Ngày 20-10, gặp gỡ những Nữ Công của Vietcetera | Vietcetera
Billboard banner

Ngày 20-10, gặp gỡ những Nữ Công của Vietcetera

Trong một thời đại mà người nữ không còn bị bó buộc bởi hai chữ "nội trợ," họ đã tìm kiếm sự cân bằng giữa gia đình và công việc như thế nào?
Ngày 20-10, gặp gỡ những Nữ Công của Vietcetera

Nguồn: Trà Nhữ, Linh Vũ

Trong một thời điểm mà người nữ không còn bị bó hẹp đơn giản trong hai từ “nội trợ,” chúng ta dần chứng kiến sự xuất hiện của những nữ công, những người phụ nữ sở hữu con đường sự nghiệp của riêng bản thân mà khi ai nhìn vào cũng thấy ngưỡng mộ.

Nhân ngày phụ nữ Việt Nam 20/10, chúng ta cùng gặp gỡ những nữ công của Vietcetera và xem cách mà họ đã tìm kiếm sự cân bằng giữa gia đình và công việc.

Hãy xem nhau như những cá thể độc lập

Chia sẻ bởi Trà Nhữ - Art Coordinator

Qua 3 năm chính thức đi làm, hành trình cân bằng giữa công việc và gia đình của mình đã trải qua hai thái cực rất khác biệt.

1 năm rưỡi đầu, mình làm việc xa nhà. Thế nên vai trò với gia đình của mình gần như không tồn tại, 1 năm rưỡi đó, mình tăng ca liên tục và làm việc cả những cuối tuần vì ngoài công việc ra mình cũng không có gì khác để làm. Có những thời điểm mình chỉ gọi nói chuyện với bạn trai (nay là chồng mình) khoảng 2 lần 1 tuần.

alt
Nguồn: Trà Nhữ

Sau 1 năm rưỡi, mình chuyển về Hà Nội sống với gia đình để hỗ trợ em gái mình ôn thi cấp 3. Thế là bao nhiêu công chuyện trong nhà, mình đều đảm nhiệm hết, cộng với công việc hiện tại, mình trở nên quá tải khi phải gồng gánh cả hai vai trò cùng lúc.

Thời điểm bước vào cuộc sống hôn nhân cũng là lúc mà mình tìm được ra sự cân bằng thích hợp giữa công việc và gia đình. Mình nghĩ yếu tố quan trọng nhất khiến mình làm được những điều này là cách mà vợ chồng mình nhìn nhận mối quan hệ của cả hai người.

Hai vợ chồng mình coi nhau như hai cá thể hoàn toàn độc lập sống chung và yêu thương lẫn nhau. Vì thế, cả hai người cần phải mở rộng biên độ chấp nhận của mình trong việc sống chung với cá thể còn lại, và tôn trọng quyết định của họ.

Từ việc đơn giản như chồng mình không bao giờ yêu cầu mình đón khách của chồng, và ngược lại. Đến những quyết định lớn hơn như có con, đi học cao hơn, tụi mình đều làm rõ mong muốn của nhau trước khi bước vào hôn nhân và vì thế, mình với chồng có thể hiểu được biên độ chấp nhận của nhau và hiểu người kia đang muốn tìm kiếm những điều gì.

Một lời khuyên cho những người phụ nữ sắp có vai trò mới: Nếu bạn có điều kiện, hãy thử tìm hiểu và đi tới những phòng tư vấn tâm lí. Trong cuộc sống, sẽ có những chuyện mình khó có thể chia sẻ với ai, hoặc không ai có thể cho mình lời khuyên được. Những buổi tư vấn tâm lí dành cho cặp đôi, hoặc cho chính bản thân bạn sẽ chính là một nguồn ra hiệu quả cho những điều này.

Cứ buông bỏ những vai trò, sẽ có giải pháp để thay thế

Chia sẻ bởi Linh Vũ - Head of Client Solutions

Đối với gia đình mình, vai trò là để cho mỗi người tự định nghĩa, không nhất thiết phải phân công rạch ròi. Mình nghĩ điều quan trọng nhất trong việc cân bằng giữa gia đình và công việc nằm ở việc mình chấp nhận buông bỏ những vai trò mà xã hội và những người xung quanh đặt lên cho bản thân.

Đơn giản như nếu mình không có thời gian lau dọn nhà cửa, mình có điều kiện để thuê người giúp việc, dịch vụ lau dọn nhà cửa. Những buổi đi làm về muộn, công tác xa nhà, đều sẽ có hàng trăm hàng quán sẵn sàng phục vụ mình với chỉ vài thao tác nhanh gọn trên các app đặt hàng.

Để làm được điều này, điều đầu tiên mình cần phải học được là sự buông bỏ. Trước khi lấy chồng, có con, mình là một người cực kì kĩ tính. Chỉ cần đi xung quanh nhà mà nhìn thấy có một sợi tóc rơi là mình ngay lập tức phải dọn dẹp, mỗi lẫn nấu ăn không ngon thì mình sẽ cảm thấy thất vọng. Thế rồi, mình cũng phải học cách buông bỏ sự kĩ tính này để đổi lấy sự thư thả cho bản thân.

alt
Nguồn: Linh Vũ

Tất nhiên, để có thể có những giải pháp thay thế như đã đề cập, mình đã cố gắng dành dụm từ những ngày đầu đi làm và hai vợ chồng đã sống rất tiết kiệm đến khi có đủ nguồn lực về tài chính lẫn thời gian trước quyết định có con.

Thật ra, nếu nhìn lại quyết định đó, mình vẫn sẽ lấy chồng, có con dù chưa có nguồn lực như hiện tại vì vợ chồng mình quan niệm rằng ở bất kì mức độ tài chính nào thì gia đình mình cũng có thể sống hạnh phúc. Con mình có thể học trường công thay vì trường quốc tế, mình có thể bớt đi khối lượng công việc để làm việc nhà, hoặc mình có thể nhờ ba mẹ mình chăm con.

Có lẽ điều quan trọng nhất trong cách mình cân bằng giữa công việc và gia đình là sự mềm dẻo trong những tình huống mà cuộc sống đưa ra cho bản thân.

Một lời khuyên cho những người phụ nữ sắp có vai trò mới: Hãy đạp trên dư luận mà sống. Khi bạn chấp nhận buông bỏ vai trò nội trợ, sẽ có nhiều người cho rằng bạn đang “không làm tốt những việc mà một người phụ nữ nên làm tốt.” Mình nghĩ rằng mỗi con người đều khác nhau, nên hãy tìm ra những điều khiến bạn cảm thấy thoải mái nhất, sẽ luôn có những giải pháp để thay thế những vai trò còn lại.

Cần nhất là sự tinh tế trong giao tiếp

Chia sẻ bởi Oanh Lê - Vice President of Finance

Lúc đầu khi mọi người nghe là nhà mình sống với bố mẹ chồng, họ sẽ nghĩ ngay đến cảnh “mẹ chồng nàng dâu.” Nhưng thật ra, trong cuộc sống gia đình, bố mẹ chồng mình là người đã hỗ trợ mình trong rất nhiều thứ, như làm việc nhà hay chăm cháu.

Mình may mắn ở một điểm là mình và chồng quen nhau khi làm việc chung một công ty và chung ngành nghề, nên bố mẹ chồng cũng phần nào hiểu được bản chất công việc của mình và rất thông cảm với điều đó.

Trong những bữa cơm gia đình, mình luôn kể những việc xảy ra ở công ty hay là mỗi khi xem phim, gặp cảnh nào có những công việc tương tự thì mình đều luôn chỉ cho ông bà thấy để ông bà hiểu thêm về tình hình cũng như bản chất công việc mà mình và chồng đang làm.

Thế nhưng, mình cũng phải biết cách giao tiếp một cách tinh tế với ông bà. Người lớn thường ít khi than thở bằng lời nói, nên mình phải biết cách nhìn vào những hành động của ông bà để đoán ý. Có những lúc quá bận bịu để về nhà sớm, mình phải học cách nhận ra là ông bà đang cảm thấy mệt mỏi khi họ đi ngủ sớm, ít nói chuyện. Vậy là mình phải đảm bảo ở nhà vào những ngày cuối tuần để phụ giúp.

Nói thế không có nghĩa là mình giao phó hết tất cả công việc cho ông bà. Trước khi có con, mình và chồng đã đồng ý với nhau là phải tìm một thời điểm thích hợp trong sự nghiệp để sinh em bé. Vì khi có con rồi, mình phải chấp nhận hi sinh sự nghiệp trong 2 năm, và cả hai phải tìm được một công việc cho phép cả hai nghỉ phép ngay lập tức khi có vấn đề.

Để tựu chung lại cách mà mình cân bằng giữa cuộc sống gia đình và công việc là sự thấu hiểu. Khi về chung nhà, hay sinh con, nuôi dạy con, mình phải học cách hiểu rằng cả mình và ông bà đều muốn những điều tốt đẹp nhất cho gia đình nhỏ, chỉ là cách tiếp cận và nhìn nhận vấn đề của hai thế hệ nhiều lúc sẽ có sự khác biệt. Vì thế, sự tinh tế trong cách giao tiếp là điều mà mình phải rèn luyện.

Một lời khuyên cho những người phụ nữ sắp có vai trò mới: Hãy tìm hiểu thật kĩ trước những bước ngoặt lớn trong cuộc đời. Những quyết định như hôn nhân, có con, ở chung với bố mẹ chồng đều là những quyết định có ảnh hưởng to lớn đến hạnh phúc của bạn. Việc tìm hiểu kĩ về chúng và giao tiếp với những người có liên quan sẽ giúp cho những trở ngại sau sau này trở nên dễ giải quyết và vượt qua hơn.