Nobel 2024: Khi AI “chiếm lĩnh” giải thưởng Vật lý và Hóa học | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Nobel 2024: Khi AI “chiếm lĩnh” giải thưởng Vật lý và Hóa học

Vì sao những nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo lại được trao giải Nobel Vật lý và Hóa học? Và còn gì đáng chú ý trong mùa Nobel 2024?
Nobel 2024: Khi AI “chiếm lĩnh” giải thưởng Vật lý và Hóa học

Nguồn: Britannica

Như vậy là Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển đã công bố toàn bộ 9 cái tên là chủ nhân của giải thưởng Nobel trong lĩnh vực Vật lý, Hóa học, Y học, Văn học, Hòa bình và Kinh tế. Gây bất ngờ nhất trong danh sách này phải kể đến Han Kang - nữ nhà văn Hàn Quốc nổi tiếng với các tác phẩm The Vegetarian, Human Acts hay The White Book. Bà đồng thời là nữ nhà văn châu Á đầu tiên nhận giải Nobel Văn chương.

Bên cạnh chiến thắng đầy bất ngờ của Han Kang trong lĩnh vực Văn học, có điều gì đáng chú ý trong 5 lĩnh vực còn lại ở Nobel năm nay? Xin được bật mí trước, 5 người chiến thắng giải Nobel Vật lý và Hóa học đều nhờ các công trình nghiên cứu liên quan đến… trí tuệ nhân tạo.

Giải Nobel Vật lý: John J. Hopfield và Geoffrey E. Hinton

Geoffrey E. Hinton, người được mệnh danh là “cha đẻ của AI” cùng cộng sự là John J. Hopfield đã đoạt giải Nobel Vật lý năm 2024 nhờ công trình nghiên cứu đặt nền móng cho công nghệ AI hiện đại. Công trình này được họ tiến hành từ những năm 80, dựa trên các khái niệm vật lý để phát triển một mạng neuron nhân tạo - “thủy tổ” dẫn đến sự phát triển của AI ngày nay.

Bản thân Hinton rất bất ngờ khi biết mình trúng giải. Nhiều người xem trực tuyến tại kênh YouTube của Viện Hàn lâm Thụy Điển cũng để lại bình luận thắc mắc rằng, vì sao giải Nobel Vật lý lại được trao cho một nhà khoa học máy tính. Tuy nhiên với cộng đồng nghiên cứu khoa học, điều này không có gì quá bất ngờ.

15oct2024johnhopfieldandgeoffreyhinton1728455247jpg
John J. Hopfield (trái) và Geoffrey E. Hinton (phải). | Nguồn: Reuters

Theo Elena Simperl, giáo sư khoa Công nghệ thông tin tại King’s College London (Anh), AI đóng vai trò lớn trong công cuộc biến đổi phương pháp nghiên cứu khoa học, và đây là điều không thể xem thường. “Giải Nobel ghi nhận điều này, đồng thời công nhận vai trò của những phương pháp liên ngành trong ngành máy tính cao cấp”, bà Elena nhấn mạnh.

Giải Nobel Hóa học: David Baker, Demis Hassabis và John M. Jumper

Có thể nói, trí tuệ nhân tạo thực sự “xâm chiếm” giải Nobel năm nay. Bởi ngoài hạng mục Vật lý, có tới 3 cái tên được xướng lên trong hạng mục Hóa học, và cả 3 cùng được giải nhờ công trình liên quan đến trí tuệ nhân tạo.

Nhà hóa học Mỹ David Baker thắng giải nhờ công trình nghiên cứu, phát triển một công cụ dự đoán protein do AI điều khiển tên RoseTTAFold. Trong khi đó, Demis Hassabis và John M. Jumper đã phát triển thành công một hệ thống AI giải quyết được bài toán dự đoán cấu trúc protein làm đau đầu giới khoa học suốt 50 năm nay. Hassabis và Jumper đều là thành viên của DeepMind, công ty con của Google chuyên nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo.

15oct2024davidbakernobelprizephonecallwithdemishassabisandjohnjumperjpeg
David Baker trả lời phỏng vấn tại nhà riêng sau khi đạt giải thưởng Nobel Hóa học 2024. | Nguồn: UW Medicine

Câu hỏi đặt ra là, liệu AI có thực sự liên quan đến hóa học hay không? Trang tin Euro News nhận định, theo các tiêu chí trao giải của Nobel thì hoàn toàn có liên quan. Bởi trường hợp này nó là hóa học tính toán, sử dụng mô phỏng máy tính (computer simulation) để giải quyết các vấn đề hóa học phức tạp.

Giáo sư hóa học Andy Cooper đến từ Đại học Liverpool (Anh) cũng nhận định, việc sử dụng AI để dự đoán cấu trúc protein là một bước tiến lớn trong lĩnh vực sinh học, y học và hơn thế nữa. “AI cũng sẽ tác động đến các khía cạnh khác của hóa học, nhưng sẽ đặc biệt ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực nghiên cứu protein”, giáo sư Cooper chia sẻ.

15oct2024screenshot20241015091148jpg
John M. Jumper (trái) và Demis Hassabis (phải) - hai thành viên Google Deepmind. | Nguồn: Financial Times

Giải Nobel Y học: Victor Ambros và Gary Ruvkun

Victor Ambros và Gary Ruvkun đã được trao giải Nobel Y học 2024 nhờ công trình nghiên cứu về cơ chế điều hòa gene mới thông qua microRNA. Đây được coi là bước đột phá trong lĩnh vực sinh học phân tử, mở ra những nghiên cứu mới về vai trò của microRNA.

Đối với Victor Ambros, giải thưởng này là sự ghi nhận cho cách làm khoa học, chứ không dành cho một nhà khoa học cụ thể nào. “Với động lực là sự tò mò, chúng tôi thực hiện nghiên cứu về một hiện tượng di truyền phức tạp, và hy vọng sẽ có thêm chút kiến thức về cơ chế hoạt động của nó. Thật tuyệt vời khi những phát hiện này đủ khiến mọi người quan tâm”, ông chia sẻ.

15oct2024mnnobelprizejpg
Victor Ambros (trái) & Gary Ruvkun (phải). | Nguồn: New York Times

MicroRNA (hay miRNA) là phân tử ARN nhỏ không mã hóa, được bảo tồn một cách đáng kể ở cả thực vật, động vật và là thành phần tiến hóa quan trọng của quy luật di truyền.

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, việc microRNA phát triển bất thường góp phần dẫn đến mất thính lực bẩm sinh, rối loạn mắt và xương, cũng như một số loại ung thư. Do đó, công trình này có tầm quan trọng đáng kể trong tiến trình nghiên cứu và xử lý các bất thường về gene ở người.

Giải Nobel Hòa bình: Nihon Hidankyo

Đây là tổ chức do các hibakusha (những người sống sót sau hai trận ném bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki) thành lập năm 1956 nhằm thuyết phục chính phủ Nhật tăng cường hỗ trợ cho các nạn nhân, cũng như loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân.

“Tình hình quốc tế đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn, và chiến tranh đang nổ ra trong bối cảnh các quốc gia đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân”, ông Shigemitsu Tanaka, đồng sáng lập nhóm Nihon Hidankyo phát biểu ngày 12/10.

15oct2024nobelhoabinh17287445222411610280487jpg
Ông Shigemitsu Tanaka bật khóc khi biết tin Nihon Hidankyo nhận giải Nobel Hòa bình 2024. | Nguồn: Báo Tiền Phong

Trang Reuters nhận định, việc giải Nobel Hòa bình được trao cho Nihon Hidankyo vừa mang ý nghĩa tri ân những người sống sót, vừa là lời cảnh tỉnh trong bối cảnh hiện tại. Bởi hôm 26/9, điện Kremlin thông báo cập nhật học thuyết hạt nhân của Nga, cho phép quốc gia này dùng vũ khí hạt nhân chống lại các nước không có vũ khí hạt nhân khi những nước này được các cường quốc hạt nhân hậu thuẫn. Iran cũng đang cân nhắc làm điều tương tự nếu Israel tấn công các cơ sở nguyên tử của nước này.

Giải Nobel Kinh tế: Daron Acemoglu, Simon Johnson và James A. Robinson

Giải Nobel Kinh tế được thêm vào năm 1968, nhân kỷ niệm 300 năm thành lập Ngân hàng Trung ương Thụy Điển - đơn vị tài trợ cho giải thưởng này. Năm nay, 3 nhà khoa học Mỹ chiến thắng giải thưởng này nhờ những nghiên cứu về các thể chế xã hội và sự thịnh vượng.

Daron Acemoglu và Simon Johnson hiện công tác tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT), còn James A. Robinson công tác tại Đại học Chicago. Cả ba đều là tác giả nhiều cuốn sách nổi tiếng về kinh tế học, trong đó có Quyền lực và Tiến bộ (Power and Progress) Vì sao các quốc gia thất bại (Why Nations Fail) khá quen thuộc với độc giả Việt Nam.

15oct2024screenshot20241015091847jpg
Từ trái qua: Daron Acemoglu, Simon Johnson và James A. Robinson. | Nguồn: Boston Globe

Theo Chủ tịch Ủy ban giải thưởng Nobel Kinh tế Jakob Svensson, nghiên cứu của 3 nhà khoa học đã chỉ ra tầm quan trọng của thể chế xã hội với sự thịnh vượng của một quốc gia. Theo đó, xã hội nào có thể chế và luật lệ càng lỏng lẻo, thì càng khó tạo ra sự tăng trưởng hoặc thay đổi theo chiều hướng tốt hơn.

“Thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa các nước là một trong các thách thức lớn nhất hiện tại. Các nhà khoa học trên đã chứng minh được tầm quan trọng của thể chế xã hội trong giải quyết việc này”, ông Jakob Svensson nhận định.