể lể về nó trên Facebook hay mấy diễn đàn hẹn hò.

Mọi nỗi sợ hãi phi lý, cảm xúc bộc phát hoặc bất an mà bạn gặp phải trong đời sống hẹn hò đều là dấu ấn trên bản đồ tình cảm của bạn từ những mối quan hệ trong quá trình trưởng thành.

Đó là lý do tại sao bạn sợ kinh hồn trước nụ hôn đầu. Đó là lý do bạn đông cứng khi tới lượt giới thiệu bản thân với ai đó bạn không biết, hoặc nói với người mới gặp cảm nhận của bạn về họ. Đó cũng là lý do tại sao bạn chết lặng mỗi khi lên giường với người tình mới, hoặc cảm thấy cứng đờ và không thoải mái lúc mở lòng chia sẻ về bản thân.

Danh sách ấy cứ thế tiếp tục trải dài.

Tất cả những vấn đề này đều có nguồn gốc từ vô thức, những nhu cầu cảm xúc chưa được đáp ứng và tổn thương của bạn.

Cách mà chúng ta tách rời cảm xúc khỏi mình

Một lối tắt phổ biến mà chúng ta thường chọn để đối phó với căng thẳng trong hẹn hò là tách rời cảm xúc khỏi sự thân mật và tình dục.

Nếu chúng ta không còn nhu cầu gần gũi và kết nối, những hành động thể xác sẽ không thể va chạm gì đến bản đồ cảm xúc của ta. Từ đó, chúng ta có thể loại bỏ cảm giác thiếu thốn và lo lắng từng hiện hữu, trong khi vẫn gặt hái được các lợi ích bề mặt. 

Tuy mất thời gian nhưng một khi tách bạch cảm xúc của mình ra, chúng ta có thể tận hưởng tình dục và hẹn hò mà không cần quan tâm đến sự thân mật, mối liên kết và thậm chí là đạo đức.

Dưới đây là những cách phổ biến để chúng ta tách cảm xúc ra khỏi việc hẹn hò:

Vật thể hóa

Vật thể hóa ai đó là khi bạn chỉ gán họ cho một mục đích cụ thể và không coi họ là những con người hoàn chỉnh.

Bạn có thể vật thể hóa con người về mặt tình dục, công việc hay xã hội hoặc ở các khía cạnh khác. Bạn có thể vật thể hóa ai đó về giới tính, địa vị hoặc tầm ảnh hưởng. Nhưng hành vi này là một mối họa cho sức khỏe tinh thần lẫn các mối quan hệ của bạn.

Phân biệt giới tính

Xem thường hoặc coi giới tính kia vốn luôn xấu xa/vô lý là cách để chuyển hướng các vấn đề cảm xúc cá nhân tới một cộng đồng thay vì tự đối phó với chúng.

Những người đàn ông hạ thấp người khác giới thường phóng chiếu sự tức giận và bất an của mình lên phụ nữ hơn là tự giải quyết. Ngược lại, phụ cũng làm điều tương tự.

Thao túng và chơi đùa

Bằng cách chơi đùa và thao túng, chúng ta giấu đi ý định và danh tính thực sự của mình, cũng như che đậy luôn bản đồ cảm xúc.

Mục đích của những chiến thuật này là khiến ai đó phải chấp nhận hình tượng chúng ta tạo nên hơn là con người thật của mình. Nó giảm đi rủi ro những vết sẹo tình cảm đã chôn vùi trong quá khứ bị “đào mộ”.

Lạm dụng sự hài hước

Đây là chiến lược đánh lạc hướng cổ điển. Không phải lời đùa cợt hay trêu chọc nào cũng xấu. Nhưng nếu đó là tất cả những gì bạn có thì đây là cách giao tiếp mà không đưa ra bất cứ thông điệp gì, để tận hưởng mà không cần làm gì, để cảm thấy thân quen mà chẳng hề biết gì. 

Điều này dễ bắt gặp ở nền văn hóa nói tiếng Anh - đàn ông lẫn phụ nữ, dị tính lẫn đồng tính - vì họ có xu hướng "bóng gió" về tình cảm bằng cách mỉa mai và trêu chọc hơn là thực sự thể hiện nó.

Văn hóa phẩm khiêu dâm, câu lạc bộ thoát y hoặc hình thức mại dâm

Đây là cách để trải nghiệm tình dục gián tiếp thông qua một "chiếc thùng rỗng lý tưởng", dù là trên màn hình, sân khấu hay tính phí 100 đô la một giờ.

***

Nhìn chung, càng oán giận, người ta càng vật thể hóa người khác. Những người có mối quan hệ rối ren với cha mẹ, từng bị bỏ rơi, hoặc bị dằn vặt và bỡn cợt khả năng cao sẽ thấy việc vật thể hóa và cân đo đời sống tình dục lôi cuốn và dễ dàng hơn nhiều. Nếu so với việc đối đầu con quỷ bên trong và vượt qua thương tổn cùng những người cạnh bên.

Hầu hết chúng ta đều có những lúc tách rời cảm xúc của mình và vật thể hóa một người (hoặc là nhiều nhóm người) vì nhiều lý do. Tuy nhiên, tôi sẽ nói rằng có rất nhiều áp lực xã hội buộc đàn ông, đặc biệt là đàn ông dị tính, phải phớt lờ cảm xúc của họ, đặc biệt là những cảm xúc “yếu đuối” như nhu cầu thân mật và yêu đương.

Xã hội thường dễ chấp nhận hơn khi người đàn ông vật thể hóa đời sống tình dục của mình và khoe khoang về nó. Không quan trọng bạn nghĩ điều đó đúng hay sai, đó là sự thật.

Còn tiếp...