Được chuyển ngữ từ bài viết “How to Cultivate Wisdom” đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.
Nhắc đến sự tiến hóa, nhiều người cho rằng nó là một tình huống “được ăn cả, ngã về không”. Chẳng hạn vịt mỏ to chứa được nhiều thức ăn hơn vịt mỏ nhỏ. Thế nên vịt mỏ to sẽ sống khỏe và sinh sản nhiều hơn để duy trì nòi giống, còn vịt mỏ nhỏ sẽ chết dần. Đó là cách chúng ta vốn được dạy về tiến hóa hồi còn trên ghế nhà trường.
Nhưng trong phần lớn thời gian, quá trình tiến hóa không đơn giản như vậy. Chẳng hạn có một loài vịt nào đó mang bản chất hiền lành hoặc hung bạo, thì tỷ lệ tiến hóa lý tưởng cho loài này sẽ là 40% cá thể hung bạo và 60% còn lại hiền lành. Thiên quá nhiều về một trong hai thái cực trên đều không có lợi cho quá trình tương tác và tồn tại của giống vịt này.
Trong sinh học, hiện tượng này gọi là “chiến lược tiến hóa ổn định” (evolutionary stable strategies) và nó tồn tại ở mọi giống loài trên Trái Đất. Loài nào cũng thế, quá nhiều con hung dữ thì chúng sẽ giết lẫn nhau, nhưng quá nhiều con hiền lành sẽ hấp dẫn những loài thú săn mồi khác. Nhưng tỉ lệ cân bằng của cả hai sẽ tạo nên sự đa dạng về đặc điểm trong quần thể, từ đó giúp loài vật sinh tồn và phát triển.
Với con người cũng vậy. Nếu ai cũng hướng ngoại thì thế giới này sẽ ồn ào khủng khiếp, nhưng nếu ai cũng hướng nội thì thế giới sẽ như thành phố chết. Vậy nên để xã hội vận hành một cách toàn diện, chúng ta cần một cộng đồng gồm cả người hướng nội và hướng ngoại.
Tương tự như vậy, chúng ta cần sự kết hợp cân bằng giữa người tư duy logic và sáng tạo, người nghiêm túc và thoải mái, người sôi nổi và trầm tính… Như tiến sĩ Temple Grandin từng nói, “thế giới này cần mọi loại trí tuệ”.
Vì sao chúng ta cần “mọi loại trí tuệ” trong xã hội?
Bởi khi có nhiều loại trí tuệ, chúng ta có một xã hội dân chủ - nơi sự đa dạng được củng cố thay vì ngăn chặn.
Sự đa dạng ở đây không chỉ gói gọn trong phạm vi dân tộc, giới tính hay tôn giáo, mà còn mở rộng ra các phạm trù tính cách, sở thích và triết lý sống của mỗi người. Một xã hội dân chủ sẽ để quá trình tiến hóa diễn ra theo tỉ lệ phù hợp, mang đến “quả ngọt” là sự đổi mới về kinh tế và năng động về văn hóa.
Ngược lại, các chế độ độc tài thất bại vì ngăn chặn sự đa dạng, khiến các thành viên không thể “tiến hóa” theo cách ổn định. Để dễ hình dung, thì việc bắt tất cả mọi người phải theo một tôn giáo hay mục tiêu cụ thể cũng giống việc ép mọi cá thể trong một giống loài phải hiền lành. Việc này khiến xã hội trở nên vừa cứng nhắc, vừa mong manh, để rồi cuối cùng sụp đổ.
Thế nhưng “cái giá” chúng ta phải trả cho một xã hội đa dạng là sự căng thẳng và lo lắng thường trực. Bởi đa dạng nghĩa là sự khác biệt giữa các cá thể, và đã khác biệt thì kiểu gì cũng sẽ có mâu thuẫn.
Người hướng nội dễ cảm thấy người hướng ngoại ồn ào, người vô thần luôn thấy người theo đạo phiền phức (và ngược lại). Người thành phố và nông thôn có trải nghiệm sống khác nhau, nên sẽ coi trọng những thứ khác nhau trên đời. Những người có niềm tin trái ngược nhau lao vào tranh cãi, và than phiền rằng phe đối phương tệ đến mức nào.
Tuy nhiên, chính cảm giác “mọi người đều tệ” này lại hoàn toàn bình thường. Trên thực tế, nó còn là bằng chứng cho thấy mọi chuyện đều ổn. Theo một khía cạnh khác, dân chủ đòi hỏi sự bất mãn liên tục. Nó đã là đặc trưng của xã hội dân chủ mà chúng ta không thể thay thế.
Bên cạnh phạm trù xã hội, sự đa dạng còn đóng vai trò quan trọng trong chính mỗi con người chúng ta. Và để quản trị hiệu quả những tính cách trái ngược cùng tồn tại trong mình, ta cần đến trí khôn (wisdom).
Trí khôn sinh ra từ mâu thuẫn nội tâm
Một quần thể gồm các cá thể với đặc tính khác nhau khó tránh xung đột ở những thời điểm nhất định, song sẽ có lợi về mặt tiến hóa. Một xã hội với những con người có tính cách trái ngược sẽ không thể tránh khỏi mâu thuẫn, nhưng phải như vậy thì xã hội đó mới đi lên.
Kiểu mâu thuẫn này cũng tồn tại trong chính mỗi con người. Việc được tiếp xúc và lĩnh hội nhiều quan điểm sống sẽ có lợi cho tiến trình phát triển bản thân, dù nó cũng khiến tâm lý bạn căng thẳng ở một số thời điểm.
Chẳng hạn bạn nhìn thấy một người vô gia cư đang hành xử một cách điên rồ. Một phần trong bạn thấy thương cảm và muốn giúp anh ta, nhưng phần còn lại cho rằng anh ta nên tự chịu trách nhiệm về vấn đề của mình. Và bạn cũng phải giữ an toàn cho chính mình, vì bạn không muốn bị một người vô gia cư tấn công trong một cơn điên dại.
Bạn cũng có thể có vài luồng suy nghĩ đầy mâu thuẫn khác trong đầu. Chẳng hạn bạn thấy tệ và muốn dừng lại giúp anh ta, nhưng bạn cũng sợ bị anh ta đánh, hoặc cũng đang vội đi làm việc khác. Bạn vừa thương hại anh ta, vừa phẫn nộ vì chính quyền địa phương để chuyện này xảy ra. Bạn thấy việc công nhận nỗi khổ của anh là điều vừa nên làm, lại vừa không nên làm.
Mâu thuẫn nội tâm này đeo bám bạn suốt cả ngày hôm đó. Bạn cảm thấy dù chọn quan điểm nào thì bạn cũng vẫn sai.
Bây giờ bạn có 2 cách để xử lý nó. Một là theo hướng “cuồng tín”, chọn một quan điểm và làm mọi cách để chứng minh những cái còn lại sai. Hai là chấp nhận rằng bản chất dòng suy nghĩ của mình vốn tồn tại mâu thuẫn. Sau đó bạn hành động không dựa trên quan điểm mù quáng nào cả, mà dựa trên việc tính toán kỹ lưỡng điều gì phải đánh đổi.
Vậy làm thế nào để có được trí khôn?
Hướng giải quyết thứ hai trong câu chuyện trên chính là “trí khôn” mà tôi muốn nhắc đến. Đó là khi bạn có thể để những giá trị trái ngược cùng xuất hiện và gây mâu thuẫn nội tâm, nhưng vẫn hành động được một cách có tính toán. Về một khía cạnh nào đó, điều này cũng giống một xã hội dân chủ - nơi người ta luôn có nhiều ý kiến khác nhau.
Nhiều độc giả than với tôi rằng họ phải ra một quyết định quan trọng, nhưng lại không hoàn toàn tin tưởng vào lựa chọn của mình. Điều này thực ra là tốt, bởi nó chứng tỏ họ hiểu rõ về những gì phải đánh đổi, hệ quả hay các trách nhiệm đi kèm mỗi lựa chọn. Nó cũng cho phép những bản thể khác nhau trong bạn cơ hội đấu tranh và “bỏ phiếu” cho lựa chọn tối ưu nhất.
Đối ngược với trí khôn là sự cuồng tín (fanaticism). Cuồng tín vào một quan điểm nào đó có thể cho bạn niềm tin và giảm bớt lo âu, nhất là trong giai đoạn đầu. Nhưng về bản chất, cuồng tín không khác gì một chế độ độc tài, nơi một quan điểm được đẩy lên quá mức để đẩy mọi quan điểm mâu thuẫn với nó khỏi tâm trí chúng ta.
Kỳ thực là càng cố xóa bỏ mâu thuẫn nội tâm, bạn càng dễ bị tổn thương từ những mâu thuẫn bên ngoài. Thế nên cái đích cuối cùng là bạn phải học cách sống chung với nó.
Giống như mọi cảm xúc tiêu cực khác, bạn không thể loại bỏ hoàn toàn lo âu hay nghi ngờ, mà chỉ có thể để chúng đến rồi đi. Bạn cũng khó mà tự tin với mọi việc mình làm, thay vào đó hãy học cách thoải mái với việc bạn không biết mình đang làm gì. Khi đó bạn sẽ thúc đẩy một “chiến lược tiến hóa ổn định” trong tâm trí, từ đó tôi luyện được trí khôn trong cuộc sống.