Mất cân bằng chút. Tại sao không? | Vietcetera
Billboard banner

Mất cân bằng chút. Tại sao không?

Chúng ta sống trong một thời đại mà ai cũng mất cân bằng, và ai cũng mưu cầu sự cân bằng. Mất cân bằng liệu có tệ đến thế?
Mất cân bằng chút. Tại sao không?

Nguồn: An Ho @meaptopia cho Vietcetera

Curnon

Bạn có đi ngủ với một to-do list đi thẳng vào giấc mơ? Có thức dậy, pha vội ly cà phê rồi lao vào làm việc luôn? Có bị truyền thông “rỉ" tai rằng không mua được nhà trước tuổi 30 là thất bại? Có liên tục tự hỏi work-life balance rốt cuộc là cái gì?

Chúng ta sống trong một thời đại mà ai cũng mất cân bằng, và ai cũng mưu cầu sự cân bằng. Mất cân bằng liệu có tệ đến thế?

Rời vùng an toàn để biết mình là ai

Curnon 13
“Khủng hoảng bản sắc” là một trạng thái khi ta không hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu, tính cách… của bản thân. Từ “khủng hoảng” khiến nhiều người cảm thấy giai đoạn này thật đáng sợ, nhưng thực chất lại giúp định hình tính cách và khám phá bản thân mình sâu sắc hơn.

Nếu bạn từng trải nghiệm những cơn khủng hoảng bản sắc hoặc khủng hoảng hiện sinh, có lẽ bạn biết cảm giác ở trong mớ bòng bong đó hẳn là tệ. Nhưng để trưởng thành, những lần tự đặt câu hỏi “Mình là ai?” là cần thiết.

Ngày bé, trong xóm mọi người đều biết… bố mẹ bạn là ai, và họ gọi bạn là con bố A, mẹ B nhiều hơn là tên của bạn. Nếu bố mẹ bạn là bác sĩ, hàng xóm mặc định sau này bạn cũng là bác sĩ. Nếu bố mẹ bạn chăm làm, mà bạn không hứng thú bài vở, thì bạn là một đứa trẻ hư.

Thành thật mà nói, tôi ghét kiểu định danh này. Nhưng tôi cũng tự hỏi, nếu không thích bị gọi là con bố A, mẹ B; thì tôi thích được gọi là gì? Khi không bị kìm hãm bởi hệ giá trị của gia đình, thì cá nhân tôi trân quý những giá trị gì? Và cách duy nhất để biết, là thử - bước ra khỏi vùng an toàn, va chạm càng nhiều càng tốt.

  • Bạn đã từng thử qua bao nhiêu việc để tìm thấy việc mình thật sự muốn theo đuổi?
  • Bạn đã từ lạ thành quen (rồi thành lạ) với bao nhiêu người để biết mình cảm thấy thoải mái khi ở cạnh ai?
  • Liệu phép thử chỉ là phép thử, hay nó lại vô tình tạo ra những áp lực khác?
  • Có phép thử nào khiến bạn phải gồng lên, nhưng bạn vẫn quyết tâm đi đến cùng?Và sau cả, dù không bao giờ làm lại, bạn vẫn thầm cảm ơn vì bài học mà phép thử đã mang lại.

Bước ra khỏi vùng an toàn, nghĩa là chấp nhận rủi ro, chấp nhận stress, chấp nhận lo lắng; bởi ai mà biết chuyện gì sẽ xảy ra, và cách để phản ứng lại. Chúng ta luôn xem stress là một từ tiêu cực, nhưng bạn có đồng ý rằng, không stress thì làm sao mà lớn được?

Cân bằng là một định mức cá nhân

Curnon 43
Cân bằng không phải là cân-hết, mà là cân những thứ thực sự quan trọng với bạn.

Work-life balance (sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống), theo định nghĩa, là khoảng thời gian bạn dành để làm việc so với khoảng thời gian bạn dành cho gia đình và làm những việc mình thích. Ai cũng mặc định tỉ lệ cân bằng lý tưởng là 50/50.

Sau rất nhiều năm cố gắng cân bằng công việc và cuộc sống, tôi nhận ra điều đó là quá sức. Cân bằng, thật ra chỉ nên là một định mức cá nhân (giống như việc sống tối giản vậy!). Chúng ta không nhất thiết phải có cùng một ngưỡng cân bằng.

Nếu bạn là một đứa ham công tiếc việc, và bạn cảm thấy làm việc khiến bạn vui hơn là gặp gỡ bạn bè, ngồi xem Netflix, thì cứ làm thoả thích. Những người xung quanh cũng không nên cảm thấy thương xót như thể bạn không có “cuộc sống".

Cũng đừng lầm tưởng rằng “sống" là phải hưởng thụ hết những thú vui như gặp gỡ bạn bè, đọc sách, xem phim, đi du lịch, mua sắm,... trong khi tất cả những gì bạn muốn chỉ là một giấc ngủ 8 tiếng.

Cân bằng không phải là cân-hết, mà là cân những thứ thực sự quan trọng với bạn.

Mất cân bằng… để rèn luyện một cơ chế đối phó mạnh mẽ hơn

Curnon 253
Millennial (và cả Gen Z) được gọi là “thế hệ lo âu" vì họ mang áp lực phải thành công sớm. Phải sống thật tốt. Phải giỏi giang. Phải hoàn hảo…

Cơ chế đối phó (coping mechanisms) là những chiến thuật mà ta sử dụng khi đối mặt với stress hoặc tổn thương để kiểm soát những cảm xúc đau đớn, khó khăn tốt hơn. Cơ chế đối phó giúp ta đối diện với những tình huống căng thẳng mà vẫn giữ được sự ổn định về mặt tâm lý.

Khác với cơ chế phòng vệ (defence mechanisms) vốn mang bản chất vô thức, cơ chế đối phó đòi hỏi bạn phải đầu tư nỗ lực và ý thức để giải quyết vấn đề, từ đó giảm thiểu căng thẳng và trở nên mạnh mẽ hơn khi gặp phải tình huống tương tự.

Triết gia Heraclitus từng nói: “No man ever steps in the same river twice, for it's not the same river and he's not the same man.” Vấn đề gặp lại lần hai sẽ không còn là vấn đề lớn nữa, vì bạn đã biết cách để đối diện với nó.

Cho những người đang mất cân bằng, hy vọng bạn biết mình đang từng bước trở nên mạnh mẽ hơn.

Được chấp bút bởi Minh Ng.