Người trong ngành Hospitality làm gì giữa đại dịch? | Vietcetera
Billboard banner
28 Thg 07, 2021
Kinh DoanhThăng TiếnHọc & Hành

Người trong ngành Hospitality làm gì giữa đại dịch?

10 năm trong lĩnh vực dịch vụ khách sạn, chứng kiến ngành trong giai đoạn khó khăn nhất lịch sử, Camellia Đinh vẫn hy vọng vào một tương lai tốt đẹp.

Người trong ngành Hospitality làm gì giữa đại dịch?

Nguồn: Camellia Đinh

RMIT

Camellia Đinh trở thành Giám đốc Kinh doanh cho các khách sạn, khu nghỉ dưỡng 5 sao khi vừa bước sang tuổi 26. Không chỉ đạt được thành tựu nhất định trong nghề, chị còn nỗ lực cho các dự án phát triển phụ nữ và trau dồi bản thân trên con đường học thuật. 

Đến với series “Học & Hành”, được hợp tác sản xuất giữa Vietcetera và Đại học RMIT Việt Nam, Camellia sẽ chia sẻ về ngành hospitality (du lịch - nhà hàng - khách sạn) mà chị đã gắn bó hơn 10 năm - những khó khăn, cơ hội và những điều mà người trong ngành nên làm ở thời điểm này.

Camellia Portrait
Chị Camellia Đinh với hơn 10 năm kinh nghiệm trong ngành hospitality.

1. Đừng từ bỏ hy vọng, ngay cả trong thời điểm khó khăn nhất

Hơn 10 năm gắn bó với nghề, Camellia nhìn nhận đây là giai đoạn khó khăn và nhiều đắn đo nhất mà bất kỳ ai làm trong ngành từng trải qua. Chị đã chọn 3 từ: “bất định”, “kiên cường” và “hy vọng” để nói về ngành khách sạn trong giai đoạn này.

Bất định, bởi mọi thứ giờ đây đều không chắc chắn, người trong ngành cũng dần từ bỏ việc lập dự báo trong suốt 2 năm gần đây. Sự thay đổi diễn ra liên tục, mỗi quý lại mỗi khác. Tuy nhiên, với những tín hiệu "đèn xanh" là các chiến dịch tiêm chủng vaccine đang thực hiện rộng rãi, chị vẫn rất lạc quan về một ngày trở lại không xa cho ngành. 

Nói đến “kiên cường”, mọi người thường nghĩ về các y, bác sĩ tuyến đầu. Nhưng với Camellia, những người đồng nghiệp của mình cũng kiên cường không kém, bởi họ đã rất cố gắng xoay sở để duy trì hoạt động.

Khách sạn và các khu nghỉ dưỡng là những đơn vị đầu tiên đứng ra cung cấp địa điểm hỗ trợ cách ly có thu phí cho chuyên gia, nhà đầu tư, người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam làm việc. Gần đây, với tốc độ ca nhiễm và nghi nhiễm tăng cao, khách sạn còn nhận cả những trường hợp khách là F1. Đó vừa là cơ hội duy trì hoạt động, nhưng cũng là mối nguy hiểm khi phải tiếp xúc với bệnh nhân nghi nhiễm. 

Và cuối cùng, chính “hy vọng” là thứ giúp người làm dịch vụ sống tích cực hơn mỗi ngày. Theo Camellia, khi đã cố gắng dũng cảm trong trạng thái bất định, thì chúng ta có quyền hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn. Có thể thấy, bất kể trong giai đoạn khó khăn, kinh tế Việt Nam vẫn đang trên đà tăng trưởng trong những quý vừa qua.

Camellia Dinh va dong nghiep
Camellia Đinh gặp gỡ các đối tác trong ngành cưới tại Việt Nam.

2. Duy trì hoạt động bằng những giải pháp sáng tạo

Giữa lúc dịch bệnh với nhiều biến chuyển khó lường, người làm khách sạn đứng giữa lựa chọn “tiến thoái lưỡng nan” - đóng cửa thì không có doanh thu, mà mở thì cũng chẳng có lãi. 

Vì thế, họ không ngừng sáng tạo ra nhiều hình thức hoạt động nhằm duy trì doanh thu. Nếu trước kia phải đến tận nơi để thưởng thức ẩm thực, thì bây giờ, nhà hàng (hay thậm chí là nhà hàng trong khách sạn) cũng chuyển sang tập trung vào hình thức bán hàng mang đi (take-away). 

Hay cả việc khuyến khích mọi người, nếu làm việc ở nhà chán quá, hãy thử đến khách sạn để làm (work from hotel/staycation). Khách sạn có giá hàng ngày để các bạn có thể vừa làm việc, vừa được ăn và ngắm view thành phố. Đó cũng là cách đa dạng hóa dịch vụ và giữ chân khách hàng trong mùa dịch. 

Vào năm 2020, chị Camellia đã có cơ hội đồng hành cùng TUI BLUE Nam Hoi An với vai trò Giám đốc Kinh doanh và Tiếp thị (Director of Sales and Marketing). Bài toán của chị lúc đó là làm sao để quảng bá một thương hiệu khách sạn lần đầu có mặt tại Việt Nam, trong tình hình đại dịch phức tạp.

Khi ấy, Camellia nhận thấy không chỉ riêng ngành khách sạn mà còn nhiều hoàn cảnh khác cũng phải chịu tác động từ đại dịch. Chị trăn trở với các câu hỏi làm sao để thực hiện một chương trình vừa mang lại lợi ích cho cộng đồng, vừa duy trì hoạt động cho khách sạn.

Thế là chương trình “Tuần lễ Nghệ thuật cho những nụ cười” (Arts for Smiles) ra đời vào những tháng cuối năm 2020. Tại đây, 10 họa sĩ từ Hà Nội được tài trợ đến làng chài Quảng Nam để tiếp xúc văn hóa và giao lưu với người dân địa phương. Họ vừa sáng tác tranh, vừa khơi gợi tình yêu nghệ thuật của người dân.

Những bức tranh sau đó được giữ lại trưng bày tại nhiều địa điểm của khách sạn nhằm quảng bá du lịch tỉnh Quảng Nam qua lăng kính nghệ thuật. Trong tháng 12/2020, khách sạn đã kết hợp với Operation Smiles để thực hiện phiên đấu giá một số bức tranh được chọn lọc do các họa sĩ. Số tiền đấu giá được quyên góp vào quỹ phẫu thuật nụ cười cho các em nhỏ không may mang dị tật hàm ếch bẩm sinh.

Arts for Smile
Camellia Đinh và những họa sĩ trong dự án Arts for Smiles

3. Để thành công ở vị trí cao hơn, bạn cần tố chất lãnh đạo

Từ những ngày đầu sự nghiệp, Camellia luôn nghĩ được đi làm đã là một điều hạnh phúc. Chị không mong đợi sẽ trở thành ông này, bà kia. Tuy nhiên, ở độ tuổi chưa đến 30, trước sự ngỡ ngàng của chính bản thân mình, chị được trao cho cơ hội để nắm giữ vị trí Director of Sales (Giám đốc Kinh doanh).

Đây cũng là lúc chị nhận ra, để thành công ở các vị trí cao hơn, bạn cần sở hữu tố chất lãnh đạo tốt. Một lãnh đạo giỏi là người có khả năng tạo ra ảnh hưởng và thuyết phục mọi người, cụ thể là đồng nghiệp, là cấp trên hoặc các đối tác trong và ngoài tổ chức. 

Để hoàn thiện kỹ năng lãnh đạo của mình, Camellia đã quyết định theo đuổi con đường học thạc sĩ Quản trị Kinh doanh tại Đại học RMIT. Năm đó, chị là học viên trẻ nhất của khóa. Việc học thạc sĩ cũng chính là tiền đề để chị củng cố thêm nền tảng kiến thức và tăng cường lợi thế cạnh tranh cho bản thân. 

Trải nghiệm học giúp Camellia có cái nhìn tổng quan về thị trường ở mọi góc độ, từ tài chính, nhân sự đến marketing, từ đó đưa ra những quyết định có chiều sâu và đa chiều hơn.

“Tại RMIT, mình rất hứng thú với môn học về đạo đức doanh nghiệp. Mỗi khi đưa ra quyết định nào đó, mình liên tục cân nhắc trên nhiều khía cạnh, từ con người đến văn hóa, để đảm bảo quyết định đó sẽ phù hợp nhất với hoàn cảnh hiện tại” - Camellia chia sẻ.

Trải qua quá trình học tập gần 3 năm, Camellia tin rằng những kiến thức đã học sẽ đi theo chị trong nhiều năm tháng về sau. Chị đặc biệt ấn tượng với các môn học liên quan đến quản trị vận hành doanh nghiệp quốc tế và thiết lập các chiến lược kinh doanh trong thời kỳ hội nhập.

Đây chính là những nền tảng quan trọng để chị tiếp tục theo đuổi sự nghiệp phía trước và sẵn sàng khi ngành du lịch cũng như các ngành kinh tế khác được khôi phục.

Ngoài các kỹ năng nghiệp vụ cần thiết và kỹ năng mềm, Camellia còn tập trung trau dồi kỹ năng làm chủ cảm xúc. Theo Camellia, khi là người nắm giữ vai trò quan trọng trong một tập thể, bạn cần có “một trái tim nóng và một cái đầu lạnh”. 

“Trái tim nóng” để giúp bạn duy trì cảm xúc, sự đồng cảm và thấu hiểu hành động của những người xung quanh. “Cái đầu lạnh” để biết được khi nào cần phải dứt khoát đưa ra quyết định, khi nào cần phải kiềm chế cảm xúc để không đánh mất bản thân. Kỹ năng làm chủ cảm xúc đã trang bị cho chị một tâm thế bình tĩnh để đối mặt với những bất ngờ, và hạn chế những xung đột trong công việc. 

Camellia Dinh
Khi ở những vị trí cao, Camellia cho rằng mình cần có "một trái tim nóng và một cái đầu lạnh"

4. Con đường phía trước cho người làm hospitality

Một số người vẫn thường thắc mắc tại sao người làm hospitality lại có thể gắn bó với ngành sâu sắc đến như vậy. Theo Camellia, đó hoàn toàn vì đam mê và nhiệt huyết. Tuy nhiên, mọi người cũng cần phải nhìn nhận một cách thực tế hơn, cân nhắc những phương án dự phòng cho sự nghiệp của mình.

Với Camellia, chị sẽ không bỏ ngành. Vì thế, chị cần tìm kiếm hướng đi mới trong ngành, để có thể tồn tại và đảm bảo cơ hội phát triển hơn trong tương lai. Một trong số kế hoạch đó là đầu tư thời gian vào học thuật. 

Khoảng thời gian trước, quá trình học thạc sĩ của chị đôi khi bị chi phối bởi công việc quản lý tại khách sạn. Còn giờ đây, trong giai đoạn mọi dịch vụ đều tạm dừng hoạt động, chị dành toàn tâm toàn ý cho việc học. Việc học thạc sĩ cũng là bước chuẩn bị cho con đường thực hiện hóa ước mơ trở thành giảng viên của Camellia.

Theo chị, những người làm hospitality như chị luôn mong muốn chia sẻ trải nghiệm thực tế của họ cho các bạn trẻ, tuy nhiên, lại không đảm bảo yếu tố bằng cấp để đứng lớp. Nếu nói bằng cấp chỉ là một tờ giấy thì không đúng, bởi vì học thuật và thực tiễn luôn phải là quá trình song song. Trải nghiệm thực tế cùng kiến thức nền tảng là chìa khóa cho một sự nghiệp bền vững.

Ngoài ra, Camellia cũng chuyển sang tư vấn cho các dự án vừa và nhỏ mà ở đó chị có thể thể hiện cá tính của bản thân nhiều nhất. Chị lựa chọn các dự án tập trung vào việc xây dựng tính cách thương hiệu, trải nghiệm khách hàng hoặc các dự án phát triển điểm đến.

Theo chị, đây chính là cơ hội để chị ứng dụng các kiến thức đã học và sáng tạo dựa trên những trải nghiệm thực tế, giúp duy trì lửa nghề và chuẩn bị khi ngành khách sạn quay trở lại mạnh mẽ hơn.

Camellia Dinh TUI BLUE
Theo chị Camellia, người làm trong ngành hospitality cần thực tế hơn, cân nhắc những phương án dự phòng cho bản thân.

Với hơn 10 năm kinh nghiệm giảng dạy, chương trình MBA của RMIT giúp học viên trau dồi chuyên môn trong kinh doanh và quản lý, mở rộng mạng lưới quan hệ chuyên nghiệp, tăng cường trải nghiệm quốc tế và trở thành nhà lãnh đạo tiềm năng. Ngày 7/8 tới đây, ĐH RMIT sẽ tổ chức hội thảo thông tin và workshop học thử trực tuyến trong chương trình MBA, vui lòng đăng ký tại đây để được trải nghiệm thực tế và tìm hiểu thêm về thông tin và học bổng của chương trình.