Reading slump – Căn bệnh chán đọc không đáng sợ như bạn nghĩ | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
11 Thg 04, 2021
Tâm Lý Học

Reading slump – Căn bệnh chán đọc không đáng sợ như bạn nghĩ

Cho dù có yêu đọc sách đến đâu thì vẫn sẽ có một thời điểm nào đó, bạn cảm thấy chán. Nguyên nhân và cách thoát khỏi "bệnh chán đọc" (reading slump) này là gì?
Reading slump – Căn bệnh chán đọc không đáng sợ như bạn nghĩ

Nguồn: Linh Thảo @in_praire cho Vietcetera.

Kệ sách của bạn ngày càng nhiều lên. Những tựa sách muốn mua ngày càng dài dằng dặc. Thể loại nào nhìn cũng muốn gom hết về, nhưng bạn lại chẳng thực sự muốn mở ra đọc? Xin chia buồn, đây là những triệu chứng điển hình đầu tiên của "bệnh chán đọc" – reading slump. Và chúc mừng, vì chắc chắn bạn không phải người duy nhất.

Reading slump là gì?

Giải thích nôm na thì đây là "bệnh chán đọc", tình trạng trì trệ khi đọc sách. Còn theo cách nói hoa mỹ thì đây chính là cơn ác mộng tồi tệ nhất đối với những người mê đọc sách.

Cho dù có là người yêu sách đến đâu thì vẫn sẽ có một thời điểm nào đó, bạn cảm thấy lười đọc đột ngột. Cảm giác này có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, thậm chí là ngay khi bạn đang ở lưng chừng một cuốn sách mới.

Hoàn toàn ngẫu nhiên, không dấu hiệu, không lý do. Chỉ rõ ràng nhất là bạn không còn chút hứng thú nào với việc đọc nữa. Mà nếu có cố gắng thì chữ cũng sẽ chạy từ não phải sang não trái, trước khi biến mất ở một nơi nào đó ngoài bộ nhớ. Và kết quả là bạn cứ ở mãi một trang, đọc đi đọc lại một dòng và không thể nào cắt nghĩa được câu đó là gì.

Tình trạng chán đọc từ đâu mà có?

Muốn thì tìm cách, không muốn thì tìm lí do. Đối với chứng chán đọc này cũng vậy, có hàng trăm lí do một người có thể nghĩ đến. Vậy nên tôi sẽ liệt kê ra một vài ví dụ điển hình từ kinh nghiệm cá nhân.

Reading slump 1
Reading slump - tình trạng trì trệ khi đọc sách, hoặc "chán đọc", có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, dù bạn đang ở lưng chừng hay đã kết thúc một quyển sách.

1. Quá nhiều sự lựa chọn

Nghe có vẻ khôi hài nhưng sự thật là khi có quá nhiều thứ khiến bạn không thể đưa ra lựa chọn, bạn sẽ có xu hướng né tránh nó hoặc quay lại với những lựa chọn cũ – bởi vì bản năng của chúng ta là luôn ưu tiên những gì quen thuộc.

Trong một buổi thử nghiệm tại tiệm tạp hóa, 24 loại mứt đã được bày ra để mọi người có thể thử nhằm tăng doanh số bán hàng, thế nhưng kết quả là chẳng ai mua cả. Thay vào đó việc chỉ bày ra 6 loại lại hiệu quả hơn.

2. Quá ít quyển sách đủ sức hút

Bạn đọc càng nhiều, tiêu chuẩn của bạn lại càng rõ ràng và chi tiết, kết quả là càng ít tựa sách đáp ứng được mong đợi của bạn. Nhất là khi những quyển sách bạn đã đọc lại là những quyển nổi bật nhất của thể loại đó.

Ngoài ra, những người đã đọc nhiều sẽ càng dễ rơi vào déjà vu thường xuyên hơn, khi các cốt truyện và tình tiết dần tạo cảm giác tương tự nhau. Mỗi lần như vậy, bạn sẽ lại mất đi cảm hứng tiếp tục.

3. Dư âm từ "người cũ"

Hoàn toàn có thể nếu quyển sách bạn vừa kết thúc quá đỗi xuất sắc, đến mức bạn vẫn còn lạc trong câu chuyện và mê cung cảm xúc của nhân vật. Trải nghiệm này trong tâm lý học gọi là emotional transportation (sự chuyển dịch cảm xúc).

Hơn thế, dư âm nó để lại không chỉ là sự hụt hẫng, mà còn tạo nên chiếc thước đo vô hình bạn mang đi áp dụng cho mọi lựa chọn (thường là 2-3 tháng) sau đó. Tôi cũng từng không ít lần lâm vào tình trạng như vậy, và gần đây nhất là sau khi gấp lại cuốn "Đẹp và buồn" của Kawabata Yasunari.

4. Chuyển đổi thời đại số

Vẫn với quỹ thời gian 24h một ngày, nhưng danh sách chọn lựa của bạn lại dài ra đáng kể. Sự chuyển đổi thời đại tất yếu mang đến quá nhiều cám dỗ từ Facebook, Instagram hay Netflix, việc ta phải cắt bớt thời gian cho thói quen đọc cũng là điều dễ hiểu, và sự cắt giảm này sẽ dần định hình lại ưu tiên của bạn.

Reading slump 2
Ngoài những lý do từ phía nội dung sách, cuộc sống hiện đại liên tục khiến chúng ta phân tâm và giành mất thời gian đọc sách nghiêm túc.

Làm sao để thoát khỏi reading slump?

  • Tái lập lại thói quen bằng những cuốn sách ngắn hoặc hình nhiều hơn chữ.
  • Đọc lại một tựa sách cũ cũng là cách mà nhiều book blogger đề xuất. Hãy chọn một câu chuyện mà bạn cực kì yêu thích và chắc chắn không thể chán được dù đã đọc hàng triệu lần. Đơn giản nhưng hiệu quả, và với tôi đó luôn là "Lũ trẻ nhà Penderwick".
  • Thay đổi phương pháp đọc, có thể là địa điểm (thư viện, nhà sách, quán cafe), người bạn đọc cùng, hoặc thể loại mới. Với tôi, tham gia vào một thử thách đọc (reading challenge) nào đó thường sẽ mang lại hiệu quả.
  • Chia sẻ review trên Goodreads. Đặt ra cột mốc rõ ràng và đánh dấu mỗi khi hoàn thành chỉ tiêu sẽ khiến bạn ý thức được thành tích của mình, đồng thời biến nó thành một dạng động lực hằng ngày.
  • Hoặc để chúng tự biến mất, nghe có vẻ kì quặc nhưng thật sự đây là cách mà tôi thấy khả dĩ nhất.

Dù làm gì đi nữa thì quan trọng nhất là bạn không nên thúc ép bản thân. Bởi không chỉ việc đọc sách mà bất cứ sở thích nào đi nữa, một khi đã có sự ép buộc thì đều mất đi thú vui vốn dĩ.

Hãy cứ thử tưởng tượng xem một ngày đẹp trời, bạn sắp dọn lại căn phòng của mình thì đột nhiên mẹ xuất hiện và sai bảo điều bạn sắp làm mà xem. Dám cá là bạn sẽ muốn làm ngược lại thôi, vì đây vốn dĩ là tâm lý phản kháng chung của con người.