Quản lý tài chính cá nhân: Làm gì để tiền không "chết"? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

Quản lý tài chính cá nhân: Làm gì để tiền không "chết"?

Cũng như việc yêu trong thơ Xuân Diệu, đồng tiền bất động là đồng tiền đã chết trong lòng một nửa.
Quản lý tài chính cá nhân: Làm gì để tiền không "chết"?

Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

120 ngàn đồng là số tiền xăng anh bạn tôi có thể làm đầy bình chiếc Vespa GTS 125 hồi đầu năm 2022. Sau chỉ 6 tháng, con số này chạm mốc gần 200 ngàn đồng - tăng khoảng 1,67 lần.

Rồi từ chuyện xăng nhớt anh ngẫm về số tiền mình để nguyên trong tài khoản nhiều năm (không gửi tiết kiệm). Bạn tôi giật mình nhận ra khoản tiền ấy không còn mang lại cảm giác “đủ lớn” để nuôi kỳ vọng mua nhà (căn hộ chung cư nhỏ) đã đặt ra trong năm nay.

Tương tự anh, nhiều người tôi quen cũng đồng cảnh ngộ.

Họ làm lụng, tích lũy nhiều năm được một số tiền và để nguyên trong tài khoản. Nhiều năm sau, số tiền ấy lớn dần nhưng giá trị tài sản họ muốn mua cũng tăng dần. Cuối cùng, họ tiếp tục để dành và hình thành một vòng lặp “đi làm-tiết kiệm-đi làm” không hồi kết.

Tuy nhiên, giải pháp cho vấn đề này không khó. Quan trọng nhất là bạn cần hiểu khái niệm về tiền chết để tạo động lực “sống” cho nguồn tiền bằng các hình thức đầu tư có lãi suất tốt.

alt
Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Tiền chết là gì?

Tiền chết (dead money) là thuật ngữ chỉ nguồn tiền (thường là tiền mặt) không sinh lãi. Nói cách khác, tiền của bạn có thể không giảm đi nhưng chúng cũng không tăng lên.

Cũng có lúc tiền chết được gọi là "tiền không hiệu quả" hay "tiền lười biếng" - ám chỉ các nhà đầu tư không muốn hoặc không biết cải thiện khả năng sinh lời của nguồn tiền.

Tiền chết có thể xuất hiện dưới một số hình thức phổ biến sau:

  • Khoản tiết kiệm tiền mặt tại nhà

  • Các khoản đầu tư không tạo ra cổ tức hoặc tăng trưởng
  • Một số quỹ trái phiếu không hiệu quả, rủi ro cao
  • Các khoản đầu tư phi giao dịch kém thanh khoản và kém hiệu quả (bất động sản, công ty hợp danh hữu hạn, đầu tư tư nhân, khoản niên kim..)

Còn như trường hợp người bạn tôi kể ở trên, với một khoản tiền từng "ngủ đông" nhiều năm trong tài khoản có lãi gửi thấp, cũng là một biểu hiện chết của tiền.

Xác định tiền chết như thế nào?

Có ba yếu tố chính tác động đến việc xác định giá trị đồng tiền có chết hay không. Đó là khả năng sinh lời tiềm năng, yếu tố lạm phát và các rủi ro thị trường

Trong đó, mức độ “chết” của tiền thường được xét ở giá trị dòng tiền về mặt thời gian - gọi tắt là giá trị thời gian của tiền.

Cụ thể, một khoản tiền, hay một số lượng tiền nhất định sẽ có giá trị thay đổi có thể tăng do sinh lời hoặc giảm do lạm phát dựa trên cách sử dụng tiền.

Ví dụ như ngày hôm nay bạn có 1 triệu đồng đem đầu tư hoặc cho vay với lãi suất 9%/năm thì sau 1 năm sẽ nhận được số tiền là 1,09 triệu đồng. Nói cách khác, 1 triệu đồng ngày hôm nay có giá trị tương đương với 1,09 triệu đồng sau 1 năm mới nhận được nếu lãi suất là 9%/năm.

Như vậy, giá trị hiện tại của tiền và giá trị tương lai của tiền là không giống nhau.

Vì thế, để có các chiến lược làm sống dòng tiền thật sự hiệu quả, bạn cần tìm đến công thức tính giá trị hiện tại và giá trị tương lai của tiền để có cái nhìn tổng quan.

Giá trị hiện tại của dòng tiền (Present Value of Money - viết tắt là PV)

Khái niệm này chỉ giá trị hiện tại của một khoản tiền hoặc dòng tiền trong tương lai với tỉ lệ chiết khấu xác định.

PV cho bạn biết được khoản tiền này trong tương lai sẽ có giá trị như thế nào, mức độ sinh lời ra sao. Từ đó, bạn có sự phân bổ nguồn tài chính phù hợp, đồng thời hạn chế những rủi ro từ thị trường.

Một số khái niệm khác có liên quan đến PV là: dòng tiền đều, giá trị hiện tại thuần (net present value).

alt

Ví dụ như bạn muốn bắt đầu một công việc kinh doanh nhỏ trong vài năm tới. Bạn ngồi xuống và băn khoăn không biết hôm nay bạn có gửi tiền vào ngân hàng không. Vậy bạn cần đặt cọc bao nhiêu tiền để 10 năm sau nhận được 60 triệu? Giả sử lãi suất tiết kiệm của ngân hàng là 9%.

Chúng ta có thể tính toán nó như sau: PV = 60/(1+0,09)^10 = 25,34 (triệu đồng). Như vậy chúng ta sẽ gửi khoảng 25,34 triệu đồng thì bạn sẽ nhận được 50 triệu sau 10 năm.

Giá trị tương lai của tiền (Future Value of Money - viết tắt là FV)

Giá trị tương lai của tiền được hiểu là giá trị có thể nhận được tại một thời điểm trong tương lai bao gồm số vốn gốc và toàn bộ tiền lãi tính đến thời điểm đó.

Khái niệm này có thể áp dụng ở nhiều mục đích, như tính giá trị các khoản đầu tư sau một khoản thời gian, số lần trả góp trên số tiền vay hoặc số tiền tiết kiệm cần thiết để đạt được mục tiêu tài chính với mức lãi suất được đưa ra.

alt

Việc xác định FV của một tài sản có thể phức tạp, tùy thuộc vào loại tài sản. Cần lưu ý rằng công thức tính FV dựa trên giả định về tốc độ tăng trưởng ổn định.

Nếu tiền được gửi vào tài khoản tiết kiệm với lãi suất đảm bảo thì giá trị tương lai rất dễ xác định chính xác. Ngược lại, đầu tư vào thị trường chứng khoán hoặc các loại chứng khoán khác có lợi nhuận biến động nhiều hơn có thể gặp khó khăn lớn hơn.

alt
Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Làm sao để tiền sống mãi?

Nếu đang có những khoản tiền chết, giải pháp tốt nhất cho bạn vẫn là đầu tư và theo sát các kế hoạch quản lý tài chính.

Cũng như người bạn được tôi đề cập ở trên, bạn có thể bắt đầu từ những việc đơn giản nhất. Đầu tiên là nắm rõ các khoản chi và tiết kiệm được theo ngày, tháng. Sau đó, tiến hành phân bổ hợp lý vào các danh mục đầu tư hoặc phân chia theo mô hình tháp tài sản.

Trong quá trình này, bạn có thể cân nhắc một số loại hình đầu tư phổ biến để nguồn tiền của mình được vận động như bảo hiểm liên kết, trái phiếu (doanh nghiệp), cổ phiếu hay mua vàng.

Ngoài ra, bạn cũng có thể tham khảo các hình thức đầu tư thú vị khác qua các bài viết tại series Đầu tư - Từ đâu của Vietcetera.