1. Shadowban là gì?
Hiểu một cách đơn giản, shadowban mô tả việc một mạng xã hội hay đơn vị trực tuyến nào đó hạn chế sự hiện diện của một người dùng mà không thông báo cho họ biết, thậm chí không cung cấp lý do tại sao.
Khi một tài khoản dính shadowban, người dùng tài khoản đó vẫn có thể đăng tải nội dung, bình luận vào các bài đăng, hay thực hiện các hành động khác trên mạng xã hội. Tuy nhiên, sẽ có rất ít người - hay thậm chí là không có ai - có thể đọc những nội dung hay bình luận của tài khoản đó.
Trong thời gian gần đây, thuật ngữ này phổ biến hơn bởi nhiều người cho rằng các mạng xã hội như Facebook, Instagram, hay TikTok đang ‘shadowban-ing’ những tài khoản đăng tải thông tin và hình ảnh về cuộc tấn công của Israel vào dải Gaza.
2. Nguồn gốc của shadowban?
Trong bối cảnh hiện nay, nhiều người sẽ nghĩ shadowban là một thuật ngữ thời internet khác giống post-truth, fudgel, hay digital nostalgia. Trên thực tế, khái niệm shadowban đã đồng hành cùng lịch sử mạng internet và lịch sử quản lý internet từ những năm 70 của thế kỷ trước, dưới những tên gọi khác nhau.
Theo nhà nhân học internet (internet anthropologist) Claire Evans, trước khi có khái niệm shadowban, những quản trị viên internet trên các phòng chat cũ, các forum “cổ đại” từ những năm 70 quen thuộc hơn với thuật ngữ “toading.”
Theo đó, mỗi thành viên trong phòng chat sẽ được đánh dấu là một tài khoản thực, và hành vi toading sẽ bỏ đánh dấu đi, khiến tài khoản “mất dấu” trở nên vô hình với các người dùng khác.
Từ toading của những năm 70, thế giới internet của những năm 80 tiếp nhận một khái niệm khác là “twit bit.” Khi một quản trị viên quyết định twit bit một người dùng, điều đó có nghĩa là quản trị viên đang hạn chế các hành vi tương tác của người dùng trên diễn đàn do người đó đã có những hành vi không phù hợp.
Bước sang những năm 90, sự chủ động “đánh chặn” ấy còn trở thành quyền hạn của từng thành viên trong diễn đàn hay phòng chat thông qua khái niệm “kill file.”
Kill file cho phép người dùng lập một danh sách những tài khoản (usernames) và những từ khóa (keywords) mà họ không muốn thấy - khá giống với chức năng mute của X. Tất nhiên, hệ thống sẽ không gửi thông báo tới những tài khoản trong danh sách đen rằng ai đó đã kill file họ.
Thuật ngữ shadowban thừa hưởng tất cả nét nghĩa và những trạng thái cảm xúc mà toading, twit bit, và kill file đã thể hiện. Trang tin The Verge cho rằng thuật ngữ này xuất hiện cùng với diễn đàn Something Awful.
Thành lập vào năm 1999 và ngày nay vẫn còn có thể truy cập, Something Awful là nơi ra đời của vô vàn những thuật ngữ internet thịnh hành ngày nay như “shadowban”, “AMA” (Ask me Anything), hay “spoiler alert.”
Cũng có những thuật ngữ mang nét nghĩa tương tự xuất hiện sau shadowban như “hell ban” hay “ghost ban.” Tuy nhiên tới nay, shadowban là thuật ngữ nổi bật nhất, xuất hiện trong văn hóa đại chúng, các nghiên cứu học thuật, phát ngôn của người nổi tiếng, thậm chí là cả những văn bản pháp luật về internet.
3. Tại sao shadowban phổ biến?
Nhìn chung, tất cả các mạng xã hội và diễn đàn trực tuyến hiện nay đều ít nhiều có một hệ thống shadowban tự động hóa bởi thuật toán. Từng có một thành viên của reddit độc thoại nguyên một năm trước khi nhận ra hệ thống vô tình đưa mình vào danh sách shadowban.
Trong những năm gần đây, ta nghe nhiều hơn về shadowban bởi sự gắn kết giữa các phong trào chính trị với thế giới mạng xã hội. Có những cuộc cách mạng diễn ra ở thế giới thực lẫn ở trên… mạng, những cuộc tuần hành phản đối trên đường phố đi đôi với những hashtag trên Instagram và X.
Mọi thứ không dừng lại ở giới hạn xem bài đăng, story, hay bình luận, mà còn mở rộng ra giới hạn hashtag, giới hạn trên thanh tìm kiếm, hạn chế trên feed và tính năng đề xuất, v.v.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump từng cáo buộc Twitter khi xưa đã shadowban tài khoản của ông cùng nhiều tài khoản khác của các đảng viên đảng Cộng hòa. Twitter sau đó đã chứng minh được rằng đó là một lỗi hệ thống, ảnh hưởng tới không chỉ ông Trump mà vô vàn người dùng của nền tảng.
Tuy nhiên, chính hành vi phủ định này vô tình ám chỉ rằng thực sự có một hệ thống shadowban mà ông Trump tưởng mình là nạn nhân nhưng hóa ra không phải.
Một số nghiên cứu còn chỉ ra rằng có những mạng xã hội làm ra các hệ thống shadowban khác nhau với những đối tượng khác nhau. Mạng xã hội WeChat của Trung Quốc là ví dụ hoàn hảo, khi nó tiến hành shadowban mạnh mẽ với các tài khoản đăng ký trong nước thông qua một danh sách từ khóa cấm, nhưng không làm điều tương tự với các tài khoản đăng ký ngoài nước.
Theo nhà nghiên cứu Gabriel Nicholas, thuật ngữ shadowban có sự mập mờ nhất định về nghĩa mặc dù nó là một thuật ngữ thông dụng. Trong nhiều trường hợp, khó mà có thể nói chính xác rằng một bài đăng, hay rộng ra là một người dùng đang bị shadowban, hay chỉ đơn giản là thay đổi thuật toán, hoặc nội dung đó không thu hút nên thuật toán không ưu tiên hiển thị.
Ông đề xuất nên nghĩ về shadowban như một hình tròn. Trong hình tròn đó, sẽ có những hành động nằm ở tâm hay gần tâm, tức những hành động chắc chắn là shadowban.
Khi ta đi càng xa tâm và vòng tròn càng rộng mở, ta sẽ bắt gặp những hành động có khả năng là shadowban trong trường hợp này nhưng lại không phải trong trường hợp khác, và cả những hành động tưởng như là shadowban nhưng thực ra không phải.
4. Cách dùng shadowban
Tiếng Anh:
A: My latest story about Israeli attacks on Gaza strips got 2 views after 20 hours. I have never seen this before.
B: Pretty sure you got shadowbanned.
Tiếng Việt
A: Sao đăng story về Israel tấn công dải Gaza mà sau 20 tiếng chỉ có 2 view là như nào nhỉ? Chưa bao giờ thấy kiểu này luôn.
B: Chắc là dính shadowban rồi đó bồ tèo ơi.