Rào cản “vô hình" nào đã cản trở người mẹ được thăng tiến trong sự nghiệp? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Rào cản “vô hình" nào đã cản trở người mẹ được thăng tiến trong sự nghiệp?

Liệu việc phụ nữ lui về phía sau cánh gà để chăm sóc con cái, gia đình là sự lựa chọn của chính họ hay là lựa chọn của xã hội?
Rào cản “vô hình" nào đã cản trở người mẹ được thăng tiến trong sự nghiệp?

Nguồn: Unsplash

Khi các phong trào bình đẳng giới ngày càng phát triển, ta đã thấy những ngoại lệ chưa từng có trước đây: Phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động hay các lĩnh vực vốn được gắn với nam giới như khoa học, chính trị, kinh tế,... Hệ thống pháp luật cũng dần ghi nhận các quyền bình đẳng của hai giới (ít nhất là trên mặt lý thuyết và văn bản).

Tuy nhiên, có một yếu tố không thay đổi đáng kể và vẫn ảnh hưởng đến phụ nữ đến tận bây giờ - quan niệm về vai trò giới của phụ nữ trong nhiệm vụ người chăm sóc (caregiver). Vậy, quan niệm này đã ảnh hưởng thế nào đến sự nghiệp của họ?

Trước đây tại sao phụ nữ ít có cơ hội phát triển sự nghiệp?

Trong thế kỉ trước, có nhiều lý do khiến phụ nữ được trả lương thấp hơn nam giới và có ít cơ hội thăng tiến, theo tập phim tài liệu Why Women Are Paid Less của Netflix:

  • Phụ nữ không được tạo điều kiện đi học nhiều bằng nam giới, và kể cả có đi học thì số lượng tín chỉ hay chất lượng bằng cấp vẫn không bằng đàn ông.
  • Phụ nữ chiếm một phần tương đối khiêm tốn trong lực lượng lao động.
  • Phụ nữ chủ yếu làm những công việc được gắn với “tính nữ” trong hệ nhị nguyên nam - nữ, chẳng hạn như các công việc chân tay đòi hỏi sự tỉ mỉ như may vá. Hệ thống pháp luật thời đó cũng củng cố điều này, thể hiện qua việc tuyển nhân sự thường ưu tiên nam giới và việc trả lương cho phụ nữ hoàn toàn ít hơn, nhưng những chính sách này đều không vi phạm pháp luật.
  • Yếu tố cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, là những định kiến về vai trò giới trong xã hội, như phụ nữ gắn với khu vực tư (dạy học, buôn bán) và nam giới gắn với khu vực công (quân đội, luật pháp).

Định kiến qua đi, nhưng kỳ vọng của xã hội vẫn còn đó

Kể cả khi phụ nữ đã làm luật sư, bác sĩ hay nhà khoa học…, phần lớn xã hội phần kì vọng nữ giới làm hầu hết các công việc liên quan đến nuôi dạy trẻ. Theo một khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew, 1/3 người tham gia tin rằng, phụ nữ có con không nên đi làm để có thể chăm sóc tốt nhất cho đứa trẻ. Hơn ⅓ còn lại đồng ý với quan điểm phụ nữ có con chỉ nên làm những công việc bán thời gian.

Tuy nhiên, góc nhìn đối với vai trò của người cha lại có sự tương phản lớn. 70% số người tham gia nghiên cứu cho rằng kể cả khi đứa trẻ còn nhỏ, người cha vẫn nên làm việc toàn thời gian. Những số liệu này cho thấy, vai trò chăm sóc được gắn liền với người mẹ hơn hẳn người bố.

Cũng trong báo cáo của Pew, 64% lao động nữ với con nhỏ hơn 6 tuổi vẫn đi làm hoặc kiếm việc, và 70% trong số đó làm công việc toàn thời gian, nhưng chỉ có 12-16% người trong số họ nghĩ rằng mình nên làm thế.

Ảnh hưởng đến sự thăng tiến của phụ nữ

Những kỳ vọng của xã hội gián tiếp khiến phụ nữ tăng gấp 4 lần khối lượng công việc: Việc nhà, việc công ty, chăm sóc con cái và việc cân bằng cả 3 yếu tố trên. Điều này tất yếu ảnh hưởng đến sự thăng tiến của phụ nữ.

Các công việc chăm sóc đã khiến 42% phụ nữ phải giảm giờ làm, 39% phải nghỉ làm nhiều giờ, 27% bỏ việc và 13% từ chối cơ hội thăng chức. Những con số trên so với nam giới vẫn cao hơn đáng kể, lần lượt là 28%, 24%, 10% và 10%.

Việc có con cũng ảnh hưởng tiêu cực đến thu nhập của phụ nữ. Theo nghiên cứu Children and Gender Inequality: Evidence from Denmark, những người mẹ đi làm có lương thấp hơn hẳn những người bố đi làm và thậm chí thấp hơn những lao động nữ không/ chưa có con.

Việc họ được trả lương thấp hơn không chịu ảnh hưởng trực tiếp từ yếu tố giới, mà từ việc làm mẹ. Xu hướng ảnh hưởng đến thu nhập này được gọi là “Sự trừng phạt cho việc làm mẹ” (Motherhood Penalty).

alt
Nguồn: Unsplash

Tuy nhiên cần chú ý rằng, lựa chọn công việc của họ đến sau lựa chọn lập gia đình và có con cái. Trong những trường hợp này, có thể coi rằng “chênh lệch tiền lương” là một ảnh hưởng đi kèm với việc lựa chọn, chứ không hẳn là một sự “trừng phạt”, tức là người phụ nữ chủ động và hài lòng với nó.

Ngược lại, ta cũng có thể đặt câu hỏi: Liệu sự chủ động này rơi vào trường hợp nào? Là mong muốn độc lập của phụ nữ hay niềm tin vào một vai trò giới đã được gieo trồng xuyên suốt quá trình họ lớn lên?