“Muốn cứu thế giới cũng cần… có tiền” | Vietcetera
Billboard banner

“Muốn cứu thế giới cũng cần… có tiền”

"Ngày xưa, chị luôn ấp ủ ước mơ cứu thế giới. Sau này mới nhận ra cứu thế giới cũng cần tiền. Nếu bản thân mình còn không có gì, làm sao có thể cho người khác?"
“Muốn cứu thế giới cũng cần… có tiền”

Nguồn: Nguyễn Bảo Trường Anh

Nguyễn Bảo Trường Anh là founder của công ty Mua Trước Trả Sau EasyGop - một startup công nghệ tài chính thân thiện, dễ dàng và 0% lãi suất cho người tiêu dùng. EasyGop vừa gọi vốn thành công vòng hạt giống từ Quỹ đầu tư mạo hiểm Ascend Vietnam Ventures (Hoa Kỳ), SonTech Investment (Singapore) và JAVIS Ventures (Nhật Bản).

Hiện tại, chị vẫn năng nổ trong việc xây trường ở vùng cao với Quỹ phát triển Giáo dục IEG Foundation, là chủ tịch của tổ chức du học VietAbroader, và là một người viết. Những bài viết trên blog chị đã từng an ủi một người trẻ và từng rất lạc lối như tôi.

Tôi không muốn nói về chị Trường Anh chỉ như CEO một startup trẻ, với hình ảnh xa vời. Lý do của bài viết này, là để kể lại câu chuyện của một người bình thường, với lý tưởng to lớn - cứu thế giới. Hóa ra dù nhỏ bé thế nào, chúng ta vẫn có thể cứu thế giới bằng nhiều cách khác nhau - trong đó có tiền. Chỉ cần ta đủ dũng cảm!

1. Mức lương đầu tiên chị nhận được là bao nhiêu?

1 nghìn USD. Đó là tiền lương khi thực tập tại Mỹ, hồi chị học năm Ba. Nghe có vẻ nhiều, nhưng sống ở New York thì một tháng trả tiền thuê nhà hết 600 USD, ăn uống cũng hơn 300 USD, thực sự không có dư.

Dù thực tập ở Wall Street, nhưng chị lại… làm ở một công ty phi lợi nhuận (non-profit). Công việc là hỗ trợ xây dựng lại cho các công ty đã bị khánh kiệt sau khủng hoảng tài chính năm 2008.

Người ta vẫn hay hỏi chị sao thời đó có cơ hội đến Wall Street mà không làm hẳn chứng khoán luôn. Lý do là chị làm vì lý tưởng. Lúc ấy chị luôn ấp ủ ước mơ cứu rỗi thế giới. Sau này mới nhận ra muốn cứu thế giới cũng cần có tiền. Vì bản thân mình còn không có gì, làm sao có thể cho người khác?

Muốn mở bệnh viện miễn phí, trường học miễn phí, thì thay vì phải đi kêu gọi vốn, chị ráng kiếm tiền để tự làm cho nhanh.

2. Nếu tất cả công việc đều được trả lương như nhau, chị sẽ làm việc gì?

Vẫn làm startup founder (người sáng lập) như bây giờ.

Nguồn Nguyễn Bảo Trường Anh
"Ở nhà không làm gì cũng được chồng nuôi, nhưng mà vẫn không chịu ở không!" | Nguồn: Nguyễn Bảo Trường Anh

Nếu là hồi xưa, chắc là chị sẽ trả lời là mình muốn ở không. Nhưng nghĩ kỹ lại, giờ ở nhà không làm gì cũng được ba nuôi hay chồng nuôi, nhưng mình vẫn chọn đứng ngồi không yên.

Có lẽ vì mình luôn muốn tìm cách để thực hiện lý tưởng của bản thân, nên ở không sẽ không bao giờ diễn ra đâu.

3. Một món nợ mà chị vẫn chưa trả được?

Về các mối quan hệ trong cuộc sống, chị không gọi nó là nợ, mà là lợi ích chung.

Cố vấn cho chị thời gian của họ là vì niềm tin vào chị. Chị cũng trả nợ cho cố vấn bằng công sức, bằng cơ hội cho họ kể lại câu chuyện của mình và bằng minh chứng là chị không làm phí thời gian của họ.

Còn nợ tín dụng thì vẫn trả được từ từ, nên đến giờ vẫn thấy bản thân trả nợ rất tốt.

4. Quan niệm về tiền của chị bây giờ với chị năm 20 tuổi có gì khác nhau?

Hồi xưa tiền là công cụ để trải nghiệm. Bây giờ thì tiền là để kiếm tạo tác động: trả lương, xây dựng giải pháp dài lâu (impacts).

5. Một kiến thức mà chị nghĩ trường học không dạy?

Sự kiên nhẫn. Ở trường, dù sao cũng luôn có hạn chót. Mình không làm được thì sẽ có thầy cô hỗ trợ, tất cả đều để làm việc nhanh và đúng thời gian quy định. Nhưng ra đời, không có hạn chót cho cái gì cả.

Nguồn Nguyễn Bảo Trường Anh
Nguồn: Nguyễn Bảo Trường Anh

Có những thứ mình không thể bắt nó nhanh được. Không thể từ CEO công ty nghìn đô thành CEO công ty tỉ đô trong một đêm. Chuyện Thánh Gióng không có thật trên đời. Nên hôm nay không nói chuyện được với nhà đầu tư thì mai nói. Hôm nay chưa giải quyết được vấn đề thì mai giải quyết.

Phải kiên nhẫn và cho bản thân thời gian, để chờ mình lớn.

6. Có một điều nào đó chị nuối tiếc nào trong đời?

Thời điểm mẹ chị mất gần đây, mọi người hay bảo mẹ đã ra đi trong an lòng. Nhưng chị vẫn thấy chưa đủ, vì mình thì chưa có gì hết, em trai thì còn nhỏ. Phải chi mẹ sống được thêm chục năm nữa thì mọi thứ đã đẹp hơn nhiều rồi.

Khi chấp nhận cho mình thời gian để lớn, nghĩa là em phải chấp nhận trả một cái giá tương xứng. Không phải ai cũng có thời gian để chờ mình lớn, ngay cả gia đình mình.

7. Chị làm thế nào để cân bằng giữa công việc và cuộc sống?

Nguồn Nguyễn Bảo Trường Anh
Nguồn: Nguyễn Bảo Trường Anh

Hai năm dịch Covid là hai năm chị vừa gọi vốn, vừa chăm mẹ. Đã có những buổi gọi Zoom phải vừa tắt tiếng, vừa gọi điện cho xe cấp cứu tới đón mẹ đi. Giai đoạn đó khiến chị nhận ra nếu mình không có khoảng thời gian cho mình, không có quản lý năng lượng (energy management) thì mình sẽ không sống nổi.

Có những khung giờ để chị đọc sách, vẽ, đi uống cà phê một mình mà không ai được xâm phạm. Công ty chị cũng dặn nhau là không nhắn tin vào Chủ Nhật.

Dù sao thì trời cũng sẽ không sập được, nên không có lý do gì để 11 giờ đêm phải loạn lên gọi nhau để giải quyết bug. Vì sửa một cái bug giữa đêm, trong lúc mệt, thì sáng mai cũng sẽ có 10 cái bug khác.

8. Một khoản đầu tư mà chị thấy đáng giá?

Có một khoản đầu tư thu lời chậm, nhưng chắc chắn là đáng giá: đầu tư vào bản thân mình. Để làm được việc này không phải là cứ bỏ tiền ra để đi học. Đầu tư vào bản thân, với chị, là bỏ ra công sức và thời gian để mình có nhiều cơ hội trải nghiệm.

Việc cho bản thân cơ hội khởi nghiệp cũng là cách chị đầu tư cho bản thân. Vì 2 năm đi khởi nghiệp chị thấy học được nhiều như 5 năm đi làm cho người khác.

Từ thời Đại học ở Mỹ, cũng vì biết sẽ không có cơ hội có lại những trải nghiệm này, nên chị cũng chỉ chọn học những thứ mình thích. Chị học vẽ sơn dầu, và tìm mọi cách để được đi trao đổi ở Pháp, ở Ý.

Tranh của Trường Anh Nguồn Nguyễn Bảo Trường Anh
Tranh của Trường Anh | Nguồn: Nguyễn Bảo Trường Anh

Sau này đi làm, chị hiểu rằng người ta sẽ chẳng nhớ mình học trường gì, cho dù có là top đầu thế giới đi nữa. Nhưng nếu mình nói rằng mình từng đi Ý, họ sẽ hỏi về quan niệm "Dolce far Niente" (Hạnh phúc của việc không làm gì). Nếu mình nói biết 3 thứ tiếng, họ sẽ hỏi về trải nghiệm của mình.

Tiền thì sẽ vơi đi, nhưng khi tài sản là bản thân mình, thì nó sẽ sinh lời một cách không đo đếm được.