Hiểu 6 từ tiếng Anh để tránh nạn khi lướt mạng | Vietcetera
Billboard banner

Hiểu 6 từ tiếng Anh để tránh nạn khi lướt mạng

Bạn có thể kể được bao nhiêu loại tin giả, hay nhận biết được những vấn nạn xã hội nào đang xảy ra trên môi trường trực tuyến để nâng cao cảnh giác?
Hiểu 6 từ tiếng Anh để tránh nạn khi lướt mạng

Nguồn: Kaitlyn Baker/Unsplash

logo

Khi mọi người dành nhiều thời gian hơn cho các thiết bị kỹ thuật số cũng là lúc chúng ta đối mặt với nhiều rủi ro hơn bao giờ hết. Tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trung bình lượng từ khoá tìm kiếm liên quan đến bạo lực đã tăng lên 50% chỉ sau 1 năm đại dịch bùng nổ. Khoảng 50% trong số chúng ta cũng phải đối mặt với quấy rối trực tuyến nhiều hơn quấy rối trên đường phố.

Trong bài này viết này, hãy cùng điểm qua những vấn nạn trên môi trường trực tuyến và các biện pháp phòng chống cũng như hạn chế hậu quả có thể thực hiện ngay.

1. Digital literacy

Về nghĩa đen, cụm từ có thể được hiểu là “trình độ kỹ thuật số”, hay “năng lực công nghệ số”. Về giải thích cụ thể, các nguồn chính thống diễn đạt khá khác nhau, nhưng tựu chung đều thống nhất rằng: digital literacy không chỉ là việc sử dụng thành thạo điện thoại, máy tính, biết cách nhắn tin, gửi meme, “chơi” mạng xã hội,...

Theo Hiệp hội Thư viện Hoa Kỳ (ALA), người có năng lực công nghệ số cao còn phải sở hữu kiến thức, kỹ năng phân tích trong các hoạt động sử dụng internet. Ví dụ:

  • Tìm kiếm, đánh giá được đâu là thông tin đáng tin cậy
  • Biết đâu là nội dung nên hoặc không nên chia sẻ trên mạng xã hội
  • Hiểu và thực hiện các biện pháp an toàn trên internet như tạo mật khẩu mạnh, cài đặt quyền riêng tư
  • Tạo nội dung trực tuyến (podcast, video hay blog, tweet,...) một cách có trách nhiệm với người tiêu thụ
  • Nhận biết các hành vi bắt nạt trên mạng, biết cách đối phó cũng như can thiệp, ngăn chặn hành vi bắt nạt

Tại Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) vào năm 2018, người tham gia được yêu cầu đọc một bài đăng trên blog, sau đó xác định xem nội dung này là sự thật dựa trên quan sát, nghiên cứu (facts) hay là ý kiến dựa trên giả định và quan điểm chủ quan của tác giả (opinions).

titleDigital literacy khocircng chỉ lagrave sử dụng thagravenh thạo caacutec thiết bị điện tử magrave cograven lagrave coacute năng lực tư duy phản biện khi tigravem kiếm chia sẻ tạo thocircng tin trecircn mocirci trường internet Digital literacy khocircng chỉ lagrave sử dụng thagravenh thạo caacutec thiết bị điện tử magrave cograven lagrave coacute năng lực tư duy phản biện khi tigravem kiếm chia sẻ tạo thocircng tin trecircn mocirci trường internet Nguồn Katerina HolmesPexels
Digital literacy không chỉ là sử dụng thành thạo các thiết bị điện tử mà còn là có năng lực tư duy phản biện khi tìm kiếm, chia sẻ, tạo thông tin trên môi trường internet. | Nguồn: Katerina Holmes/Pexels

Kết quả cho thấy tỷ lệ học sinh 15-16 tuổi có thể phân biệt được điều này chỉ đạt mức trung bình là 47%. Trong đó, con số tại các nước thuộc khối OECD như Hàn Quốc, Cộng hoà Séc, Na Uy rơi vào khoảng 30% (dù mức độ học sinh được tiếp cận internet và máy tính tại các quốc gia này đạt trên 90%).

Nhiều hệ thống trường học trên toàn cầu đã bắt đầu đối phó với thực trạng thông tin nhiễu loạn bằng cách đưa vào chương trình đào tạo chính thức các kiến thức, kỹ năng xoay quanh digital literacy.

Ví dụ, tại Phần Lan, quốc gia được đánh giá là chống tin giả tốt nhất Châu Âu, việc dạy, học về phương tiện truyền thông kỹ thuật số, và tư duy phản biện đã được thực hiện ngay từ độ tuổi mẫu giáo.

titleHọc sinh Phần Lan học về phacircn biệt tin giả Học sinh tiểu học ở Helsinki giải thiacutech sự khaacutec biệt giữa misinformation disinformation Nguồn Satu RakkolainenSossa The Guardian
Học sinh tiểu học ở Helsinki, Phần Lan giải thích sự khác biệt giữa misinformation, disinformation và mal-information. | Nguồn: Satu Rakkolainen-Sossa/ The Guardian

Tính đến tháng 1/2021, độ phủ internet tại Việt Nam đã đạt khoảng 72% dân số. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa có các khảo sát, thống kê hay nghiên cứu nào về năng lực công nghệ số của người dân. Nếu quan tâm, bạn đọc có thể thực hiện qua bài đánh giá cơ bản do tổ chức Literacy Minnesota thiết kế và phát triển.

2. Misinformation/Disinformation

Theo tổ chức Plan International, misinformation là thông tin không chính xác hoặc gây hiểu nhầm, thường được lan truyền mà không nhất thiết có chủ đích lừa dối hay gây hại cho người khác.

Thông tin loại này có thể sinh ra từ việc người đưa tin nguồn có niềm tin và quan điểm chủ quan khiến họ đánh giá sai về một sự vật, sự việc. Hoặc đơn giản là lỗi sai của họ thuộc về mặt “kỹ thuật” như nhìn nhầm, nghe nhầm, hay nhớ nhầm.

Giới khoa học châu Âu đã từng vì loại thông tin này mà lao vào nghiên cứu người ngoài hành tinh. Cụ thể là do họ hiểu nhầm và dịch từ “canali” (chỉ các rãnh sâu hình thành tự nhiên) trong ghi chép về sao Hoả của một nhà thiên văn học người Ý thành “canal” (tiếng Anh, chỉ các kênh đào nhân tạo).

Trường hợp thông tin sai lệch được tạo ra hoặc truyền đi có mục đích thao túng người khác, đặc biệt là trong các tình huống chính trị, thì được gọi là disinformation. Hình thức thường gặp là các thuyết âm mưu.

Từ khoảng giữa năm 2010, các thông tin có tính chất của misinformation và disinformation hay được gọi chung bằng cái tên “tin giả” (fake news).

Trong tháng 3 và tháng 4 năm 2020, Facebook đã gắn nhãn cảnh báo đối với khoảng 90 triệu bài đăng vì đưa tin giả về tình hình dịch bệnh COVID-19. Không có sự phân biệt rõ ràng rằng các nội dung này được tạo ra là do cố ý hay vô tình, vì thực chất misinformation và disinformation còn được phân cấp thành nhiều loại nhỏ hơn, khá phức tạp.

Sự gia tăng của các loại tin này đã buộc nhiều nền tảng trực tuyến tăng cường các chính sách bảo vệ người dùng. Tuy nhiên, các nỗ lực dường như là chưa đủ.

Theo kết quả khảo sát với hơn 26.000 trẻ em gái và phụ nữ trẻ của Plan International, thì không có nguồn thông tin nào thực sự được tin tưởng. Các nền tảng truyền thông xã hội là nơi phổ biến nhất để tìm kiếm thông tin họ cần, nhưng đồng thời chúng cũng được xem là nơi có nhiều thông tin sai lệch nhất. Trong đó Facebook đứng đầu với 65% người khảo sát đồng ý là không đáng tin, theo sau là TikTok, WhatsApp, YouTube.

Nếu muốn tạo ảnh hưởng đến các công ty công nghệ này, cũng như các nhà cầm quyền để đẩy mạnh công tác quản lý đối với thực trạng tin giả tràn lan, bạn có thể tham gia vào chiến dịch kêu gọi giáo dục kỹ thuật số cho trẻ em của Plan International. Hiện chiến dịch đã mở cổng nhận chữ ký ủng hộ từ ngày 5 tháng 10.

3. Concern Trolling

Concern trolling là hành động đưa ra những lời nhận xét có hại, hạ phẩm giá người khác nhưng được che đậy như những phản hồi mang tính xây dựng.

Chẳng hạn, khi nhắm đến nữ giới, concern trolling thường được thực hiện thông qua những lời khuyên về thay đổi ngoại hình. Người đưa ra lời khuyên có thể dùng những câu như “nếu muốn… thì nên…”, “vì muốn tốt cho em/chị/bạn thôi”, trong khi không đưa ra được các lý do chính đáng và phương pháp khoa học.

Một hình thức phổ biến liên quan đến concern trolling là sealioning, nghĩa là tham gia vào một cuộc trao đổi trực tuyến và liên tục yêu cầu bằng chứng, câu trả lời.

titleSealioning meme Từ sealioning coacute nguồn gốc từ một mẩu truyện tranh đăng tải trecircn web vagraveo năm 2014 Tại đacircy nhacircn vật chiacutenh đatilde bagravey tỏ sự căm gheacutet với loagravei sư tử biển vigrave chuacuteng xuất hiện đột ngột vagrave đuổi theo cocirc khocircng ngừng cho tới khi cocirc vagraveo phograveng ngủ
Từ sealioning có nguồn gốc từ một mẩu truyện tranh đăng tải trên web vào năm 2014. Tại đây, nhân vật chính đã bày tỏ sự căm ghét với loài sư tử biển, vì chúng xuất hiện đột ngột và đuổi theo cô không ngừng cho tới khi cô vào phòng ngủ.

Mặc dù những câu hỏi của “sư tử biển” có vẻ vô tội, tỏ ý quan tâm, nhưng thường có mục đích vắt kiệt sự kiên nhẫn, chú ý và nỗ lực giao tiếp của mục tiêu. Khi đối phương trở nên cáu gắt, như đúng kịch bản, họ có thể từ đó quay sang cáo buộc nạn nhân tấn công họ.

Việc bạn có thể làm trong trường hợp này là tắt thông báo, ẩn nội dung theo tên người dùng, từ khoá,... Đồng thời, báo xấu (report) bất kỳ nội dung nào tấn công cá nhân, gây cho bạn khó chịu.

4. Doxing

Doxing, hay doxxing, chỉ việc một cá nhân, hoặc tổ chức bị người khác công khai các thông tin cá nhân nhạy cảm lên các nền tảng trực tuyến. Mục đích là để “bóc phốt”, quấy rối, hoặc thậm chí là đe dọa, tống tiền.

Hình thức phổ biến nhất của doxing là kẻ tấn công phát tán thông tin liên lạc của đối tượng mình nhắm đến. Ngay cả tên tuổi người thân, bạn bè, đối tác làm ăn liên quan đến người này cũng có thể bị khai thác.

Trong tháng 9 vừa qua, vụ việc nghệ sĩ Huỳnh Lập bị người quen tung lên mạng ảnh chụp màn hình các đoạn tin nhắn riêng tư có thể được xem là ví dụ điển hình về doxing.

Trong một số trường hợp thông tin bị khai thác đã được chính chủ nhân công khai ở đâu đó. Nhưng điểm mấu chốt là kẻ quấy rối có ý định phát tán chúng đến nhiều người hơn nhằm tạo áp lực cho chủ thể.

Để hạn chế khả năng trở thành nạn nhân của doxing, người dùng internet có thể tham khảo các đề xuất sau:

  • Tìm tên hoặc ảnh của chính mình trên công cụ tìm kiếm để kiểm tra có thông tin cá nhân nào đang trôi nổi ngoài tầm kiểm soát không.
  • Kiểm tra cài đặt riêng tư đối với các bài đăng, hồ sơ cá nhân trên các phương tiện truyền thông xã hội trực tuyến.
  • Thử google “[Họ tên] filetype: pdf” để kiểm tra liệu bạn có bản PDF sơ yếu lý lịch trôi nổi trên web hay không.
  • Thiết lập các tài khoản email riêng cho việc đăng ký dịch vụ và nhận thông tin khuyến mãi.
  • Hạn chế tính năng theo dõi vị trí trên nhiều ứng dụng điện thoại nhất có thể
  • Tránh tạo tài khoản trực tiếp qua Google hoặc Facebook, sử dụng trình quản lý mật khẩu để thay thế.

5. Catfishing

Catfishing là hành vi lừa người khác trên mạng internet bằng tài khoản, danh tính, hình ảnh giả mạo và các thông tin khác để che dấu con người thật.

Khái niệm này nổi lên vào năm 2013, khi ngôi sao bóng bầu dục Manti Te’o phát hiện ra "bạn gái" quen biết qua mạng của mình hoá ra là một người đàn ông có ác ý, và anh không phải là nạn nhân duy nhất của người này.

Động cơ thúc đẩy hành vi catfishing bao gồm thu lợi tài chính, bắt nạt trên mạng, và thăm dò danh tính (đôi khi là đến từ hoạt động của các cơ quan điều tra chống tội phạm).

Catfishing tiếp tục phổ biến nhờ sự lan truyền của phương tiện truyền thông xã hội và ứng dụng hẹn hò trực tuyến trong những năm 2010.

6. Grooming

Grooming, hay “child grooming”, là từ miêu tả việc kẻ xấu kết thân với trẻ, đặc biệt là qua internet nhằm dẫn dắt đến hành vi ấu dâm. Đôi khi đối tượng còn nhắm đến xây dựng lòng tin với cả cha mẹ của trẻ và cộng đồng để dễ dàng phạm tội hơn. Thủ đoạn có thể bao gồm hành vi catfishing.

Bên cạnh mục đích xâm hại tình dục, hành động này còn được dùng để chuẩn bị cho việc buôn bán, mại dâm trẻ em, hoặc bắt nạn nhân tham gia sản xuất phim khiêu dâm trẻ em.

Theo ước tính trung bình của UNICEF, cứ trong 10 trẻ em gái là có một trường hợp từng bị quấy rối hoặc lạm dụng tình dục. Đáng cảnh báo, Hiệp hội quốc gia Phòng chống tội ác trẻ em (NSPCC) ở Anh thống kê được rằng, trong khoảng thời gian 2018 - 2019 đã có hơn 8500 vụ lạm dụng tình dục trẻ em được ghi nhận là có liên quan tới yếu tố trực tuyến, tăng 18% so với năm 2017.

Ngay cả khi kẻ xấu chưa thực hiện được mục đích cuối cùng, grooming vẫn tiềm ẩn nguy cơ rất lớn. Tuy nhiên, nạn nhân thường không cảm thấy mình cần giúp đỡ. Vì vậy, việc cha mẹ, người thân trực tiếp can ngăn đôi khi có thể gây phản tác dụng.

titleBảo vệ trẻ khỏi grooming Trẻ em đang ngagravey cagraveng tiếp xuacutec sớm hơn với cocircng nghệ Việc giaacuteo dục giới tiacutenh cũng như năng lực cocircng nghệ số cho caacutec em ngay từ khi cograven ở độ tuổi mẫu giaacuteo tiểu học dường như khocircng cograven lagrave quaacute sớm Nguồn Kelly SikkemaUnsplash
Trẻ em đang ngày càng tiếp xúc sớm hơn với công nghệ. Việc giáo dục giới tính cũng như năng lực công nghệ số cho các em ngay từ khi còn ở độ tuổi mẫu giáo, tiểu học dường như không còn là quá sớm. | Nguồn: Kelly Sikkema/Unsplash

Nhiều biện pháp được gợi ý, nhưng cũng như với bất kỳ biến cố nào, việc phòng chống vẫn là phương án được khuyến khích nhất. Trong trường hợp này là giáo dục giới tính từ sớm, dạy và học về năng lực công nghệ số (digital literacy), cũng như tăng cường giao tiếp giữa các thành viên trong gia đình.

Ngoài ra, một số nước trên thế giới đã hình sự hóa dạng hành vi dẫn dắt tình dục. Tại Canada, Brazil, Ý, Bộ luật Hình sự quy định người nào liên lạc với trẻ dưới 18 tuổi, có dấu hiệu về mục đích lạm dụng tình dục, sản xuất nội dung khiêu dâm,... dù không có ý định gặp mặt trực tiếp cũng sẽ bị phạt tù từ 1 tới 14 năm. Một bộ phận lớn các quốc gia khác vẫn chưa có quy định cụ thể hoặc vẫn còn lỗ hổng, bao gồm cả Việt Nam.

Plan International là tổ chức nhân đạo phát triển về quyền trẻ em và bình đẳng giới với hơn 80 năm kinh nghiệm và hiện đang hoạt động tại 75 quốc gia trên toàn thế giới. Chiến dịch Girls Get Equal (Em gái Bình đẳng) do Plan và thanh thiếu niên khởi xướng nhằm hỗ trợ các em gái tự tin học tập, lãnh đạo, quyết định và phát triển cuộc sống và tương lai của chính mình.

An toàn trên mạng cho trẻ em gái là mục tiêu năm 2021 của chiến dịch Girls Get Equal. Năm 2020, Plan International lắng nghe chia sẻ từ 26,000 em gái trên toàn thế giới về tác động của tin giả, tin sai lệch - 9 trên 10 em cảm thấy vấn đề này ảnh hưởng tới cuộc sống của mình. Tất cả trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái cần kỹ năng và kiến thức để bảo vệ bản thân trước thông tin sai lệch trên không gian số. Chiến dịch #AnToànTrênMạng kêu gọi cộng đồng cùng nâng cao giáo dục kỹ thuật số cho trẻ em, góp phần xây dựng một môi trường an toàn để trẻ em được kết nối, học tập và chia sẻ. Cùng ký vào thư ngỏ đồng hành cùng Plan trong chiến dịch này tại đây.