“Học, học nữa, học mãi” sao cho hiệu quả? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

“Học, học nữa, học mãi” sao cho hiệu quả?

Theo Mark Manson, việc học là liên tục và suốt đời. Nhưng học cách tiêu thụ và xử lý thông tin cho hiệu quả lại là một vấn đề khác.
“Học, học nữa, học mãi” sao cho hiệu quả?

Nguồn: Roman Kraft @ Pexels

Được chuyển ngữ từ bài viết “Lifelong Learning: How to Continuously Learn and Grow” đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.


Chỉ trong vòng 38 năm từ khi tôi sinh ra đến giờ, chúng ta đã đi từ điện thoại bàn đến máy trả lời tin nhắn, rồi tới điện thoại cục gạch, điện thoại thông minh và cả những chiếc đồng hồ cho tôi biết tôi đã ăn thứ rác rưởi gì trong bữa trưa cuối tuần.

Sự tiến bộ đang diễn ra với tốc độ chóng mặt trên mọi mặt trận từ công nghệ, văn hóa đến thông tin. Sự thay đổi giữa năm 2015 và 2020 lớn hơn nhiều so với từ năm 1995 đến 2000. Ở mặt tích cực, nó cải thiện cuộc sống của chúng ta với tốc độ và quy mô đáng kinh ngạc. Nhưng ở mặt tiêu cực, nó có thể khiến chúng ta bị choáng ngợp, kiệt sức và thụt lùi phía sau.

Học cách học sao cho hiệu quả

Sự tiến bộ nhanh chóng này khiến tôi tin rằng, việc xây dựng khả năng học hỏi nhanh chóng và hiệu quả trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Khi thông tin trở nên gần như vô hạn, thì lợi thế của việc học và xử lý chúng sẽ tăng lên theo cấp số nhân. Không chỉ tối ưu hóa việc sử dụng thông tin, bạn còn có thể đọc hiểu, tìm tòi, và tổng hợp nhiều thông tin hữu ích hơn.

Khả năng học hỏi nhanh nhạy và tự túc cũng có tác động kép, và dẫn tới sự khác biệt lớn trong kết quả. Càng học nhiều, bạn càng có khả năng học hỏi và xử lý thông tin tốt hơn trong tương lai. Vì vậy việc “học để học” - tức là phát triển khả năng học hỏi hiệu quả - sẽ mang lại cho bạn nhiều cơ hội hơn bao giờ hết.

Có một cách giúp bạn dễ dàng hình dung sự phân tầng trong xã hội ngày nay: Khoảng cách ngày càng lớn giữa những người biết và không biết cách học hiệu quả. Nó không chỉ thể hiện trong chênh lệch về thu nhập mà còn về sức khỏe, mức độ hạnh phúc, tỉ lệ ly hôn và nghiện ngập.

Vậy nên có lẽ tiêu chí quan trọng nhất là giúp mọi người học cách học hiệu quả, từ đó tăng khả năng tổng hợp và phân tích thông tin mới. Khi chúng ta sống trong sự tiến bộ tăng vọt không ngừng, thì các kỹ năng làm chủ bản thân về tinh thần và cảm xúc sẽ tiếp tục mang lại không ít “lợi nhuận” cho bạn trong thế kỷ 21.

Một số mẹo để “học, học nữa, học mãi” sao cho hiệu quả:

1/ Học cách “ăn tạp” thông tin.

2/ Thường xuyên thách thức các quan điểm của bạn.

3/ Rèn luyện kỹ năng sàng lọc thông tin xấu/vô ích.

Học cách “ăn tạp” thông tin

Chúng ta thường rơi vào “vùng an toàn” khi tìm kiếm và tiêu thụ cùng một thể loại thông tin, đến từ cùng một nguồn ngày này qua tháng khác. Lần tới bạn đọc tin, hãy thử làm cách này: tìm cùng một thông tin đó từ nhiều nguồn khác nhau (nếu các nguồn có quan điểm khác nhau thì càng tốt). Thử làm như vậy trong một tháng, bạn sẽ thấy sự khác biệt.

Một mẹo giúp bạn “tiêu hóa” thông tin từ bất cứ nơi nào là tìm ra mối liên kết giữa các ý tưởng và khái niệm khác nhau. Chẳng hạn, tôi chủ yếu tư duy và viết về tâm lý học. Nhưng tôi cũng đọc thêm về kinh tế học, nhân chủng học, xã hội học và khoa học chính trị, vì chúng luôn gắn chặt với các khái niệm tâm lý học. Việc nhìn ra những mối liên hệ này giúp những môn học đó trở nên thú vị hơn với tôi.

08sep2022judesigyuac4stmjmunsplashjpg
Việc tìm đọc từ nhiều nguồn là cần thiết để tối ưu hóa khả năng tiêu thụ và phân tích thông tin. | Nguồn: Unsplash

Sau cùng, mục tiêu cần đạt được là tiếp thu thông tin từ nhiều nguồn và phương tiện khác nhau. Bạn có thể tìm thông tin dạng dài hoặc ngắn, từ báo in hay báo mạng, ở dạng hình ảnh hoặc âm thanh - rồi so sánh và đối chiếu những gì bạn tiếp thu được.

Thường xuyên thách thức các quan điểm của bạn

Một thói quen tốt bạn nên rèn luyện là chủ động tìm đọc các tư tưởng hoặc tài liệu có nội dung mâu thuẫn với quan điểm của bạn. Làm việc này rất “mệt não”, nhưng một khi đã làm được thì bạn sẽ: a/ phát hiện ra một khía cạnh mà trước giờ bạn đã sai, hoặc b/ tìm ra cách củng cố lập luận cũ của bản thân. Bạn không mất gì khi thách thức quan điểm của chính mình cả.

Điều này đặc biệt quan trọng, do chúng ta vốn bị ảnh hưởng bởi thiên kiến xác nhận. Hệ quả là chúng ta mặc định những gì mình tin vào là đúng. Bạn có thể tin như vậy mãi mãi, hoặc bạn có thể chủ động thách thức niềm tin của chính mình và sẵn sàng học hỏi điều mới.

Một bài tập khác tôi thỉnh thoảng thực hành là viết nhật ký. Nhưng tôi không viết về diễn biến một ngày hoặc các ý tưởng của mình. Thay vào đó, tôi liệt kê một vài điều tôi thấy đặc biệt quan trọng, và thách thức bản thân viết ra các lập luận phản bác lại từng điều. Chẳng hạn tôi tin rằng mình rất giỏi làm nội dung trực tuyến, nên tôi viết nó ra và tìm cách thử thách suy nghĩ đó.

Bài tập này nghe có vẻ buồn cười, nhưng đôi khi nó giúp bạn nhìn trực diện vào lỗ hổng trong tư duy của chính mình. Bản thân tôi cũng nhiều lần thay đổi được lối mòn suy nghĩ nhờ thực hành nó.

Rèn luyện kỹ năng sàng lọc thông tin xấu/vô ích

Thật đáng buồn khi phải nói điều này, nhưng mặt trái của Internet đã khiến thế giới tràn ngập thông tin rác rưởi hoặc vô ích. Là người tiêu dùng, chúng ta phải kỹ tính hơn trong thói quen tiêu thụ thông tin của chính mình. Nhìn chung, nếu bạn không thấy thông tin gì hữu ích trong 10% đầu tiên của nội dung đang tiêu thụ, hãy bỏ qua nó. Cuộc đời quá ngắn, và có quá nhiều thông tin tốt hơn đáng để bạn tìm đến.

09sep2022margasantosojpg
Nếu không thấy thông tin gì hữu ích trong 10% đầu tiên, hãy bỏ qua nội dung đó. | Nguồn: Unsplash

Cần lưu ý “tốt” không hẳn đồng nghĩa với “thú vị”. Có rất nhiều thứ nhàm chán, nhưng nó lại có ích cho bạn về lâu dài. Khi tiêu thụ một nội dung, bạn cần liên tục tự vấn bản thân “Điều này có hữu dụng không? Liệu đọc xong cuốn sách/xem xong bộ phim/nghe xong cái podcast này có giúp ích gì cho mục tiêu của mình không?”.

Nếu câu trả lời là không, thì hãy dừng lại ngay thôi.