Mình cũng từng là người mẹ có con bị bắt nạt | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Mình cũng từng là người mẹ có con bị bắt nạt

Con mình từng vào nhà vệ sinh khóc một mình, từng nói muốn bỏ học. Mình đau, muốn đánh cậu bé kia lắm, thú thật!
Mình cũng từng là người mẹ có con bị bắt nạt

Nguồn: Thu Hà cho Vietcetera

Năm con mình, bé Xu, vừa chuyển sang học một trường Quốc tế, là học sinh mới nên bị bắt nạt. Bạn đó -“đại bàng” - xúi giục các nhóm không chấp nhận cho Xu ngồi cùng bàn trong giờ ăn trưa, nếu ai ngồi cùng Xu thì sẽ bị đánh hoặc cô lập theo.

Mỗi trưa, Xu bê khay thức ăn đi thang lang khắp nhà ăn, bàn nào cũng từ chối, và Xu phải ngồi ghép với anh chị lớp trên.

Có lần Xu đã vào nhà vệ sinh, ngồi khóc một mình. Buổi sáng Xu sợ đi học, nói trong nước mắt “Con chỉ muốn bỏ học.”

Mình đau, muốn đánh cậu bé kia lắm, thú thật.

Nhưng nếu đi gặp riêng cậu bé đó thì là phạm luật, tung lên mạng thì lại thành bắt nạt trẻ con. Mình một mình lên gặp ban giám hiệu. Ban giám hiệu kể: “Ba mẹ bạn ấy vắng nhà liên tục, rất ít khi nói chuyện với bạn. Bạn này có lịch sử từ xưa gây lộn với nhiều người, trường cũng đau đầu. Nhưng nếu họp phụ huynh thì ba sẽ về đánh bạn ấy rất nhiều. Có lần bạn ấy đã bị ba đánh tới mức không lết đi được. Và sau đó lại càng quậy phá hơn.”

Vậy là coi như bó tay với thủ phạm, mình chỉ còn cách quay về chăm sóc con mình, làm con mình mạnh lên, nhất là về tinh thần.

Mình không có trải nghiệm bị bắt nạt học đường, và biết là Xu Sim cần nhiều hơn những lời an ủi từ mẹ. Thế nên mình nhờ mấy anh chị sinh viên trên tòa soạn, cũng từng bị bắt nạt, nói chuyện với con.

Suốt cả tuần liền, Xu được trò chuyện, được “ủ mưu, tính kế” với những người Xu tin cậy. Những hôm sau Xu nhẹ nhõm hẳn, không run sợ, không đau đớn khi bị trêu chọc... tự nhiên bạn kia cũng dừng.

Mình nghĩ, đó là do Xu được chia sẻ, được đồng cảm, được thấy mọi người trân trọng nỗi đau của mình, thương yêu mình, nỗ lực bảo vệ mình. Kể cả khi sự nỗ lực, những mưu kế đó, chưa được tiến hành, thì kết quả cũng đã tuyệt vời rồi.

Mấy hôm nay, chứng kiến Cuộc Chiến Thượng Lưu Penthouse phiên bản Việt online, nhiều ba mẹ giật mình khi nhìn thấy cư xử của những phụ huynh nhiều tiền. Hóa ra tiền và đẳng cấp không phải lúc nào cũng tương đồng.

Nguồn Tragrave Nhữ averagetea cho Vietcetera
Nguồn: Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

Mình thấy buồn khi quá đông người ủng hộ cách trả đũa bạo lực và bất chấp pháp luật, đòi chém giết nếu động vào con, chửi thầy chửi trường, chê bai khi trường quyết định giữ sự riêng tư và bảo vệ trẻ em. Chẳng lẽ, học sinh đánh nhau thì trường phải cho phụ huynh gặp nhau, gặp học sinh, chửi nhau, đánh nhau tay đôi?

Ba mẹ ơi, thực ra, một đứa trẻ bạo lực là một đứa trẻ thiệt thòi. Nếu một đứa trẻ chỉ biết đánh đập người khác thì làm sao nó có những người bạn tử tế? Cao nhân tất có cao nhân trị.

Thế nên điều quan trọng nhất, vẫn là quan tâm đến con và tìm cách giải quyết hợp lý.

Mình xử lý thế nào khi con bị bắt nạt?

  • Không nhịn, không xuề xòa, cần giải quyết triệt để.
  • Con sẽ học từ phản ứng của mẹ, nên mẹ đừng cuống lên, nước mắt nước mũi, cũng đừng “hô mưa gọi gió” khiến bé ỷ lại rằng mẹ có thể sai khiến tất cả.
  • Hãy để con nói! Khi con đang tổn thương, mẹ nói càng ít càng tốt. Lắng nghe vô điều kiện, đồng cảm vô điều kiện và tôn trọng con vô điều kiện: "Ừ, buồn thật, mẹ cũng thấy tức giận/sợ hãi/buồn/bối rối…"
  • Đừng bao giờ đổ lỗi: “Đấy thấy chưa, mẹ đã nói rồi mà!” Hoặc là lên giọng: "Chuyện có gì đâu mà trầm trọng, ngày xưa mẹ còn bị đánh nặng hơn nhiều." Hoặc là: “Ai chả từng bị bắt nạt, mọi người vẫn sống đó thôi!”
  • Đừng vội vàng đưa khuyên răn, rằng phải thế này hay phải thế khác.
  • Quan trọng nhất là: “Con cảm thấy thế nào?”, không phải là “Nó đánh con mấy cái?”
  • Trẻ con vốn rất ghét kẻ mách lẻo, và cũng ghét bị mang tiếng mách lẻo. Phải cho con hiểu việc con nói ra là rất tốt, rất dũng cảm, sẽ giúp được cho con và nhiều bạn khác.
  • Không trả đũa. Bạo lực sẽ leo thang không biết tới lúc nào mới ngừng và không thể kiểm soát được hậu quả.
  • Với bắt nạt trên Facebook thì có thể bày con cách chặn (block) để con không bị nhiễu bởi những đòn tào lao của bên kia nữa.
  • Báo với cô giáo và nhà trường, đi đúng quy trình trước (nhưng đừng kỳ vọng quá kẻo thất vọng).

Tóm lại tiêu chí là: An toàn, và An toàn Lâu Dài!

Ngoài ra, để phòng tránh bạo lực học đường, có một số cách như cho con luyện tập thể thao, học võ, học môn năng khiếu như hát múa với mục đích chính là để con tự tin hơn. Luôn tạo cho con cảm giác có hậu phương mạnh, chẳng hạn như việc mẹ luôn ủng hộ và tin tưởng con. Ngoài ra, con cũng cần có nhiều bạn thân, có đồng minh mạnh.

Con cũng cần được học kỹ năng giao tiếp, rèn bình tĩnh để hiểu mình, hiểu người. Con cần hiểu và phân biệt được lúc nào thì nên thưa cô, lúc nào thì nên cãi lại. Khi bị bắt nạt, lúc có người nghe thì hãy hô hoán, còn nếu gặp phải đứa có hung khí, thì cần nhịn trước.

Và thú thật là, phải chấp nhận cả việc bạn đã dạy con rất nhiều mà cuối cùng con chả làm được gì sáng suốt hết. Đó là trạng thái đông cứng, không thể phản ứng, không thể suy nghĩ, không thể cảm nhận gì. Việc này do cơ chế của não bộ, chứ không phải tại con. Hãy dịu dàng với con!

Hòa bình cũng cần dũng cảm

Nguồn Tragrave Nhữ averagetea cho Vietcetera
Nguồn: Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

Mình là con gái của hai bố mẹ đều đã từng phải tham gia chiến tranh, và mang về những tổn thương tâm lý thời hậu chiến nghiêm trọng. Cả ba mẹ, cả gia đình, cả mấy anh em mình, và họ hàng chịu đựng những vết thương đó của ba mẹ cực kỳ vất vả.

Hơn 40 năm qua, hết chiến tranh rồi mà ba mẹ mình không một ngày bình yên. Dù tay chân ba mẹ hoàn toàn lành lặn. Dù ba mẹ không phải là thương binh.

Những tổn thương lớn nhất nằm ở bên trong tim, trong tinh thần, trong não bộ, những tổn thương về niềm tin, về lý tưởng, về sự an toàn, về giá trị của bản thân mình. Những tổn thương này không có cơ quan nào đo đạc và chứng nhận. Nên mình sợ mọi cuộc chiến. Dù trong cuộc chiến đó bạn là người thắng cuộc.

Và với mình, đã là cuộc chiến thì chẳng có bên nào chiến thắng cả. Chiến thắng thật sự là khi không phải lao vào chiến. Nếu cứ nợ máu phải trả bằng máu, rồi họ quay ra gây hại cho con mình, rồi bạo lực leo thang tới biết tới khi nào mới dừng? Thậm chí con mình có thể bị thêm tổn thương vì sự bảo vệ của mẹ.

Trong một cuộc chiến, dù đứng bên sai hay bên đúng, thì trẻ em cũng dễ tổn thương hơn người lớn, dù hôm nay đang đầy tiếng vỗ tay của người xem.

Thực ra thì để chiến đấu cần rất nhiều dũng cảm, và còn cần dũng cảm hơn để kiến tạo hòa bình.