Lấp đầm xây nhà hát Opera: Văn hóa là điểm nhấn hay điểm lõm đô thị? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
04 Thg 07, 2022
Truyền ThôngOpinion

Lấp đầm xây nhà hát Opera: Văn hóa là điểm nhấn hay điểm lõm đô thị?

Thật khôi hài khi lấp đi một đầm sen thực tế có lợi cho môi sinh để xây dựng những bông hoa sen khổng lồ bằng bê tông.
Lấp đầm xây nhà hát Opera: Văn hóa là điểm nhấn hay điểm lõm đô thị?

Đường Thanh Niên dẫn ra Hồ Tây

Từ sau công trình Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt-Xô khánh thành ngày 1/9/1985, Hà Nội chưa có một nhà hát hiện đại nào đạt tiêu chuẩn quốc tế trên 1000 chỗ để trình diễn các vở opera hay hòa nhạc giao hưởng.

Trung tâm Hội nghị Quốc gia ở Mỹ Đình với 3000 chỗ như tên gọi đã xác định đây là phòng hội thảo hơn là một nhà hát. Điều đáng nói là khi so sánh với Nhà hát Lớn (với tên tiếng Anh là Hanoi Opera House, vốn chỉ có tối đa 870 chỗ), Hà Nội chưa có một công trình văn hóa nào có tính chất tạo ra dấu mốc (landmark) cảnh quan đô thị rõ nét.

Vì thế, dự án xây một nhà hát có tiêu chuẩn quốc tế ở hồ Tây được khởi lên cách đây một thập niên đã gây chú ý, nhất là có tới hai đồ án của hai hãng kiến trúc danh tiếng của KTS Renzo Piano và Norman Foster.

Tuy nhiên, hai đồ án này đều không thực hiện được. Một trong những vấn đề dễ nhận thấy là sự mơ hồ về địa điểm xây dựng. Cho đến gần đây, những thông tin về việc xây dựng nhà hát ở hồ Tây đã rõ hơn khi có thông báo địa điểm tại đầm Trị, một khoảng mặt nước của hồ Tây ở bán đảo Quảng An, khu vực tập trung các làng cổ và di tích nổi tiếng

Nhưng dự án này khiến dư luận bận tâm trước khi bàn đến hình thức, là chính địa điểm đề xuất giữa một khu dân cư đông đúc có giá đất rất cao, và đường giao thông kết nối với trung tâm thành phố hạn chế. Câu hỏi bật ra là: Nhà hát đó sẽ nằm ở đâu trong đường chân trời đô thị và tới đó kiểu gì?

Nhà hát và chân trời đô thị: Đâu là sự kết nối?

Trước hết, phải nhìn rộng ra vấn đề quy hoạch khi có khả năng lấp một phần hồ lớn nhất nội thành Hà Nội để xây dựng nhà hát.

Thời gian gần đây, những trận mưa lớn có thể dễ dàng gây ngập úng Hà Nội. Hà Nội vốn là đất của sông hồ từ nhiều thế kỷ, song tốc độ đô thị hóa quá nhanh, trong khi hệ thống sông hồ đang có chưa liên thông thành một chuỗi tiêu úng hiệu quả. Vì thế, tục danh “Hà Lội” phản ánh hiện thực này.

Người ta băn khoăn trước hết ở việc thu hẹp những mặt nước để xây dựng bất kể thứ gì. Thời gian một thập niên qua đã chứng kiến các tòa cao ốc mọc lên mau chóng xung quanh hồ Tây. Thậm chí đã lấp một phần hồ này như một tổ hợp khách sạn-chung cư sát cạnh đầm Trị.

alt
Công trình nhà hát Opera tại Đầm Trị (Hồ Tây) trên bản phác thảo

Tổ hợp này đã thành hình với 9 tòa tháp từ 16-39 tầng nổi và 3 tầng hầm thông nhau, cùng một trung tâm hội nghị 1400m2. Hiển nhiên, nó tạo ra một áp lực lớn đến giao thông của bán đảo và trục đường Xuân Diệu-Nghi Tàm.

Lời quảng cáo của dự án về việc “cạnh nhà hát Opera House – Nhà hát lớn nhất Châu Á với sức chứa hơn 2.000 người được thiết kế bởi KTS nổi tiếng người Ý Renzo Piano” cho thấy, nhà đầu tư sử dụng hình ảnh công trình văn hóa tương lai làm một giá trị gia tăng quan trọng.

Hãy hình dung, vào lúc có đồng thời những sự kiện tổ chức tại trung tâm hội nghị rất lớn kia cùng một chương trình hòa nhạc kín chỗ tại “Nhà hát lớn nhất châu Á” (!), tình trạng giao thông sẽ giải quyết thế nào với hàng nghìn chiếc xe chiếm chỗ các tuyến đường đa phần chỉ có hai làn hiện giờ quanh bán đảo.

Bản thân trục đường Xuân Diệu-Nghi Tàm đã quá tải với lượng xe lưu thông từ nội thành lên cầu Nhật Tân, cửa ngõ trọng yếu ra sân bay Nội Bài. Có người đã đùa, hay là sẽ giải quyết bằng việc đi phà hay đi cáp treo từ bờ Nam hồ Tây sang bán đảo?

Dường như để giải quyết vấn đề giao thông, dự án nhà hát được cắm biển cho thấy mở hai con đường mới rộng 21m xuyên bán đảo, mở rộng từ đường Đặng Thai Mai và một số ngõ đang có. Một sự băn khoăn lớn là với giá trị cực kỳ đắt của đất khu vực này, việc đền bù khi giải tỏa mặt bằng sẽ tiêu tốn bao nhiêu?

Chưa kể tới một điều, việc những con đường làm biến dạng cấu trúc khu dân cư vốn có hoàn toàn có thể diễn ra, như bài học với những dự án giải phóng mặt bằng tại Hà Nội nhiều năm gần đây. Ai cũng biết vị trí cạnh hồ Tây rất dễ thuyết minh cho những ý niệm văn hóa, song bài học về các công trình văn hóa cho thấy chúng chỉ bền vững khi hài hòa với các cấu trúc sống của đô thị.

Nhà hát thì tốt thôi, nhưng có là một điểm nhấn?

Giả định rằng việc giải quyết vấn đề giao thông có thể thực hiện được, cũng như việc quy hoạch tiểu vùng bán đảo Quảng An có thể khả quan, ta xét đến vị thế nhà hát như tiềm năng cho một công trình văn hóa lớn của thập niên thứ ba thế kỷ 21 ở Hà Nội.

Thứ nhất, trong các hình ảnh đường chân trời hồ Tây, một rừng cao ốc hiện lên, trong đó có tổ hợp cao ốc dày đặc 9 tòa tháp với màu sắc đen xám nặng nề. Khó mà hình dung được sự hài hòa của một công trình nhà hát bên cạnh. Chưa kể tới, những di tích Phủ Tây Hồ, chùa Hoằng Ân…, các làng xóm đã có từ nhiều đời xung quanh hoàn toàn bị lấn át.

alt
Công trình Nhà hát lớn được quy hoạch ở Trung tâm Thành phố

Trước đây, vào thời Pháp, Hà Nội từng được quy hoạch kiểu Haussmann, có nhiều nét tương đồng với Paris hay một số đô thị Pháp cuối thế kỷ 19, có các trục đại lộ và các quảng trường hình ngôi sao với một công trình kiến trúc hoa mỹ án ngữ. Nhà hát Lớn Hà Nội là một ví dụ.

Những công trình lớn như Phủ Toàn quyền, Ga Hà Nội, Sở Tài chính (nay là trụ sở Bộ Ngoại giao), Ngân hàng, trường Đại học hay Bảo tàng Lịch sử… đều nằm ở vị trí dễ tiếp cận về giao thông cũng như tạo ra điểm nhấn trong phong cảnh đô thị với các đại lộ rợp bóng cây xanh dẫn lối về mặt tiền công trình.

Công trình Nhà Đấu xảo mà sau này Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô dựng trên nền cũ của nó cũng có vị trí đắc địa về mặt cảnh quan và giao thông, nên hiển nhiên đến giờ vẫn là một trong hai lựa chọn hàng đầu cho các sự kiện văn hóa ở Hà Nội, bên cạnh Nhà hát Lớn.

Trên thế giới, từ cuối thế kỷ 20, việc xây dựng các nhà hát hay trung tâm văn hóa đã không còn dựa vào các mặt bằng quy hoạch kiểu Hausmann hay Beaux-Arts nữa. Chúng thường được kết hợp quy hoạch cảnh quan như cây xanh, mặt nước, tạo ra một trường thị giác gần với tự nhiên hơn.

Có thể kể nhà hát Opera Sydney (nhà hát con sò), nhà hát hình trái sầu riêng ở Singapore, nhà hát Hamburg Elbphilharmonie, đều cạnh những bờ vịnh hay bến cảng lối vào thành phố, trở thành điểm nhấn đặc biệt cho cảnh quan đô thị.

Tuy nhiên, chúng đều có đặc điểm là có khoảng lùi khá rộng với khu vực dân sinh cùng hệ thống giao thông hoàn hảo. Bên cạnh đó, chúng không bị tranh chấp về chiều cao cũng như khối tích với các công trình khác lân cận.

Để thành phố không bị xâm thực bằng những khối bê tông ngạo mạn

Hình ảnh một nhà hát mới có hình những bông hoa sen ở hồ Tây không phải là một kiểu thức mới mẻ, có nhiều nét na ná những công trình ở một số nơi trên thế giới, mang nặng tính minh họa, thuyết minh cho những điều khá sáo mòn.

Thật khôi hài khi lấp đi một đầm sen thực tế có lợi cho môi sinh để xây dựng những bông hoa sen khổng lồ bằng bê tông. Vậy Hà Nội còn chỗ nào để xây nhà hát hay cứ phải là lấp một góc hồ Tây?

Trong một vài thông tin về quy hoạch một thành phố ven sông Hồng, tức là khu vực ngoài đê, để kiến tạo một mặt tiền mới cho Hà Nội, gần như không điểm danh được một dự án công trình văn hóa nào.

alt
Đầm Trị với nhiều hoa sen dự kiến sẽ bị lấp nếu nhà hát được khởi công xây

Các đề án nói nhiều đến đường dạo, cây xanh, chỉnh trang không gian công cộng, hoặc phương án cầu Trần Hưng Đạo cũng dành nhiều lời cho kết nối trung tâm Hà Nội với bờ Bắc sông Hồng, vậy tại sao không thể là một nhà hát mới, một trung tâm văn hóa mới là điểm nhấn của Hà Nội thế kỷ 21?

Ít nhất trong bối cảnh các nhà quản lý cho biết sông Hồng đã điều tiết được lũ, và thậm chí có đề xuất bỏ đê, việc một công trình nhà hát bên mặt nước này có thể tạo ra những diện mạo phù hợp, cũng như tổ chức được giao thông ít áp lực hơn.

Ngoài ra còn vô vàn khu rộng lớn của Hà Nội như các nhà máy, kho tàng cũ đã chỉ được chuyển hóa thành chung cư mà vắng bóng công viên, cây xanh hay công trình văn hóa như nhà hát, những thứ được hứa hẹn nhiều trong các quy hoạch.

Điều đáng ngại khi chứng kiến sự đổi thay các không gian đô thị là người ta phải đối diện với thực tại “bia kèm lạc.” Để xây dựng một công trình văn hóa, nhà đầu tư hay các cơ quan chủ quan dưới sức ép lợi nhuận có thể nhồi nhét thêm những khối tích kinh doanh thu hồi vốn mau chóng.

Chẳng hạn, thay vì một công viên rộng hoàn chỉnh bên cạnh khu dân cư, họ có thể băm nhỏ các khoảng xanh xen kẽ các chung cư hay trung tâm thương mại. Các dự án bao giờ cũng gài gắm các hình ảnh và thông tin về các di sản ở lân cận, mà thực tế khi mọc lên gần như nuốt chửng các di sản vốn dĩ thường rất nhỏ bé và khiêm nhường.

Những thao tác như vậy kỳ thực làm giảm giá trị của những công trình văn hóa đi rất nhiều. Hãy dành khoảng không gian trống của thiên nhiên còn lại như hồ Tây được thở, để chân trời thành phố không bị xâm thực bằng những khối bê tông đầy tham lam và ngạo mạn.