Nhắc tới streamer nhiều người vẫn mang định kiến rằng đây là một nghề đơn giản là chỉ cần ngồi không mà kiếm được tiền. Tuy nhiên, tương tự như cách những influencer tạo ra sức thu hút riêng của bản thân, mỗi streamer cũng cần có tính cách nổi bật trong một thị trường cạnh tranh cao.
CEO Jay Jin của công ty quản lý tài năng Creatory cũng cho rằng, đích đến của những streamer thành công chính là trở thành những người có sức ảnh hưởng lên số đông.
Streamer thỏa mãn được người xem khi giúp họ được kết nối và chia sẻ. Điều này đã xây dựng lên một cộng đồng lớn mạnh, tạo ra những nguồn thu khủng cho streamer. Cũng chính vì lý do này mà các cách thức kiếm tiền của streamer và influencer có nhiều điểm tương đồng.
Tiền ủng hộ từ người hâm mộ
Chỉ tính riêng tiền đóng góp (donate) của người hâm mộ cũng đã tạo ra những khoảng thu hời cho streamer. Chưa nói tới nước ngoài, những streamer Việt Nam như ViruSs cũng đã nhận được lượng tiền ủng hộ khủng lên tới 5.000 USD chỉ trong vòng một đêm.
Đa phần các streamer đều nhận tiền qua dịch vụ của bên thứ 3 như chuyển khoản ngân hàng, sử dụng website chuyên dụng cho việc ủng hộ (Playduo, Streamlab, unghotoi, Patreon). Tuy nhiên, những nền tảng livestream hiện tại đã có nhiều cải tiến mới:
YouTube với tính năng Superchat, cho phép người tham gia trả phí và giao tiếp với streamer. Với chi phí càng cao thì bình luận của bạn sẽ được hiện ngay trên đầu của khung chat càng lâu;
Twitch từ lâu đã cho ra mắt đồng tiền “bits" với nhiều mệnh giá chỉ để phục vụ cho việc cổ vũ streamer;
Với Facebook Gaming thì khoản tiền donate cũng được tính dựa trên số lượng sao được tặng.
Bên cạnh đó, các nền tảng như Twich và YouTube cũng khuyến khích người xem đăng ký gói thành viên để nhận được nhiều đặc quyền khi giao lưu với streamer. Số tiền này cũng sẽ được chia sẻ cho các streamer.
Nhận lương từ các nền tảng
Đối với nhiều nền tảng mới, họ chọn tuyển dụng streamer đa dạng các lĩnh vực để gia tăng số lượng nội dung. Những streamer này đa số là những bạn sinh viên làm bán thời gian và không phải là streamer chuyên nghiệp. Đối với các nền tảng như NimoTv, mức lương này dao động từ 50USD - 1.000USD, còn với nền tảng NomoLive thì mức lương khởi điểm khoảng từ 40USD.
Đối với những streamer có tiếng thì việc ký hợp đồng độc quyền để phát trực tuyến ở những khung giờ nhất định sẽ có chi phí cao hơn. Streamer Linh Ngọc Đàm cũng từng chia sẻ rằng cô đã từ chối một hợp đồng độc quyền có chi phí lên tới 400 triệu VNĐ/ tháng. (Theo ictnews.vietnamnet.vn)
Kiếm tiền từ việc quảng cáo trên kênh cá nhân
Đối với 2 kênh nổi bật là YouTube và Twitch thì streamer được yêu cầu tham gia các chương trình đối tác để có thể điều chỉnh các quảng cáo xuất hiện trong video của mình, cũng như kiếm tiền từ đó. Các hình thức quảng cáo bao gồm đặt banner, chèn video quảng cáo hay đơn giản là nhận sponsors (nhà tài trợ). Các chương trình bao gồm:
YouTube có chương trình YouTube Partner cho phép kiếm tiền từ quảng cáo của Google Adsense;
Twitch thì đưa ra 2 gói chương trình khác nhau bao gồm Twitch Affiliate và Partnervới những điều kiện và gói kiếm tiền khác nhau.
Ngoài ra, hình thức quảng cáo liên kết (affiliate marketing) cũng được ưa chuộng. Streamer sẽ đưa ra các đường liên kết sản phẩm ở phần ghi chú nội dung của buổi phát sóng. Việc người xem sử dụng mã giảm giá hay nhấp vào đường liên kết mà streamer cung cấp cũng giúp streamer nhận được tiền hoa hồng.
Bán các sản phẩm mang thương hiệu của mình
Merch (sản phẩm ăn theo người nổi tiếng) là một phần không thể thiếu trong văn hóa "đu idol". Tương tự, những streamer cũng cho ra mắt những sản phẩm gắn liền với tên tuổi và tính cách của mình.
Độ Mixi có hẳn luôn một trang web để bán chiếc áo ba lỗ quen thuộc anh thường mặt trong các buổi ghi hình. Còn đối với MisThy thì cô đã cộng tác với một bên thứ 3 để cho ra nhiều sản phẩm văn phòng phẩm mang đậm phong cách của mình.
Thị trường này tiềm năng tới nỗi YouTube đã ra mắt chương trình Merch Self (Kệ bán hàng). Với Merch Self, những người đã tham gia đối tác với YouTube có thể liên kết với một bên thứ 3 (phải qua kiểm định của YouTube) để bán các sản phẩm mang thương hiệu của mình. Có thể tính như đây cũng là một hình thức tiếp thị liên kết nhưng có sự tham gia quản lý và kiểm định của chính nền tảng là YouTube.
Hợp tác với thương hiệu
Đối với những streamer có một cộng đồng fan nhất định, đây là lúc các nhãn hàng tìm tới họ. Theo một số thống kê về khả năng kêu gọi và chốt đơn của Streamer cao tới mức bất ngờ. Điều này biến họ trở thành lựa chọn tối ưu cho nhiều nhãn hàng đa dạng dịch vụ từ đời sống cho tới công nghệ.
Các streamer cũng có nhiều hình thức quảng bá khác nhau:
Đăng bài giới thiệu hay nhận xét về sản phẩm trên trang các nhân;
Lồng ghép về sản phẩm trong video livestream với tư cách nhà tài trợ;
Đại diện nhãn hàng giới thiệu và giải đáp thắc mắc về sản phẩm trong buổi livestream;
Tham gia các buổi giới thiệu sản phẩm và sự kiện của thương hiệu.
Ngoài ra một số streamer còn được chọn mặt gửi vàng trở thành đại sứ thương hiệu của nhãn hàng. Điển hình như ViruSs là người đại diện của Facebook Gaming Creator. Rất nhiều nhãn hiệu liên quan tới công nghệ cũng thường chọn streamer game là gương mặt đại diện cho nhãn hàng.
Tham gia các giải đấu
Điều khiến cho các streamer game nổi bật hơn hẳn chính là việc tham gia các giải đấu game với giá trị phần thưởng lớn. Trong nước phải kể tới Quách Thành Vũ, một game thủ chuyên nghiệp có bề dày chinh chiến ở nhiều giải Liên Minh Huyền Thoại. Hay Streamer Độ Mixi cũng là một cái tên nổi bật đã từng làm rạng danh làng game PUBG Việt trên đấu trường quốc tế.
Ngoài ra, hiện nay cũng có nhiều các giải đấu game dành cho streamer chứ không chỉ riêng gì game thủ. Nhất là khi đa phần các streamer đều sỡ hữu cho mình một số lượng fan hùng hậu.
Mở doanh nghiệp của riêng mình
Lo ngại rằng streamer là nghề có thời, những người làm nghề này cũng chọn mở doanh nghiệp riêng do mình làm chủ. Tại Việt Nam, có thể chia thành 2 xu hướng doanh nghiệp chính: cơ sở kinh doanh thực phẩm và doanh nghiệp liên quan tới game.
Các quán ăn từ cơm tấm tới bánh mì của các streamer nổi tiếng như Độ Mixi và Pewpew trong nửa đầu năm qua đã từng gây sóng gió trong cộng đồng mạng. Bên cạnh đó cũng có những streamer chọn lấn sân sang làm game kinh dị như Dũng CT (Đụt Studio) hay ViruSs với studio dành cho streamer.
Kết
Kiếm tiền từ đam mê chơi game tưởng chừng chỉ là một giấc mơ những nay đã thành thật với nghề streamer. Vốn chỉ là một khái niệm mơ hồ, streamer đã chứng minh được tiềm năng khi tạo ra cho mình một thị trường công nghệ riêng, thu hút nhiều nhà đầu tư.
Tuy nhiên, công nghệ ngày càng phát triển với các streamer ảo, các công ty quản lý và phát triển đào tạo streamer xuất hiện càng nhiều cũng khiến thị trường này ngày càng cạnh tranh. Trong tương lai, khả năng cao ta sẽ còn chứng kiến nhiều sự chuyển mình mới từ ngành công nghiệp streamer. Nhất là khi Internet đang dần bước vào một kỷ nguyên mới.