Định kiến về sếp nữ - Có hay không? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
20 Thg 10, 2022

Định kiến về sếp nữ - Có hay không?

Số lượng nữ giới làm lãnh đạo đang ngày một tăng lên. Nhưng những định kiến về sếp nữ liệu có mất đi?
Định kiến về sếp nữ - Có hay không?

Bích Thủy @salted.evian cho Vietcetera

“Phụ nữ không phù hợp với vai trò lãnh đạo”

…là một định kiến khá thường gặp. Ngày nay, nếu đứng giữa phòng họp mà nói câu này, bạn sẽ được xếp vô hàng “kỳ thị giới tính”. Tuy nhiên, không nói thẳng không đồng nghĩa với việc người ta không nghĩ vậy.

Những lý do đưa ra tựu trung sẽ là: “Phụ nữ sống quá cảm xúc”, “Sớm nắng, chiều mưa, tối mây mù giăng lối”, hoặc thậm chí tôi đã từng nghe một lời phê bình vỏn vẹn hai chữ “đồng bóng!” (ám chỉ những người nhạy cảm về tính cách).

alt
Phụ nữ phải đối mặt với nhiều định kiến khi ở vị trí lãnh đạo.

Nhưng dù có định kiến hay không thì không ai có thể phủ nhận nữ giới đang góp một phần lớn trong lực lượng lao động. Điều này đồng nghĩa với việc số lượng lãnh đạo nữ sẽ tăng lên. Theo VnEconomy, vào năm 2021 tỷ lệ lãnh đạo nữ ở Việt Nam là 39% (tăng 6% so với năm 2020), cao hơn mức trung bình toàn cầu là 31%. Và đây chưa phải là mục tiêu cuối cùng.

Vậy những người đã và đang làm việc với sếp nữ nghĩ gì? Có phải mọi người thường chỉ chia ra 2 trường phái thích hoặc ghét sếp nữ. Dưới đây là những lời “tâm sự mỏng” của họ:

Khả năng chú ý đến tiểu tiết ở “một cảnh giới khác”

“Là content writer, nên chị senior của mình rất khắt khe với nhưng lỗi chính tả, dấu câu, cách hành văn, và logic của bài viết. Thậm chí cả lỗi khoảng cách cũng không qua nổi đôi mắt “cú vọ” của chị. Ban đầu, mình có hơi không thoải mái lắm khi cứ bị bắt bẻ những lỗi vặt vãnh. Cho đến lúc mình phải tự “bơi” mà không có ai kiểm tra và người “sửa” mình là độc giả”. (Mỹ Anh, 25 tuổi)

Để có được sự tin tưởng của họ, cần khá nhiều thời gian

“Hồi còn làm intern cho một công ty truyền thông, mình có gặp một chị sếp là “trùm” quản lý vi mô. Bất kỳ một email nào dù quan trọng hay không mình đều phải cc chị. Thậm chí sau khi mình hoàn thành một task gì đấy, cũng phải qua 2 vòng kiểm tra của chị senior và chị sếp, trước khi được gửi đi.

Ban đầu, mình không thích cách quản lý vi mô này, bởi nó mang lại cảm giác khá tù túng. Nhưng nghĩ lại thì nó đã cứu mình nhiều bàn thua trông thấy bởi lúc đó mình còn ít kinh nghiệm. Phải vài tháng sau, khi đã “cân” qua nhiều dự án và được tin tưởng thì mình mới không phải báo cáo nhất cử nhất động nữa. Nhưng lúc đó mình phải cẩn thận gấp 2, gấp 3 bởi chẳng có ai kiểm tra cho mình nữa. (Nhật, 26 tuổi)

alt
Tỷ lệ lãnh đạo nữ đang ngày càng tăng lên. Nhưng liệu số lượng có át đi những định kiến họ gặp phải?

Hiểu và thông cảm về mặt cảm xúc cho nhân viên

“Lúc đó anh mới chia tay với bạn gái. Dù muốn cố nhưng anh vẫn không thể “tỏ ra là mình ổn” được sau khi mất đi mối quan hệ 5 năm. Suốt cả tuần anh đi làm như một cái xác không hồn. Và điều này thì không qua được mắt của chị sếp.

Thứ 6 tuần đó, anh được “đuổi cổ” về sớm với lời dặn dò: “Nếu cần thêm thời gian để hồi phục thì xin nghỉ phép vài hôm đi, chị duyệt cho, chứ nhìn mày chị oải quá, có cố cũng không làm được gì.” Dù tâm trạng vẫn như mớ bòng bong, nhưng anh vẫn cảm thấy ấm lòng khi hoàn cảnh được thông cảm dù để tình cảm ảnh hưởng đến công việc thì khá là không chuyên nghiệp.” (Tiến, 28 tuổi)

Năng lực giao tiếp dễ "cảm"

“Sếp anh toàn là nữ không à, ngành thời trang mà. Nếu em hỏi anh là có vấn đề khi làm việc với họ không thì… có, công việc mà, lúc nào mà em chẳng có vấn đề với ai đó, đặc biệt nếu đó là sếp của mình. Nhưng nhìn chung thì anh vẫn thích làm việc với họ. Một trong những điểm làm anh có cảm tình là họ có EQ cao. Đi làm mới thấy rất nhiều vấn đề trong công việc có thể giải quyết bằng sự khéo léo trong giao tiếp.” (Khiêm, 28 tuổi)

Dù là nam hay nữ, thì một người sếp tốt là người biết bảo vệ nhân viên

“Kỳ đó bên chị quay TVC cho một khách hàng. Dự án này “quằn” lắm. Khách không chỉ khó mà còn hay đổi ý ở phút thứ 89. Đợt kịch bản đã chốt xong rồi, đến ngày quay thì khách quay xe vì… diễn viên nhìn không được sáng sủa (!?)

Làm xong dự án mà cả team hồn xiêu phách lạc. Sau đó thì không còn sau đó nữa. “Lần đầu cũng như lần cuối” - chị sếp chỉ nói vói vẹn vậy sau khi dự án hạ màn. Sau đó chị cảm giác là chị sếp có vẻ thận trọng hơn nhiều với những vị khách khó nhằn.” (Linh, 30 tuổi)

Hoán đổi giới tính…

Tỷ lệ sếp nữ trong câu chuyện trên là 100%. Nhưng điều thú vị ở đây chính là việc nếu bạn thay “chị sếp” thành “anh sếp” thì mọi thứ vẫn… hợp lý như thường. Một vị sếp nam hoàn toàn có thể sỡ hữu những đặc điểm như trên.

Ở góc độ là nhân viên, ai cũng thích được làm cho một vị sếp có EQ cao, biết bảo vệ nhân viên, văn minh trong ứng xử. Và đương nhiên chúng ta cũng không hề thoải mái khi bị “soi” lỗi hoặc nhất cử nhất động đều phải báo cáo.

Lãnh đạo là một kỹ năng, mà đã là kỹ năng thì sẽ có người giỏi - người dở (và người dở thì cần trau dồi). Tuy nhiên, người ta không hoài nghi năng lực lãnh đạo của nam giới như cách mà họ làm với nữ giới. Đây là kết quả mà Google trả về, khi tôi thay thế nhận định ở đầu bài từ “phụ nữ” thành “đàn ông”:
alt

Chúng ta rất dễ mắc phải thiên kiến xác nhận (confirmation bias) - tức tìm kiếm thông tin, bằng chứng để củng cố định kiến vốn có của mình. Một phần điều này mang lại cảm giác dễ chịu khi ta dễ dàng lý giải những khó khăn xảy đến với ta. Sẽ dễ dàng hơn khi bạn cho rằng “sếp nữ thường hay vậy” thay vì đặt những câu hỏi như “Liệu có phải do tính chất công việc?”, “Liệu đã có chuyện gì từng xảy ra khiến họ phải cẩn trọng đến mức đó?”, “Hay mình thử đi nói chuyện với họ xem sao?”

Tuy nhiên, điều dễ dàng chưa hẳn đã đúng. Những khó khăn chúng ta gặp phải trong công việc luôn có “tiền lệ”, tức là nó không chỉ xảy ra một lần và chỉ xảy ra với bạn. Quyết định và cách hành xử của sếp phần nhiều đều dựa trên những gì đã trải qua.

Nhưng, sếp bạn, dù là nam hay nữ, dù bạn có thích họ hay không, cũng sẽ là người nhận trách nhiệm nếu chẳng may sự cố xảy ra. Và bởi vì trách nhiệm này, không phải lúc nào họ cũng có thể kiểm soát được cách hành xử của mình với bạn.

Vì thế, nếu mối quan hệ giữa bạn với sếp có đôi lúc không “thuận buồm xuôi gió”, điều đó cũng khá bình thường. Tất cả những mối quan hệ của chúng ta đều có lúc như vậy. Nhưng nếu lời lý giải của bạn cho những khó khăn với họ đến từ giới tính, hãy cho nhận định của mình một chút hoài nghi.