Chị Đặng Lan Hương là một chuyên gia tư vấn tài chính cá nhân, có chứng nhận là coach (huấn luyện viên) chuyên nghiệp từ Liên đoàn Huấn luyện quốc tế (ICF). Chị Hương đã có hơn 15 năm làm việc trong lĩnh vực tài chính tại Chứng khoán Rồng Việt, quỹ Việt Long, ngân hàng HSBC và Sacombank.
Ngồi cùng Vietcetera dịp này, chị Hương chia sẻ những trải nghiệm bản thân về hành trình tài chính cá nhân. Với chị Hương, bài học đầu tiên về tiền mà chị dạy cho con trẻ là biết phân biệt nhu cầu và mong muốn.
1. Bạn đã kiếm 250 triệu đầu tiên như thế nào?
Mình từng kinh doanh làm thiệp handmade hồi cấp 3, rồi bán hoa tươi hồi đại học. Tuy nhiên khoản tiền đáng kể đầu tiên mà mình kiếm được lại là từ đầu tư cổ phiếu. Đây cũng là vốn liếng cho việc đầu tư của mình sau này.
Mình mua 4 ngàn cổ phiếu của ngân hàng nơi mình làm việc lúc đó, từ lúc giá hơn 15 ngàn đồng. Trước đó 1 năm, mình được mua cổ phiếu với giá bằng mệnh giá, nhưng bỏ lỡ cơ hội do không đủ tiền. Mình không nhớ chính xác sau đó đã bán cổ phiếu giá bao nhiêu, nhưng số tiền mình nhận về khi cổ phiếu ấy niêm yết năm 2006 là hơn 250 triệu đồng.
Tạm bỏ qua chuyện số tiền đầu tiên kiếm được là do tài năng hay may mắn, việc nhìn cổ phiếu tăng 50% sau 1 năm, và thậm chí tăng gấp 4 lần sau 1 năm tiếp theo đã dạy mình bài học đầu tiên về việc nắm bắt cơ hội. Và để nắm bắt được, thì mình phải luôn sẵn sàng về mặt tài chính.
2. Khoản nợ lớn nhất trong quá khứ của bạn là gì?
Vay mua nhà.
Mình luôn cảm thấy quyết định mua nhà là đúng đắn. Nhưng về nguồn tiền để mua nhà thì mình không hài lòng với quyết định lúc đó của bản thân. Có thể vì lúc đó mình còn quá trẻ (mới 25 tuổi), và không có bất kỳ khái niệm nào về chu kỳ kinh tế.
Mình có tài sản lúc đó là cổ phiếu, giá trị đủ để mua 4 căn nhà. Nhưng mình chọn đi vay để mua nhà đúng vào dịp lãi suất tăng chóng mặt nhất. Cứ mỗi tháng là nhân viên tín dụng ngân hàng lại gọi thông báo điều chỉnh lãi vay. Mình vẫn nhớ đỉnh điểm lãi suất phải trả ngân hàng là 23%/năm.
Cho nên nếu bây giờ có bị đặt trong tình thế phải đi vay nợ, chắc chắn mình sẽ cân nhắc yếu tố lãi suất để tránh rơi vào tình trạng như 15 năm trước.
3. Thứ gì rất đắt mà bạn đã mua và thấy đáng tiền?
Cây đàn piano cho con.
Lúc bắt đầu nghĩ đến chuyện cho con tập đàn, mình nhận nhiều lời khuyên về chuyện nên bắt đầu từ đàn organ cho rẻ, hoặc cứ cho con tập nhà thầy. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, mình thấy có nhiều lý do để đầu tư cho cây đàn. Ví dụ như nếu có đàn thì con được nghe âm thanh đúng ngay từ đầu, và đàn piano không thể được cất đi nhanh gọn lẹ như cây đàn organ (nên việc học sẽ kiên trì hơn).
Mình đã nghĩ quá trình học piano sẽ không dễ dàng cho cả mẹ và con, nên tìm cách để chuẩn bị cho quá trình ấy tốt nhất có thể. Mỗi lúc con hay bản thân mình muốn từ bỏ, lại nhìn thấy cây đàn piano ở đấy và cố gắng từng chút một.
Cho đến lúc này, thứ quý giá nhất trong nhà mình về mặt vật chất, đúng nghĩa vẫn chỉ là cây đàn piano thôi.
4. Nguồn thu nhập chính của bạn trong hiện tại là gì?
Hiện tại mình đang làm toàn thời gian cho một công ty quản lý quỹ. Đây là công việc mang lại thu nhập chủ động cho mình.
Ngoài ra, mỗi quý mình dành thời gian cho một lớp học dạy về đầu tư chứng khoán. Với mình, đó là cách giúp thúc đẩy bản thân không ngừng học hỏi, đồng thời thỏa mãn nhu cầu lan tỏa kiến thức về đầu tư giá trị đến nhiều người.
Mình cũng có một nguồn thu nhập đáng kể nữa, là cổ tức từ việc đầu tư cổ phiếu. Mình tạm coi đây là thu nhập thụ động. Tỷ lệ thu nhập chủ động/thụ động của mình đang là 7/3.
5. Nếu tất cả các công việc đều trả lương giống nhau thì bạn sẽ làm nghề gì?
Đầu tư, chắc chắn là đầu tư.
Ngoài thu nhập thì đầu tư còn cho mình nhiều thứ khác. Đó là tri thức, thời gian bên gia đình và khả năng để tận hưởng cuộc sống theo cách mình muốn.
6. Nếu như được quay về năm 23 tuổi, bạn sẽ cho bản thân lời khuyên về tiền như thế nào?
Tiền lương đừng đưa hết cho ba mẹ. Hãy tập tự quản lý tài chính của mình từ khi bắt đầu kiếm được ra tiền, và luôn sẵn sàng có tiền khi cơ hội tới.
Có thể tại thời điểm 23 tuổi thì bản thân không có đủ năng lực tài chính cho 100% các cơ hội. Nhưng mình nghĩ chỉ cần tận dụng được 1% thì cũng có thể là vận đổi đời rồi.
7. Nếu như có 1 lời khuyên về tiền mà bạn chắc chắn phải nói cho con cháu của mình, đó là gì?
Tiền có được phải đi cùng với sự phát triển về năng lực quản lý tài chính của bản thân.
Ngay cả khi chưa có tiền, cũng phải sẵn sàng năng lực để quản lý rất nhiều tiền. Vì nếu không có năng lực quản lý tài chính thì việc có nhiều tiền sẽ hại hơn là lợi.
Cơ mà mình cũng nghĩ rằng chỉ một lời khuyên là không đủ, mà cần có một quá trình giúp con cháu hình thành một tư duy tài chính đúng đắn ngay từ khi bắt đầu.
Trong gia đình, mình tạo cơ hội để các con hiểu biết về tiền ngay từ khi rất nhỏ. Mình mở tài khoản tiết kiệm cho con từ năm con 4 tuổi, dẫn con đi ngân hàng định kỳ hàng quý để gửi tiền, cho con nhìn thấy số tiền lãi từ tiền tiết kiệm của con. Từ năm con 10 tuổi, mình bắt đầu tạo một quỹ nhỏ để các con hình dung được quá trình đầu tư sẽ diễn ra như thế nào.
Mình cũng cho các con nhìn thấy lãi kép trực quan sinh động từ quá trình đầu tư dài hạn của quỹ gia đình. Từ khi ý thức được về chuyện hướng dẫn con về tài chính cá nhân, mình cũng bắt đầu thảo luận về đầu tư trong gia đình nhiều hơn.
8. Trong đầu tư, mức chịu rủi ro của bạn như thế nào?
Mức chịu rủi ro của mình cực thấp, nên cũng khó có được các khoản lợi nhuận cao trong ngắn hạn.
Mình thích cái gì chắc chắn. Khi đi học, nhà trường dạy “rủi ro cao, lợi nhuận cao”. Nhưng khi đi đầu tư, mình tiếp nhận triết lý đầu tư của trường phái đầu tư giá trị là “rủi ro thấp, lợi nhuận chắc chắn”.
Đầu tư với mình là tìm kiếm các cơ hội mà ở đó chắc chắn có lợi nhuận, với rủi ro thấp nhất.
9. Bạn thích hình thức đầu tư nào nhất? Vì sao?
Mình thích đầu tư chứng khoán. Lý do có thể là vì những khoản tiền lớn đầu tiên trong đời đến từ chứng khoán, hoặc vì thứ mình am hiểu nhất đến giờ cũng chỉ là chứng khoán.
Mình thấy đầu tư chứng khoán theo triết lý đầu tư giá trị mang lại nhiều lợi ích hữu hình. Yêu cầu cơ bản trong đầu tư là nhà đầu tư cần có sự am hiểu về ngành nghề, về doanh nghiệp.
Mỗi một cổ phiếu mình đầu tư là một thế giới mới về kinh doanh mà mình cũng phải tự nâng cấp bản thân để hiểu. Tri thức tăng trưởng cùng với tài sản mình có được từ đầu tư. Mình thưởng thức quá trình làm giàu chậm này.
10. Một bài học hay lời khuyên về tài chính mà bạn tuân theo?
Có một lời khuyên từ ngài Warren Buffett mà mình rất thích.
“Khi dạy con, tôi nghĩ bài học mà chúng học được từ khi còn rất nhỏ chính là những điều cha mẹ chúng tập trung. Nếu sự tập trung nằm ở những gì ngoài kia nghĩ về bạn, thì bạn đang hành xử theo những giá trị bên ngoài, mà quên mất giá trị nội tại của bản thân.”
Mình nghĩ rằng, trong quản lý tài chính cá nhân, nếu ta chọn hành xử theo giá trị bên trong của mình, bao gồm mục tiêu sống, phát triển bản thân, thành tựu, cống hiến,... thì chắc chắn ta sẽ có một cuộc sống tinh thần bình an và thoải mái.
11. Bài học đầu tiên về tiền mà bạn sẽ dạy con cái là gì?
Phân biệt nhu cầu và mong muốn. Mình dạy con ý thức về việc chi tiêu của mình. Và khi con chưa tự làm ra tài chính, mình hướng con sử dụng tiền cho nhu cầu chính đáng.
Những mong muốn của con thường được ba mẹ đáp ứng vào các dịp đặc biệt như sinh nhật, Giáng sinh hay quà kỷ niệm một chuyến đi chơi.
12. Bí kíp tiết kiệm hiệu quả nhất mà bạn biết?
Bí kíp tiết kiệm hiệu quả nhất mình biết là cần phải có mục tiêu rõ ràng, cụ thể và đo lường được. Mình hay gọi là mục tiêu SMART. Chúng ta cần biết mình đang kiếm tiền cho cái gì và vì điều gì? Mục tiêu rõ ràng sẽ thúc đẩy ta hành động có kế hoạch hơn.
Khi học với mình, khi hiểu về đầu tư chứng khoán, những học viên của mình bắt đầu nghiêm túc với việc chi tiêu. Họ cũng cố gắng theo kế hoạch tiết kiệm hàng tháng, để có tiền dư để bắt đầu mua cổ phiếu tích lũy. Nếu mục tiêu 1 năm có được 1000 cổ phiếu thì việc mua hàng tháng 100 cổ phiếu là một mục tiêu rất theo tiêu chí SMART, và dễ dàng để thực hiện.