Livestream bán đồ vẫn phải đóng thuế đủ | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Livestream bán đồ vẫn phải đóng thuế đủ

Vương quốc livestream của Trung Quốc lớn như thế nào?
Livestream bán đồ vẫn phải đóng thuế đủ

Vi Á, người được mệnh danh là nữ hoàng livestream

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Đế chế bán hàng livestream (phát video trực tuyến) của Trung Quốc vừa qua rúng động bởi Vi Á, người được mệnh danh là nữ hoàng bán hàng livestream bị phạt 210 triệu USD tiền thuế. Khoản phí này bao gồm tiền nộp bù thuế, phí nộp chậm và tiền phạt trốn thuế bằng cách che giấu thu nhập cá nhân.

Đây được cho là khoản phạt lớn nhất từ trước tới giờ cho một người bán hàng trực tuyến. Được biết từ tháng 09/2021, Trung Quốc đang quyết liệt tăng cường quản lý thuế trong lĩnh vực giải trí và livestream để có thể đạt được mục tiêu thịnh vượng chung. Qua đó, cơ quan quản lý thuế kêu gọi những người làm nghề này tự giác khai báo và đóng thuế, đồng thời giảm nhẹ hình phạt hoặc miễn phạt cho những ai trung thực.

2. Nền công nghiệp livestream bán hàng lớn như thế nào?

Live-commercial, hình thức kết hợp thương mại điện tử với livestream đang bùng nổ tại Trung Quốc và trở thành một ngành kinh tế mới. Mức doanh thu ngành này còn tăng mạnh trong đại dịch COVID-19 từ 61 tỷ USD (2019) lên tới 136 tỷ USD (2020). Số lượng người tham gia các ứng dụng livestream cũng chiếm tới 62,4% người dùng Internet tại nước này. (vietnamnet)

Đứng trước xu hướng mua sắm này, nhiều ứng dụng bán hàng tại Trung Quốc như Taobao, Alibaba hay cả TikTok đều cập nhật và phát triển tính năng livestream kết hợp mua sắm. Trong đó dẫn đầu chính là Alibaba với Taobao Live chiếm tới 80% khi tạo ra được trải nghiệm mua sắm và giải trí tương như các trung tâm thương mại lớn.

Nhiều người thích Taobao Live cũng một phần vì tính giải trí | Nguồn: Alizila

3. Vương quốc này được xây dựng ra sao?

Thị trường này cũng đã giúp sản sinh ra những influencer vua và nữ hoàng, với chuyên môn chính là bán hàng. Giá trị các sản phẩm này cũng gia tăng từ mỹ phẩm cho tới xe ô tô hay cả tên lửa. Bản thân những người này được coi như những người nổi tiếng, những ngôi sao được săn đón khi kiếm được khoản tiền khổng lồ chỉ nhờ bán hàng qua mạng.

Xinba, vua livestream của Trung Quốc với kỷ lục chốt đơn thu về tới 300 triệu USD | Nguồn: kienthuc.net

Tuy nhiên, không chỉ influencer mới bán hàng livestream khi mà cả những nhãn hàng xa xỉ hay nông dân địa phương, thợ thủ công cũng tận dụng sức hút của loại hình này để tăng lượng bán hàng. Sự ra đời của livestream đã thay đổi cách người bán tiếp cận khách hàng tiềm năng.

Đi kèm với nhu cầu bán livestream là những lò đào tạo cách bán hàng và chốt đơn thành công. Chính phủ Trung Quốc cũng cổ vũ hoạt động này khi cổ vũ mở lớp hướng dẫn livestream cho những người nông dân ở vùng quê vốn không quen dùng công nghệ. Những ngành nghề phụ như người quản lý, chuyên gia công nghệ livestream hay cho thuê phòng livestream cũng phát triển cùng với độ phổ biến của ngành.

Thật ra nông dân Việt cũng đã sớm livestream bán nông sản | Nguồn: VTV

4. Việt Nam có tính thuế livestream không?

Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì chỉ cần kinh doanh, bất kể nền tảng và hình thức, đều phải chịu thuế nếu thu nhập trên 100 triệu/năm. Ba loại thuế cần phải nộp bao gồm: lệ phí môn bài, thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng.

Đã có nhiều đề xuất để quản lý thuế thương mại điện tử như áp dụng hình thức quản lý của chợ truyền thống, yêu cầu cá nhân hay doanh nghiệp “đăng ký" sạp để bán trên mạng. Ngoài ra cũng có nhiều đề xuất khác như phối hợp với ngân hàng, chợ điện tử và cả đơn vị vận chuyển để dễ theo dõi.

Một giải pháp khác chính là sử dụng công nghệ cao để quản lý thuế trên mạng. Ví dụ như Tổng cục Thuế Hàn Quốc thành lập Trung tâm phòng chống gian lận thuế công nghệ cao để giải quyết các vấn đề liên quan tới thuế thương mại điện tử (PGS.TS Lê Xuân Trường, giảng viên cao cấp Bộ môn Thuế, Học viện Tài chính).

5. Thu thuế livestream còn gặp khó khăn gì?

Câu hỏi làm sao để quản lý và thu thuế cho hình chức buôn bán kinh doanh qua mạng, bao gồm cả livestream vẫn luôn là câu hỏi bỏ ngỏ trong nhiều năm qua. Lợi dụng lỗ hổng trong luật pháp và cả quản lý mà nhiều cá nhân và doanh nghiệp đã thành công trốn thuế. Theo thống kê thì tới cuối năm 2020 chỉ có 30% doanh nghiệp nộp thuế đủ. (plo.vn)

Ngoài ra việc xác định thu thuế một cá nhân, doanh nghiệp hoạt động online gặp nhiều khó khăn khi nhiều giao dịch không có hóa đơn chứng từ hay được thanh toán bằng tiền mặt. Một số người bán còn lách luật bằng cách yêu cầu khách hàng không sử dụng những từ như thanh toán khi chuyển tiền.

Bên cạnh đó, còn rất nhiều ngân hàng, sàn thương mại và mạng xã hội đặt trụ sở ở nước ngoài, tạo ra nhiều khó khăn trong việc hợp tác để truy vết thuế.

6. Trải nghiệm mua sắm livestream có gì khác?

Thật ra trước đây chúng ta đã biết tới hình thức mua sắm livestream qua các kênh chuyên về quảng cáo và trải nghiệm sản phẩm trên TV. Hình thức mua sắm này đã tối đa hóa trải nghiệm mua hàng từ xa của khách hàng, tăng tính tương tác và tạo ra một sự kết nối giữa người bán và người người mua. Các nền tảng livestream hiện đại còn cá nhân hóa trải nghiệm này bằng các khung chat.

Có nhiều hiệu ứng tâm lý được kích hoạt khi chúng ta mua sắm livestream, khiến loại hình này trở nên phổ biến với tỷ lệ chốt đơn cao, thậm chí kích hoạt mua sắm bốc đồng.

Trong một buổi livestream bán sản phẩm, bạn không phải là người duy nhất. Khi một sản phẩm được nhiều người khao khát và chọn mua, nó dễ kích hoạt cảm giác sợ bỏ lỡ trong người tiêu dùng.

Ngoài ra, hiệu ứng sở hữu (endowment effect) khiến chỉ riêng việc cân nhắc và nhìn sản phẩm thông qua màn hình cũng đủ để khiến người mua sinh ra cảm giác sở hữu, muốn mua bằng được sản phẩm đó. Khi chốt đơn người bán cùng thường nhấn mạnh “giữ sản phẩm A cho chị B" giúp tăng cường hiệu ứng này.

Dù không có ý định mua sản phẩm nhưng khi thấy những bình luận mua hàng khác, chúng ta dễ tác động bởi hiệu ứng lan truyền (social proof), khiến quyết định mua hàng trở nên cảm xúc hơn.

Ngoài ra các thủ thuật của ngành sale như giới hạn số lượng sản phẩm, giảm giá trong thời gian giới hạn, bán đấu giá cũng kích thích người mua hành động ngay. Nói là mua sắm, nhưng hình thức mua bán này đã kích thích tính cạnh tranh giữa những người mua.

7. Livestream có phải tương lai của mua sắm?

Xu hướng này không dừng lại ở Trung Quốc mà đã sớm lan rộng ra nhiều nơi trên thế giới. Tập đoàn bán lẻ Amazon của Mỹ cũng đang đổ tiền đầu tư vào công nghệ livestream. Facebook và Instagram cũng không nằm ngoài cuộc chơi khi tập trung đầu tư và phát triển các công cụ giúp khuếch đại trải nghiệm mua sắm online.

Các startup nhỏ lẻ tập trung vào trải nghiệm mua hàng livestream cũng bùng nổ trước lệnh hạn chế tiếp xúc được gây ra bởi COVID-19. Các sàn thương mại điện tử lớn của Việt Nam cũng sớm đón đầu xu hướng khi không chỉ xem livestream bán hàng mà còn kích thích mua sắm bằng cách phát voucher giảm giá, từ từ xây dựng sự háo hức trong lòng người tiêu dùng.

Ai rồi cũng livestream | Nguồn: Lazada

Trong năm sắp tới đây với sự phát triển của mạng 5G và cả vũ trụ ảo metaverse hứa hẹn tạo ra nhiều vùng đất tiềm năng cho loại hình livestream bán hàng. Điều này đồng thời cũng đưa ra nhiều thách thức cho cơ quan quản lý thuế, khi liên tục phải thay đổi với sự phát triển của công nghệ.