Khi những lời chúc là chưa đủ | Vietcetera
Billboard banner
20 Thg 10, 2022
Cuộc SốngThươngNữ Công

Khi những lời chúc là chưa đủ

“Tôi biết vì sao tay mẹ hay nổi cước. Vì khi nắm lấy ghi đông xe, làn gió lạnh lẽo sượt mạnh qua tay mẹ.”
Khi những lời chúc là chưa đủ

Nguồn: Long Vũ

Ngày 20/10 năm nay, Hà Nội đã chìm trong đợt rét đầu mùa với những cơn mưa rả rích. Điều ấy gợi tôi nhớ về thời mình còn bé, tôi đợi mẹ sau những song sắt cửa sổ khi trời bên ngoài đang mưa. Mưa bạc trắng trời, không khí thì lạnh, còn tôi trải qua những cảm giác vô lý: “Nhỡ mẹ không về nữa thì sao?”

Ngày ấy, tôi muốn xa lánh mẹ, bố, và chắc là người lớn nói chung, khi tôi phải đứng trên bảng, ôm bát cơm bằng inox và nuốt những thìa cơm cuối lạnh ngắt, hoặc khi tôi được 6 điểm môn tập làm văn. Cả hai điều này, cô giáo sẽ viết vào sổ liên lạc và yêu cầu phụ huynh ký vào như một cách xác nhận rằng họ biết những gì con trải qua trên lớp. Khi mẹ biết, mẹ giận, mẹ phạt. Tôi sợ điều đó.

Nhưng cảm giác vô lý ấy lại đến vào những ngày mẹ tôi đi làm về muộn, những ngày trời mưa sấm sét, những ngày Hà Nội lạnh xuống ngưỡng 9 độ C. Kể cả khi ấy tôi có nhận điểm 6 và biết chắc rằng mình sẽ bị phạt, tôi vẫn muốn mẹ về đúng giờ. Cảm giác ấy vô lý vì tôi chẳng thể giải thích được nó. Tôi mong chỉ vì tôi là con của mẹ tôi chăng?

Ngày tôi học cấp 1, mẹ thường ra đường với một chiếc Wave Tàu có hình dán màu vàng và giỏ xe kêu lạch cạch vì bị long một bên vít. Mẹ tôi làm viễn thông, đến công sở xen kẽ ca ngày, ca đêm. Những hôm không phải làm ca đêm, thi thoảng tôi được đến cơ quan cùng mẹ để bớt đi cái nỗi lo mẹ không về nữa. Khi ấy tôi biết vì sao tay mẹ hay nổi cước. Vì khi nắm lấy ghi đông xe, làn gió lạnh lẽo sượt mạnh qua tay mẹ.

Khi tôi lớn hơn một chút và có thêm một người em gái, thì mẹ tôi ra đường với một chiếc xe Lead. Cốp xe to, đủ để đựng vừa cặp tài liệu, áo chống nắng, tư trang, mấy hộp cơm văn phòng, và thực phẩm mẹ mua chuẩn bị cho buổi tối và trưa ngày hôm sau. Chiếc xe ấy theo mẹ từ 5 giờ sáng cho đến tận 6 giờ, đôi khi là 9 giờ tối. Nó đồng hành cùng mẹ qua hai giờ tan tầm, và nhiều cuốc xe đưa con tới lớp học chính, học thêm.

Thi thoảng mẹ về nhà với cơn giận, ngày ấy tôi sợ, còn bây giờ tôi hiểu vì sao lại có cơn giận ấy.

Vào những năm 2010, khiếu hài hước của cư dân mạng Việt Nam tích tụ ở trò đùa về Ninja Lead, bên cạnh những hiện tượng mạng như Thánh Phồng và Fan cuồng K-Pop. Đây là hình tượng ẩn dụ về những bà mẹ bỉm sữa, mặc váy chống nắng và đeo khẩu trang kín mít khi ra ngoài đường, chỉ để hở đôi mắt. Vũ khí của họ là túi xách, ba lô của con, mũ bảo hiểm, và đôi lúc là cả thịt tươi sống dành cho gia đình.

Trò đùa ấy khiến ta thật khó để hiểu gánh nặng gia đình, công sở mà mẹ tôi và những phụ nữ trung niên thành thị khác phải trải qua. Trang phục ninja bảo vệ họ khỏi thời tiết khắc nghiệt, để họ giữ gìn nhan sắc cho bản thân, và nó cũng đến từ áp lực của những ánh mắt xét nét từ đồng nghiệp. Còn những gì được tha lôi cùng chiếc xe máy khổng lồ, là đạo cụ cho mọi vai diễn họ phải gánh hàng ngày.

Người phụ nữ xứng đáng được nhận về nhiều lời chúc. Nhưng chúc thôi là chưa đủ nếu như hết 20/10 và 8/3, người chăm sóc tôi và các bạn lại quay về với những trò đùa vô duyên và lớp áo chống nắng. Chúng phủ kín lấy các bà mẹ đến nỗi căn dạng của họ bị lược đi, từ một nữ công nhân viên chức, doanh nhân, nội trợ… chỉ còn là một tay lái ẩu trên đường.

Không có hình mẫu của một phụ nữ tiêu chuẩn. Có người giỏi nấu ăn, có người giỏi kiếm tiền, có người gắn liền với đời sống gia đình, có người gắn bó với bục giảng, có người là “nữ công” của môi trường chuyên nghiệp. Cũng giống như mẹ tôi, khi hiền hậu, khi giận dữ, khi lo toan. Ở vị trí của một người con và không phải nữ, tôi muốn thấu hiểu sự đa dạng ấy và cùng sẻ chia cuộc sống này.

Hôm nay trời lạnh và chắc tôi sẽ về nhà muộn hơn mẹ, nhưng có lẽ tôi sẽ gọi một cú điện từ công sở để biết mẹ đã về nhà và nghỉ ngơi dưới mái nhà ấm áp mẹ cùng vun vén với bố 26 năm qua hay chưa.