Nobel văn học 2023 và Jon Fosse: Một sự vinh danh thuần tuý văn chương | Vietcetera
Billboard banner
10 Thg 10, 2023
Sáng TạoTruyền Thông

Nobel văn học 2023 và Jon Fosse: Một sự vinh danh thuần tuý văn chương

Nếu như văn chương có một nhiệt độ thì địa giới văn chương nhiệt độ của Fosse hẳn luôn ở độ âm. Ông là một nhà kể chuyện băng giá, văn chương ông khan hiếm tính từ và hạn hán cảm xúc.
Nobel văn học 2023 và Jon Fosse: Một sự vinh danh thuần tuý văn chương

Nguồn: CNN

Sau khi cái tên Jon Fosse được xướng lên tại buổi công bố giải thưởng Nobel Văn chương năm 2023, ngay trên Facebook chính thức của giải thưởng này, có một cuộc bình chọn nho nhỏ với câu hỏi: “Bạn đã đọc bất cứ thứ gì của Jon Fosse chưa?” (Không phải bất cứ tác phẩm nào, mà là bất cứ thứ gì).

Chỉ 8% số người tham gia bình chọn trả lời “Có”. 92% còn lại thừa nhận chưa từng đọc bất-cứ-thứ-gì của nhà văn, nhà soạn kịch người Na-uy. Người viết bài cũng phải thừa nhận rằng trước khi Fosse được vinh danh, thứ duy nhất tôi đọc của ông là một đoạn trích dịch ngắn trong tập novella Aliss at The Fire trên một tạp chí văn chương phi lợi nhuận.

Thế nhưng, Fosse là một trong những nhà soạn kịch lớn của thế giới hiện nay, với hơn 1000 lần được chuyển thể trong hơn 50 ngôn ngữ khác nhau, dẫu cho con đường này không phải lựa chọn ban đầu của ông.

Sân khấu tối giản của Jon Fosse

Trong một vở kịch ngắn mang tên Rambuku lấy bối cảnh ở một căn phòng khách nọ, có hai cặp vợ chồng già đang mặc áo khoác dày và đeo một chiếc túi nhỏ. Người vợ thở than về việc đã bao năm nay, họ luôn ở đây, năm này qua năm khác, nhưng người chồng chẳng nói một câu, chẳng chịu làm gì, chỉ đứng yên, nhìn quanh quất.

Để thay đổi cuộc đời, bà quyết định hôm nay, họ sẽ đi Rambuku. Bà tưởng tượng ra Rambuku là vùng đất của thiên thần, của cây cối, của trời xanh mây trắng, nơi có những con người thân quen của cả hai. Bà độc thoại liên tục về trạng thái trì trệ của họ, về hứa hẹn của Rambuku, trong khi người chồng không hé nửa lời, ông chỉ bắt đầu lên tiếng khi bà ra lệnh cho ông đọc theo lời bà.

Một vở kịch tối giản, chỉ cần ba diễn viên cho hai vợ chồng và nhân vật Rambuku sẽ xuất hiện về cuối. Những câu thoại sử dụng thứ ngôn ngữ tưởng chừng không thể đơn giản hơn, ngay cả một đứa trẻ mới biết đọc cũng hiểu được.

Thế nhưng dưới vỏ ngôn từ trong suốt ấy, câu chuyện cứ ngày một trở nên kỳ quặc. Rambuku là một vùng đất hay một con người? Rambuku có thật hay chỉ là một tưởng tượng văn chương? Thậm chí ta phải tự hỏi liệu Rambuku có phải miền đất của cái chết hay thần chết?

alt
Nguồn: The Guardian

Không cần bất cứ một đạo cụ khó kiếm hay một hiệu ứng đắt đỏ nào, vở kịch tối giản về mọi mặt này hoàn toàn có thể được dựng trong bất cứ điều kiện sơ sài, thiếu thốn nào, ấy vậy mà dường như nó lại đi được vào tận cùng lõi sống của con người. Và không chỉ vở kịch này, mà rất nhiều vở kịch khác của Fosse đều như thế.

Ông tước đoạt mọi bóng bẩy của đời sống hiện đại, cắt đứt con người khỏi tiện nghi và đặt họ vào một vùng như thể chân không - dù là căn phòng khách của Rambuku, con thuyền không rõ có thực là thuyền trong vở Sea hay trước một ngôi mộ trong Dream of Autumn.

Sự tối giản đó cho phép Fosse trở thành một nhà soạn kịch vô cùng năng suất, đôi khi, ông viết đến hai vở kịch chỉ trong một mùa hè. Ông viết hết vở nọ tới vở kia, nhưng kỳ thực, khi bắt đầu sự nghiệp văn chương, người thường được so sánh với những kịch tác gia vĩ đại như Henrik Ibsen hay đặc biệt là Samuel Beckett thừa nhận rằng ông đã đến với kịch vì… tiền.

Beckett của thế kỷ 21

Năm 1992, ông được mời viết một vở kịch cho Sân khấu Quốc gia Bergen, và ông nhận lời bởi thù lao quá hậu hĩnh. Kết quả là ông viết ra Someone Is Going To Come, một vở kịch kể về hai con người yêu nhau, rời bỏ thành phố để đến sống ở một ngôi nhà hẻo lánh nơi biển cả xa xôi.

Về mặt thân xác, họ đã thoát khỏi đồng loại, nhưng tâm hồn thì không. Lúc nào họ cũng lo lắng về việc, có người nào đó đang tới. Và ngay từ vở kịch đầu tiên, Fosse đã đặt định ra một lối viết còn theo ông đến mãi về sau: những câu thoại lặp đi lặp lại như một mê cung, những câu thoại thoạt trông giản dị như một viên sỏi tầm thường nhưng khi liên tục được nhắc lại, chúng cộng dồn lại thành một bao tải đá đè lên sự tồn tại của con người.

Sự phi lý, nỗi cô đơn, trạng thái ngóng đợi về một điều gì đó sẽ diễn ra nhưng chưa biết khi nào mới diễn ra trong các vở kịch của Fosse khiến người ta liên tưởng nhiều tới Samuel Beckett - kịch tác gia từng đoạt giải Nobel văn chương 1969.

Bản thân Fosse cũng say mê Beckett. Ông nói đã xem các vở của Beckett từ khi còn chưa quen thuộc với sân khấu, và những ký ức về chúng vẫn mãi vương vấn theo ông. Dẫu vậy, nếu như những vở kịch của Beckett có một hàm lượng nhất định các trao đổi về triết học, kịch của Fosse không hề như thế. Bộ ngôn ngữ của Fosse quá gọn gàng để nói về một vấn đề lằng nhằng như triết học.

Ông từng bàn về sự chán ghét những ngôn từ cồng kềnh trong cuốn novella (tiểu thuyết ngắn) Aliss at The Fire: “... bởi vì nếu có một điều gì đó anh không thích thì nó là những từ ngữ lớn lao, chúng chỉ dối trá và che đậy mọi sự, những từ ngữ lớn lao ấy, chúng không để cho những thứ đích thực sống và thở, mà chỉ đánh mất nó vào một điều gì đó muốn tỏ ra lớn lao [...] anh thích những gì không muốn trở nên lớn lao, cô nghĩ, trong đời sống, trong mọi thứ…”

alt
Nguồn: Kompas

Vậy mà qua thứ ngôn từ không-muốn-tỏ-ra-lớn-lao, thứ ngôn ngữ mà trẻ con cũng hiểu, Fosse lại có khả năng khiến cho ta cảm thấy ngay cả việc mình ở đây cũng là một điều quái đản. Chẳng hạn như câu thoại này trong vở Girl in Yellow Raincoat: “Không thể nào không ở đâu cả. Cho nên tôi ở đây. Ai cũng phải ở đâu đó. Và thật tốt được ở đây. Mọi thứ đều như nó nên vậy. Ở đây.”

Việc định vị toạ độ sống trở thành một vấn đề cốt yếu trong kịch của Fosse. Ông thường xuyên băn khoăn về việc “không ở đâu cả” có phải cũng là “một nơi nào đó”, về việc ta bị mắc kẹt “ở đây” - ở chốn mà ta đang hiện hữu, và không thể nào khác được.

Văn chương bên vịnh fjord

Một trong những từ ngữ thường lặp đi lặp lại liên tục trong văn chương của Fosse, đó là fjord. Fjord là từ mô tả một vịnh hẹp, dài được tạo nên bởi những dòng sông băng - đó là một địa hình quen thuộc ở miền đất Bắc Âu lạnh giá. Lớn lên trong một ngôi làng nhỏ bên một fjord, Fosse tìm thấy một niềm cảm hứng bất tận từ phong cảnh ấy.

Trong cuốn novella Aliss at The Fire, một người phụ nữ xuất hồn lại cái ngày mà chồng cô ra ngoài như mọi ngày và rồi mất tích trên con thuyền con giữa vịnh fjord, hay trong một tiểu thuyết ngắn khác, And Then My Dog Will Come Back, một người đàn ông bị mất con chó, đi tìm con chó, và rồi biết được con chó đã bị một người khác giết, thế rồi đêm hôm đó, anh trèo lên con thuyền bơi xuyên vịnh fjord để giết kẻ giết chó tại nhà của y.

Ngay cả trong cuốn tiểu thuyết đồ sộ dài 7 tập được viết dưới dạng 1 câu duy nhất của mình, người kể chuyện cũng là một hoạ sĩ già sống một mình bên fjord. Đó chỉ là ba trong số vô vàn ví dụ về fjord ẩn hiện trong văn chương của Fosse. Fjord - khi thì là kẻ lấy mạng người, khi thì lối đi cho kẻ lấy mạng người, fjord không chỉ là một phong cảnh, fjord là trạng thái sống u buồn vĩnh cửu của con người.

Nếu như văn chương có một nhiệt độ thì địa giới văn chương nhiệt độ của Fosse hẳn luôn ở độ âm. Ông là một nhà kể chuyện băng giá, văn chương ông khan hiếm tính từ và hạn hán cảm xúc.

Chúng được tạo thành chủ yếu nhờ những chuỗi hành động nối tiếp nhau, từng hành động một đều vô cùng tỉ mỉ, thậm chí là những chuỗi hành động lặp đi lặp lại đến khi ta thậm chí không còn biết ai đang làm gì, ai là hiện thực và ai là ảo ảnh, nhưng tuyệt nhiên lược bỏ mọi rườm rà xúc cảm.

Đó là thứ văn chương chỉ có thể sinh ra trong một cây bút đã lớn lên trong cái lạnh triền miên, trong những buổi chiều tối om và những mùa đông thê lương không có ánh mặt trời. Các nhân vật của ông thường là những người sống trong cùng một gia đình, hoặc cùng một thị trấn, những con người sinh ra ở đấy và không có dấu hiệu gì là một lúc nào đó họ sẽ rời đi.

alt
Nguồn: The New York Times

Thậm chí trong Aliss at The Fire, tuy có rất nhiều nhân vật: cụ cố, cụ, ông - bà, cha - mẹ, con trai - con dâu, nhưng họ chỉ chia sẻ chung một cuộc đời, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Họ đều sống ở đây rồi chết ở đây, thậm chí chết theo cùng một cách. Họ dẫm lên đời nhau, và lặp lại một cuộc đời hết lần này tới lần khác.

Tập novella kết thúc lửng lơ, không có một dấu chấm, phải chăng ngụ ý rằng đời sống vẫn sẽ tiếp diễn như vậy, không có điểm dừng?

Một sự vinh danh thuần tuý văn chương

Không bất ngờ gì về việc ngay khi tin tức Jon Fosse được trao giải thưởng danh giá nhất của văn chương, đã có những lời chỉ trích Nobel. Lại là một người đàn ông ư? Lại là một người đàn ông da trắng nữa ư? Nobel quả thực không quan tâm tới những phong trào chính trị đương thời à?

Thực tế, có rất nhiều nhà văn nữ và nhà văn nữ da màu xứng đáng được vinh danh Tàn Tuyết, Yoko Tawada, Jamaica Kincaid, Lyudmila Ulitskaya,... Họ đều vĩ đại theo cách của riêng mình, và ta chờ một ngày Nobel tôn vinh họ. Nhưng điều đó không có nghĩa Fosse không xứng đáng, và hội đồng chấm giải Nobel không đáng kính trọng.

Khi thực sự đọc các tác phẩm của Fosse và suy nghĩ về quyết định vủa Viện Hàn Lâm Thuỵ Điển, ta có thể nghĩ về những giám khảo trao giải cho Fosse như người quản gia trung thành trong tiểu thuyết Tàn ngày để lại của Kazuo Ishiguro - một nhà văn cũng từng đoạt giải Nobel văn chương. Họ là những người quản gia của lâu đài văn chương, họ tận tuỵ với công việc của mình, đôi khi là tận tuỵ đến mù quáng.

Mặc dù, nếu nhìn một khung cảnh rộng lớn hơn thì ta có thể khiển trách họ vì đã làm lơ đại cục xã hội, nhưng trong khuôn khổ công việc chuyên môn, họ vẫn luôn đáng kính. Họ đã trao giải cho Fosse, chẳng vì gì cả, chỉ vì với họ, người chủ đích thực duy nhất, là văn chương.