Làm sao để kéo giãn 24 tiếng một ngày? | Vietcetera
Billboard banner
16 Thg 09, 2021
Cuộc SốngTâm Lý Học

Làm sao để kéo giãn 24 tiếng một ngày?

Theo Tiến sĩ Edward Hoffman, cách mà bạn trải nghiệm thời gian có thể làm thời gian "giãn nở". Vậy làm cách nào để thực hiện điều đó?
Làm sao để kéo giãn 24 tiếng một ngày?

Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera

Sự lây lan của COVID-19 cùng với lệnh giãn cách xã hội đã thay đổi cuộc sống thường nhật của không biết bao nhiêu người và do đó khiến chúng ta phải suy ngẫm về bản chất của thời gian. Thời gian là đồng minh, là kẻ thù của chúng ta, hay đứng ở một vị trí trung lập nào đó?

Bạn có thường thấy mình trong trạng thái gấp gáp, vật lộn với dòng chảy không ngừng của thời gian, hay đang trôi theo nó một cách thanh thản?

Thời gian có thể “giãn nở”?

Mặc dù Albert Einstein với thuyết vũ trụ không-thời gian đã mang lại cuộc cách mạng vật lý hơn một thế kỷ trước, nhưng ở khía cạnh khoa học thời gian vẫn là điều khó nắm bắt đối với con người.

Từ xưa đến nay, các triết gia lẫy lừng đã cho rằng thời gian sẽ luôn là một ẩn số - thậm chí không thể nào đoán định. Thế nhưng nghiên cứu tâm lý cho thấy, tinh thần và thể chất của con người lại bị chi phối bởi trải nghiệm về thời gian.

May mắn thay, những nghiên cứu đó chính là nền tảng chiến lược mà nhờ đó chúng ta có thể nâng cao trải nghiệm đối với vốn thời gian mà mình có. Điều này là cần thiết bởi vì cảm giác vội vã thường trực có thể gây hại cho cả tinh thần lẫn thể chất, chẳng hạn như tăng cảm giác lo âu, căng thẳng, cao huyết áp và gây nên xu hướng ăn uống quá độ.

Vào thế kỷ 19 khi mà ngành tâm lý học khai sinh, các nhà nghiên cứu như William James đã hiếu kỳ về sự chủ quan của con người trong việc đo lường thời gian: điển hình là trong phòng thí nghiệm.

Trước đây, con người hiếm khi nhận ra rằng chúng ta trải nghiệm về thời gian một cách rất khác biệt trong những giây phút hân hoan so với những giây phút nhàm chán, cho đến khi Abraham Maslow khám phá ra khái niệm về sự giãn nở của thời gian khi con người đạt được trải nghiệm đỉnh cao (peak experience). Cụ thể, khi ta vui sướng và cảm thấy viên mãn, thời gian có vẻ trôi chậm đi đáng kể. Tuy nhiên, Maslow cũng nhận định rằng việc đạt đến trải nghiệm đỉnh cao là điều vô cùng ngẫu hứng và không phải cứ muốn là được.

Khi bạn tập trung vào khoảnh khắc, thời gian như thể trôi chậm lại. Trong tiếng Anh điều này được gọi là "To be in the Zone".

Trong những nghiên cứu sau này, Tiến sĩ Mihaly Csikszentmihalyi đã phát hiện ra, việc giãn nở thời gian thường diễn ra khi con người được thử thách (nhưng không quá sức), chẳng hạn như khi đang mải mê vẽ tranh hay chơi nhạc. Ông gọi đây là những trải nghiệm theo dòng chảy.

Về sau, Michael Murphy thuộc Viện Esalen nổi tiếng của California đã tiết lộ rằng có bằng chứng tâm lý cho thấy giãn nở thời gian là trải nghiệm phổ biến ở các vận động viên chuyên nghiệp.

Ví dụ, siêu sao bóng rổ Kobe Bryant đã từng nói: “Mọi thứ như thể đang diễn ra trong một thước phim quay chậm, và bạn thật sự muốn ở trong khoảnh khắc đó. Bạn không muốn bước ra khỏi chính mình, bởi như thế đồng nghĩa với việc đánh mất nhịp điệu.” Công trình của Murphy đã tạo ra một thành ngữ mới trong tiếng Anh đương đại “To be in the Zone” (tạm dịch: chìm đắm trong khoảnh khắc).

Gần đây hơn, Tiến sĩ Melanie Rudd của trường Đại học Stanford và cộng sự đã ghi nhận rằng, khi người trưởng thành trải qua cảm giác sợ hãi, họ thấy thời gian bị giãn nở ra đáng kể so với lúc hạnh phúc.

Dựa trên nghiên cứu đó, Tiến sĩ Steve Taylor của Đại học Leeds Beckett tại Anh đã bình luận, “Trước khi cuốn sách Making Time của tôi được xuất bản vào năm 2007, tôi đã không khám phá đầy đủ cách mà thời gian thường trôi chậm đi hoặc dừng lại hoàn toàn khi ý thức của chúng ta ở trong trạng thái bất thường. Từ nghiên cứu về các trải nghiệm giãn nở thời gian, tôi đã nhận ra rằng trải nghiệm ‘bình thường’ của con người về thời gian là một sản phẩm nhân tạo và có thể được cải thiện theo nhiều cách khác nhau.”

Mở rộng thời gian mà bạn có

Trong đợt giãn cách xã hội do COVID-19, nghịch lý thay, người lao động làm việc từ xa lại cảm thấy vội vã hơn so với khi làm việc tại văn phòng. Lúc này, việc học về sự giãn nở của thời gian là một điều quan trọng. Thế nhưng chúng ta không nhất thiết phải là họa sĩ hay vận động viên, cũng không cần phải đợi đến những khoảnh khắc cao trào của cảm xúc hay sợ hãi mới có thể học được.

Một nhánh mới của Tâm lý học tích cực đã đề xuất giải pháp mang tên savoring (tạm dịch: tận hưởng), được dẫn dắt bởi Tiến sĩ Fred Bryant của trường Đại học Loyola. Trong quá trình lớn lên, ông đã thừa hưởng từ người mẹ của mình tài năng tự nhiên trong việc trân trọng những khoảnh khắc hạnh phúc của cuộc sống dù là nhỏ nhoi.

Sau vài thập kỷ nghiên cứu, Bryant và cộng sự đã nhận ra rằng khi mọi người thong thả tập trung vào những giác quan ở hiện tại như thị giác, thính giác hoặc vị giác, cảm giác về thời gian như được nới rộng hơn.

Đặt trọn sự tập trung của bạn vào những trải nghiệm dù là nhỏ nhất như tắm rửa, đánh thức các giác quan của mình.

Hơn nữa, Bryant và Tiến sĩ Joseph cũng lập luận rằng việc tận hưởng không chỉ dừng lại ở cảm giác hân hoan, mà còn bao gồm cả sự chiêm nghiệm những thành tựu một cách vui thú, dù là ở khía cạnh công việc, tình bạn hay gia đình. “Nếu niềm vui là vô hạn, thì việc tận hưởng nó cũng vậy.”

Để tận hưởng thời gian, hãy chọn hai hoạt động mà bạn có thể thực hiện tại nhà hằng ngày, chẳng hạn như tắm rửa, ăn tối, hoặc đơn giản là thưởng thức một loại đồ uống nóng hổi. Hãy bắt đầu bằng từng nỗ lực nhỏ và giảm thiểu sự sao nhãng (như nói không với điện thoại!) và hãy thử chậm lại.

Đối với từng hoạt động, hãy đặt trọn sự tập trung của bạn vào những trải nghiệm. Đánh thức năm giác quan và chọn một trong số đó để dẫn dắt nhận thức của mình: chẳng hạn, xúc giác khi bạn đang đứng dưới vòi hoa sen hoặc vị giác khi đang thưởng thức món ăn. Bạn cảm thấy gì vào lúc này? Có điều gì mới mẻ, khác biệt hoặc hấp dẫn không?

Hãy cảm nhận thời gian như đang giãn nở và cải thiện chất lượng sống của mình.