Họa sĩ minh họa kiếm tiền như thế nào? | Vietcetera
Billboard banner

Họa sĩ minh họa kiếm tiền như thế nào?

“Vẽ tranh thì có đủ nuôi thân không?”, “Vẽ bao giờ mới đủ đẹp để có người mua tranh?” hay cách các hoạ sĩ minh hoạ kiếm tiền thế nào.
Họa sĩ minh họa kiếm tiền như thế nào?

Christoph Niemann trong Abstract: The Art of Design của Netflix

Họa sĩ minh họa (illustrator) thường sử dụng tranh để hỗ trợ, trình bày hay trang trí cho các phương tiện khác như văn bản, sản phẩm ứng dụng. Nhờ vậy, minh họa có ứng dụng đa dạng trong nhiều ngành hàng. Từ xuất bản, truyền thông đến sản phẩm ứng dụng như quần áo, nội thất.

Minh họa còn có nhiều giao thoa với các thực hành sáng tạo hình ảnh khác như mỹ thuật, thiết kế đồ họa, truyện tranh. Thu nhập của họa sĩ minh họa phụ thuộc rất nhiều vào khả năng, tuổi nghề và khả năng quản lý dự án của mỗi người. Vậy có những cách nào để họa sĩ kiếm sống?

Minh họa trong lĩnh vực truyền thông - xuất bản

Minh họa báo chí

Họa sĩ nhận bài từ những người chịu trách nhiệm nội dung mảng mỹ thuật (art director) của các tòa soạn báo và công ty truyền thông. Mức giá tăng dần theo kích thước và yêu cầu (trắng-đen hay có màu), vào danh tiếng của tòa soạn và số lượng bản in. Các kích thước như:

  • Tranh điểm (spot); tranh 1/4, 1/2 trang
  • Tranh tràn 1 trang
  • Tranh tràn 2 trang (full-spread)
Một số tranh minh hoạ của tờ The Guardian | Nguồn: @guardianillustration

Khi truyền thông số nở rộ, minh họa không chỉ được in trên trang giấy, mà xuất hiện khắp mọi nền tảng số. Theo khảo sát của Format, năm 2016, Buzzfeed trả khoảng 8 triệu VND/ tranh minh họa cho bài viết long-form. Nhiều nền tảng như Vice, The New Republic, NPR... trả 5-7 triệu VND/ tranh minh họa.

Hiếm có họa sĩ nào dựa hoàn toàn vào minh họa báo chí vì đặc thù gấp gáp và mức thù lao không cao so với thu nhập trung bình. Tuy nhiên, minh họa báo chí vẫn là nơi khởi điểm cho nhiều họa sĩ mới vào ngành, và giúp các họa sĩ có những đề tài mới mẻ, có nguồn thu nhập nhanh đan xen giữa các dự án dài hơi.

Minh hoạ bìa

Công chúng Việt Nam thường biết đến ngành vẽ minh họa nhiều nhất qua bìa sách xuất bản. Mức giá vẽ bìa thường thấy hiện khoảng 3 triệu VND/bìa, tùy kinh nghiệm của họa sĩ và đặc thù dự án sẽ có những mức giá khác.

Điểm mạnh ở lĩnh vực minh họa là bạn có thể làm việc từ xa, với khách hàng từ khắp nơi trên thế giới. Giá minh họa sách cũng rất đa dạng tùy vào quy mô nhà xuất bản, số lượng bản in và điều kiện bản quyền. Một nhà xuất bản lớn như HarperCollins có thể trả khoảng hơn 3.000$/bìa, trong khi những tác giả tự xuất bản sách trên Amazon có thể trả khoảng 7 triệu VND/bìa.

Minh họa sách

Minh họa sách (book illustration) thường là những hợp đồng kéo dài nhiều tháng, với nhiều thể loại sách khác nhau:

  • Sách tranh thiếu nhi
  • Sách thiếu niên
  • Tiểu thuyết hình ảnh (graphic novels)
  • Truyện tranh
"How to be happy" - một tiểu thuyết hình ảnh của Eleanor Davis, và "Cậu bé ăn sách phi thường" của Oliver Jeffers, phát hành tại Việt Nam

Nếu minh họa với kịch bản từ tác giả khác: Art director từ nhà xuất bản, hoặc chính tác giả tự xuất bản sẽ tìm họa sĩ phù hợp với dự án. Thù lao và điều khoản hợp đồng của mỗi loại sách và dự án lại khác, và có phần phụ thuộc vào danh tiếng của họa sĩ - tác giả.

Ví dụ khi làm việc với một nhà xuất bản cho sách thiếu nhi, sau flat-rate ban đầu, họa sĩ và tác giả kịch bản có thể được chia đôi tiền lợi nhuận phần trăm bán sách (royalities).

Nếu tự sáng tác - minh họa: Các họa sĩ-tác giả tự xây dựng kịch bản và minh họa cho câu chuyện của mình. Thường họ sẽ pitch kịch bản và bản thảo phân trang (dummy) với các nhà xuất bản.

Bên cạnh một khoản thù lao ban đầu, họa sĩ nhận tiền phần trăm dựa trên doanh số sách bán ra (thường khoảng 10% và có thể cao hơn khi sách đạt các ngưỡng doanh số nhất định, ví dụ 10% - 25,000 bản đầu tiên, 12.5% cho 25.000 đến 100.000 bản tiếp theo,...)

Minh họa cho các nhãn hàng

Họa sĩ tham gia dự án thương mại cho các nhãn hàng với các sản phẩm đa dạng: bộ nhận diện, mascots, chiến dịch quảng bá, bao bì, thiết kế ngoài trời như tranh tường,...

Với những dự án cho khách hàng vừa và lớn, họa sĩ thường sẽ làm việc thông qua các agency hay studio trung gian cùng với một đội ngũ thiết kế - sản xuất. Giá trị hợp đồng phụ thuộc vào quy mô dự án và khách hàng, yêu cầu sản phẩm cũng như thâm niên của họa sĩ.

Tranh tường cho văn phòng Etsy của Jing Wei và Emily Forgot | Nguồn: Ảnh Matt Thompson

Một số họa sĩ làm việc trong các dự án thương mại tính báo giá bằng cách nhân hourly-rate với số giờ làm việc. Nhiều điều khoản có thể ảnh hưởng đến thu nhập trên dự án như kill fee (nếu họa sĩ hoàn thành tranh nhưng khách hàng không nhận, khách hàng vẫn phải thanh toán một khoản cố định), hoặc thời hạn sử dụng càng dài thì giá trị hợp đồng càng cao.

Bán quyền sử dụng tác phẩm trên các trang hình ảnh Stock

Không phải khách hàng nào cũng có khả năng chi trả cho hợp đồng minh họa riêng biệt - và họ tìm đến các trang hình ảnh stock như Shutterstock, Freepik, Adobe Stock,... Họa sĩ bán file thiết kế và quyền sử dụng tác phẩm qua những nền tảng này, và được trả theo số lượt download.

Những tranh vẽ, thiết kế này có thể là những nhân vật, đồ đạc lẻ, texture, hình nền. Một lượt có thể chỉ thu về khoảng gần 120.000 VND, nhưng cùng một thiết kế đó có thể được tải về hàng chục - hàng trăm lần.

Bán tranh và các mặt hàng

Ở Việt Nam, việc đặt tranh cá nhân từ các họa sĩ minh họa để tặng gia đình hay cho cặp đôi đang trở nên phổ biến hơn. Giá tranh cá nhân dao động từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng, tùy vào mức giá của họa sĩ và yêu cầu tranh (ví dụ, tranh chân dung hay tranh toàn thân, có nền).

Họa sĩ có thể trực tiếp bán tranh gốc và bản in giới hạn của những tranh minh họa. Với các illustrator thường xuyên sáng tác fanart về văn hóa đại chúng, khán giả còn có thể đặt commission nhân vật yêu thích của họ. Nhiều họa sĩ có thu nhập vững mạnh qua bán tranh, sản phẩm fanmade qua các kênh online hay các sự kiện như Comic Con.

Nhiều họa sĩ sản xuất và kinh doanh các merch in ấn như stickers, thiệp postcards, lịch, zine,... sản phẩm thời trang như quần áo, khăn, túi. Việc bán các mặt hàng có thể ở quy mô nhỏ như một dự án bên lề, hoặc với một số người, đó là công việc toàn thời gian.

Dự án túi Xách (@re.xach.able)

Họa sĩ có thể bán hàng tự sản xuất qua Etsy, Big Cartel hoặc ngay trên mạng xã hội như Instagram. Lúc này, họ không chỉ vẽ minh họa mà cũng cần hiểu biết sâu về sản xuất và kinh doanh.

Cũng có các kênh sản xuất theo yêu cầu (print-on-demand) nơi khách hàng lựa chọn từ nhiều thiết kế trên trang, nền tảng sẽ in sản phẩm và vận chuyển. Theo đó, họa sĩ nhận được 10-20% lợi nhuận trên mỗi đơn hàng.

Làm việc in-house cho các agency hoặc production house

Khi nhắc đến nghề minh họa thường ta hay nghĩ đến những họa sĩ làm việc tự do, làm việc với chất liệu truyền thống (màu nước, mực,...) hoặc vẽ 2D digital. Đáng nói, minh họa là một thực hành, một tên gọi chứ không phải một chức danh nghề nghiệp cố định. Nhiều nhà thiết kế đồ họa, họa sĩ 2D/3D, họa sĩ vẽ storyboard, visualizers cũng coi bản thân như họa sĩ minh họa.

Nhờ vậy, có một bộ phận không nhỏ các người sáng tạo hình ảnh làm việc in-house, ví dụ:

  • Các agency quảng cáo và công ty truyền thông.
  • Các production house sản xuất phim, hình ảnh động hay game.
  • Các công ty về in ấn và thời trang

Trong một podcast gần đây, Chris Do cho hay: các tập đoàn công nghệ lớn đang có xu hướng thành lập những đội ngũ sản xuất hình ảnh nội bộ để giảm chi phí trung gian với agency và giữ được độ thống nhất.

Ví dụ, hoạ sĩ Jennifer Hom đã là một Google Doodler trong 6,5 năm, từng phát triển một bộ hệ thống - quy tắc tranh minh họa cho Uber, trước khi trở thành Experience Design Manager tại Airbnb. Cô quản lý một nhóm các in-house designers và illustrators, minh họa cho Airbnb. Sẽ không lạ nếu những vị trí họa sĩ minh họa in-house như vậy sẽ xuất hiện ngày càng nhiều.

Kho lưu trữ Google Doodle

Thu nhập khác

Patreon là một cách để khán giả giúp họa sĩ duy trì thu nhập, thông qua những nội dung độc quyền hoặc phát hành sớm. Với những họa sĩ có lượng khán giả vừa và lớn, họ cũng có thể trở thành KOLs hợp tác với các nhãn hàng.

Gần đây, nhiều kênh học tập trực tuyến như Skillshare, Domestika hay Class101 nở rộ, tạo cơ hội cho những người thực hành sáng tạo có thể bán khóa học online dễ dàng hơn.

Kết

Mỗi lĩnh vực trên đòi hỏi phong cách thẩm mỹ và phương pháp kể chuyện khác nhau, với những bộ công cụ, kỹ năng mềm nhất định.

Sẽ là khập khiễng để so sánh về thẩm mỹ lẫn về thu nhập giữa một họa sĩ vẽ sách thiếu nhi và một họa sĩ tập trung vào các dự án thiết kế thương mại. Một người sáng tạo có thể coi là thành công khi tìm được (một số) lĩnh vực thế mạnh của mình, chứ không chỉ phụ thuộc vào khả năng thẩm mỹ đơn thuần.

Dù dấn thân vào mảng nào trong ngành minh họa, sự kiên trì thử nghiệm và học hỏi luôn cần thiết.