Livestream có ngăn chặn được bạo lực học đường?  | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Livestream có ngăn chặn được bạo lực học đường? 

Con bị bạo lực học đường, mẹ trở thành người "chiến" nhất MXH.
Livestream có ngăn chặn được bạo lực học đường? 

Nguồn: FBNV

1. Chuyện gì đang diễn ra?

Những ngày qua, câu chuyện bạo lực học đường ở trường quốc tế ISHCMC-AA tại TP.HCM khiến dư luận hết sức quan tâm. Vào ngày 27/05, chị T.H.T đã đăng tải 1 clip và livestream cãi tay đôi với công an và hiệu trưởng trường ISHCMC-AA trong lúc đòi lại công bằng cho con.

Theo chị T.H.T, con của chị cùng 3 học sinh khác đã bị 1 học sinh cùng trường bắt nạt và đánh ngay trong khuôn viên của trường ISHCMC-AA. Tuy nhiên, nhà trường đã không giải quyết thỏa đáng. Cũng theo người này, vấn đề xích mích đã xảy ra từ chuyến dã ngoại do nhà trường tổ chức trước đó.

Sau khi đăng tải video ngày 27/05, chị T.H.T tiếp tục livestream, chia sẻ bức xúc trên MXH, thu hút hàng chục nghìn người theo dõi. Không những thế, chị còn chia sẻ hình ảnh của học sinh được là bạo hành học được.

Chị T.H.T được cộng đồng mạng gọi là "bà mẹ hot nhất MXH", "bà mẹ chiến nhất mạng xã hội."

2. Các bên liên quan nói gì?

Dư luận biết đến, quan tâm và theo dõi câu chuyện bạo lực học đường lần này chủ yếu qua video, livestream, các bài viết do chị T.H.T đăng tải lên mạng xã hội. Ngay từ video đầu tiên chị này cho rằng, trường làm việc không thỏa đáng.

Chị T.H.T đánh giá khâu tuyển sinh của nhà trường kém cỏi, nhà trường vô trách nhiệm trước vấn đề con mình bị bạn khác bắt nạt. Chị T.H.T là mẹ đơn thân, hiện đang tìm luật sư và quyết định theo đuổi đến cùng sự việc.

Trong 1 bài đăng trên facebook sau đó, chị khẳng định: “Việc tôi quan tâm nhất là sự an toàn của con tôi cũng như các cháu học sinh. Tôi đặc biệt lên án gay gắt việc hành xử và bạo lực học đường… Chúng ta nên chấn chỉnh lại văn hoá ứng xử của phía nhà trường, phụ huynh và học sinh. Để môi trường học tập ngày một tốt đẹp hơn.”

Hiệu trưởng trường quốc tế ISHCMC-AA cũng lên tiếng về vụ việc, ông nói: “Chúng tôi là những chuyên gia trường học trong việc giải quyết các tình huống khó khăn giữa các học sinh, từ đó giúp các em nâng cao khả năng học tập và hiểu biết. Và chúng tôi sẽ tiếp tục làm điều này, một cách riêng tư, để bảo vệ học sinh."

Mới đây, Bộ GD-ĐT đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng có liên quan nhanh chóng xác minh thông tin và xử lý vụ việc này kịp thời, đúng quy định, đảm bảo an toàn và ổn định tâm lý cho học sinh, giáo viên.

3. Nó giống và khác gì với những vụ bạo lực học đường trước đây?

Theo một số liệu của Unicef, trung bình cứ 3 em học sinh trong độ tuổi 13-15 tuổi có hơn 1 em bị bắt nạt. Một khảo sát khác cho biết rằng 64% học sinh từng bị bắt nạt tại trường chưa bao giờ hé lộ với ai chuyện này. Dù việc bắt nạt có dẫn đến bạo lực thể xác, vẫn có đến 40% người không báo cáo lên thầy cô hoặc phụ huynh để giải quyết.

Người bị bắt nạt có khả năng đối mặt với trầm cảm, tự ti và suy nghĩ tự tử nhiều hơn người bình thường. Trong một khảo sát, 18% số học sinh từng ngược đãi bản thân sau khi bị bắt nạt. Vì vậy, đối tượng cần quan tâm nhất trong các vụ việc bạo lực học đường là các em học sinh, đặc biệt là nạn nhân.

Nhờ có mạng xã hội, không ít câu chuyện về bắt nạt/bạo lực học đường được nhiều người biết đến và quan tâm hơn. Trước khi câu chuyện ở trường ISHCMC-AA xảy ra, có không ít vụ việc bạo lực/bắt nạt học đường được đưa ra ánh sáng. Câu chuyện của Giang Ơi hay T.D đã cho ta thấy hành vi bạo lực trong trường học đã, đang và còn tiếp diễn.

Giang Ơi chọn lên tiếng về câu chuyện bạo lực học đường sau nhiều năm giữ im lặng. T.D đăng tải album ảnh được thiết kế rất gọn ghẽ, kể lại câu chuyện mình đã từng bị bắt nạt thời cấp Hai.

Điều đáng nói ở đây là học sinh, đặc biệt là các nạn nhân được nói lên tiếng nói và câu chuyện của mình. Họ có thể chọn các cách khác nhau, thời điểm khác nhau nhưng điều quan trọng nhất là lắng nghe, tìm chia sẻ có cách ứng xử trước câu chuyện bạo lực học đường.

Nếu như câu chuyện của Giang Ơi và T.D đều có độ lùi thời gian nhất định thì vụ việc mới nhất gần như xảy ra đồng thời khi sự việc xảy ra. Rõ ràng học sinh được cho là nạn nhân đã lên tiếng và chia sẻ với người thân và gia đình.

Tuy nhiên, câu chuyện có lẽ chỉ tìm được hướng giải quyết khi có sự hợp tác của nhiều bên gồm gia đình, nhà trường và cơ quan chức năng, thay vì chỉ tranh thủ sự ủng hộ trên mạng xã hội.

Trong vụ việc lần này, gần như các em học sinh (cả người cho là nạn nhân lẫn người liên quan) chưa thực sự được lên tiếng. Trên thực tế, có một bài post chia sẻ câu chuyện này theo hướng khác đi đã bị gỡ trên Facebook.

4. Livestream có giải quyết được vấn đề?

Một thanh niên bị đánh và đẩy xuống cầu, mọi người đứng livestream. Một vụ tai nạn, người đi đường dừng lại livestream. Và trên thực tế, ngày càng có nhiều hơn những vụ cãi vã được livestream trên mạng.

Theo tác giả Mike Ribble, hiệu ứng giải ức chế trên mạng (online disinhibition effect) khiến chúng ta khó thấu cảm và nhân từ với nhau. Chính việc môi trường mạng không cho chúng ta trải nghiệm xã hội như môi trường vật lý.

Ở trong không gian mở, ít bị quản thúc về các hành vi, người livestream có xu hướng thỏa thích bày tỏ những gì họ không thể nói ở đời thực. Mạng xã hội mang lại cảm giác khiến họ cho mình được phép "quá đà," thậm chí sẵn sàng vượt qua những chuẩn mực thông thường.

Chúng ta đã sống trên nền tảng ẩn danh quá lâu. Nhân vật công khai nhân diện và sẵn sàng "nói thẳng," từ đó, trở thành "chiến binh" trong mắt nhiều người. Chẳng hề lạ khi chị T.H.T được cộng đồng mạng gọi là người mẹ “chiến” nhất MXH.

Tuy nhiên, livestream không giải quyết được vấn đề như nhiều người vẫn nghĩ. Điều này đã được chứng minh từ câu chuyện CEO Phương Hằng cho đến cuộc cãi vã dẫn đến xô xát của Trang Nemo và Trần My thời gian qua.

Livestream trở thành một bằng chứng cho thấy thái độ của người tham gia thay vì được ngồi xuống bình tĩnh giải quyết vấn đề, đảm bảo sự an toàn và quan tâm đến các em học sinh.

Vì thế, câu chuyện bạo lực học đường ban đầu rất có thể trở thành bạo lực mạng khi xuất hiện trên mạng xã hội. Và nếu thế, hành động này chẳng thể giúp ngăn chặn hay giúp mọi người nhận diện và lên tiếng bạo lực học đường đúng cách.

5. Làm gì để không biến bạo lực học đường thành bạo lực mạng?

Trước khi câu chuyện bạo lực học đường được giải quyết nó đã kịp trở thành… bạo lực mạng (cyber bully) suốt những ngày vừa qua. Cộng đồng mạng chia thành nhiều phe đang không ngừng tranh luận, thậm chí cãi vã, mạt sát nhau bởi câu chuyện bạo lực học đường này.

Có thể thấy rõ, câu chuyện nhanh chóng được cộng đồng mạng ví von là Penthouse (một drama về giới thượng lưu của truyền trình Hàn Quốc) phiên bản Việt. Bên cạnh đó, hình ảnh chị T.H.T là “người mẹ đi tìm công lý” cũng được cộng đồng mạng hết sức tung hô.

Chúng ta đã vô tình (hoặc cố ý) trở thành những chiến binh công lý trên mạng, hay anh hùng bàn phim mà không hề biết. Vì thế, để tránh bị thông tin trên mạng xã hội làm nhiều loạn, hoặc nổ ra những cuộc tranh luận không đáng có, bạn có thể áp dụng những điều sau đây:

  • Hiểu trước khi phản đối (hay đồng tình).
  • Nhận ra ẩn ức trong mình và người khác.
  • Bình luận một cách từ tốn và chừng mực.
  • Tranh luận đến câu thứ 3 thì dừng lại.