Lời khuyên “Đừng bao giờ từ bỏ” không phải lúc nào cũng phù hợp | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
08 Thg 01, 2020

Lời khuyên “Đừng bao giờ từ bỏ” không phải lúc nào cũng phù hợp

Khi bạn đang trăn trở về hướng đi cho công việc hiện tại, hãy nhìn nhận một cách công bằng rằng từ bỏ công việc cũng là một lựa chọn.

Lời khuyên “Đừng bao giờ từ bỏ” không phải lúc nào cũng phù hợp

Khi bạn đang trăn trở về hướng đi cho công việc hiện tại, hãy nhìn nhận một cách công bằng rằng dừng lại cũng là một lựa chọn.

Những lúc chùn bước với cuộc sống, mệt mỏi vì áp lực công việc, hay loay hoay không biết con đường mình chọn có thực sự phù hợp hay không, chúng ta thường tìm điểm tựa cho tinh thần từ châm ngôn của người có thành tựu để được tiếp thêm niềm tin, sức mạnh cho những gì đang làm.

Tuy nhiên, điều đó không phải lúc nào cũng đúng. “Đừng bao giờ từ bỏ” có khi lại là một lời khuyên dễ đưa bạn đến ngõ cụt trong sự nghiệp hơn. Nếu nỗ lực cho công việc không mang lại kết quả gì, không tệ đi nhưng cũng không có tiến triển mới, thì có lẽ bạn đang đầu tư vô ích cho một việc không phải là lợi thế của bản thân.

“Đừng bao giờ bỏ cuộc” có khi lại là một lời khuyên dễ đưa bạn đến ngõ cụt trong sự nghiệp hơn sizesmaxwidth 1200px 100vw 1200px
“Đừng bao giờ bỏ cuộc” có khi lại là một lời khuyên dễ đưa bạn đến ngõ cụt trong sự nghiệp hơn.

Theo khảo sát được VietnamWorks thực hiện với 900 người lao động vào đầu năm 2019, 30% trong số đó muốn nhảy việc vì không tìm ra cơ hội thăng tiến, 24% vì lương bổng không tương xứng và 10% vì áp lực công việc.

Nhìn từ góc độ khoa học, ở mỗi độ tuổi, nhu cầu và cách tư duy khác nhau sẽ hình thành những mục tiêu khác nhau. Do đó, chúng ta không nên tự áp đặt mình vào một lý tưởng nhất định. Hãy linh hoạt thay đổi khi nhận thấy mục tiêu đó không còn phù hợp với năng lực và thời điểm hiện tại nữa.

Từ bỏ khi đã rõ lý do

Những lần bạn trăn trở giữa ý định tiến hay lùi được diễn giả Seth Godin giải thích rằng bạn đang đứng trước “điểm thử thách”. Ông lý giải rằng bất kỳ nghề nghiệp nào cũng trải qua 3 thời kỳ cơ bản: tìm hiểu, đối diện điểm thử thách, sau đó hoặc là thăng hoa, hoặc sẽ buông bỏ.

Cụ thể, chúng ta luôn hào hứng trong giai đoạn đầu tiếp xúc với bất kỳ công việc nào. Sau đó ta vấp phải khó khăn trong công việc, hoặc bị ảnh hưởng bởi tác động bên ngoài (thu nhập, gia đình, môi trường, bạn bè, đồng nghiệp, bạn đời,…). Cuối cùng, chúng ta phải quyết định đi tiếp hay dừng lại.

Một anh nhân viên pha chế hứng khởi khi ly cocktail đầu tay nhận được lời khen tấm tắc từ bạn bè. Anh tiếp tục mày mò trong nhiều tháng, thử những công thức khó hơn nhưng lại không như ý. Đây là giai đoạn tiếp nối giữa khởi điểm và cột mốc thành thạo kỹ năng. Lúc này anh đứng ở ngưỡng lựa chọn tiếp tục đến cùng, hay chuyển sang công việc khác có thể gắn bó lâu dài hơn. Có thể hiểu rằng giai đoạn này là một bài kiểm tra để anh ta tiên lượng kỹ năng nghề nghiệp lẫn mức độ phát triển trong công việc.

Đây là giai đoạn luôn hiện hữu sau một khoảng thời gian đủ dài kể từ khi chúng ta đầu tư thời gian, công sức, tiền bạc cho một công việc cụ thể. Cũng là lúc xem xét bạn có cần thiết phải vượt qua những thử thách đó, tiếp tục đầu tư cho công việc này hay không.

Thay đổi công việc cũng là một cách để chào đón kết quả khác tốt hơn sizesmaxwidth 1200px 100vw 1200px
Thay đổi công việc cũng là một cách để chào đón kết quả khác tốt hơn.

Từ bỏ đúng thời điểm

Thật khó để từ bỏ công việc đã đồng hành với bạn suốt một thời gian, đồng thời là bước đường hướng đến cuộc sống ổn định ở tuổi 30. Cột mốc ấy vô hình trung trở thành gánh nặng trên đôi vai của những người trẻ đang trong giai đoạn bản lề của cuộc đời. Đối với những nhân viên lâu năm lại càng khó hơn, khi điều họ phải giã từ là nguồn tài chính nuôi sống gia đình bấy lâu nay.

Do đó, nếu nghề nghiệp hiện tại vẫn giúp bạn trang trải cuộc sống nhưng bản thân lại muốn làm một công việc khác, đừng vội từ bỏ công việc hiện tại ngay lập tức. Trước hết bạn cần tìm hiểu kỹ về yêu cầu công việc. Tiếp đến là trau dồi kinh nghiệm, kiến thức ở lĩnh vực đó, nhưng vẫn đảm bảo hoàn thành tốt công việc hiện tại. Đây sẽ là vốn liếng để khi sẵn sàng nhảy việc, bạn sẽ không gặp chông chênh nhiều.

Cuối cùng, chỉ nên thật sự nhảy việc khi bạn đã hiểu rõ mức độ tương thích giữa công việc với sở trường, năng lực và mức độ say mê của bản thân. Tránh trường hợp khi đã chuyển sang môi trường mới rồi nhưng vẫn chênh vênh, thậm chí hối hận vì những nguyên do vốn có thể tránh được. Đó có thể là đồng nghiệp thiếu thân thiện, hoặc môi trường làm việc không phù hợp.

Không phải lúc nào cũng từ bỏ mà phải biết từ bỏ lúc nào sizesmaxwidth 1200px 100vw 1200px
Không phải lúc nào cũng từ bỏ mà phải biết từ bỏ lúc nào.

Từ bỏ khi đã xác định được khả năng của mình

Những lần chuyển việc tương đương với việc bạn phải đi trên con đường mới, thậm chí phải bắt đầu lại từ đầu. Do đó, việc xác định khả năng thăng tiến là điều thiết yếu để không uổng phí quá nhiều thời gian.

Công việc nào cũng yêu cầu sự đầu tư bền bỉ. Để trở thành giám đốc từ vị trí của một chuyên viên, bạn cần nhiều năm miệt mài vừa va chạm với thực tế, vừa gói ghém thời gian ngoài giờ để trau dồi kiến thức chuyên môn. Đôi khi, chỉ cần nghĩ đến quỹ thời gian nghỉ ngơi ít ỏi bị thu hẹp vì việc học cũng đã khiến không ít người muốn từ bỏ.

Tuy nhiên, tham vọng càng lớn thì thử thách càng nhiều. Bạn cần hiểu công việc nào cũng đan xen giữa niềm vui và thách thức. Xác định những thử thách sắp phải đối mặt sẽ giúp bạn có một sự sẵn sàng nhất định cho hành trình mới.

Lưu ý rằng, dù có chuyển sang công việc mới nhưng bạn sẽ không hoàn toàn tách khỏi phong cách làm việc cũ. Cụ thể, đó là kỹ năng làm việc, cái tôi của chính bạn, cách bạn giao tiếp, giữ mối quan hệ, kiểm soát áp lực, và thái độ đương đầu với thách thức. Nếu nguyên do chấm dứt công việc cũ là vì một trong những yếu tố này, thì bạn cần tìm ra giải pháp, hoặc sẽ phải đối mặt với những vấn đề này lần nữa trong công việc mới.

Cho nên, trước khi từ bỏ công việc bạn đang gắn bó từng ngày, hãy đánh giá mọi khía cạnh bằng lý trí. Hãy liệt kê ra những giá trị bản thân sẽ thu hoạch được lẫn các rủi ro gặp phải khi chuyển việc. Sẽ không có một quyết định đúng hay sai, chỉ có quyết định đó dẫn bạn đi đến đâu.

Kết

“Give up” trong tiếng Anh nghĩa là từ bỏ một điều gì đó, với “give” nghĩa là cho đi và “up” là đi lên. Trong sự nghiệp, đôi khi chúng ta nên học cách từ bỏ những điều chưa thuộc về mình để nhận lại những tiến triển mới. Hãy thống kê lại điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, lắng nghe thực tâm bản thân muốn gì, từ đó viết ra chiến lược đúng đắn cho lộ trình đi đến giấc mơ bạn đang tìm kiếm.

Bài viết này được thực hiện bởi Đình An.

Xem thêm:
[Bài viết] Linh Thai Labs: Những thái độ cần rèn từ công việc đầu tiên
[Bài viết] Khủng hoảng lựa chọn: Hãy đi bước tốt nhất ở thời điểm hiện tại