Nhà trường có những lựa chọn nào khi phát hiện bạo lực học đường? | Vietcetera
Billboard banner

Nhà trường có những lựa chọn nào khi phát hiện bạo lực học đường?

Các đơn vị giáo dục nên làm gì để bảo vệ quyền lợi của cả học sinh lẫn nhà trường trong các vụ việc bắt nạt?
Nhà trường có những lựa chọn nào khi phát hiện bạo lực học đường?

Nguồn: SaigonFun

Trong những ngày qua, cộng đồng dồn sự chú ý vào vụ việc bạo lực học đường ở trường quốc tế ISHCMC-AA tại Thành phố Hồ Chí Minh. Rất nhiều đánh giá và phân tích đã được đưa ra từ nhiều góc độ khác nhau, bao gồm cả góc nhìn của các bậc phụ huynh, lẫn những suy xét và cảm nhận từ phía các bạn học sinh trong và ngoài cuộc.

Ta còn phải kể tới phần trách nhiệm và sự vào cuộc của nhà trường trong việc tìm hiểu và giải quyết vấn đề bạo lực học đường. Trên thực tế, các đơn vị quản lý giáo dục thường bị đặt vào thế bị động trong các vụ việc bắt nạt, không chỉ bởi tính nghiêm trọng của vụ việc, mà còn bởi các phản ứng thái quá của phụ huynh và tình trạng lan truyền tin tức không kiểm chứng và không kiểm soát.

Như vậy, khi đứng trước một vụ việc bắt nạt, và khi đối diện với những vị phụ huynh nóng giận, người giáo viên có những lựa chọn nào? Bên cạnh đó, nhà trường có thể làm gì để khắc phục tình trạng bạo lực học đường?

#Lựa chọn 1: Tiến hành đối thoại với các phụ huynh và học sinh

Để xác định chính xác nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của các hành vi bắt nạt, việc đối thoại với các bạn học sinh tham gia vào vụ việc là tiên quyết. Bên cạnh đó, người quản lý giáo dục cũng phải trao đổi với phụ huynh để đảm bảo quyền lợi của học sinh, cũng như tránh những hệ quả không đáng có do hiểu nhầm hay thiếu giao tiếp.

Đối thoại lagrave bước đi quan trọng để giải quyết vấn đề
Đối thoại là bước đi quan trọng để giải quyết vấn đề. | Nguồn: Unsplash

Hình thức lý tưởng nhất là trao đổi kín, trong đó nhà trường gặp riêng lần lượt từng em và phụ huynh. Việc này vừa tránh được những phản ứng thái quá của các bậc cha mẹ, vừa tạo không gian cho các em thoải mái kể câu chuyện ở phía mình mà không phải chịu áp lực hay chi phối bởi sự hiện diện của đối tượng bạo hành hay những cá nhân tham gia sự việc.

Mặt khác, trao đổi kín còn bảo vệ luồng thông tin khỏi những sự chú ý bất lợi cho học sinh và bảo vệ thông tin cá nhân của các em. Trong nhiều trường hợp, sự tọc mạch quá mức của mạng xã hội và các đơn vị tin tức khiến cho các thông tin không được kiểm chứng và để lộ nhiều thông tin nhạy cảm. Tránh được việc này tức là tránh được tình trạng “vạch áo cho người xem lưng” cho nhà trường, học sinh, và gia đình học sinh.

Bên cạnh đó, trong những trường hợp mà các bên đều tỏ thiện chí muốn giải quyết và hàn gắn vụ việc, nhà trường có thể tổ chức và điều phối những phiên thảo luận chung để các bên cùng thống nhất về cách nhìn vấn đề và đưa ra hướng giải quyết phù hợp.

#Lựa chọn 2: Kết hợp với các đơn vị tư vấn tâm lý học đường

Trong Thông tư số 31 vào năm 2017 về công tác tư vấn tâm lý học đường, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra các khái niệm, nội dung, và hình thức thực hiện tư vấn cho học sinh, trong đó bao gồm việc bố trí các phòng tư vấn tâm lý trong khuôn viên trường. Như vậy, đã có những cơ sở pháp lý và thực tiễn để nhà trường và các đơn vị tư vấn cùng hợp tác giải quyết các vụ việc liên quan tới học sinh nói chung và bạo lực học đường nói riêng.

Trong các vụ việc bắt nạt, luôn tiềm ẩn những ẩn ức tâm lý ở người bắt nạt, và luôn có những tổn thương tinh thần ở người bị bắt nạt. Sự can thiệp ở khía cạnh tâm lý vừa có thể giúp xác định và giải quyết nguyên nhân gây ra hành động bắt nạt, vừa có thể giúp nạn nhân nhanh chóng ổn định và hồi phục một cách bền vững.

Cụ thể, những cá nhân có chuyên môn trong lĩnh vực tâm lý học đường có thể tham gia tìm hiểu sự việc và hòa giải ngay từ những bước ban đầu. Họ nên góp mặt vào quá trình nói chuyện với học sinh và áp dụng chuyên môn của mình để các em không cảm thấy bị đe dọa hay sợ hãi khi tường thuật lại sự việc. Nếu làm được điều này, nhà trường có thể có nhiều thời gian hơn để làm rõ vụ việc với phụ huynh.

Bên cạnh đó, mô hình này có tiềm năng giúp mở rộng vấn đề bạo lực học đường và giải quyết vấn nạn này một cách triệt để hơn thông qua các buổi tư vấn tập thể, những hoạt động chia sẻ, hay những hoạt động phổ cập quy tắc ứng xử học đường.

30may2022phongtamlyhocduong1554361483946561554361927png
Phòng tâm lý học đường ở THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm tại Hà Nội. | Nguồn: VnExpress

#Lựa chọn 3: Minh bạch các quy trình làm việc, các thông tin, và các phát ngôn

Theo dõi các vụ việc bạo lực học đường, ta thấy rằng cách giải quyết của các đơn vị giáo dục khác nhau đang không thống nhất, và dường như chưa có một bộ quy tắc ứng xử hay bộ quy trình cho những trường hợp bắt nạt. Điều này dẫn tới những cách giải quyết có phần cảm tính, không triệt để, và không đúng trọng tâm của vấn đề.

Bạo lực học đường có thể xảy ra trong bất cứ môi trường giáo dục nào. Vì thế, có lẽ đã tới lúc các trường học, dù tư hay công, xây dựng và công bố một quy trình và bộ quy tắc cho học sinh và phụ huynh làm việc với nhà trường khi xảy ra bạo lực học đường. Cụ thể, các văn bản này nên cho phụ huynh và học sinh biết họ có thể gặp ai để giải quyết và giải quyết thế nào, thay vì khiến vụ việc trở nên ồn ào thêm.

Bên cạnh đó, nhà trường nên có những phát ngôn kịp thời để thừa nhận sự việc và thông báo hướng giải quyết từ phía nhà trường. Điều này vừa cho thấy thiện chí và trách nhiệm của đơn vị giáo dục, vừa giúp kiểm soát dư luận và tạo điều kiện cho quá trình làm việc giữa đơn vị với học sinh và phụ huynh được minh bạch và dễ dàng hơn.

Đồng thời, để có thể giữ cho thông tin minh bạch, các giáo viên cần ghi lại biên bản các cuộc trao đổi với phụ huynh và học sinh. Các biên bản này có thể có ích trong trường hợp nảy sinh mâu thuẫn về thông tin và bảo vệ các bên liên quan khỏi các cáo buộc không đáng có về tẩy trắng hay bưng bít thông tin.

Cuối cùng, đại diện của trường cần làm việc với các đơn vị truyền thông trong trường hợp cần thiết. Nhà trường nên cân bằng giữa việc minh bạch thông tin về sự việc với việc bảo mật các thông tin nhạy cảm gây ảnh hưởng tới học sinh như thông tin cá nhân hay các tình tiết chi tiết của vụ việc.